Hotline 24/7
08983-08983

Băng rừng tiêm chủng và công việc "thầm lặng" của những nhân viên y tế dự phòng

Phía sau tỉ lệ bao phủ tiêm chủng, ít ai hình dung công việc âm thầm mà các nhân viên y tế dự phòng phải làm mỗi ngày, bất kể ngày đêm, mưa hay nắng - băng rừng vào tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh vận động người dân tiêm chủng.


Tây Nguyên mùa này nắng như lửa đốt. Hai bên vệ đường dẫn vào thôn 5, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng nhiều vườn cà phê "khát nước" ngả màu vàng quạch, héo úa.

Mặc bụi mịt mù cuốn theo từng vòng xe lăn, y sĩ Bùi Văn Lộc - trưởng Trạm y tế xã Lộc Nam - cùng điều dưỡng Nguyễn Thị Trang, hộ sinh Kaes khoác trên mình chiếc áo blouse trắng dong xe băng qua các khoảnh rừng đến nơi có 400 hộ dân sinh sống rải rác khắp các triền đồi cheo leo hiểm trở.

Tiêm chủng ở thung lũng

Nhìn từ trên cao, thôn 5 của xã Lộc Nam nằm lọt thỏm giữa một thung lũng với đồi núi chập chùng, bạt ngàn cà phê.

Để tiếp cận nơi này là một thách thức bởi lối vào bé xíu, khúc khuỷu, có chỗ dốc đứng.


Sau cả chục lần lên dốc rồi đổ dốc, cuối cùng nhóm y sĩ Lộc cùng các bác sĩ dự phòng đến từ Viện Pasteur (Bộ Y tế) mới có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Nhuẩn (56 tuổi, quê Thanh Hóa) lúc mặt trời gần đứng bóng.

Giữa vùng núi hoang vu, gia đình ông Nhuẩn là hộ dân hiếm hoi có trẻ nhỏ. Hai cháu nội của ông là bé Nguyễn Phúc Lộc, 3 tuổi và bé Nguyễn Ngọc Phúc An mới hơn 1 tuổi.

Ấy thế mà khi cán bộ y tế hỏi tên tuổi hai cháu, ông Nhuẩn cười khà nói: "Suốt ngày trong rẫy tôi có nhớ đâu, ở nhà tôi gọi tụi nó là Heo và Mắm nên quen rồi".

Không có sóng điện thoại, cuộc sống của các hộ dân nơi đây gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

"Đường sá xa xôi cách trở, không có sóng điện thoại để liên hệ, nên em trễ mất mấy lần uống vitamin A của bé rồi, may tiêm chủng đều đầy đủ. Có hôm trời mưa đường khó đi quá, em chỉ còn cách quấn con trong túi bóng để ra trạm y tế cho khỏi ướt" - mẹ bé, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (25 tuổi), vừa hớt hải chạy từ rẫy về bế con, nói.

Lật giở sổ tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền (phụ trách mảng bệnh bạch hầu, Viện Pasteur) cười xác nhận cả hai bé đều được tiêm chủng khá đầy đủ. Chỉ có lúc hai tháng tuổi, bé tiêm chậm một mũi.

"Mẹ bé đừng quá lo lắng, lần sau nhớ chú ý. Bởi tiêm trễ như vậy chỉ sợ bé mắc bệnh trước khi tiêm, tiêm đúng lịch sẽ phòng ngừa tốt hơn cho bé" - ngồi bệt giữa sàn nhà, ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng - phó trưởng Khoa Phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh (Viện Pasteur) - khuyên nhủ.

Ông còn "nhờ vả" chị Liên nhắn dùm các mẹ khác trong vùng để họ biết và chủ động đề phòng.

Vượt qua bao nhiêu trở ngại, hai con của chị Liên đều được tiêm chủng đầy đủ như trẻ "ngoài phố". Chị nói ở nơi không có sóng điện thoại, địa hình lại cách trở chỉ còn biết "trông cậy vào các cô chú ở trạm y tế".

Từ khi chị mang bầu, các cán bộ y tế nhiều lần nhắc nhở cần tiêm ngừa, rồi khi sinh dặn dò phải báo trạm để đặt lịch tiêm chủng.

