Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ 106 tuổi vẫn khám bệnh nhân và nghiên cứu y học

Thắt chiếc cà vạt yêu thích, bác sĩ A. William Frankland ngồi xuống chiếc ghế bành màu be và tiến hành công việc 80 năm qua là khám bệnh nhân.

Bác sĩ A. William Frankland sinh ngày 19/3/1912 cùng với một người anh sinh đôi. Ông bắt đầu học y khoa từ năm 1930 sau đó giữ một chức vụ trong quân đội ở Singapore thời Chiến tranh Thế giới thứ hai và bị giam giữ hơn ba năm. Chiến tranh kết thúc, bác sĩ Frankland trở về Anh học tập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Alexander Fleming, người tìm ra penicillin. 

Là một nhà dị ứng học, bác sĩ Frankland tập trung nghiên cứu chứng bệnh sốt cỏ khô (hay fever) và nhanh chóng phát hiện bệnh này liên quan đến phấn hoa. Ông tự thí nghiệm trên cơ thể mình và phổ biến chỉ số phấn hoa khắp thế giới để giúp cả bác sĩ lẫn bệnh nhân hiểu được tác nhân gây dị ứng.

"Tôi tự gây sốc phản vệ cấp tính từ côn trùng", bác sĩ Frankland giải thích. "Thời nay, bạn không được phép làm như vậy nữa. Nhưng khi ấy, tôi quyết tâm tìm ra cách thức mình phản ứng với muỗi, bọ chét và bất cứ côn trùng nào có thể cắn". Để vinh danh ông, Phòng Dị ứng thuộc Bệnh viện St. Mary London được đặt tên theo bác sĩ Frankland.

Bác sĩ Frankland vẫn làm việc ở tuổi 106. Ảnh: Independent.
Bác sĩ Frankland vẫn làm việc ở tuổi 106. Ảnh: Independent.

Đến nay, bác sĩ Frankland đã có hơn 80 năm gắn bó với nghề y. "Người ta thường hỏi tại sao tôi sống lâu thế", ông nói với CNN. "Và tôi đáp rằng đó là do may mắn thôi, chẳng có gì khác cả".

Ở tuổi 106, hay đúng hơn là 106 tuổi rưỡi như ông thường xuyên nhắc nhở mọi người, bác sĩ Frankland vẫn khám bệnh và đóng góp các bài báo khoa học cho nhiều tạp chí. Ông thích đọc các ấn phẩm y học và liên tục cập nhật kiến thức ở lĩnh vực mình tiên phong. Năm 2015, ở tuổi 103, bác sĩ Frankland được trao Huân chương của Vương quốc Anh nhờ những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực dị ứng học.

Khi viết tiểu sử về bác sĩ Frankland, cây bút Paul Watkins đã nhận xét: "Tôi nghĩ rằng rất ít người có được đặc quyền như bác sĩ Frankland. Với cuộc đời kéo dài như thế, ông ấy đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, rất nhiều thách thức và cũng đã kinh qua rất nhiều trải nghiệm đặc biệt mà hầu hết chúng ta không thể hiểu được".

Bác sĩ Frankland trong ngày cưới. Ảnh: CNN.
Bác sĩ Frankland trong ngày cưới. Ảnh: CNN.

Ngoài tuổi thọ, điều khiến người khác nể phục bác sĩ Frankland chính là tâm trí sắc bén. Ông đang viết một bài báo về quá trình tìm ra penicillin dựa trên thời gian học tập với Fleming.

"Từ năm 100 đến 105 tuổi, tôi đã viết được bốn bài báo", bác sĩ Frankland tiết lộ. "Trong số này, hai bài do tôi tự viết, hai bài còn lại đứng tên chung với các tác giả khác. Giờ đây, tôi 106 tuổi và đang viết thêm một bài báo, nó sắp hoàn thành rồi". 

Suy giảm tâm trí là khía cạnh đáng sợ nhất của tuổi già. Tuy nhiên, bác sĩ Frankland đã chứng minh con người vẫn có cách bảo vệ bộ não. "Khi già đi, có những thứ bạn không thể làm. Tôi quá già để chạy bộ hay giữ cho cơ thể săn chắc", ông thừa nhận. "Thế nhưng, tôi chắc chắn rằng bộ não của mình vẫn hoạt động tốt. Tôi đọc rất nhiều tạp chí khoa học".

Ngoài việc đọc tài liệu y khoa, bác sĩ Frankland tuân thủ "lối sống hợp lý": "Không hút thuốc, không ăn quá nhiều và tập thể dục đôi chút. Làm mọi thứ với tất cả năng lượng". 

Cuối cùng, bác sĩ Frankland tập trung vào hạnh phúc. Từng trải qua vô số nỗi buồn và cả vinh quang, ông chọn cách quên đi tiêu cực và chỉ giữ lại những ký ức vui vẻ như lần ăn nhiều bánh kem đến mức đổ bệnh hồi ba tuổi. "Tôi coi trọng hiện tại, tương lai và cả quá khứ", bác sĩ Frankland chia sẻ. "Thật tuyệt khi nhìn lại những khoảng khắc thú vị mà mình từng có".

Theo Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X