Hotline 24/7
08983-08983

Báo động rối loạn tâm thần ở thanh niên

Theo các chuyên gia, số người bị rối loạn tâm thần ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng, nhất là giới trẻ do phải đối mặt với nhiều áp lực.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những con số đáng báo động

Mới đây, tại Hội thảo “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh niên: Thấu hiểu và hỗ trợ do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức tại Hà Nội đã đưa ra con số ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết đã gây nhiều chú ý.

Trước đó, cũng đã có nhiều thống kê về tình trạng mắc bệnh tâm thần được các tổ chức đưa ra. Theo báo cáo mới nhất của UNICEF (năm 2018) về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 - 18, tỷ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động giảm chú ý.

Chia sẻ về con số này, các bác sỹ chuyên khoa tâm thần cho hay, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp. TS.BS La Đức Cương, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương cho biết, nếu trước đây số người rối loạn tâm thần ở nước ta chỉ chiếm khoảng 1% dân số thì vài năm trở lại đây, con số này đang có chiều hướng tăng cao và xu hướng trẻ hóa nhanh chóng.

Hiện tỷ lệ đi khám các bệnh về tâm thần chưa cao. Phần do nhiều người chỉ nghĩ rằng mình cảm thấy mệt mỏi chứ không thể mắc bệnh hoặc nghĩ rằng bệnh không quá quan trọng nên không quan tâm. Nhiều người lại giấu bệnh, không muốn chấp nhận điều đó. Họ thường tự chữa trị qua các thầy lang, thầy cúng, đi khám các chuyên khoa khác mà không xác định được nguyên nhân, ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần.Việc điều trị không đúng phương pháp, không đến nơi đến chốn không những không chữa được bệnh mà còn làm cho bệnh nặng thêm.

Đáng nói hơn cả là sự hiểu biết về bệnh tâm thần của một bộ phận người dân còn chưa cao. Khi nghe tới rối loạn tâm thần có nghĩa là điên dại, là thần kinh… chứ không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Rối loạn tâm thần thực ra là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Bệnh lý tâm thần biểu hiện rất đa dạng, không phải chỉ điên loạn, nói nhảm, la hét, loạn thần… mới là tâm thần mà còn nhiều dấu hiệu khác như mất ngủ, suy nhược thần kinh, buồn rầu.

“Ở giới trẻ, bệnh tâm thần càng nguy hiểm hơn. Bởi lứa tuổi này, các em đang muốn thể hiện cái tôi, khẳng định bản thân, muốn tự quyết định thoát khỏi ảnh hưởng “người lớn”. Trong khi bản thân còn thiếu trải nghiệm, tâm sinh lý có nhiều biến động sâu sắc. Cũng chính vì vậy rất nhạy cảm, dễ bộc phát, tò mò và cũng dễ chán nản khi gặp khó khăn, thất bại từ đó dẫn tới các bệnh lý tâm thần như tự kỷ, trầm cảm, stress…”, BS La Đức Cương cho hay.

Những dấu hiệu không nên bỏ qua

BS La Đức Cương cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều người mắc các rối loạn tâm thần có nhiều như di truyền, nội sinh do mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, do các chấn thương, tổn thương hệ thần kinh. Nhiều nhất phải kể đến là do rối loạn stress, chiếm hơn một nửa. Việc ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí; hoặc bị tác động, ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường cuộc sống hàng ngày, như nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp… khiến con người ảnh hưởng hệ thần kinh.

Trong khi đó, việc phát hiện bệnh không phải dễ, ngay cả với bác sỹ cũng cần phải tiếp xúc lâu với bệnh nhân cũng như thăm khám nhiều lần. Nếu thấy các biểu hiện bất thường như rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, có sự khác lạ trong ăn nói, rối loạn giấc ngủ… nên nghĩ tới các rối loạn tâm thần để khám sớm, tránh những hệ quả đáng tiếc. Nếu để bệnh nhân nặng mới đến điều trị thì hiệu quả giảm rất nhiều.

Theo GS.TS Cao Tiến Đức (Bệnh viện Quân y 103), khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn rất dễ rơi vào trầm cảm, lo âu, ám ảnh – một trong những rối loạn tâm lý. Rối loạn tâm lý đang có xu hướng trẻ hóa.

Có nhiều trường hợp học sinh vì kỳ vọng của gia đình và giáo viên bị stress rất nhiều. Cũng có trường hợp vì đặt mục tiêu cho mình quá lớn dẫn đến tình trạng stress. Vì vậy những người này phải tự giải tỏa để giảm stress như đi chơi cùng bạn bè, ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng… Khi thấy con em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì gia đình không nên trì hoãn việc đưa đi khám chỉ vì tâm lý không chấp nhận con em mình bị tâm thần. Điều này càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn vì người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Người càng trẻ tuổi bị bệnh càng dễ bị nặng và việc điều trị bệnh sẽ lâu dài.

Để phòng ngừa stress, tốt nhất bản thân mỗi người cần học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác làm sao cho mình có một môi trường sống thoải mái nhất có thể để tránh những căng thẳng. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, luyện tập thể thao, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, không nên ăn hay ngủ quá muộn vì sẽ làm tăng căng thẳng. Thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý đầy đủ dinh dưỡng; tránh sử dụng những chất kích thích. Chấp nhận thực tế khó khăn và cố gắng cải thiện…

Khi thấy người thân có biểu hiện bất thường trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc hay có những thay đổi về cảm xúc, hành vi, tư duy, tri giác... nên đi khám và điều trị kịp thời để bệnh chóng ổn định. Đừng vì ngại ngùng, che giấu mà làm để họ điều trị muộn. Nếu có chẩn đoán bị rối loạn tâm thần cần điều trị tích cực, không nên đi cúng, đi lễ... để “giải” bệnh.

BS La Đức Cương

Theo Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X