Hotline 24/7
08983-08983

Ba người chết, nhiều xã miền núi phía Bắc bị cô lập do mưa lũ

Lũ sông Thao vượt báo động 3, nhiều nhà dân bị hư hại do sạt lở, ngập nước, trong khi đó Tây Bắc Bộ còn mưa to đến ngày mai.

Ba ngày qua, do tác động của vùng xoáy thấp, miền Bắc cùng hai tỉnh miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to. Một số nơi mưa trên 200 mm như Hòa Bình, Sơn La, Sơn Tây (Hà Nội).

Lũ sông Thao chảy qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đang lên nhanh, dự kiến trưa nay sẽ lên 32,5 m tại Yên Bái, vượt báo động 3 - mức nguy hiểm nhất - là 0,5 m; tại Phú Thọ đạt 17,7 m, trên báo động 1 là 0,2 m.

Riêng sông Mã tại Hồi Xuân đạt đỉnh 66,05 m (lúc 24h ngày 30/8, trên báo động 3 tới 2 m), tương đương lũ lịch sử năm 2007.

Lũ cuốn trôi người, cô lập nhiều xã ở Sơn La

Mưa lũ ở huyện Mai Sơn đã làm một người dân xã Nà Bó bị cuốn trôi, hiện đã tìm thấy thi thể. Trên 160 hộ dân các xã: Tà Hộc, Nà Bó, Mường Bằng, Phiêng Pằn, Chiềng Chăn, thị trấn Hát Lót, Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Nà Ớt... phải di chuyển khẩn cấp đến vị trí an toàn.

Ba trường học gồm THCS Nà Ớt, Tiểu học, THCS Tà Hộc bị nước lũ tràn ngập toàn bộ. Hiện ba xã Nà Ớt, Tà Hộc, Phiêng Pằn bị cô lập do đường ngập.

Quốc lộ 6 qua Tiểu khu 10, xã Hát Lót (Mai Sơn) bị ngập. Ảnh: Báo Sơn La
Quốc lộ 6 qua Tiểu khu 10, xã Hát Lót (Mai Sơn) bị ngập. Ảnh: Báo Sơn La


Ban an toàn giao thông tỉnh Sơn La cho biết, quốc lộ 6 qua các huyện Vân Hồ, Mộc Châu... có hàng chục điểm sạt lở và ngập khiến dòng phương tiện ùn ứ kéo dài từ đêm qua đến sáng nay chưa thông.

Riêng đoạn qua xã Cò Nòi, Chiềng Mung (Mai Sơn) bị ngập 0,7-1 m. Tại km175 qua xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), mưa lớn kéo dài làm cho khoảng 1.000 m3 đất, đá bị sạt lở, lấp toàn bộ mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến đường...

Các tuyến tỉnh lộ 110 từ thị trấn Hát Lót vào Nà Bó, Tà Hộc và tỉnh lộ 113 từ Cò Nòi đi Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt nhiều đoạn bị sạt lở gây ách tắc đến nay vẫn chưa thông tuyến. Hai cầu treo của xã Hát Lót bị nước lũ cuốn trôi.

 Đoạn đường qua Quốc lộ 6 qua huyện Vân Hồ bị sạt lở khiến dòng phương tiện bi ùn ứ kéo dài. Ảnh: Ngọc Dương Quốc lộ 6 qua huyện Vân Hồ bị sạt lở khiến dòng phương tiện bị ùn ứ kéo dài. Ảnh: Ngọc Dương
Đoạn đường qua Quốc lộ 6 qua huyện Vân Hồ bị sạt lở khiến dòng phương tiện bi ùn ứ kéo dài. Ảnh: Ngọc Dương Quốc lộ 6 qua huyện Vân Hồ bị sạt lở khiến dòng phương tiện bị ùn ứ kéo dài. Ảnh: Ngọc Dương

Yên Bái, Hòa Bình có hai người thiệt mạng

Theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, do mưa lớn, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình sáng nay là 10.000 m3/s. Hiện nước hồ cao hơn mực nước cho phép 2,2 m, nhưng chưa có kế hoạch mở cửa xả đáy.Yên Bái, Hòa Bình có hai người thiệt mạng

Mưa lũ khiến một cháu bé ở Mai Châu (Hòa Bình) thiệt mạng do đá lăn vào nhà; một người ở Yên Bái chết do lũ cuốn. Hơn 370 nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập nước, tập trung ở Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.

Trong khi đó, vùng áp thấp gây mưa đã dịch chuyển lên Tây Bắc Bộ, ngày và đêm nay khu vực này sẽ mưa to 40-80 mm/24 giờ. Từ ngày mai (1/9), mưa lớn diện rộng chấm dứt ở Bắc Bộ, tuy nhiên một số tỉnh vùng núi vẫn có mưa to.

Ngày 30/8, bốn đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác phòng chống tại các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre và Tiền Giang. 

Thủ tướng chỉ đạo đối phó với lũ

Ngày 31/8, Thủ tướng có công điện yêu cầu cơ quan khí tượng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Me Kong Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin để dự báo sát diễn biến lũ ở đồng bằng sông Cửu Long...

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại về người, tài sản. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh và học tập của học sinh, nhất là tại vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố...

Cơ quan chức năng đánh giá lũ tại đồng bằng sông Cửu Long về sớm so với mọi năm và là trận lũ lớn nhất từ năm 2014 đến nay. Ngày 30/8, mực nước sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,98 m (dưới báo động 2 là 0,02 m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,55 m (trên báo động 2 là 0,05 m). Dự báo lũ sẽ gia tăng, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở vùng trũng thấp, tràn, vỡ đê bao, đặc biệt là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Theo Vnexpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X