Hotline 24/7
08983-08983

Bé 2 tuổi bỏng nặng bộ phận sinh dục do ngã vào nồi nước luộc măng

Ngày 14/12, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận một bệnh nhi 2 tuổi trong tình trạng bỏng vùng bụng, đùi, nặng nhất là bộ phận sinh dục. Người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc gia đình luộc măng thì bé bất cẩn ngã úp người vào nồi nước đang sôi.

Nhận định đây là trường hợp bỏng độ 3-4, khoảng 35% diện tích cơ thể, trong đó nặng nhất là khu vực sinh dục, vùng bụng và đùi, bác sĩ đã chuyển bé đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) vào chiều cùng ngày.

Bệnh nhi được bác sĩ xử lý vết thương, cắt lọc phần da hoại tử, phẫu thuật cắt lọc mô chết, truyền nước. Các bác sĩ cho biết bé bỏng rất nặng cần nằm viện điều trị lâu dài. Sau khi bình phục, có khả năng bệnh nhi cần phải tập vật lý trị liệu để hồi phục một số chức năng vì di chứng để lại.

Ảnh: VnExpress

Trẻ em vốn hiếu động, người lớn nghĩ là trẻ đang ngồi chơi trong tầm kiểm soát của mình, nhưng chỉ 1 giây thôi cũng đủ để tai nạn ập đến. Bỏng thường gặp nhất là ở trẻ từ 2-6 tuổi, vì đây là giai đoạn trẻ hiếu động và ưa khám phá, chưa nhận thức được nguy hiểm, hành động của trẻ rất nhanh và không có biểu hiện báo trước để người lớn cảnh giác.

Khi trẻ bị bỏng, người lớn cần đưa trẻ ra khỏi vùng bị tai nạn càng nhanh càng tốt, nên để vết thương dưới vòi nước sạch ít nhất 10 phút để hạ nhiệt độ. Điều này rất quan trọng vì càng được hạ nhiệt độ, vùng phỏng càng nhiều cơ hội cứu chữa.

Thông thường trẻ bị bỏng cấp độ 2, 3, tùy theo tai nạn mà diện tích phỏng to hay nhỏ. Tuy nhiên, dù bỏng như thế nào, người nhà cũng không được tự ý bôi các loại thuốc dân gian, nước mắm, lá cây, tro,.. chỉ làm tăng thêm khả năng nhiễm trùng vết phỏng.

Nếu đã bôi những chất kể trên vào vết bhỏng, khi đưa trẻ vào cấp cứu, người lớn nên nói thật để các bác sĩ xử lý kịp thời. Đã có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng nhưng gia đình nhất quyết không cung cấp thông tin cho bệnh viện khiến việc cứu chữa gặp nhiều khó khăn.

Các bậc phụ huynh cần tuyệt đối thận trọng khi chăm sóc trẻ, không để phích nước sôi, ổ cắm điện trong tầm tay của trẻ. Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa khôn lường đối với trẻ.

Khánh Nam (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X