"Các bác sĩ dặn dò sao tôi làm vậy để sau này con khỏi bị ốm đau" - chị Liên bộc bạch.

Còn câu chuyện của cô gái trẻ Kkhem (dân tộc K’Ho) lại là một trường hợp đặc biệt khiến các cán bộ y tế không khỏi lo âu.

22 tuổi, Kkhem có tới hai con trong độ tuổi tiêm chủng. Trong đó, bé thứ hai ra đời "thật ly kỳ". Đó là ngày 11-3-2018.

"Nó đi chơi về chưa kịp vào nhà đã đẻ rớt ngay trước sân, nhờ con em phát hiện đỡ vào, lúc đó cháu khóc oe oe giữa sân, người lấm lem bùn đất" - mẹ Kkhem kể.

Không đến bệnh viện để chăm sóc, đứa bé sau đó được dùng khăn lau sạch, rốn được cắt bằng lưỡi dao lam và nuôi nấng cho đến bây giờ.

Từ lúc sinh đến nay con đã gần 1 tuổi, mẹ bé nói mới chỉ tiêm một mũi vắcxin tại trạm y tế. Không chỉ thế, từ khi mang bầu, Kkhem bỏ luôn việc tiêm ngừa. Hỏi sổ tiêm ngừa của con, Kkhem chỉ cười nói "bỏ quên ở nhà bố chồng".

"Bây giờ họ biết cần phải tiêm chủng như vậy là tốt lắm rồi, hi vọng mỗi ngày một ít sẽ thay đổi quan niệm, tập tục" - nữ hộ sinh Kaes, người có 9 năm trời làm cầu nối đồng bào thiểu số với công tác tiêm chủng, chia sẻ.

Với khoảng 30% dân số là dân tộc thiểu số, địa hình xa cách hiểm trở, dân cư biến động liên tục… là thách thức buộc các cán bộ y tế phải nhọc công tìm kiếm từng nhà dân thuyết phục tiêm chủng.

Y sĩ Bùi Văn Lộc - trưởng Trạm Y tế Lộc Nam - cho biết hầu hết các hộ dân đi làm rẫy nên cán bộ y tế phải tranh thủ lúc chiều tối hoặc thứ 7, chủ nhật. Thế nhưng không phải lần nào cũng gặp.

Có hôm trời mưa, để vào tận nhà dân, cán bộ y tế phải buộc xích vào bánh xe mới chạy nổi, có nơi địa hình hiểm trở đành lội bộ cả ngày trời. Chưa kể tìm được đến nơi còn bị bà con la lối đuổi đi.

"Trong một lần tiêm chủng cách đây gần 2 năm. Sau khi tiêm viêm màng não cho một bé 9 tuổi thì bị phản ứng. Họ gọi bắt đền, buộc tôi cùng một đồng nghiệp phải xuống túc trực suốt đêm. Sau đó bỏ tiền thuê xe đưa trẻ đi bệnh viện, đến lúc khỏe mạnh mới đem về trả" - bác sĩ Lộc kể về kỷ niệm nhớ đời.


Những chuyến đi đột xuất

Với vai trò hỗ trợ kỹ thuật phòng các loại dịch bệnh ở phạm vi 20 tỉnh, thành phía Nam (từ Lâm Đồng đến Cà Mau), mỗi khi có dịch bùng phát tại các tỉnh cũng là lúc nhóm bác sĩ phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh của Viện Pasteur lại lên đường.

Ngót nghét 18 năm ThS.BS Hồ Vĩnh Thắng - phó trưởng Khoa Phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh - "chung thủy" với vai trò bác sĩ dự phòng.

Anh nói không thể đo đếm được bao nhiêu chuyến đi về các bản làng xa xôi cùng địa phương điều tra ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Có những chuyến đi vội vã giữa đêm khuya, chỉ nhét vội mấy bộ đồ vào túi xách.

"Đôi mắt đen nhánh như muốn nói điều gì đó của các em bé người dân tộc thiểu số là động lực thôi thúc đôi chân chúng tôi đến với họ, cùng ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh" - bác sĩ Thắng nói.

