Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ của U23 Việt Nam: "Tôi chưa bao giờ trải qua việc gì mệt hơn công việc này"

Trong thời gian thi đấu Giải U23 châu Á 2018, các bác sĩ thức dậy từ 7g sáng và đi ngủ lúc 3g đêm, làm việc 15, 16 tiếng/ngày suốt gần 2 tháng trong thời tiết khắc nghiệt.


Tinh thần quyết chiến vì màu cờ sắc áo của đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải U23 Châu Á đã khiến hàng triệu con tim nể phục.

Nhưng điều khiến mọi người nể phục hơn là thể lực phi thường của đội tuyển U23 Việt Nam thể hiện trong trận chung kết với điều kiện thời tiết bất lợi cho họ. Song họ không chỉ ngoan cường chiến đấu trong 90 phút mà là 120 phút… Đằng sau đó là sự chăm sóc của các bác sĩ cũng đặc biệt không kém.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong đợt khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ công nhân viên tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia một ngày đầu tháng 5, BS.CK2 Nguyễn Trọng Thuỷ - Phòng Khoa học Y học thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc Gia tới điểm hẹn gặp PV Gia Đình Mới rất đúng giờ. 

BS Nguyễn Trọng Thuỷ chính là bác sĩ phụ trách chính về mặt thể lực của các cầu thủ đội tuyển U23 Quốc gia - Đội tuyển lần đầu tiên mang về cho thể thao Việt Nam ngôi vị Á quân giải bóng đá U23 Châu Á.

Để có được sự tiến bộ vượt trội về thể lực là cả quá trình khổ luyện dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo và không thể không nhắc đến sự chăm sóc thể chất mà cả tinh thần của BS Nguyễn Trọng Thủy và cộng sự của mình, như BS Phạm Văn Minh, BS Tuấn Nguyên Giáp cùng nhiều chuyên gia nước ngoài như ông Martin Forkel, Pablo Sawicky, ông Bae Ji Won.


Được biết, bác sĩ đảm nhiệm công việc chăm sóc sức khoẻ cho đội tuyển qua 6 đời huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam. Anh cảm thấy thế nào? 

- Quả thật, công việc chăm sóc sức khỏe cho các "cầu thủ vàng" của bóng đá Việt Nam rất áp lực. Tuy nhiên, tôi cố gắng không để tâm tới những áp lực đó vì sẽ dễ rơi vào trường hợp sai lệch trong chẩn đoán và điều trị. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được ban huấn luyện giao phó, đội tuyển cũng như người hâm mộ tin tưởng.

Anh có thể chia sẻ cụ thể công việc của người bác sĩ mỗi khi cầu thủ ra sân thi đấu như thể nào được không?

- Lúc nào cầu thủ đau, tôi biết chứ! Tôi cũng đau theo từng động tác của cầu thủ bị chấn thương. Nhưng cứ ra sân là cầu thủ nào cũng cháy hết mình. Tôi cảm thấy khâm phục các bạn ấy rất nhiều về ý chí.

Vì thế, trong suốt trận đấu, chúng tôi luôn tập trung quan sát mỗi cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ bị chấn thương để xử trí một cách kịp thời nhất. Như là việc, chỉ tích tắc thôi chúng tôi đã phải biết với động tác này thì cầu thủ sẽ dễ bị chấn thương gì? Chúng tôi chỉ trực chờ hiệu lệnh của trọng tài là chạy vào sân, hỏi han, kiểm tra rất nhanh. Trong trường hợp cầu thủ không chơi được nữa thì chúng tôi ra hiệu với ban huấn luyện để cầu thủ ra sân.

Hồi mới vào nghề, sau mỗi trận đấu, người tôi nhễ nhại mồ hôi, mệt tới mức có những lúc nằm ngủ luôn 1 tiếng sau trận đấu. Sau tôi cũng quen dần. Nhưng quả thật, tôi chưa bao giờ trải qua công việc gì mệt hơn công việc này.


Công việc của một bác sĩ thể thao khác với bác sĩ bình thường như thế nào, thưa anh?

- Nhiệm vụ chính của bác sĩ là chăm sóc sức khỏe của người bệnh. Nếu có khác thì bác sĩ thể thao chúng tôi điều trị cho những người có thể chất khỏe hơn ngưỡng cơ bản. Bác sĩ thường làm theo chuyên khoa còn chúng tôi phải quan tâm tới mọi khía cạnh. Chúng tôi cũng phải hiểu thêm về khoa học thể thao, sinh lý thể thao, sinh lý vận động. Ví dụ trong một động tác của vận động, những cơ quan nào là bộ phận làm việc, làm như thế đã đạt hiệu quả hay chưa?

