Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ trưởng khoa sản Bệnh viện Từ Dũ giải đáp toàn bộ thắc mắc về nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là gì? Ai dễ bị nhau cài răng lược? Làm sao để phát hiện căn bệnh này và hướng xử trí ra sao?... Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK2 Vương Đình Bảo Anh - Trưởng khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ giải đáp cặn kẽ. Mời bạn đọc đón xem.

Nhau cài răng lược là một trường hợp bệnh khó đối với sản khoa vì trực tiếp đe dọa sức khỏe mẹ bầu và thai.

Nhau cài răng lược (NCRL) là từ chung dùng mô tả bệnh cảnh lâm sàng khi một phần hay toàn bộ bánh nhau xâm lấn và không thể tách rời khỏi thành tử cung.

Bình thường sau khi sanh, bánh nhau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được sổ ra ngoài nhưng khi bị NCRL bánh nhau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sanh, rối loạn đông cầm máu,... thậm chí tử vong cho người mẹ.

Vậy ai dễ bị nhau cài răng lược? Làm sao để phát hiện căn bệnh này và hướng xử trí ra sao? Để giúp các bà mẹ hiểu rõ các vấn đề này, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với BS.CK2 Vương Đình Bảo Anh - Trưởng khoa Sản A - Bệnh viện Từ Dũ lúc 14g ngày 1/8/2019.

BS.CK2 Vương Đình Bảo Anh

NỘI DUNG TƯ VẤN

Chào bác sĩ, cho em hỏi NCRL là gì vậy ạ? Em nghe người ta nói ai có bầu bị nhau cài là phải cắt bỏ luôn tử cung. Thật sự có nguy hiểm vậy không ạ?

Chào em,
NCRL là 1 bệnh lý xâm nhập bất thường của bánh nhau vào tử cung dẫn đến việc phẫu thuật sẽ khó khăn và gây chảy máu khối lượng lớn với nguy cơ gây suy đa tạng và tử vong, do đó đây là 1 bệnh lý phẫu thuật khó nhất trong sản khoa.
Tùy theo mức độ xâm lấn của bánh nhau vào cơ tử cung trong nhau cài răng lược mà bác sĩ sẽ quyết định cắt tử cung hay bảo tồn tử cung trong phẫu thuật NCRL. Hiện nay, tại Bệnh viện Từ Dũ tỷ lệ bảo tồn tử cung trong NCRL là 44%, trong đó NCRL thể nặng chiếm 55%, với tỷ lệ thành công > 90%.

Em bị NCRL đã mổ và giữ lại được tử cung. Bao lâu sau thì em có thể mang thai lại? Và khi mang thai lại thì có bị NCRL nữa hay không?

Em thân mến,
Chúc mừng em đã được bảo tồn tử cung, thông thường sau lần phẫu thuật mổ lấy thai trước trên 18 tháng em có thể có thai lại. Tùy tình trạng tử cung hiện tại mà bác sĩ có thể khuyến cáo cho em có thai lại hay không?

Tỷ lệ bị NCRL trở lại rất thấp nếu em không mổ hay thủ thuật nhiều lần trên cơ tử cung, vì tỷ lệ NCRL lược xuất hiện lại tăng theo số lần mổ lấy thai và có hay không có nhau tiền đạo.

Ảnh: Nguồn Internet

Bác sĩ ơi, tỉ lệ người mẹ có thể bị tử vong trong trường hợp bị NCRL là bao nhiêu ạ?

Em thân mến,

Tỷ lệ tử vong trong NCRL theo nghiên cứu của nước ngoài là 0.3% - 7%. Tại Bệnh viện Từ Dũ chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào trong các trường hợp phẫu thuật nhau cài răng lược.

Tuy nhiên đây là một bệnh lý phẫu thuật khó, diễn tiến khó lường nên cần có sự hỗ trợ của nhiều chuyên khoa (ngân hàng máu, gây mê hồi sức...) và kỹ năng, kinh nghiệm của phẫu thuật viên nên những trường hợp này phải được phẫu thuật ở những trung tâm lớn có đủ điều kiện.

