Hotline 24/7
08983-08983

Báo động ung thư đại trực tràng trẻ hóa

Ung thư đại trực tràng thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi nhưng hiện nay bệnh gặp nhiều ở lứa tuổi dưới 40, thậm chí 12, 13 tuổi cũng đã có những bệnh nhân phải phẫu thuật ung thư đại trực tràng.

Thiếu niên đã bị ung thư đại trực tràng

Bác sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K Trung ương cho biết ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa hay gặp nhất và có xu hướng tăng nhanh qua từng năm. Theo số liệu Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, thế giới có thêm 1,8 triệu ca mắc mới và gần 900.000 ca tử vong.

Còn tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất với gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 trường hợp tử vong. Đáng tiếc, tỉ lệ bệnh nhân đến bệnh viện chẩn đoán, phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm rất hiếm, chỉ khoảng hơn 20%, số còn lại đều đến viện ở giai đoạn tiến triển 3 - 4, do đó điều trị gặp nhiều hạn chế. Trong khi nếu mắc ở giai đoạn 1, tỉ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 85-90%, giai đoạn 3 còn khoảng 40-60% nhưng đến giai đoạn cuối chỉ còn 10-20%.

Chuyên gia người Nhật thị phạm ca nội soi cắt khối u đại tràng cho một nam bệnh nhân

Theo bác sĩ Bình trước đây ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi ngoài 50 nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, với độ tuổi 30 - 40, thậm chí bệnh viện từng phẫu thuật cho bệnh nhân mới 10, 12 tuổi. Năm 2018, bệnh viện từng phẫu thuật cho một bé trai 10 tuổi vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn. Gần đây nhất, bệnh viện lại mổ cho một bệnh nhi mới 12 tuổi, cũng mắc ung thư đại trực tràng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiến triển tốt.

Tại Bệnh viện K Trung ương mỗi năm phẫu thuật cho khoảng 22.000 - 23.000 bệnh nhân ung thư, trong đó riêng ung thư đại trực tràng đã chiếm 4.000 - 5.000 ca, tương đương 11 - 13 bệnh nhân/ngày.

Phương pháp mới cắt khối u đại trực tràng

Tại buổi tập huấn đào tạo về chẩn đoán và điều trị tổn thương polyp và ung thư sớm đại trực tràng" mới đây bác sĩ Kenichiro Imai, chuyên gia nội soi tiêu hóa đến từ Nhật Bản cho biết xu hướng gia tăng ung thư đại trực tràng không chỉ ở Việt Nam mà tại Nhật Bản hay nhiều nước khác cũng gặp phải. Tuy nhiên, các nước châu Á chiếm đến 50% tổng lượng bệnh nhân ung thư đại trực tràng trên toàn thế giới. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống nhiều đồ nướng, chiên rán, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau xanh, hoa quả. "Việc khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong đó riêng việc theo dõi và cắt polyp thường xuyên có thể giúp giảm tới 80% ung thư đại trực tràng. Theo thống kê, các loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư" - chuyên gia người Nhật Bản nói.

Tại đây chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp "cầm tay chỉ việc" thực hiện phương pháp mới có thể "nhuộm" và phát hiện tổn thương polyp đại tràng từ rất sớm cho bệnh nhân.

Sau đợt đào tạo đầu tiên, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cho 30 bệnh nhân, trong đó có nam bệnh nhân mới 27 tuổi ở Ninh Thuận, bị polyp di truyền, khi nội soi phát hiện trong lòng đại tràng có hơn 100 polyp.

Theo bác sĩ Bùi Ánh Tuyết, Trưởng Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng, Bệnh viện K Trung ương, phương pháp cũ rất khó đánh giá được mức độ tổn thương ở giai đoạn sớm, không biết khối u có di căn xa hay không nên nhiều khi phẫu thuật không triệt để. Với phương pháp này bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống máy nội soi thế hệ mới giúp hình ảnh sắc nét, hiển thị rõ tổn thương dù là nhỏ nhất.

Hệ thống này cũng có chức năng nhuộm màu bằng ánh sáng và phóng đại trên 100 lần, giúp phân tích rõ ràng vi cấu trúc và vi mạch máu của tổn thương, đưa ra nhận định chính xác về tính chất tế bào học của tổn thương, phân biệt tổn thương ung thư và không ung thư, từ đó cắt trọn tổn thương.

Ngoài ra, phương pháp nội soi ống mềm trước đây chỉ cho can thiệp với các khối u nhỏ dưới 2 cm nhưng phương pháp mới có thể can thiệp với các khối u trên 3 cm.

"Đây là can thiệp tối thiểu nên bệnh nhân có thể xuất viện sau 4 - 5 ngày, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí, kéo dài thời gian lui bệnh. Cùng đó can thiệp qua nội soi giúp giảm thiểu thời gian nằm điều trị, tiết kiệm chi phí và hạn chế xâm lấn nâng cao chất lượng cuộc sống  cho bệnh nhân" - bác sĩ Tuyết nói.

Để phòng ngừa ung thư đại tràng, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Những người có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu… nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.


Theo Người Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X