Quá trình phục hồi 100% thể lực của cầu thủ phụ thuộc vào: khoảng 40% giai đoạn đầu tiên là chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị, 30% tiếp theo có sự tham gia của chuyên gia phục hồi chức năng, còn lại là cầu thủ được đưa vào guồng quay tập luyện.

Chúng tôi chịu trách nhiệm trong giai đoạn 40% đầu tiên. Tuy nhiên, tất cả các giai đoạn còn lại đều có sự giám sát của chúng tôi. Chúng tôi có sự phối hợp nhịp nhàng, đưa ra phương án tối ưu để việc tập luyện, thi đấu của cả đội bóng được tốt nhất.

tit phu1

Anh là người đứng đầu đội ngũ chăm sóc y tế cho các cầu thủ, mỗi quyết định của anh, đôi khi ảnh hưởng đến thành tích của toàn đội bóng. Đã bao giờ anh rơi vào trường hợp đưa ra quyết chưa chính xác ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của cầu thủ hay chưa?

- Tôi có 2 lần như vậy. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy điều đó không hoàn toàn tốt. Rất may hậu quả không nghiêm trọng. Kinh nghiệm tôi rút ra là không bao giờ được mang cảm xúc vào mỗi quyết định.

Với tư cách là bác sĩ chăm sóc sức khoẻ sát cánh cùng các cầu thủ, anh chia sẻ như thế nào về trường hợp của Tuấn Anh - tiền vệ của đội tuyển?

- Tuấn Anh bị dính chấn thương sụn gối trong quá trình tập luyện tại câu lạc bộ Yokohama, Nhật Bản. Những kiểu chấn thương mà Tuấn Anh đang mắc phải rất hay xảy ra với cầu thủ. Nó không nguy hiểm nhưng cần nhiều thời gian để hồi phục, ít nhất cũng phải 3 tuần.

Chấn thương này đeo đẳng Tuấn Anh tới trước thềm AFF Suzuki Cup 2016 và buộc Tuấn Anh phải nói lời chia tay đội tuyển Việt Nam. Tuấn Anh là một trường hợp mang lại nhiều tiếc nuối cho không chỉ tôi mà cả toàn thể đội tuyển cũng như ban huấn luyện.

Bạn có thể hình dung cảm giác một ngày nào đó mình buộc phải tạm dừng ước mơ của mình như thế nào không? Tôi còn nhớ có một lần đi qua cái cưa, trong tích tắc, tôi thấy mát mát, quay ra nhìn lưỡi cưa vẫn đang quay. Lúc đó mà thêm 1 chút nữa thì chắc chắn tôi không còn giữ được bàn tay của mình nữa. Nếu ngày đó tôi bị mất tay thật thì chắc chắn ước mơ trở thành bác sĩ phải dừng bước. Nên tôi rất thấu hiểu cảm giác một cầu thủ nào đó buộc phải giải nghệ khi niềm đam mê vẫn đang cháy hừng hực.

Trường hợp chấn thương của Tuấn Anh nằm trong tầm tay của chúng tôi nhưng chúng tôi lại không có đủ thời gian. Giải đấu không ủng hộ chúng tôi về mặt thời gian để giúp Tuấn Anh phục hồi hoàn toàn. Cầu thủ muốn chơi được thì bắt buộc phải tập mà tập thì lại đau, nỗi đau đó cứ âm ỉ kéo dài mãi…

1

Không riêng Tuấn Anh mà còn nhiều vận động viên khác đã phải giải nghệ vì sức khoẻ không cho phép họ tiếp tục thi đấu. Anh đã có sự động viên, chia sẻ như thế nào với họ?

- Phải thực sự yêu, đam mê và khao khát chinh phục đỉnh cao thì mới thi đấu thể thao được. Nếu vì lý do sức khoẻ mà phải tạm dừng tình yêu đó trong một khoảng thời gian hoặc phải giải nghệ thì chắc chắn đó là một điều kinh khủng, là nỗi đau.

Tôi nói với các em: Mọi người yêu quý em, ghi nhận sự cố gắng của em nhưng duyên chưa tới, “thời vận không thông, mưu cầu vô ích” thì mình cũng phải chịu thôi…

Không chỉ là người chăm lo về thể chất, yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh nhân nói chung và cầu thủ bị chấn thương nói riêng, vậy câu chuyện tâm lý của người bác sĩ thể thao như thế nào, thưa anh?

- Tôi nhớ mãi phút giây Vũ Minh Tuấn ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam ở phút 90+3, ai cũng gào khóc, trong đó có chúng tôi. “Vào!”, Minh Tuấn giơ tay chỉ lên trời, tôi chạy ra và nói “Bố em đấy!”. Bàn thắng đó đã giúp Việt Nam có thêm cơ hội ở 2 hiệp phụ.

