Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ phẫu thuật phải dốc ngược đầu bệnh nhân để mổ

Nữ bệnh nhân chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, buộc bác sĩ phải mổ trong tư thế dốc đầu bệnh nhân và truyền máu thành dòng.

 Rạng sáng 24/1, các bác sĩ ở Đơn vị Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực nhận được một cuộc điện thoại khẩn cấp từ khoa Cấp cứu thông báo về bệnh nhân 66 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch.

Người bệnh đến viện với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, tụt huyết áp, nghi phình mạch chủ bụng. Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân đau bụng, nôn, khó thở, huyết áp 90/60 mmHg, được duy trì thuốc vận mạch. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy khối phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận đường kính hơn 9 cm, hình ảnh khối phình đang chảy máu, tụ máu lớn sau phúc mạc, dịch tự do ổ bụng dạng máu.

Các bác sĩ của 2 khoa đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân.

Bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật. Ảnh: Hoa Lê.

Bác sĩ Hán Văn Hòa trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân, cho biết phẫu thuật phình động mạch chủ bụng rất khó khăn, phẫu thuật vỡ phình mạch chủ bụng còn khó khăn gấp bội. Kịch tính diễn ra khi người bệnh chưa kịp gây mê thì huyết áp tiếp tục tụt xuống thấp 50/30 với 3 loại thuốc vận mạch.

"Chúng tôi vừa hồi sức, gây mê vừa phẫu thuật. Để giữ cho não bệnh nhân không thiếu máu, ê kíp đã mổ trong tư thế người bệnh dốc đầu 45 độ, máu truyền nhanh thành dòng, sử dụng 3 thuốc vận mạch liều tối đa", bác sĩ Hòa nói.

Khó khăn liên tiếp trong khi mở ổ bụng ra, khối phình quá lớn, máu đang chảy ra ổ bụng. Ê kíp vừa lấy tay giữ khối phình không cho chảy máu, vừa nhanh chóng tìm động mạch chủ, kẹp mạch. Để nhanh  chóng tìm và khống chế mạch, vừa tránh tổn thương động, tĩnh mạch thận, tá tràng, niệu quản... làthách thức vô cùng lớn không chỉ với bác sĩ tuyến tỉnh mà ngay các chuyên gia đầu ngành phẫu thuật mạch máu.

Sau 4 giờ, cuộc phẫu thuật thành công. Người bệnh được chuyển khu hồi sức tim mạch tích cực, huyết động ổn.

"Người bệnh đã phải truyền 3 lít khối hồng cầu, 1,6 lít huyết tương, 450 ml khối tiểu cầu, gần như thay máu cho người bệnh trong và sau mổ để chống đỡ lại tình trạng mất máu và rối loạn đông máu" bác sĩ Hòa chia sẻ.

Sau 10 tiếng hồi sức tích cực, thở máy hỗ trợ, người bệnh đã hoàn toàn tỉnh táo, không có tai biến. Ngày thứ 6 sau phẫu thuật, người bệnh tự đi lại, ăn uống bình thường. Đây là trường hợp thứ 2 mà Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực gặp và đều cấp cứu thành công.

Theo Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X