Anh còn nhớ như in một buổi chiều năm 2000, mới "chân ướt chân ráo" vào nghề đã nhận được lệnh nhanh chóng lên đường xử lý dịch uốn ván sơ sinh bùng phát tại huyện Bù Đăng, Bình Phước.

Ngay buổi chiều hôm ấy, chàng trai trẻ vừa ra trường cùng một đồng nghiệp tức tốc về Bình Phước, và chẳng ai ngờ mình phải "nằm vùng" cả tháng trời ở chốn "khỉ ho cò gáy" đó.

"Chúng tôi phải băng rừng cuốc bộ vào tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, nơi có các cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống, thuyết phục họ đi tiêm chủng. Có hôm tối mịt vẫn còn lang thang trong rừng. Cuối cùng mới tạm thở phào khi khoanh vùng được ổ dịch, chia sẻ thông tin cho bà con và tổ chức tiêm ngay sau đó" - bác sĩ Thắng kể.

Mới đây, cuối tháng 8-2018, nhận tin bệnh bạch hầu bùng phát ở huyện Đam Rông, Lâm Đồng, tổ phòng chống, kiểm soát dịch của bác sĩ Thắng lại ngay lập tức lên đường điều tra, khống chế không cho dịch lây lan ra diện rộng.


Hôm đó, Đam Rông mưa xối xả. Con đường độc đạo bằng đất đỏ vào nơi có dịch trở nên nhão nhoẹt, lầy lội. Từng vết xe hằn sâu cả mét, những vũng nước to đùng như "nuốt" trọn mặt đường khiến việc tiếp cận ổ dịch càng khó khăn.

"Tình thế cấp bách, mọi người phải mặc áo mưa, xắn quần mang ủng lội bộ. May mắn có chiếc máy cày chở qua đoạn đường lầy lội nhưng dọc đường, "tài xế" phải liên tục nhắc "bám thật chặt" khi gặp đoạn trơn trượt, hiểm trở. Nhiều lúc chiếc xe cứ nghiêng ngả, rung lên bần bật như muốn lật nhào" - bác sĩ Nguyễn Thị Huyền kể.

Sau gần cả giờ vật lộn với bùn lầy, cả nhóm mới đến được khu vực có ổ dịch.


Từng tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa nhưng bác sĩ Hoàng Anh Thắng - tổ trưởng tổ tiêm chủng mở rộng của Viện Pasteur, lại chọn một ngã rẽ bất ngờ - làm bác sĩ dự phòng.

Từ "thử nghiệm", những chuyến đi về vùng sâu tuyên truyền tiêm chủng cho bà con đã cuốn chàng trai "đa khoa" ngày nào bén duyên và gắn bó với công việc cực nhọc lúc nào không hay.

Nhìn lại chặng đường gắn bó 12 năm qua, bác sĩ Hoàng Anh Thắng nói: "So với một số bạn bè học đa khoa, tôi biết theo con đường này sẽ thiệt thòi nhiều thứ, nhưng tôi chấp nhận và vui vì điều đó".

Luôn có mặt trong hầu hết các chuyến đi "đột xuất" phòng chống dịch cũng không thể thiếu cô bác sĩ trẻ, xinh xắn Nguyễn Thị Huyền (29 tuổi).


Từ ngày bước vào đại học, mối quan tâm lớn nhất của Huyền là dịch tễ, tiêm chủng. Và đó như là định mệnh, gắn cô theo con đường ít ai lựa chọn - bác sĩ dự phòng.

"Những lần đi thực tế ấy, mình biết được khả năng tiếp cận dịch vụ y tế ở vùng sâu vùng xa còn một khoảng cách quá lớn, nếu không đi không thể nào hiểu được. Đó là trải nghiệm quý giá", cô nói.


Vào những mùa cao điểm dịch bệnh bùng phát, nói nhưng Huyền "rất đuối", nhưng những lúc ấy các đồng nghiệp lại tự an ủi, động viên nhau "làm vì cộng đồng".

"Mình thấy yêu công việc này, mỗi khi làm được điều gì đó cho bà con lại thấy mình sống có ý nghĩa hơn" - Huyền chia sẻ.


Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X