Hotline 24/7
08983-08983

Bé bị sổ mũi, ho, hắt hơi, liệu có lây lao kháng thuốc từ mẹ?

Câu hỏi

Chào BS, Cách đây 1 tháng, tôi được chẩn đoán lao phổi AFB 1+ tại BV Phạm Ngọc Thạch, về huyện lãnh thuốc uống được 10 ngày thì có kết quả đàm, tôi bị kháng đa thuốc. Tôi cũng hơi hoang mang vì đây là lần đầu tiên tôi bị lao mà đã bị đa kháng. Bây giờ tôi đang chờ huyện gửi hồ sơ để lên Cần Thơ làm phác đồ điều trị lao đa kháng. Tôi có cháu nhỏ 44 tháng, từ lúc phát hiện bệnh tôi rất ít tiếp xúc với cháu, đeo khẩu trang 24/24 và không bị ho. Gần đây, con tôi có các triệu chứng như sổ mũi, ho, hắt hơi, đặc biệt là về đêm. Bé không bị sốt, ăn ngủ vui chơi bình thường. Tôi rất lo lắng cháu bị lây lao kháng thuốc từ tôi trước khi tôi trị bệnh. Tôi muốn hỏi BS tôi phải theo dõi bé bao lâu để biết bé có bị lao hay không? Tôi có nên cho bé đi khám BS để uống thuốc cảm hay không? Và nếu lỡ bé bị nhiễm lao kháng thuốc từ tôi thì bé có trị hết bệnh được hay không? Rất mong nhận được câu trả lời của BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Bé bị ho. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bé bị ho. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Hầu hết các bé khi mới sinh ra đều được tiêm ngừa BCG, điều này giúp phòng ngừa các biến chứng nặng do lao gây ra ở trẻ nhỏ. Nếu hiện tại bé chỉ có dấu hiệu sổ mũi, hắt hơi nhẹ, có khả năng là nhiễm siêu vi thông thường, bạn nên để cho bé nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ, bệnh sẽ tự khỏi sau 7 ngày.

Nếu sau thời gian này bé vẫn còn sốt kéo dài, ăn kém, chậm lớn, ho đàm thì nên đưa bé khám chuyên khoa hô hấp ngay. Trường hợp trẻ bị lao kháng thuốc sẽ sử dụng phác đồ phù hợp tuỳ theo kết quả kháng sinh đồ bạn nhé!

Thân mến.


“Kháng thuốc” là khi vi trùng lao trong cơ thể chúng ta kháng - chống lại với một hay nhiều loại thuốc lao. Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc”, và có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”. Tùy theo mức độ kháng thuốc mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị khác nhau cho bệnh nhân.

Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng. Điều trị lao kháng thuốc cần kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường, và các thuốc lao hàng hai dùng trong điều trị lao kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn, và cần được theo dõi nhiều hơn.

Lao kháng thuốc có thể điều trị khỏi.

Mặc dù lao kháng thuốc gây khó khăn cho việc điều trị lao thành công, nhưng tùy theo mức độ nhẹ, nặng, hay nguy hiểm của tình trạng kháng thuốc mà BS sẽ lựa chọn phác đồ điều trị lao phù hợp cho bệnh nhân.

Bệnh lao hầu như chỉ lây lan qua đường hô hấp. Như vậy, chỉ những bệnh nhân bị lao phổi mới có khả năng phát tán vi trùng lao và lây lan bệnh cho người khác. Những bệnh nhân không bị lao ở phổi, mà bị lao ở các cơ quan khác (lao hạch, lao ổ bụng, lao màng não…) thì hầu như không lây lan bệnh lao cho người khác.

Những bệnh nhân bị lao phổi kháng thuốc cần hiểu rằng, họ sẽ là nguồn lây lan bệnh lao kháng thuốc cho những người khác khi họ chưa được điều trị, hay khi họ bỏ trị lao kháng thuốc. Nếu bạn có người thân bị lao phổi kháng thuốc, bạn cần động viên người thân của mình tuân thủ đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, để giúp cho quá trình điều trị lao kháng thuốc có kết quả tốt đẹp. Những người có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao phổi kháng thuốc, hay là có tiếp xúc với những bệnh nhân lao phổi nói chung, thì nên được khám kiểm tra để tầm soát bệnh lao.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X