Hotline 24/7
08983-08983

Bắt nạt online và hậu quả nghiêm trọng: Học sinh bị stress, trầm cảm, tăng động...

Nếu có hình thức “tra tấn tinh thần” nào khủng khiếp nhất ở thời đại hiện nay, thì đó chính là việc “bắt nạt online” (hay còn gọi là “bắt nạt trực tuyến”). Hầu như mỗi ngày, mỗi giờ, đều có một ai đó bị công dân mạng đem ra làm thú tiêu khiển, nhiều khi là vô cùng độc ác. Hàng loạt tổ chức quốc tế, mà mới đây nhất là Facebook, đã phải huy động toàn lực để “chống bắt nạt online”.

“Bắt nạt online” là một hình thức mới và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn so với những hình thức bắt nạt, bạo lực học đường khác. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh bị “bắt nạt online” đã xảy ra và để lại hậu quả là những vụ tự sát thương tâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Gần đây, ThS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, ThS. Nguyễn Thị Phương Trang, Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã có nghiên cứu khảo sát, phân tích thực hiện trên 500 học sinh trung học phổ thông (THPT) thông qua việc sử dụng Thang đo bắt nạt và bị “bắt nạt online” (Cyber Victim and Bullying Scale) của tác giả Bayram Cetin (2011) và dụng thang đo BASC-2 SPR-A: Hệ thống đánh giá hành vi trẻ em, phiên bản 2 để khảo sát mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần và việc bị “bắt nạt online” ở học sinh.

“Bắt nạt online” có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tâm thần. Các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng hành vi bắt nạt hoặc hậu quả của việc bị bắt nạt. Do đó, trong phòng ngừa và can thiệp BNTT, sàng lọc các học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần như stress, lo âu… có thể giúp xác định đối tượng cần tập trung. Từ đó áp dụng những biện pháp can thiệp phù hợp” – nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Bị “bắt nạt online”: Stress, lo âu, trầm cảm, tăng động

Theo nhóm giảng viên này, “bắt nạt online” là hành vi bắt nạt gián tiếp có chủ đích được thực hiện bằng tin nhắn, hình ảnh hoặc video thông qua các thiết bị điện tử được thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm một cách riêng tư hoặc công khai nhằm mục đích làm tổn hại về mặt tinh thần, tâm lý và danh dự của người khác (nạn nhân).

Nhóm nghiên cứu cho biết, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm làm rõ ảnh hưởng của việc bị “bắt nạt online” đối với sức khỏe tâm thần của học sinh THPT để góp phần vào việc xây dựng các chương trình phòng ngừa, can thiệp.

Nghiên cứu được tiến hành trên 500 học sinh tại 2 trường THPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng gồm 1 trường công lập và 1 trường dân lập được lựa chọn theo nguyên tắc chọn mẫu tiện lợi. Trong đó có 156 học sinh lớp 10, 173 học sinh lớp 11 và 169 học sinh lớp 12. Khách thể nghiên cứu gồm 281 học sinh nữ (56,2%) và 219 học sinh nam (43,8%).

Kết quả phân tích số liệu cho thấy có 32,9% học sinh không bao giờ bị “bắt nạt online”, 22,1% học sinh hiếm khi bị “bắt nạt online”, 28,4% học sinh thỉnh thoảng bị “bắt nạt online”, 7,7% học sinh thường xuyên bị bắt nạt và 9% học sinh rất thường xuyên bị bắt nạt trên mạng.

Ảnh: Internet

Được biết, nhóm nghiên cứu không đưa ra tỉ lệ các học sinh mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần mà chỉ sử dụng số liệu thô để tìm hiểu tương quan với việc bị “bắt nạt online”.

Nhóm nghiên cứu cho hay, ở những học sinh bị bắt nạt, kết quả phân tích cho thấy có tương quan thuận ở mức thấp của các vấn đề cảm xúc như stress, lo âu, trầm cảm và vấn đề hành vi như tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.

Cụ thể là một số ít học sinh càng bị bắt nạt nhiều thì càng cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm.

Kết quả này có thấy, việc bị bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh. Đồng thời, ở một số học sinh càng có biểu hiện tăng động, khả năng kiểm soát kém hoặc bất thường cũng có nguy cơ cao trong việc trở thành đối tượng để bắt nạt.

Đối với những học sinh bị bắt nạt bằng lời trên mạng, kết quả cũng cho thấy có mối tương quan thuận giữa stress lo âu trầm cảm, tăng động, khả năng tự kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.

Ở những học sinh là nạn nhân của những hành vi ngụy tạo trên mạng, kết quả cho thấy không có tương quan giữa việc bị bắt nạt và các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên cũng tương tự như việc bị bắt nạt bằng lời, một số ít học sinh càng bị bắt nạt bởi những hành vi ngụy tạo trên mạng thì càng có nhiều vấn đề về stress, lo âu, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường.

Kết quả phân tích tương quan cho thấy việc bị “bắt nạt online” nói chung hay bị bắt nạt bởi các hình thức bằng lời và bằng hành vi ngụy tạo trên mạng nói riêng đều có tương quan thuận với tình trạng stress, lo âu, trầm cảm, tăng động, khả năng kiểm soát kém và tính bất thường.

Từ kết quả nghiên cứu ta cũng thấy rằng khả năng kiểm soát kém hoặc tính bất thường trong hành vi có thể là yếu tố nguy cơ làm gia tăng việc trẻ trở thành mục tiêu của “bắt nạt online”.