Trước trận bán kết lượt về 6 hôm, bố Minh Tuấn qua đời. Mấy hôm trước trận đấu, tất cả chúng tôi ngồi tâm sự, động viên Tuấn để cậu ấy vững tâm tiếp tục thi đấu...

Đúng là, không có điều gì mang lại nhiều cảm xúc như bóng đá. Bóng đá mang lại cho chúng tôi niềm vui tột cùng và nỗi buồn khủng khiếp. Tất cả cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố chỉ gói gọn trong 90 phút hoặc 120 thi đấu thôi.

Tôi may mắn khi được làm việc tại đây, khi mà sự vui mừng của cả tập thể đội tuyển được lan toả, cộng hưởng thành niềm vui của cả dân tộc Việt Nam.


tit phu2

Bắt đầu làm việc tại các đội tuyển từ năm 2009, anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm với các cầu thủ? 

- Tôi có thói quen không giữ lại cảm xúc gì lâu. Tôi có thể vừa vui nhưng lại quên ngay lập tức để bắt tay tập trung thực hiện công việc mới.

Khi quay lại thì tôi mới à hoá ra mình cũng không có nhiều kỉ niệm lắm. Nhưng thực ra không phải, chỉ là tôi cất chúng vào một góc, khi vô tình nhắc đến thì tôi vẫn như được sống lại ký ức với những cảm xúc vẹn nguyên.

Kỷ niệm thì nhiều lắm, mỗi cầu thủ đều khiến tôi ấn tượng với cá tính riêng. Các cầu thủ cũng quan tâm tới tôi lắm, thi thoảng thấy tôi ngồi thì đến bóp vai, hỏi han…


Tôi còn nhớ, kết thúc một chặng đường khá dài tập huấn và thi đấu Giải U23 châu Á tại Qatar, tôi trở về nhà, thấy có một phong thư kẹp trong máy tính kèm tờ 100 USD.

Nội dung bức thư thế này: “Cảm ơn anh đã giúp đỡ em trong thời gian vừa qua. Em ngại không dám gửi trực tiếp nên em có lì xì cho 2 cháu ở nhà mua đồ Tết. Em chúc anh và gia đình năm mới an khang - thịnh vượng”.

Thời điểm đó, Phượng bị chấn thương, tôi là bác sĩ đội tuyển ở lại cùng cậu ấy. Tôi chỉ sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của Phượng, nhất là đã sát thời điểm Phượng chuẩn bị sang Mito Hollyhock. Trong 3 ngày, chúng tôi đã trò chuyện với nhau rất nhiều về cả công việc và cuộc sống.

Tôi giữ gìn nó. Mỗi khi cần thêm năng lượng để tiếp tục công việc, tôi lại mang ra xem, tinh thần lại phấn chấn, tràn đầy năng lượng, thậm chí tôi có thể làm việc từ sáng hôm trước tới gần sáng hôm sau không thấy mệt mỏi.

Tôi đọc đi đọc lại bức thư không biết bao nhiêu lần nên bức thư nhuốm màu thời gian. (Cười)

Hành động của Phượng khiến tôi vốn đã ngưỡng mộ khả năng thi đấu lại càng thêm trân trọng cậu ấy về suy nghĩ và cách sống. Tôi đã lồng bức thư cùng tấm ảnh của cô con gái và đặt đầu giường ngủ

Hành động của Công Phượng đã khiến anh suy nghĩ như thế nào về con đường của một bác sĩ thể thao?

- Điều đó thể hiện sự tôn trọng bác sĩ của các cầu thủ. Niềm hạnh phúc đó là không gì đong đếm được. Ngoài ra, tôi còn nhận được sự quan tâm từ phía ban huấn luyện. Thỉnh thoảng, Huấn luyện viên Park Hang Seo xuống phòng y tế, nhìn má tôi hóp lại, ông ấy đau lòng. Điều này khiến tôi vô cùng cảm kích.

Tôi nghĩ, nếu cầu thủ là diễn viên chính, huấn luyện viên là đạo diễn thì các bác sĩ là âm thanh, ánh sáng trong bóng tối. Chúng tôi luôn luôn là người đứng sau cầu thủ, huấn luyện viên, để chăm sóc cho mọi người có thể lực và tâm lý tốt nhất. Chỉ vậy thôi!

Chúng tôi làm việc vì thành tích chung của toàn đội, vì ngành thể thao của nước nhà. Chúng tôi cũng có những phần thưởng riêng, sự yêu mến đến từ phía người hâm mộ môn thể thao vua này nên chúng tôi không thấy chạnh lòng.

