Hotline 24/7
08983-08983

Bất chấp nguy cơ mắc ung thư vú, người phụ nữ này từ chối cắt bỏ ngực

Mang trong người "quả bom" ung thư vú có thể nổ bất cứ lúc nào nhưng thay vì chọn cách an toàn cho bản thân, người phụ nữ này có quyết định ngược lại với suy đoán của mọi người.

Ellen O’Connell Whittet là một nhà tiểu luận và giảng viên tại Đại học California, Santa Barbara. Ở vào tuổi chín muồi của một người phụ nữ, Ellen dường như đã có tất cả, một người chồng tốt luôn ở bên ủng hộ và sự nghiệp đang nở rộ trước mắt.

Thế nhưng, một biến cố lớn bất ngờ xảy ra khiến cho người phụ nữ trẻ đang tràn đầy sức sống bỗng nhiên rơi vào hố sâu của sự hoang mang khi phải đưa ra quyết định mang tính sinh tử của đời mình.

Ấy là khi mẹ Ellen phát hiện mắc bệnh ung thư vú và theo khoa học chứng minh, cô cũng có nguy cơ mắc căn bệnh nan y này do di truyền gen đột biến từ mẹ ruột.

Khi Ellen phát hiện "án tử" định sẵn trên cơ thể mình thì mẹ cô đã rụng hết tóc vì hóa trị. Bà đang ngồi trong phòng chờ cùng cô với bộ tóc giả trên đầu. Chỉ vài bước chân thôi nhưng sao hôm nay khoảng cách từ phòng chờ tới phòng bác sĩ lại xa đến thế.

Bác sĩ tư vấn di truyền học cố gắng khiến cho bầu không khí bớt căng thẳng hơn bằng cách hỏi Ellen đủ thứ chuyện trên trời dưới bể nhưng cô chẳng có hứng thú trả lời. Cô chỉ muốn hét lên thật to bởi vì hai mẹ con cô giờ đây đang cùng nhau bước vào Trung tâm điều trị Ung thư - nơi người mẹ điều trị ung thư vú mỗi tuần.

Trước kỳ nghỉ Giáng sinh, nữ giảng viên đã phải lấy 3 xi lanh máu để xét nghiệm xem có chung mẫu gen đột biến BRCA1 giống như mẹ không. Người sở hữu gen đột biến này có nguy cơ mắc ung thư vú tới 90% và ung thư buồng trứng tới 40%. Đó chính là lý do tại sao hôm nay cô và mẹ cùng nhau tới gặp bác sĩ tư vấn Hannah để nghe kết quả.

 Bất chấp nguy cơ mắc ung thư vú tới 90%, người phụ nữ này vẫn từ chối cắt bỏ ngực vì lý do đặc biệt - Ảnh 1.Chân dung nhà tiểu luận kiêm giảng viên trường Đại học California, Ellen O’Connell Whittet.

Ngay khi họ vừa ngồi xuống, Hannah từ tốn khẳng định nỗi lo sợ đã trở thành sự thật khi nhẹ nhàng đẩy đống giấy tờ kết quả xét nghiệm về phía Ellen.

Vị bác sĩ tư vấn là người rất chuyên nghiệp nhưng không vì thế mà thiếu đi sự đồng cảm. Do đó, trong một khoảnh khắc Ellen nghĩ việc một bác sĩ phải thông báo tin xấu cho bệnh nhân trong khi chẳng thể giúp gì được cho họ để sống sót quả là khủng khiếp.

Mẹ nắm chặt tay Ellen và nói xin lỗi. Bà là người duy nhất hiểu chính xác tâm trạng của cô lúc này.

"Nếu cô muốn có con mà không muốn đột biến gen này di truyền sang thế hệ sau thì có một vài phương án như sau. Một là thụ tinh ống nghiệm và chỉ chọn cấy phôi không di truyền gen đột biến. Hai là kiểm tra phôi thụ thai theo cách tự nhiên để loại bỏ gen đột biến nếu có", Hannah tiếp tục công việc tư vấn của mình.

Phần trăm thành công đối với cả 2 lựa chọn đều là 50/50. Điều này khiến người phụ nữ trẻ lo lắng không yên nên vội vã hỏi xem y học ngày càng phát triển như vậy, liệu có còn cách nào khác để giúp cô không.

Hannah giải thích rằng giống như một câu bị lỗi ngữ pháp, bộ gen của mẹ con Ellen bị xáo trộn đôi chút. Nếu lựa chọn phẫu thuật phòng ngừa luôn thì cô vẫn có thể sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, lựa chọn đó không hề dễ dàng, kể cả khi cô không muốn có con vì quyết định bất cứ điều gì tại thời điểm này có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời còn lại của cô.

"Khi rời phòng tư vấn vào nhà tắm nhắn tin kết quả xét nghiệm cho chồng, tôi nhìn thấy tấm biển ghi "Đôi khi tất cả những gì bạn có thể làm cười thật lớn". Tôi bảo Justin không cần nghỉ làm buổi sáng để đi cùng mình vì tự tin mọi chuyện sẽ ổn. Và rốt cuộc, tôi thấy mình vẫn ổn. Hiện tại, tôi chẳng có dấu hiệu bệnh tật nào cả.

