Hotline 24/7
08983-08983

Bảo vệ trẻ trước sự bùng nổ của dịch cúm

Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao mắc cảm cúm và các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác. Thế nhưng không ít phụ huynh lúng túng trong việc phòng ngừa do không hiểu biết đầy đủ về các triệu chứng của bệnh. Trong bài viết này, Bác sĩ CKII. Phạm Mạnh Thân - Nguyên là Bác sĩ Nội trú Nhi tại Bệnh viện St, Charles, Thành phố Monpellier, Cộng Hòa Pháp hiện đang làm việc tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà sẽ giải đáp những thắc mắc để các bậc cha mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc nhận biết thông qua các biểu hiện ban đầu của bệnh.

- Thưa bác sĩ, trẻ em là đối tượng rất dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cúm. Vậy xin bác sĩ cho biết, có những dấu hiệu nào để nhận biết bệnh cúm ở trẻ ạ?

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cảm cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Ở trẻ em 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi-rút cúm là thời gian ủ bệnh. Trẻ có thể xuất hiện sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau tai, chán ăn, mệt mỏi, ho kèm theo đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính và tất cả những triệu chứng sẽ biến mất sau 2 tuần. Thế nhưng bệnh cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch ở người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

- Bác sĩ có thể cho biết những nguyên nhân nào gây ra bệnh cúm ở trẻ không ạ?

Virus cúm lây lan từ người này sang người khác thông qua không khí, nước, thực phẩm và tiếp xúc hằng ngày. Vì vậy, trẻ sẽ bị cúm khi tiếp xúc với người bị cúm khi họ hắt hơi hoặc ho, tiếp xúc hoặc dùng chung đồ với những đứa trẻ đang bị cúm. Virus cúm tồn tại ở nhiều nơi như bút chì, tập vở…uống chung bình nước hoặc ăn chung với người bị cúm.

Kể từ khi bị lây nhiễm, các triệu chứng của cúm sẽ bắt đầu biểu hiện và kéo dài khoảng 7 ngày. Virus cúm thường lây lan cho người khác trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị nhiễm. Điều này khiến cho việc ngăn ngừa cúm trở nên khó khăn hơn.

- Bệnh cúm rất dễ lây lan trong môi trường, xin bác sĩ hãy cho biết cách phòng ngừa căn bệnh này ạ?

Trẻ em sức đề kháng kém nên rất dễ bị các loại vi- rút tấn công. Chính vì vậy, để phòng ngừa cho bệnh cúm cho trẻ đầu tiên các bậc phụ huynh phải đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp đầy đủ các nhóm chất, bổ sung vi chất bằng các loại nước hoa quả trong khẩu phần ăn cho trẻ. Ngoài ra, nên tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh, giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt, thay quần áo ngay khi trẻ đi học về, đeo khẩu trang khi đi ra đường hoặc đến những nơi đông người như bệnh viện, siêu thị, công viên…

- Thưa bác sĩ, thời gian gần đây dư luận đang rất hoang mang về một loại dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV. Bác sĩ có lời khuyên nào trong việc phòng tránh lây lan căn bệnh này trong xã hội nói chung đặc biệt là ở trẻ em không ạ?

Như các bạn đã biết từ khi dịch bệnh viêm phổi cấp nCoV xuất hiện ở Vũ Hán - Hồ Bắc - Trung Quốc. Tổ chức Y Tế Thế giới và Bộ Y Tế Việt Nam đã có nhiều khuyến cáo trong việc phòng tránh lây nhiễm và xử lý khi tiếp xúc với nguồn lây. Cách phòng tốt nhất là tránh tiếp xúc với người bị bệnh, vệ sinh cá nhân, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo sức khỏe. Thực hiện theo đúng theo chỉ thị, khuyến cáo của Bộ Y Tế đưa ra về việc vệ sinh tay, sử dụng khẩu trang y tế, sát khuẩn các bề mặt tiếp xúc, tránh tụ tập đông người…

Đối với trẻ em cần hạn chế tiếp xúc với người lạ, bởi không biết chắc chắn người đó đã từng tiếp xúc với nguồn lây hay chưa. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến việc giữ ấm cơ thể, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ, vệ sinh mũi họng hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng, thay quần áo, hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người… Người lớn trong quá trình chăm sóc cũng cần phải tuân thủ đầy đủ các bước theo khuyến cáo để phòng tránh lây nhiễm cho trẻ.

Xin cảm ơn Bác sĩ Phạm Mạnh Thân về những chia sẻ trên!




Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X