Hotline 24/7
08983-08983

Bà Rịa-Vũng Tàu: Phát hiện chất cấm Trichlorfon có thể gây chết người trong cá khô

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng các sản phẩm cá khô nhiễm chất cấm Trichlorfon có thể gây chết người.

Phát hiện cá khô nhiễm chất cấm Trichlorfon tại chợ đầu mối

Theo thông tin từ ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Sở NN&PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu), qua kiểm tra mẫu cá khô ở các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã phát hiện tình trạng nhiễm các chất cấm trong đó có Trichlorfon. Các tiểu thương cho biết các mẫu cá này được lấy từ các cơ sở chế biến cá khô ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Tới ngày 30/10 vừa qua, Chi cục đã thành lập đoàn đi kiểm tra các cơ sở chế biến ở cá khô ở khu vực thị trấn Phước Hải để đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá khô tại thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được lấy mẫu vào ngày 30/10 qua kiểm tra định lượng cho thấy 3 mẫu cá đù khô có tồn dư hóa chất Trichlorfon. Trichlorfon là hóa chất vốn được sản xuất thuốc trừ sâu và diệt côn trùng ruồi, kiến.

Cơ sở chế biến của bà Nguyễn Thị Một có mẫu cá đù tồn dư chất trichlorfon lên đến 5.88mg/kg.Ảnh: TTXVN

Trong 3 mẫu cá đù phát hiện tồn dư chất Trichlorfon, có mẫu tồn dư Trichlorfon lên đến 5.88mg/kg (giới hạn cho phép là 0.01mg/kg). Các mẫu cá đù khô mà Đoàn kiểm tra lấy mẫu đem đi xét nghiệm cho kết quả tồn dư chất Trichlorfon là ở các cơ sở của bà Nguyễn Thị Hạnh, khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải; bà Huỳnh Thị Hồng, khu phố Phước Điền, thị trấn Phước Hải và cơ sở của bà Huỳnh Thị Một, khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Cũng theo ông Trịnh Đức Toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sẽ có phương án xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.Bên cạnh đó, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cơ sở sản xuất, kinh doanh hải sản khô trên địa bàn tỉnh kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chế biến hải sản, chế tài đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm. Đối với những cơ sở cố tình vi phạm, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thị trấn Phước Hải hiện có khoảng 70 cơ sở thu mua, sơ chế và chế biến hải sản nhưng chỉ có 8 cơ sở có giấy phép kinh doanh, 7 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trichlorfon có thể gây co giật, tử vong

TS Nguyễn Tuần, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết trichlorfon là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

“Người nuôi thủy sản sử dụng trichlorfon để diệt các loại ký sinh trùng trong nước, nhưng cá cũng rất dễ hấp thụ chất này. Khi ăn cá còn tồn dư trichlorfon, con người đã vô tình đưa chất này vào cơ thể”, ông Tuần giải thích.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp…

“Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì chẳng con ruồi nào dám bén mảng là đương nhiên rồi. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong.

Khi hấp thụ vào cơ thể, chất cấmtrichlorfon có thể gâysuy nhược, mất phản xạ thậm chí tử vong. Người dùng cần sử dụng đúng mục đích như nhà sản xuất khuyến cáo. Ảnh minh họa: Thuốc diệt muỗi Trường An

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trong thực tế còn thấy chất Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Chất này cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…

Liên quan tới vấn đề này, TS Đặng Hồng Khôi - Viện Hóa học, không phải loại khô cá nào cũng chứa hóa chất độc hại, nhưng khó để xác định trong đó có dư lượng vượt mức hay không nếu chỉ nhìn bằng mắt, sờ bằng tay. Bởi đây là loại chất độc không mùi, không màu. Nhiều người rỉ tai nhau bằng cách ngửi, nếu thấy mùi hắc hắc thì không mua. Nhưng thực tế, cá, tôm, mực khô vốn là những thực phẩm rất đậm mùi, hóa chất dù có mùi thì cũng khó mà lấn át được mùi tanh của thực phẩm.

Trong khi chưa thể kiểm soát được việc sử dụng hóa chất độc hại này thì người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan chức năng, lựa chọn mua hàng ở những cơ sở uy tín, có nhãn mác. Đặc biệt, không mua hàng trôi nổi tại các chợ cóc, chợ tạm vì nguy cơ ngộ độc là rất lớn.

Các dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân bị ngộ độc là người bệnh cảm thấy buồn nôn, chóng mặt sau khi ăn. Nguy hiểm là chất trichlorfon có thể tiếp xúc qua đường hô hấp. Nạn nhân có thể bị ngộ độc nếu hít phải trichlorfon trong không khí hoặc khi đun nấu. Khi bị nhiễm độc, cách tốt nhất là đưa người bệnh đến bệnh viện sớm nhất để được súc dạ dày và làm các xét nghiệm cần thiết nhằm có giải pháp điều trị tối ưu.


Theo Phong Lâm - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X