Hotline 24/7
08983-08983

Bé trai 12 tuổi bị chó cắn sẽ phải điều trị kéo dài 3-6 tháng

Bệnh nhi 12 tuổi ở Thanh Hóa bị chó cắn đứt tai, bị thương phức tạp vùng đầu mặt đã tỉnh táo nhưng còn mệt và nhợt nhạt. Việc tái tạo lại vùng da đầu và tai cho bệnh nhi cũng rất khó khăn.

Bé trai 12 tuổi bị chó cắn hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức - Ảnh: Tú Uyên

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thuộc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết bé trai N.V.T. (12 tuổi, ở Thanh Hoá) bị chó cắn gây nhiều tổn thương nghiêm trọng trên cơ thể đã mổ cấp cứu tại bệnh viện này. Qua 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã tỉnh táo nhưng còn mệt và nhợt nhạt, trẻ đã giao tiếp được, cử động chân tay và đang tập ăn qua miệng. Bệnh nhi cũng đã được tiêm phòng vắc-xin dại.

PGS Hà cho biết hiện bệnh nhi đang tiếp tục được theo dõi chấn thương sọ não và các tổn thương vùng bụng, ngực…. Các bác sĩ cũng đang theo dõi vạt da vá che vùng lộ sọ có sống hay không để sẽ thực hiện tái tạo lại da vùng da đầu cho bệnh nhân. "Với trẻ bị lột da đầu lộ cả xương sọ, nếu không kịp thời vá da che đi phần sọ có thể dễ dẫn đến viêm xương, nhiễm trùng, hoại tử xương sọ" - PGS Hà nói..

Trước đó, đêm 29/4, bệnh nhân N.V.T. được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương do chó cắn, vết thương phức tạp vùng đầu mặt, mất da đầu vùng đỉnh chẩm và hai tai và nhiều vết thương khác trên người. Lúc nhập viện, trẻ hoảng loạn, nhợt nhạt vừa qua cơn sốc lớn.

Trước khi mổ cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức phải mời các bác sĩ nhiều chuyên khoa khác, phối hợp để chẩn đoán chính xác tổn thương của trẻ. Phần nặng nhất được can thiệp cấp cứu là vết thương mặt và lóc da đầu cùng mất 2 tai. Giai đoạn cấp cứu, các bác sĩ đã thực hiện khâu vá tổn thương dập nát, cố gắng cứu qua giai đoạn này. Khoảng từ 3-6 tháng nữa, các bác sĩ sẽ thực hiện việc tái lại da đầu, và 2 vành tai.

Theo PGS Hà, việc tái tạo lại đôi tai khá phức tạp. Đây cũng là kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật thẩm mỹ. Bệnh nhân này có thể sẽ được tái tạo đôi tai từ lấy sụn tự thân hoặc dùng khung sụn vành tai đúc sẵn.

Từ những trường hợp bị chó cắn thời gian gần đây, các bác sĩ cũng lưu ý đối với các trường hợp bị chó cắn, nếu vết cắn chảy máu nhiều cần tập trung cầm máu, sau đó sát trùng vết thương. Khi rửa vết thương, cần rửa cùng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tất cả phần cơ thể bị đứt rời rơi ra ngoài, hãy vận chuyển đến bác sĩ cùng người bệnh để được vá lại tối đa.


Theo D.Thu - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X