Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ tìm bắt tinh trùng cho đôi vợ chồng hiếm muộn

Hai lần thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng anh Thanh đều thất bại, bác sĩ Việt quyết định mổ tinh hoàn bệnh nhân để tìm tinh trùng.

Bế đứa con mới hơn 5 tháng tuổi của vợ chồng anh Thanh, chị Phượng ở Bắc Giang trên tay, bác sĩ Đinh Hữu Việt không giấu niềm vui. Cách đây hơn một năm, hai vợ chồng anh Thanh đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội gặp bác sĩ tư vấn về trường hợp hiếm muộn của mình. Anh Thành từng mắc quai bị dẫn đến teo tinh hoàn. Hai lần trước anh đã thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều thất bại vì không thấy có tinh trùng.

"Bây giờ chỉ còn cách cuối cùng là mổ Micro TESE - vi phẫu tinh hoàn để tìm tinh trùng trong đó", bác sĩ Việt tư vấn.

Vợ chồng anh Thành đồng ý. Ngay lập tức, kíp hội chẩn được huy động. Sau khi khám lâm sàng, dùng thuốc nội khoa điều trị, bác sĩ Việt bắt tay vào phẫu thuật tìm tinh trùng. "Ca phẫu thuật hơn một tiếng đồng hồ vô cùng áp lực với tôi vì hai lần trước đã thất bại", bác sĩ Việt chia sẻ. Tuy nhiên vi phẫu có ưu điểm là dùng kính hiển vi phóng đại lên rất to, sẽ tìm được tinh trùng dễ dàng hơn.

Cùng lúc, kíp bác sĩ bên hỗ trợ sinh sản dùng thuốc để kích trứng của người vợ. Trứng sau khi lấy ra được kết hợp với tinh trùng tìm được từ chồng, chuyển sang phòng xét nghiệm để tạo phôi. Rất may mắn, cặp vợ chồng có rất nhiều phôi khỏe mạnh. Sau đó, bác sĩ chuyển phôi vào cơ thể người vợ để bắt đầu quá trình mang thai.

"Khi biết tin có thai, vợ chồng họ rất mừng nhưng bác sĩ chúng tôi cũng chưa mừng lắm", bác sĩ Việt cười nói. "Thực tế còn phải xem khi chuyển phôi vào cơ thể, người vợ có mang thai được không, thai nghén tốt không, có bị lưu thai không... nói chung rất nhiều vấn đề". May mắn, cuối cùng vợ chồng anh Thanh đã sinh một cháu gái khỏe mạnh. Đó là niềm vui của cả gia đình, cũng là ca phẫu thuật khó mà bác sĩ Việt không thể quên.

Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Đinh Hữu Việt sinh năm 1983, tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Y Hà Nội, hiện là bác sĩ bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Trong lĩnh vực ngoại khoa có nam khoa, vô sinh hiếm muộn, phẫu thuật tạo hình, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục nam giới...

"Tôi đến với công việc này rất tình cờ. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, có nhiều người nhà quen biết tìm đến mình tư vấn". Ví dụ những bệnh nhân sức khỏe tình dục bình thường nhưng không có con, khi tìm hiểu ra mới phát hiện không có tinh trùng, bác sĩ Việt tìm tòi xem có những cách nào để hỗ trợ sinh sản. "Sau khi tư vấn nhiều trường hợp thấy chuyên ngành này rất hay, vậy là cứ đi theo nghiên cứu", anh chia sẻ.

"Làm hỗ trợ sinh sản có cái hay và cần yêu cầu kĩ năng rất cao, chia thành nhiều công đoạn khác nhau", anh nói. Một ngày ở bệnh viện có khoảng mấy chục cặp đến hàng trăm cặp vợ chồng đến khám và tư vấn. Bác sĩ Việt chủ yếu khám và điều trị cho nhiều cặp không có tinh trùng.

"Chỉ khoảng 1-2% nam giới không có tinh trùng, tỷ lệ vô sinh vì nguyên nhân này rất cao, thường là những ca khó, đã điều trị nhiều chỗ rồi", anh cho biết.

Nam giới xuất tinh không có tinh trùng trong tinh dịch sẽ không thể có con tự nhiên được. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Trường hợp này chỉ cần can thiệp ngoại khoa để nối thông đường dẫn, vợ chồng sẽ có con tự nhiên. Nguyên nhân thứ hai tại tinh hoàn không sản xuất ra tinh trùng hoặc sản xuất kém. Tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn. Điển hình như quai bị gây viêm, gây teo tinh hoàn, bệnh nhân không có tinh trùng phải phẫu thuật mổ tinh hoàn để tìm.

"Điều trị cho những ca khó như vậy, bản thân tôi càng thấy đam mê. Mỗi khi thành công, các cặp vợ chồng mang thai và sinh con khỏe mạnh, mình rất vui, xúc động, cảm giác rất khó tả", anh chia sẻ.

Bác sĩ Việt chuẩn bị cho một ca phẫu thuật tìm tinh trùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh chữa trị cho những ca hiếm muộn, bác sĩ Việt còn tư vấn những bệnh lý về nam khoa, ví dụ giảm ham muốn, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, gãy dương vật...

"Nhiều người thuộc cộng đồng LGBT cũng thường xuyên gặp tôi để tư vấn về tâm lý", anh nói. Hầu hết là các bạn trẻ, thậm chí là chưa trưởng thành, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, xu hướng tình dục còn chưa rõ ràng nên khi đến còn khá e dè.

"Khi đó, cần tìm hiểu tình cảm của họ đến mức nào, nhu cầu tình dục có thực sự cao không hay chỉ ngộ nhận ban đầu thôi", anh kể. "Nếu bệnh nhân có thể điều chỉnh được thì sẽ điều chỉnh theo xu hướng thích người khác giới, để có thể sinh con đẻ cái bình thường".

Cũng có những cặp đôi đồng tính đã trưởng thành hơn, đã yêu nhau đủ chín muồi, bác sĩ Việt tư vấn kỹ hơn về nguyên tắc sinh hoạt tình dục cùng giới để không ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh lý. Nhiều cặp bị gia đình phản đối, bác sĩ phải tư vấn tâm lý để họ vững vàng hơn.

"Đây cũng là một bước tiến lớn, vì những người thuộc cộng đồng LGBT ít nhiều họ đã cởi mở hơn và chịu chia sẻ nhưng câu chuyện, những vấn đề của bản thân, cùng bác sĩ tìm cách khắc phục", bác sĩ chia sẻ.

Nam khoa là chuyên ngành sâu và khá ít bác sĩ theo đuổi. Đến nay đã hơn 5 năm bác sĩ Việt làm công việc này, coi nó như bổn phận, trách nhiệm, mong muốn giúp đỡ nam giới có con bằng chính tinh trùng của mình.

Theo Thúy Quỳnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X