NCRL em biết là bệnh lý bánh nhau cắm vào cơ tử cung rất nguy hiểm. Thường em nghe về những ca phải cắt tử cung bán phần hoặc cắt luôn tử cung. Nếu đã cắt bán phần vậy xem như cũng là không mang thai được nữa phải không bác. Có nhiều trường hợp mà giữ được nguyên vẹn tử cung và mang thai lần nữa không ạ? Em cảm ơn.

Chào em,
NCRL là 1 phẫu thuật khó, nguy cơ chu phẫu cao nên trước đây phương pháp phẫu thuật chủ yếu là: mổ lấy thai + cắt tử cung. Nếu cắt tử cung (bán phần hoặc toàn phần) đều không thể có thai lại.

Tuy nhiên, tại Bệnh viện Từ Dũ tỷ lệ bảo tồn tử cung cho tất cả các thể NCRL là 44% kể cả các trường hợp NCRL thể nặng (Increta và Percreta). Sau khi bảo tồn tử cung em có thể có thai lại bình thường. Tuy nhiên cần phải ngừa thai > 18 tháng sau mổ em nhé!

Bác sĩ cho em hỏi khi bị NCRL thì bà mẹ có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống gì đặc biệt không ạ?

Chào em,
Khi bị NCRL sản phụ cần phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những công việc nặng đi lại nhiều, leo cầu thang, mang vác nặng, kiêng giao hợp nhằm giảm nguy cơ ra máu âm đạo để cố gắng dưỡng thai đến 34 - 36 tuần.

Em bị NCRL. Em biết răng với những ca như thế này khi sinh em bé rất nguy hiểm. Em ở xa không biết khi có dấu hiệu có đến được Bệnh viện Từ Dũ hay không, vậy nếu ở tuyến tỉnh có cơ hội cao không bác sĩ?

Em thân mến,
Em nên đi khám thai định kỳ và theo dõi sát tình trạng thai, tùy tình trạng của thai và thể nặng của NCRL bác sĩ tại tuyến tỉnh sẽ tư vấn cho em được phẫu thuật tại tuyến tỉnh hoặc chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ khi cần.
Nếu có dấu hiệu đau bụng hoặc ra máu âm đạo em phải đi khám ngay tại các Bệnh viện tuyến tỉnh trở lên để đánh giá và xử trí kịp thời.

Bác sĩ ơi, khi bị NCRL thì mình dưỡng thai đến bao lâu thì bắt em bé ra ạ? Thường những người bị NCRL có tỉ lệ sinh non cao không bác? Em cảm ơn!

Chào bạn,
Thông thường nhau cài răng lược được phẫu thuật ở giai đoạn 34 - 36 tuần sau khi đã hỗ trợ phổi thai.
NCRL là bệnh lý phẫu thuật khó với nguy cơ mất máu với khối lượng lớn và tổn thương các cơ quan xung quanh cao, thai thường ở tuổi thai non tháng nên nguy cơ cho cả mẹ và con là rất cao.

Dạ xin chào bác sĩ, em đang mang thai ở tuần 32_33t, đã sinh mổ 2 lần vào năm 2012 và 2014. Em khám ở Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ hẹn tái khám lại vào ngày 5/8/2019. Em được chẩn đoán NCRL và sẽ kết thúc thai kỳ ở tuần 34.

Em rất băn khoăn và lo lắng. Bác sĩ tư vấn giùm em về bệnh lý và các thủ tục BHYT từ Bình Định chuyển vào thế nào? Chuẩn bị những gì trước khi mổ? Có cần người nhà hỗ trợ cùng nhóm máu để giảm bớt chi phí không? Thời gian nằm viện bao lâu? Em cảm ơn.

Bạn thân mến,

Thông thường, NCRL được phẫu thuật ở giai đoạn 34 - 36 tuần sau khi đã hỗ trợ phổi thai.
NCRL là bệnh lý phẫu thuật khó với nguy cơ mất máu với khối lượng lớn và tổn thương các cơ quan xung quanh cao, thai thường ở tuổi thai non tháng nên nguy cơ cho cả mẹ và con là rất cao.
Thời gian nằm viện tùy theo mức độ khó của phẫu thuật và các tai biến cũng như biến chứng của NCRL. Thời gian trung bình từ 5 - 10 ngày.
Nếu được thì bạn nên huy động người nhà đi theo để có thể cung cấp thêm máu để truyền khi cần bạn nhé!

