Hotline 24/7
08983-08983

Bánh trung thu, dùng sao cho khỏe và an toàn?

Thưa TS.BS Đào Thị Yến Phi, tôi muốn hỏi là những trường hợp nào không nên ăn bánh trung thu? Những người bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp có cần phải kiêng tuyệt đối?

Thưa TS.BS Đào Thị Yến Phi, tôi muốn hỏi là những trường hợp nào không nên ăn bánh trung thu? Những người bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp có cần phải kiêng tuyệt đối? Nếu không phải kiêng tuyệt đối thì nên ăn như thế nào để vừa đã cơn thèm mà vừa không hại sức khỏe?

(Nguyễn Thường Tính - tintranfo…@gmail.com)

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Thật ra, trong dinh dưỡng, không có chỉ định kiêng ăn tuyệt đối bất kỳ món ăn nào, vì ăn uống là một trong những yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống, ngay cả với người đã có bệnh lý thì chất lượng sống vẫn là điều quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả người không có bệnh lý). Vấn đề là với các bệnh khác nhau sẽ có một số lưu ý khác nhau để chúng ta điều chỉnh các loại thực phẩm khác nhau và các bữa ăn trong ngày để hạn chế tố đa các nguy cơ nếu có.

Sau đây là một số nguyên tắc chung:

1. Chọn loại bánh có thể ăn tuỳ theo từng bệnh:

- Bệnh nhân tim mạch và huyết áp cần hạn chế muối trong khẩu phần, vì vậy không nên ăn nhiều các loại bánh thập cẩm, ưu tiên chọn lựa các loại bánh có nhân đậu xanh, khoai môn, trà xanh… là những loại bánh có hàm lượng muối thấp hơn

- Bệnh nhân tiểu đường thường không nên ăn các loại bánh có hàm lượng đường cao như bánh nhân đậu, nhân hạt sen, nhân khoai, nên chọn các loại bánh thập cẩm nhân ít mỡ.

- Bệnh nhân gout (thống phong) thường cần kiêng cữ các món ăn giàu đạm và các loại đậu đỗ, nên tránh các loại bánh nhân đậu, nhân thập cẩm, ưu tiên chọn lựa các loại bánh nhân khoai củ.

2. Xác định số lượng bánh có thể ăn:

- Với các loại bánh ưu tiên (được phép ăn nhiều hơn), mỗi lần ăn có thể ăn tối đa 1/2 cái 

- Với các loại bánh cần hạn chế: mỗi lần ăn không quá 1/4 cái

3. Điều chỉnh khẩu phần ăn trong ngày để cân đối các chất dinh dưỡng, cung cấp đủ vi chất:

- Giảm bớt 1 chén cơm/ bữa chính khi ăn 1 phần bánh trung thu

- Tăng cường thêm khoảng 2 chén rau củ quả (tương đương 150g) khi ăn 1 phần bánh trung thu. Các loại rau củ quả này tốt nhất là ăn tươi sống, chọn loại không ngọt không đường.

- Uống nhiều nước, có thể dùng nước trà khi ăn bánh trung thu, vừa hợp vị, lại vừa giúp chậm hấp thu một vài thành phần bất lợi trong bánh như đường hay mỡ.

- Đi bộ thêm 15 phút/ngày

Mặc dù không có chỉ định kiêng khem tuyệt đối bánh trung thu với người bệnh, nhưng chắc chắn không được ăn đến “đã cơn thèm”. Thèm là một cảm giác lệ thuộc tâm lý, liên quan đến thần kinh, nên ngưỡng “đã” đôi khi là ngưỡng nguy hiểm mà người bệnh không tự biết. Nên chọn khái niệm “thưởng thức một món ăn ngon” theo cách phù hợp nhật với sức khoẻ của mình thì sẽ vui hơn cho chính người bệnh và cả gia đình nữa

Chúc bạn có mùa trung thu thật vui!

TS.BS Đào Thị Yến Phi
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X