Hotline 24/7
08983-08983

Bắc Ninh: Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, lo ngại lây lan sang người

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang bùng phát và có nguy cơ cao lây lan sang người khiến diễn biến càng thêm phức tạp. Tại Bắc Ninh đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1.

Đại diện Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, dịch cúm A/H5N1 đã xuất hiện tại một số trang trại gia cầm ở xã Hòa Long. Địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống không để lây lan diện rộng.

Trước mắt, thành phố Bắc Ninh đình chỉ tạm thời việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tại xã có dịch; tổ chức tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gia cầm; sử dụng hóa chất sát trùng và vôi bột để tiêu độc khử trùng môi trường vùng có dịch; đồng thời, giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

Trước đó, ngày 6/3, tại 3 trang trại chăn nuôi gia cầm thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long xảy ra hiện tượng gia cầm bị ốm, chết với số lượng hơn 6.100 con.

Xuất hiện cúm gia cầm ở Bắc Ninh (Ảnh minh họa).

Theo số liệu từ cục Thú y (bộ NN&PTNT), cho đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã lan rộng tại nhiều địa phương như: Cao Bằng (2 ổ dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6), An Giang (1 ổ dịch cúm A/H5N1), Bạc Liêu (cúm A/H5N1), Sóc Trăng (cúm A/H5N1), Nghệ An (cúm A/H5N1), Tây Ninh (cúm A/H5N1), Cao Bằng (2 ổ dịch cúm A/H5N1và cúm A/H5N6), Nam Định (5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1)...

Theo đó, toàn bộ gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng ổ dịch; quản lý vùng có ổ dịch; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tuyên truyền để người dân hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý dịch kịp thời.

Các chuyên gia nhận định, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

“Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời”, đại diện cục Thú y khuyến cáo.

BS Nguyễn Trung Cấp - BVBệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: “Cúm gia cầm lây sang người A/H5N1 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh; tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1; ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh thường diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người”.

TS.Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo: "Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời”.

Theo N.Giang - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X