Ảnh: Internet

Nếu như em phát hiện bị NCRL thì em phải mổ lấy thai khi thai được bao nhiêu tuần? Em cảm ơn BS.

Chào bạn
Thông thường NCRL được phẫu thuật ở giai đoạn 34 - 36 tuần sau khi đã hỗ trợ phổi thai tùy thể của NCRL.

Em bị chỉ định chụp MRI khi bị NCRL? Không biết là có ảnh hưởng đến em bé không?

Chào em
Hiện nay, MRI chưa có dữ liệu chứng minh là có ảnh hưởng trên thai nên em có thể chụp MRI không cản quang.

Thưa bác sĩ, lần sinh con thứ nhất năm 2017 cháu có bị nhau tiền đạo trung tâm được sinh mổ tuần 38. Trong quá trình mang thai cháu không bị ra máu, chỉ có tháng cuối bị đau chằn bụng dưới. Liệu mang thai lần 2 cháu có nguy cơ bị NCRL không ạ? Có cách nào phòng tránh không thưa bác sĩ?

Chào em,
Tần suất xuất hiện của NCRL tăng theo số lần mổ lấy thai và có kèm theo hay không nhau tiền đạo. Vì vậy lần mang thai thứ 2 của em có nguy cơ nhau tiền đạo hoặc NCRL. Tuy nhiên em mổ lấy thai 1 lần thì tần suất NCRL của em chỉ là 0.3% nên cũng không cần qúa lo lắng.
Hiện nay, ngoài việc tránh mổ lấy thai nhiều lần và các thủ thuật can thiệp trong lòng tử cung thì không có phương thức nào để tránh NCRL.

Chào bác sĩ, em bị nhau tiền đạo trung tâm và NCRL. Tuần 27 em đi khám, bác sĩ nói là 34 tuần mổ bắt bé. Ở tuần 28 em bị ra ít máu và nằm bệnh viện tỉnh.

Hiện tại bây giờ em được 31 tuần, xin hỏi nếu như từ đây đến 34 tuần tuần không bị ra máu và tình trạng bình thường thì dưỡng thai thêm được không ạ? Và nếu dưỡng được em có thể dưỡng thêm được bao nhiêu tuần nữa ạ? Em cảm ơn!

Chào em,
NCRL sẽ được mổ lấy thai khi thai từ 34 - 36 tuần sau hỗ trợ phổi thai, tùy thể nặng hay nhẹ của NCRL bác sĩ sẽ quyết định thời điểm chấm dứt thai kỳ hợp lý.
Nếu tình trạng thai ổn định không ra máu âm đạo, không dấu chuyển dạ thì có thể dưỡng thai cho đến 36 tuần tùy thể NCRL.
Vì bệnh lý NCRL là 1 bệnh lý phẫu thuật khó nguy cơ tai biến trong phẫu thuật và tử vong cao nên bạn cần phải ở gần những bệnh viện có đủ những điều kiện phẫu thuật khó để xử lý ngay khi có tình trạng ra máu hoặc có chuyển dạ.

Em đang có thai ở tuần 15 mà lúc 11 tuần 5 ngày bác sĩ chẩn đoán em bị nhau tiền đạo. Mép dưới bánh nhau phủ qua lỗ tử cung 17mm. Bác sĩ cho em hoit bị vậy có ảnh hưởng gì đến thai không ạ? Và có nguy hiểm không?

Em thân mến,

Nhau tiền đạo không được chẩn đoán trong tam cá nguyệt đầu và tam cá nguyệt thứ 2 vì vị trí nhau bám có thể thay đổi trong tam cá nguyệt thứ 3 nên bạn chỉ đi khám và theo dõi thai định kỳ không cần phải lo lắng quá. Tuy nhiên, vì nhau bám tràn qua lỗ trong cổ tử cung nên bạn cần cẩn thận tránh những tác động lên tử cung gây co thắt tử cung vì có thể gây chảy máu.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X