Có một câu nói tôi thấy rất đúng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Huấn luyện viên Park luôn nhắc chúng tôi là một gia đình, mỗi người là một mảnh ghép không thể thiếu.

Tôi làm việc mà như được sống với những người anh em thực sự. Chúng tôi không còn là mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh, giữa người cần dịch vụ và người cung cấp dịch vụ mà coi nhau như anh em thân thiết trong một gia đình.


Vậy thì, anh và cộng sự đã “đi xa cùng nhau” như thế nào?

- Nhớ đợt Giải U23 châu Á 2018, chúng tôi thức dậy từ 7g sáng và đi ngủ lúc 3h đêm. Buổi sáng, chúng tôi kiểm tra một lượt các trường hợp chấn thương, ốm đau, giấc ngủ của từng cầu thủ. Sau đó, cấp thuốc riêng cho từng người.

Trong khi các cầu thủ về nghỉ một lát còn chúng tôi ra sân sớm, chuẩn bị đồ uống điện giải, vitamin, pha thêm trà gừng… Khi các cầu thủ tập, chúng tôi vẫn đồng hành cùng họ, theo dõi, hướng dẫn họ các bài tập phù hợp và chăm sóc mọi chấn thương phát sinh.

Sau bữa tối, chúng tôi mát xa, trị liệu cho cầu thủ. Mỗi tối, 3 bác sĩ trị liệu cho 9 tới 15 cầu thủ. Đến 23h, chúng tôi họp lại, tổng kết công việc rồi lên kế hoạch hôm sau. Đến 2, 3h sáng thì công việc kết thúc.

Làm việc 15, 16 tiếng/ngày suốt gần 2 tháng trong thời tiết khắc nghiệt, với chúng tôi, vất vả là chuyện bình thường. Nhưng không biết vì sao mà chúng tôi không hề thấy mệt. Ngược lại, chúng tôi thấy may mắn lắm vì được phục vụ đội tuyển U23.

tit phu3

Nhớ lại những ngày đầu tiên theo đội tuyển đi thi đấu, cảm xúc của anh thế nào?

- Lần nào đi cùng đội tuyển thi đấu tôi đều háo hức và hồi hộp. Trước khi đội tuyển ra sân, tôi càng hồi hộp nhưng luôn tự ý thức phải cân bằng lại ngay. Tôi thực sự hạnh phúc khi được hát quốc ca trên đất bạn, không lần nào tôi không rưng rưng. Đặc biệt là khi quốc ca Việt Nam vang lên cùng lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cao nhất.

Có một bạn gửi cho tôi bức ảnh chụp toàn đội hát quốc ca, bảo sao mặt lại nghiêm túc thế. Tôi bảo lúc đó hát quốc ca trên đất bạn, cảm xúc dâng trào, tinh thần dân tộc trào dâng, tay cứng để đúng theo đường chỉ quần, 1 tay đặt lên ngực trái.

Tôi thực sự hạnh phúc khi được sống và làm việc trong một môi trường như vậy. Nhiều khi tôi làm việc quên cả gia đình, vợ đau con ốm thì không có nhà mà hễ cầu thủ có đau ốm gì, gọi là tôi đi ngay.


Vợ và người thân đã phản ứng như thế nào trước những lần “đi ngay” của anh như vậy?

- Tôi thấy mình may mắn vì có một người vợ chia sẻ và cảm thông với công việc của tôi. Vợ là người thay tôi chu toàn công việc gia đình, nuôi dạy con cái khôn lớn.

Trong những chuyến đi kéo dài, đôi lúc, tôi nhớ vợ, nhớ con, nhiều lúc nhớ vợ con đến cháy lòng, nhất là những khi nghe vợ gọi điện báo con đang ốm thì tôi như có lửa đốt trong lòng, đứng ngồi không yên, nhưng chỉ cần nhận được tin nhắn quan tâm, hỏi han của vợ: “Anh nhớ ngủ sớm nhé!” hay hỏi “Anh có mệt lắm không?”… cũng khiến tôi hạnh phúc và có thêm động lực phấn đấu.

Vậy còn những chuyến đi thi đấu cùng các cầu thủ kéo dài trong vài tuần thì nhưu thế nào, thưa bác sĩ?

- Có khi tôi ngủ trên máy bay, ngủ ở khách sạn còn nhiều hơn ngủ nhà (cười). Tôi đã từng đi công tác 3 năm liền, vợ hết sức tạo điều kiện cho tôi. Chưa một lần cô ấy than phiền về việc tôi đi nhiều. Vì vậy, sau mỗi chuyến đi, người tôi muốn gặp nhất chính là vợ con của mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh! 

 Theo Tú Anh - Ảnh: Ái Linh - Thiết kế Lam
Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X