Hotline 24/7
08983-08983

Bé 10 tuổi xuất huyết tiêu hóa do nhiễm Hp

Bệnh nhi N. G. H., (nữ, 10 tuổi, ngụ tại Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) nhập viện ngày 18/10/2019 trong tình trạng da ngày càng xanh, mệt mỏi khi vận động, tiêu phân đen.

Gia đình cho biết thỉnh thoảng bé than đau bụng vùng trên rốn, da ngày càng xanh, mệt mỏi, môi hồng nhạt. Cách nhập viện 2 ngày, bé tiêu 1 lần phân sệt xanh đen hôi, sau đi tiêu bé mệt, chóng mặt. Khi điều trị tại địa phương, bé vẫn mệt, chán ăn, nôn sau ăn không lẫn máu, còn đau bụng từng cơn dù đã uống thuốc theo toa.

Bé đến nhập Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng da xanh, lòng bàn tay nhạt, niêm nhạt, mệt mỏi, đau bụng vùng trên rốn và quanh rốn, mạch= 140 lần/ph, HA= 100/60mmHg, nhiệt độ= 370C, nhịp thở= 30 lần/ph.

Sau khi thăm khám và thực hiện ngay các xét nghiệm giúp chẩn đoán nhanh tình trạng thiếu máu cấp cũng như xác định tìm nguyên nhân mất máu cấp. Kết quả xét nghiệm: bạch cầu=11.600/mm3, Neutrophil=74,6%, hồng cầu= 2.430000/mm3, Hb= 7,01g/dL, Hct= 21%, tiểu cầu=247.000/mm3, nội soi dạ dày= loét hành tá tràng hiện tại không chảy máu, viêm sung huyết hang vị, Clotest= dương tính.

Bé được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên do loét hành tá tràng nhiễm Helicobacter Pylori (HP), điều trị truyền máu hồng cầu lắng, dùng thuốc ức chế bơm proton, điều trị đặc hiệu nhiễm HP, điều trị triệu chứng, trợ sức.

Sau 5 ngày điều trị bé khỏe, da niêm hồng, không mệt, không nôn thêm, không chóng mặt, tiêu phân vàng, xét nghiệm máu Hct tăng lên 11,4g/dL và bé được xuất viện.

Xuất huyết tiêu hóa là bệnh lý không thường gặp ở trẻ em. Trường hợp bé này là bệnh cảnh của bệnh lý xuất huyết tiêu hóa trên.

Xuất huyết tiêu hóa trên biểu hiện các dấu hiệu như: trẻ nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen sệt hôi khắm, hoặc tiêu phân máu đỏ ồ ạt, kèm theo trẻ cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, lòng bàn tay nhạt. Tùy theo mức độ xuất huyết mà các biểu hiện khác nhau, khi trẻ mất máu cấp nặng sẽ gây tuột huyết áp, mạch nhanh nhẹ, tri giác thay đổi, trẻ sốc do giảm thể tích máu.

Các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên ở trẻ có thể gặp: viêm loét dạ dày tá tràng (có hay không kèm theo nhiễm HP), viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản, do stress, do thuốc, do rối loạn đông máu, vết rách Mallory-Weiss do nôn nhiều, gây trầy xước niêm mạc thực quản, v..v..
Vi khuẩn Helicobacteria Pylori (HP) là trực khuẩn gram âm có hình xoắn, sống ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày, sống được trong môi trường axit dạ dày và tiết ra độc tố gây bệnh làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

HP không chỉ tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, mà còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng, những thói quen nếm thử thức ăn trước khi cho bé ăn… sẽ là điều kiện thuận lợi lây nhiễm HP từ người sang người (nếu người chăm trẻ đang bị nhiễm HP). Bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi, gặp nhiều ở trẻ lớn.

Làm sao để biết nhiễm HP?
Để xác định có nhiễm HP hay không chúng ta cần làm các xét nghiệm xâm lấn như nội soi dạ dày cho trẻ ta sẽ khảo sát được hình ảnh niêm mạc dạ dày cũng như sẽ sinh thiết làm clotest cho trẻ (khi trẻ có chỉ định nội soi dạ dày), nếu kết clotest dương đồng nghĩa trẻ bị nhiễm HP hoặc xét nghiệm máu tìm kháng thể HP.

Hoặc làm các xét nghiêm không xâm lấn như test hơi thở hoặc xét nghiệm phân tìm kháng nguyên HP. Các xét nghiệm không xâm lấn  có giá trị tin cậy cao. Các xét nghiệm không xâm lấn được thực hiện sau khi ngừng sử dụng kháng sinh (có tác dụng diệt HP) ≥ 4 tuần và ngừng dùng thuốc PPI (thuốc ức chế bơm proton) ≥ 2 tuần.

Để hạn chế lây nhiễm HP, hạn chế bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng cũng như xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống điều độ đúng giờ, sinh hoạt điều độ, tránh không để trẻ bị căng thẳng, bị áp lực.

Tránh dùng các thức ăn có vị chua, vị cay nhiều (như bánh tráng trộn cay, mì cay…) sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, hạn chế dùng chung muỗng đũa khi ăn, cần sử dụng dụng cụ ăn uống riêng khi biết trẻ bị nhiễm HP hoặc biết gia đình có người bị nhiễm HP.

Bên cạnh đó cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc đặc biệt các loại thuốc như kháng viêm corticoid, Aspirin, Ibupropen v.v... khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ có biểu hiện ăn ợ hơi, ợ chua, đau bụng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị tránh tình trạng viêm nhiễm kéo dài dẫn đến viêm loét và xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X