Chồng tôi nhắn lại rằng anh ấy rất tiếc và chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết chuyện này. Anh ấy cũng không quên dặn dò tôi gọi cho anh khi buổi tư vấn kết thúc. Chúng tôi đều biết cách duy nhất để loại bỏ nguy cơ tiến triển 2 loại ung thư trên là cắt bỏ các bộ phận và mô liên quan bao gồm buồng trứng, ống dẫn trứng và ngực trước tuổi 35.

Tôi thì đã 31 tuổi. Hi vọng nhỏ nhoi có thể thụ thai và sinh con như cánh cửa hẹp đóng sầm lại trước mắt hai vợ chồng tôi vậy", Ellen chia sẻ.

 Bất chấp nguy cơ mắc ung thư vú tới 90%, người phụ nữ này vẫn từ chối cắt bỏ ngực vì lý do đặc biệt - Ảnh 2.Ảnh minh họa.

Mang trong mình gen đột biến BRCA1, Ellen cần kiểm tra vú 3 tháng/lần bằng cách chụp tia X vú, chụp cộng hưởng từ và siêu âm. Tạm thời, cô quyết định sẽ cho mình cơ hội và tiếp tục kiểm tra mô vú định kỳ chứ không phẫu thuật cắt bỏ. Ít ra thì việc kiểm tra vú dễ dàng hơn nhiều so với buồng trứng.

Lần đầu gặp mặt, vị bác sĩ phẫu thuật vú đã hỏi liệu Ellen có muốn sinh con hay không. Khi nhận được câu trả lời rằng muốn nhưng không phải là bây giờ, bác sĩ khuyên tốt nhất nên có con sớm giống y như các bác sĩ sản khoa, bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa ung thư của mẹ cô và cả các bài viết trên mạng từng nói.

"Bác sĩ còn bảo sau phẫu thuật cắt bỏ mô ngực, cô ấy sẽ tạo hình thẩm mỹ luôn cho tôi. Nhưng nếu cắt bỏ vú, tôi sẽ không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Sau khi dặn dò tôi quay lại kiểm tra vào tháng 9, cô ấy không quên dặn tôi nên sớm có con và nếu có thai, bệnh viện sẽ không chụp tia X nữa.

Theo vị bác sĩ vẫn chăm sóc sức khỏe cho gia đình tôi, uống thuốc tránh thai suốt 15 năm qua hầu như đã giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng của tôi xuống rất thấp. Thế nhưng các bác sĩ lại khuyên nếu muốn có con tôi nên có càng sớm càng tốt, điều đó đồng nghĩa với việc phải dừng dùng thuốc", Ella cho biết.

Cô đang lững lờ giữa ranh giới chờ đợi tới thời điểm sẵn sàng sinh con và mặc kệ nguy cơ mắc ung thư ngày càng cao theo mỗi năm chờ đợi. Ellen mơ ước được cùng Justin du lịch Paris và Morocco, ra sách riêng và cùng nhau tận hưởng thời gian hạnh phúc. Hai vợ chồng cô ước gì có thể sinh con khi nào mình muốn chứ không phải bị gây áp lực như hiện tại.

 Bất chấp nguy cơ mắc ung thư vú tới 90%, người phụ nữ này vẫn từ chối cắt bỏ ngực vì lý do đặc biệt - Ảnh 3.Ảnh minh họa.

Ellen chia sẻ, theo một khía cạnh nào đó, cô luôn cảm thấy trước khi được sinh ra, định mệnh của cô đã được sắp đặt và cô có thể sẽ truyền lại gen đột biến đó cho chính những đứa trẻ trong tương lại. Tuy nhiên, cô đã có quyết định cho riêng mình.

"Tôi chẳng khác nào đang mang một quả bom nổ chậm trong người. Càng chần chừ có con, tôi càng khiến mình gặp nguy hiểm chỉ vì muốn chứng minh sự tự chủ cơ thể.

Dù nhiều lần băn khoăn và lưỡng lự về tương lai khi nhận những lời khuyên của bác sĩ, người thân, bạn bè, đáng ngạc nhiên là cuối cùng tôi vẫn luôn biết mình muốn gì ngay từ lúc nhận được kết quả xét nghiệm.

Tôi thà chờ đợi xem mọi chuyện sẽ tiến triển theo chiều hướng nào còn hơn là phải cắt bỏ bầu ngực. Cho đến thời điểm này, tôi chưa tiến hành bất cứ phẫu thuật nào nhưng tôi cho mình toàn quyền thay đổi quyết định bất cứ lúc nào. Câu chuyện về cuộc đời tôi có thể do chính tôi viết lại", nữ giảng viên đầy quả quyết lên tiếng.

Theo Đan Vy - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X