Hotline 24/7
08983-08983

Báo động tình trạng 30% bệnh nhân nhi có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, có tới 30% trẻ vào điều trị tại bệnh viện này có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

30 % bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc

Ngày 21/9, Bộ Y tế cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Theo đó, càng ở bệnh viện tuyến dưới tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Bệnh viện bộ, ngành và bệnh viện thuộc các trường Đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất.

Tại các bệnh viện tuyến trên, đại diện BV Nhi Trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương… đều thừa nhận bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày có từ 3000 - 4000 bệnh nhi đến khám và trong đó có khoảng 1700 cháu bé được điều trị nội trú nên tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện khó tránh khỏi.

Trong khi đó, PGS Điển cho biết thêm khi sàng lọc cấy phân thì có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện.

Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.

Hiện nay, PGS Điển cho rằng việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn, cần sự hội chẩn từ cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn để có phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các em bé.

Để việc phòng chống kháng kháng sinh, PGS Điển cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, có tới30 % bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốctrong phân khi nhập viện. Ảnh minh họa: nguồn Tri thức trực tuyến

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của 1 số loại vi khuẩn. Báo động tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng.

Theo ông Kính, hậu quả của kháng thuốc sẽ dẫn đến thời gian điều trị kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Chưa kể nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Tại nước ta, mới chỉ có một số đơn vị bệnh viện tỉnh, hoặc 1 số viện ở tuyến trung ương có labo vi sinh lâm sàng có thể giúp bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý.

Các bệnh viện tuyến dưới mà chưa có đầu tư thiết bị thì rõ ràng việc sử dụng kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bác sĩ và chính vì vậy nhiều loại kháng sinh sử dụng chưa hợp lý, chưa kể là trong cộng đồng với tâm lý ngại đến bệnh viện khám bệnh, cứ nghi ngờ sốt là nhiễm khuẩn là ra hiệu thuốc tự mua thuốc, thậm chí, chưa hỏi mua thì người bán đã tư vấn dùng thuốc kháng sinh…

PGS Kính cho biết có những lúc ông thử vào hiệu thuốc hỏi mua thuốc và không cần đưa đơn bất cứ thuốc kháng sinh nào người bán hàng cũng bán kể cả kháng sinh thế hệ mới.

Thí điểm dùng camera giám sát nhà thuốc

Phân tích về hậu quả do tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, hậu quả nhãn tiền là hiệu quả điều trị giảm, người bệnh phải kéo dài thời gian nằm viện, phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, thậm chí tử vong. Với các bác sĩ, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc cũng rất khó khăn.

“Ở bệnh viện chúng tôi, khi có các ca kháng thuốc kháng sinh nặng, chúng tôi phải họp bàn phối hợp giữa các bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất; đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị, xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của bệnh nhân thì mới có thể đạt được hiệu quả” - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương chia sẻ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, có những bệnh mà trước đây chỉ cần một liều kháng sinh nhẹ đã đủ điều trị khỏi thì nay dù bác sĩ đã tăng liều cao nhất mà vẫn bất lực.

“Nhìn người bệnh đau đớn mà không có thuốc chữa do các loại thuốc kháng sinh đều đã bị vi khuẩn kháng hết, đó là nỗi đau xót của các bác sĩ” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê bình luận.

Tình trạng người dân tự ý mua thuốc kháng sinh bừa bãi, dùng không đúng liều lượng là một nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: báo Hưng Yên

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng.

Đáng chú ý, hiện nay, phần lớn kháng sinh được bán ở các hiệu thuốc nước ta không có đơn của bác sĩ, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về bắt buộc mua thuốc kháng sinh phải có kê đơn nhưng việc xử phạt không khả thi.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tới đây, Bộ sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

“Cần thí điểm việc ứng dụng camera, công nghệ thông tin để giám sát việc bán kháng sinh theo đơn của các nhà thuốc tại một số nơi, đặc biệt là tại thành phố lớn” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo Phong Lâm - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X