Hotline 24/7
08983-08983

Bạn có quản lý được cơn giận?

Không nên phản ứng bản năng cũng không nên tránh né vì đều có hại cho sức khỏe.

Tốt nhất đừng cố gắng kiềm chế cơn giận vì sức khỏe của bạn sẽ bị tổn hại mà nên có cách phản ứng lành mạnh, vừa không để sức khỏe gặp vấn đề mà còn cải thiện được quan hệ. Bước đầu tiên để quản lý cơn giận là phải đủ tỉnh táo chọn cách biểu hiện nó ra bên ngoài. Hãy tìm hiểu thêm về khả năng quản lý cơn giận của mình qua bài trắc nghiệm sau.

Tình huống: Bạn gặp vấn đề về tài chính và chia sẻ với người bạn thân sau khi cô ấy hứa sẽ không nói lại với ai. Một tuần sau, trong bữa ăn tối cùng nhóm bạn, một người bạn khác ghé sát tai hỏi bạn có cần anh ta cho mượn tiền hay không. Bạn sẽ làm gì?


Cơn giận một khi không quản lý được sẽ rất có hại cho sức khỏe

A. Trách mắng người bạn thân vì đã phá vỡ niềm tin của bạn. Lôi cả những mâu thuẫn của hai người trong quá khứ ra nói và thề sẽ không bao giờ tin tưởng người bạn này nữa. Nhóm bạn chỉ biết yên lặng lắng nghe trong khó xử.

B. Im lặng và không nhìn đến người bạn thân trong suốt bữa tối và vẫn không nói gì khi cô ấy hỏi tại sao bạn làm lơ cô ấy. Bạn bỏ ra về sớm và từ chối các cuộc gọi của cô ấy trong suốt hai tuần.

C. Chỉ ngồi yên lặng và cười khi bạn bè hỏi bạn có việc gì không ổn. Bạn không trách mắng gì người bạn thân mà chỉ tự dằn vặt và tự hứa sẽ không bao giờ chia sẻ những điều quan trọng với cô ấy nữa.
D. Không để câu chuyện làm ảnh hưởng đến không khí bữa tối. Mời người bạn thân đi cà phê vào hôm sau, nói với cô ấy bạn đã biết cô ấy không giữ lời và bạn tổn thương thế nào và sẽ phải mất một thời gian bạn mới có thể tin tưởng lại cô ấy.

Nếu câu trả lời của bạn là:

A. Phản ứng tức thì: Cho thấy bạn là người bản năng và nóng nảy, mọi người biết đến bạn với thói quen la hét và đạp cửa mỗi khi giận dữ. Theo ý kiến tâm lý học thì đây là cách phản ứng của rất nhiều người vì họ muốn tức thì chứng minh vấn đề. Bạn có thể hả dạ ngay lúc đó nhưng sẽ đánh mất dần sự tôn trọng về lâu dài, thậm chí mọi người có thể đánh giá bạn là một kẻ thích bắt nạt.

Những người này thường hay ân hận và cảm thấy xấu hổ khi bình tĩnh lại. Nghiên cứu cho thấy dạng phản ứng này tạo áp lực lên tim, đồng nghĩa với việc họ rủi ro cao về bệnh tim mạch.

Giải pháp: Cố gắng đừng bộc phát cảm xúc ngay, hãy để lý trí dẫn đường. Người có phản ứng tức thì thường cho rằng người không tranh luận là kẻ yếu thế hơn. Tuy nhiên thực tế biết im lặng, chờ đợi là sức mạnh - sức mạnh kiểm soát chính mình.

Khi có dấu hiệu sẽ bộc phát cơn giận dữ - tim đập nhanh, mặt đỏ, cơ căng, mong muốn la hét - hãy thở 10 hơi dài. Chúng sẽ làm tăng lưu thông ôxy và tạo ra các hormone điềm tĩnh như serotonin.
Bạn có thể thỏa mãn cảm xúc khi giận mà vẫn gìn giữ mối quan hệ và tự trọng của mình bằng cách chỉ nói về cảm xúc và sự tổn thương của mình với sự việc xảy ra mà không đánh giá, xúc phạm người khác. Về lâu dài, bạn nên được hỗ trợ về tâm lý hoặc tập yoga.

B. Công kích thụ động là hình thức chống đối đầu tốt. Sự im lặng vẫn có thể khiến người khác cảm nhận được sự tức giận của bạn. Người có phản ứng này thường sẽ có một khoản thời gian tự vấn mình đã sai ở đâu, do đó bản thân sẽ phải khoăn và buồn bã.

Giải pháp: Hãy tự hỏi nếu một người đối với bạn bằng thái độ công kích thụ động như trên thì bạn cảm thấy thế nào? Hãy thừa nhận thái độ này không chỉ làm bạn buồn bã vì phải đè nén cơn giận mà cũng khiến người khác tổn thương. Nên đối thoại thay vì im lặng, ưu tiên tập trung vào những gì bạn cần trước - gìn giữ quan hệ, giải quyết xung đột, giải phóng tâm trạng.

C. Tránh né: Làm như thể mọi việc đều ổn trong khi có điều không ổn khiến bạn mệt mỏi. Che giấu cảm xúc hủy hoại sự tự tin của bạn, khiến bạn không còn khả năng đòi hỏi quyền lợi của mình.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đè nén cơn giận có thể dẫn tới các vấn đề về tim, tiêu hóa, trầm cảm… cũng nguy hại không kém phản ứng cơn giận tức thì.

Giải pháp: Tốt nhất là nên thừa nhận cơn giận. Tránh né thường xuất phát từ một nỗi lo không được nói ra, chẳng hạn bạn lo mối quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí đổ vỡ khi bạn thể hiện cảm xúc. Bạn cần biết rằng đa phần nỗi lo này vô căn cứ và khi đó bạn sẽ có hành động đúng đắn hơn.

D. Trực tiếp: Đây là cách tốt nhất bạn đối xử với cảm xúc của mình. Bình tĩnh lúc đầu để không có những lời nói, hành động đáng tiếc và xử lý sáng suốt, xây dựng sau đó. Thẳng thắn là cách tốt nhất để đối diện với cơn giận để đi đến một giải pháp tích cực. Nó thể hiện sự tôn trọng của bạn với nhu cầu và cảm xúc của người khác trong khi vẫn quan tâm đúng mức đến cảm xúc của mình.

Hãy trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp và tham khảo cách những người khác đối phó cơn giận để có cách xử lý tốt trong từng trường hợp. Chẳng hạn, nếu bên xung đột với bạn thuộc dạng A - phản ứng tức thì, tốt nhất bạn nên tránh đối đầu cho đến khi họ bình tĩnh lại. Tình huống tốt nhất là cả hai bên đều thuộc dạng cuối cùng - trực tiếp, tuy nhiên khả năng này rất hiếm.

Theo Thiên Ân - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X