Hotline 24/7
08983-08983

Bé 2 tháng tuổi có nên điều trị bướu máu bằng laser

Tôi nghe nói phương pháp laser sẽ điều trị dứt điểm bướu máu mà không để lại phản ứng phụ. Xin hỏi con tôi 2 tháng tuổi có nên điều trị bằng cách này không.

Từ khi con tôi được 2 tuần tuổi, vành môi trên của bé xuất hiện một vết đỏ to bằng đầu tăm, dài khoảng một cm (hơi gồ một chút), phía trên có nhiều chấm đỏ. Qua quan sát tôi thấy vết đỏ lan rất nhanh, ở những sợi mạch máu nổi lên chấm đỏ li ti tạo thành mảng màu đỏ đậm.

Hồi bé được một tháng rưỡi, tôi có đưa đi khám ở BV Nhi đồng 1. Bác sĩ bảo cháu bị bướu máu và chỉ định thoa Eumovate Cream (ngày một lần). Qua 2 tuần thoa tôi thấy không thuyên giảm mà bướu có dấu hiệu lan rộng.

Tôi nghe nói phương pháp laser sẽ điều trị dứt điểm bệnh bướu máu và không để lại phản ứng phụ. Xin hỏi con của tôi có thể điều trị bằng phương pháp này không? Điều trị ở đâu? Hiện tại tôi rất lo lắng, mong bác hồi âm sớm.

(Đức).

buou-mau_1416018510.jpg

Bướu máu trẻ em đa phần lành tính, có thể tự khỏi. Ảnh: TT.

Chào bạn,

Dựa trên những thông tin bạn cung cấp, tôi nghĩ cháu có thể bệnh bướu máu ở trẻ em (Infantile Hemangioma). Đây là một bướu lành tính hay gặp ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện khoảng 2 tuần sau sinh.

Loại bướu máu này chỉ có một mô hình phát triển duy nhất, được chia ra làm 3 giai đoạn: Tăng sinh, bình nguyên và thoái triển.

- Giai đoạn tăng sinh xảy ra khoảng 9 tháng đầu sau sinh, bướu phát triển nhanh hơn tốc độ lớn của trẻ. Nếu bướu có liên quan đến da sẽ có màu đỏ. Nếu nó nằm sâu dưới da, vùng da bên trên sẽ có màu xanh hoặc không đổi màu.

- Khi trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi, bướu máu tiến triển nhanh bằng tốc độ lớn của bé, được gọi là giai đoạn bình nguyên.

- Giai đoạn thoái triển bắt đầu khi trẻ được 12 tháng tuổi, bướu sẽ co nhỏ dần. Hầu hết trường hợp đều tự khỏi khi bé được 3 tuổi rưỡi, bướu sẽ biến mất hoàn toàn, chỉ để lại một vết sẹo, mô mỡ sợi, những mạch máu nhỏ li ti dưới da, một phần da đổi màu hoặc một miếng da thừa trên vị trí khối bướu trước đây.

Do tính chất lành tính và biến mất tự nhiên của loại bướu máu này nên 90% trẻ không cần chữa trị gì. Việc điều trị trong giai đoạn sớm chỉ áp dụng cho những bướu máu nằm ở vị trí đặc biệt ảnh hưởng đến những chức năng bình thường của trẻ như thở, nhìn, ăn uống, đi tiêu tiểu. Trong một số trường hợp bướu máu có biến chứng như chảy máu, loét, nhiễm trùng, gây đau đớn hay ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau cũng cần điều trị.

Điều trị bằng thuốc là lựa chọn đầu tiên, có thể tiêm trực tiếp vào bướu hay qua đường uống, liều lượng tuỳ theo cân nặng của bé. Theo các nghiên cứu, khi điều trị bằng thuốc corticoid, hầu hết bướu máu sẽ ngưng phát triển, 80% trường hợp bướu sẽ nhỏ lại một phần. Khi sử dụng thuốc qua đường uống, điều quan trọng cần lưu ý là bé phải ngưng uống hoặc tiêm ngừa các loại văcxin phòng bệnh.

Hiện nay một số cơ sở y tế có sử dụng phương pháp FLPD laser để điều trị bướu máu trẻ em ở giai đoạn bướu tăng sinh, trong những trường hợp dùng thuốc không hiệu quả. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa được ghi nhận trên diện rộng.

Thực tế, hầu hết các bướu máu trẻ nhỏ nằm ở sâu, tia laser chỉ xuyên được qua da khoảng từ 0,75 đến 1,2 mm, do đó chỉ có thể tác động đến phần nông của bướu máu mà thôi. Mặc dù sau khi điều trị bằng tia laser, vùng da phía trên bướu trở nên sáng hơn, song khối bướu nằm bên dưới vẫn không bị ảnh hưởng.

Mặt trái của cách điều trị bằng laser có thể khiến bệnh nhân bị teo da hoặc biến đổi sắc tố (mất màu). Nhiệt phát sinh từ tia laser còn có thể gây loét da, đau, chảy máu và để lại sẹo. Do đó, phương pháp này được khuyến cáo chỉ nên sử dụng điều trị bướu máu nằm nông dưới da, các mạch máu li ti còn sót lại sau khi bướu máu teo nhỏ lại hay ở giai đoạn tăng trưởng trong những trường hợp thật đặc biệt ví dụ như bướu máu ở đáy lưỡi.

Trở lại trường hợp trên, từ những thông tin chị cung cấp, tôi nghĩ bé có thể bị bướu máu lành tính ở vùng môi trên, đang ở giai đoạn tăng sinh, tốc độ phát triển nhanh. Một điểm khá đặc biệt của bướu máu ở môi là khả năng teo nhỏ và biến mất hoàn toàn kém hơn các bướu máu ở các vị trí khác.

Do đó, nếu chúng ta chỉ theo dõi mà không làm gì cả, bướu sẽ lớn lên đến khi bé 9 tháng tuổi, sau đó sẽ nhỏ lại như diễn biến tự nhiên đã giải thích bên trên. Đến khi bé 3 - 4 tuổi chỉ để lại một vết bớt ở môi trên. Kích thước của bớt này lớn hay nhỏ là tùy theo bướu máu phát triển to như thế nào.

Vùng da môi có vai trò thẩm mỹ quan trọng trên gương mặt của bé gái. Do đó việc cần làm ngay bây giờ là không để bướu phát triển thêm nữa thì vết sẹo sau này sẽ nhỏ hơn, ít xấu hơn. Cách điều trị hợp lý nhất tôi đề nghị là tiêm thuốc corticoid trực tiếp vào bướu máu, tái khám theo lịch mỗi 4 tháng, nếu không có kết quả như mong đợi thì có thể dùng thuốc qua đường uống và phẫu thuật thẩm mỹ cắt sẹo khi bé trưởng thành.

Muốn chẩn đoán chính xác một bệnh, bác sĩ phải thăm khám trực tiếp, đôi khi cần tiến hành các xét nghiệm. Do đó, chị có thể đưa bé đến phòng khám mạch máu BV ĐH Y Dược TPHCM để được các bác sĩ khám và tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.

Thân mến.

ThS.BS Lê Thanh Phong - BV ĐH Y dược TPHCM
VNExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X