Hotline 24/7
08983-08983

Bé 6 tuổi bị teo não, mất nhận thức do nhân viên y tế làm tuột canuyn?

“Con tôi vào viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức tốt, vận động tốt. Do nhân viên y tế làm tuột canuyn (dụng cụ chống cắn lưỡi) khiến bé bị teo não, không nhận thức, chân tay co cứng, mắt không nhìn thấy gì, không ăn được bằng đường miệng, không thể phát triển về thể chất, trí tuệ bình thường, mất tương lai hoàn toàn”, anh Hùng nói.

Gia đình đặt câu hỏi, "tại sao các bác sĩ đã tiên lượng được việc tuột canuyn là rất dễ xảy ra và nếu tuột thì khó đặt lại và nguy hiểm đến tính mạng như thế nào mà các bác sĩ không có biện pháp phòng ngừa; trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra sự cố đối với con trai tôi?".

Ngày 17/1, PNVN nhận được đơn của gia đình anh Đỗ Đức Hùng (35 tuổi, phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) phản ánh về việc bé Đỗ Quốc Bảo (6 tuổi, con anh Hùng) bị teo não sau khi điều trị viêm VA/màng chân vịt tại BV Nhi TƯ.


Hiện tại, bé Đỗ Quốc Bảo bị teo não, không nhận thức được

Anh Hùng cho biết, bé có bệnh bẩm sinh bị màng chân vịt dây thanh quản. Từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2017, bé liên tục có các đợt chảy mũi và sốt. Gia đình đã cho bé đi khám ở BV Đa khoa Sơn La và được chẩn đoán do viêm đường hô hấp – viêm VA/màng chân vịt và chuyển tuyến về BV Nhi TƯ điều trị.

Tại BV Nhi TƯ, bé được chẩn đoán bị viêm VA/màng chân vịt thanh quản và chỉ định nạo VA, phẫu thuật nội soi cắt màng thanh quản. Bác sĩ giải thích, đây là phẫu thuật nội soi không phải mở khí quản, khoảng 3-4 ngày có thể ra viện được. Ngoài ra, bé vừa dùng nhiều kháng sinh còn yếu nhưng phải mổ để thông đường thở mới tăng sức đề kháng.

Chiều ngày 20/7/2017, bé được đưa vào phòng phẫu thuật, gây mê và nội soi hô hấp để phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi nội soi bác sĩ mổ phát hiện ra ca phẫu thuật của cháu là ca khó phải hội chẩn lại nên không mổ ngay được. Sau khi nội soi xong, bé bị phù nề đường thở nên phải thở máy, chuyển đến cấp cứu tại khoa Hồi sức ngoại và chờ các bác sĩ hội chẩn lại về tình hình của cháu.

Đến ngày 24/7/2017, bé tiếp tục được đưa đến phòng phẫu thuật để mở khí quản và mổ cắt màng thanh quản. Sau khi phẫu thuật, gia đình có trao đổi với bác sĩ Xương, khoa Tai mũi họng là người trực tiếp mổ cho bé và được thông báo ca mổ đã thành công.

Sau khi mổ xong cháu được chuyển về khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị. Ngày 25/7/2017, theo quy định giờ vào thăm bệnh nhân tại khoa, anh Hùng được thông báo từ bác sĩ trực tại khoa là cháu đã bị tuột canuyn, phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và chút nữa thì không qua khỏi (sau khi cấp cứu cháu đã được đặt lại Canuyn). Trước đó gia đình không hề được bệnh viện thông báo về tình trạng nguy kịch của cháu. Sau khi sự việc xảy ra cũng không thấy các bác sĩ điều trị thông báo gì về phác đồ cũng như phương hướng điều trị.

Từ ngày 27/7/2017 đến này 12/8/2017, gia đình không được thông báo để biết về tình trạng căng cứng, không nhận thức của cháu mà chỉ nhận được thông báo từ các bác sĩ trực những nội dung: "Tình trạng của cháu rất nguy hiểm, không biết đến bao giờ mới cai được thở máy và thường xuyên phải dùng an thần".

Đến ngày 12/8/2017, cháu được chuyển từ khoa Hồi sức ngoại sang khoa Tai Mũi Họng. Cháu cũng liên tục nằm tại phòng cấp cứu của khoa, sau 2 ngày cháu sốt cao và co cứng liên tục các bác sĩ chuyển cháu về lại khoa Hồi sức ngoại nằm điều trị. Sau một thời gian điều trị tại khoa Hồi sức ngoại, cháu tiếp tục được chuyển lên khoa Thần kinh điều trị. Khi điều trị tại khoa Thần kinh gia đình được trực tiếp chăm sóc cháu và các bác sĩ tiến hành giảm lượng thuốc an thần thì gia đình nhận thấy tình trạng căng cứng ngày càng nhiều cả ngày và đêm, về nhận thức không biết gì. Đến ngày 06/9/2017, BV cho chuyển viện sang BV Y học cổ truyền TƯ.

Trước tình trạng bệnh của con, gia đình đã đề nghị BV Nhi TƯ giải thích rõ tình trạng ngừng tuần hoàn tại khoa Hồi sức ngoại và kết luận rõ trách nhiệm thuộc về ai.

"Đến ngày 23/10/2017, BV tổ chức cuộc họp để trả lời các nội dung đề nghị của gia đình anh nhưng không đề cập đến nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan đến việc ngừng tuần hoàn của con tôi cũng như phương án giải quyết", anh Hùng cho biết.

Sau khi ra viện, ngày 25/10/2017, gia đình đã cho bé đi khám và chụp cộng hưởng từ tại BV Vinmec. Tại đây, BV kết luận: “Cháu Bảo bị “teo não mức độ nhiều lan tỏa trên và dưới lều, tổn thương chất trắng hai bán cầu đại não, bờ ngoài nhân bèo hai bên, kèm nhiều nốt trống tín hiệu nhỏ trên T2W-GRE (dạnh vi vôi hóa hoặc xuất huyết cũ) ở vùng nông hai bán cầu đại não, giãn lớn hệ thống não thất”.

Đau đớn, gia đình đã làm đơn khiếu nại gửi Bộ Y tế. Ngày 8/11/2018, BV Nhi TƯ tổ chức cuộc họp để giải thích cho gia đình. Tại cuộc họp, BV giải thích sự việc bé bị tuột canuyn và ngừng tuần hoàn tại khoa Hồi sức ngoại như sau: “Việc đặt canuyn là rất dễ tuột, trước khi cháu tuột canuyn để mất tuần hoàn gây ra di chứng như hiện nay, cháu đã từng bị tuột 2 lần”.

Gia đình đặt câu hỏi, "tại sao các bác sĩ đã tiên lượng được việc tuột canuyn là rất dễ xảy ra và nếu tuột thì khó đặt lại và nguy hiểm đến tính mạng như thế nào mà các bác sĩ không có biện pháp phòng ngừa; trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra sự cố đối với con trai tôi?".

“Con tôi vào viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo, nhận thức tốt, vận động tốt. Đến nay, bé bị teo não mức độ nhiều, không nhận thức, chân tay co cứng, mắt không nhìn thấy gì, không ăn được bằng đường miệng phải bơm qua ống xông vào dạ dày, không thể phát triển về thể chất, trí tuệ bình thường, mất tương lai hoàn toàn”, anh Hùng ngậm ngùi.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X