Cô giáo bò cạp và chiếc váy bản đồ

Những ngày gần đây, những bức ảnh “chế” hình giáo viên tiếng Anh biến thành hình con bò cạp đang được lan truyền trên mạng với tốc độ tên lửa. Gọi là “tên lửa”, vì ngoài việc nó được chia sẻ quá nhanh, người ta còn thêm mắm dặm muối thêm rất nhiều lời nói mang tính chất sát thương cao, vừa bẩn mà lại mang tính hạ nhục người khác.

Thậm chí, nhiều người còn rảnh rỗi đến mức tìm đến Facebook cá nhân của cô giáo dạy tiếng Anh này, Facebook của trung tâm tiếng Anh và cả những người làm việc tại đây để thỏa sức thóa mạ.

Chuyện thì dễ hiểu, có một tranh cãi giữa cô giáo và học viên, hai bên trong lúc nóng giận thì quăng ra hàng loạt từ ngữ khiếm nhã. Một học viên khác nhanh chóng lấy điện thoại quay lén, và phát tán trên internet. Và chỉ chờ có thế, cư dân mạng, vốn là cộng đồng đói những thông tin xấu, liền nhảy vào và cắn xé không thương tiếc con mồi này.

Tương tự như vậy, từ chuyện tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc, qua những suy đoán và tin đồn vốn nhiều vô cùng trên internet, ai đó đã rất “sáng tạo” khi chế ra bức ảnh một cô gái mặc chiếc váy hình bản đồ Thủ Thiêm. Và dĩ nhiên, một “món ngon” như thế, làm sao cư dân mạng bỏ qua được. Ai cũng lấy về, chia sẻ lại kèm theo những nhận định, phán xét theo những nguồn tin đâu đó mà mình có được, thậm chí là tự nghĩ ra.

“Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật” – người xưa có nói như vậy. Nhưng bây giờ, người ta đâu cần biết nửa nào là bánh mì, nửa nào là sự thật, thứ người ta thích làm nhất trên mạng hiện giờ, là được kết tội người khác, thậm chí kết tội bằng những lời lẽ thiếu tính người nhất.

Và cô giáo bò cạp, hay chiếc váy hình bản đồ chỉ là hai trong số hằng hà sa số ví dụ về việc bắt nạt trên mạng, không chỉ ở Việt Nam mà đang là một thảm họa toàn cầu.

Dấy lên mối lo ngại

Có thể thấy, đây là hình thức bắt nạt vô cùng nguy hiểm bởi hậu quả nó để lại không chỉ là những vết thương trên thân thể như bắt nạt thông thường, nó tác động đến mối quan hệ xã hội, học tập, gây ra sự tổn thương tâm lí, tinh thần, nghiêm trọng hơn là có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của học sinh.

Đáng chú ý là “bắt nạt online” đã và đang xảy ra nhiều nhất ở thanh thiếu niên, lứa tuổi tiếp xúc nhiều với mạng internet và các thiết bị điện tử nhưng các em chưa có đủ kinh nghiệm và suy nghĩ chín chắn để ứng phó khi gặp phải những tình huống khó khăn như bị bắt nạt.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là những tác động tiêu cực của “bắt nạt online” có thể được giảm nhẹ đến một mức độ nào đó bằng cách áp dụng các chiến lược ứng phó.

Đầu năm ngoái, vụ tử tự vì bị bắt nạt trên mạng của một bé gái 14 tuổi (được gọi với cái tên Amnasia) ở Ý đã gây rúng động cộng đồng mạng quốc tế.

Trước đó, vào tháng 7 năm 2013, ở Việt Nam cũng có trường hợp một nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử do bị bạn bè ghép ảnh “mát mẻ” và trêu chọc trên Facebook gây nên nhiều xót xa cho cộng đồng. Mặc dù vụ việc chưa đến mức bắt nạt mà chỉ là trò đùa giỡn nhưng lại mang đến hậu quả vô cùng đáng tiếc cũng như bài học cho nhiều bậc phụ huynh.

Từ đầu tháng 5 năm 2018, Facebook phiên bản tiếng Việt bắt đầu đưa vào hoạt động Trung tâm Phòng chống Bắt nạt với bộ tài liệu hướng dẫn dành cho 3 nhóm đối tượng: người dùng bình thường, trẻ em và hướng dẫn dành cho giáo viên – phụ huynh trong việc tương tác và hỗ trợ các bạn trẻ bị bắt nạt trên mạng.

Trước đó, hàng loạt công ty, tập đoàn công nghệ lớn như IBM, Kaspersky cũng lần lượt giới thiệu các hợp tác với cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước để giảm thiểu mức độ gia tăng của tình trạng bắt nạt online này.

Quay lại vụ điều trần của nhà sáng lập Facebook, sẽ thấy rõ ràng chính phủ các nước đang bắt đầu phải tính toán nhiều hơn đến sự an toàn của con người trên không gian mạng để đưa ra những điều chỉnh luật cho hiệu quả.

Trước khi có những chế tài, có thể bắt đầu bằng việc mỗi người tự nhận thức rằng mình có đang vô tình tham gia vào quá trình bắt nạt online hay không, và làm sao để đừng trở thành nạn nhân của trào lưu đáng sợ này.

AloBacsi tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X