Hotline 24/7
08983-08983

Bà bầu đi tắm biển cần lưu ý điều gì?

Email của BS Lan Hương ngày 11/2 gửi đến bạn đọc AloBacsi nội dung hướng dẫn bà bầu đi tắm biển, người tiểu đường ăn uống sinh hoạt thế nào, có nên ráy tai bằng cồn...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Chu Thị Thắng Huyền - chuthang…@gmail.com

Cháu chào BS,

Cháu năm nay 20 tuổi, 2 năm nay cháu hay bị sụt sịt mũi, đầu nặng nề, có lúc đau ở sau gáy hoặc đau ở chán, cháu có đi đo điện não và chụp X-quang, BS ở đấy chẩn đoán cháu bị viêm xoang mạn J32.

Thỉnh thoảng cháu vừa đau vừa bị giựt nhói bên não phải. Ngày hôm nay cháu bị giựt nhói như vậy nhiều nhất trong tất cả các lần cháu bị. Thỉnh thoảng ho cháu còn bị tức ngực, cảm giác cò kè ở lồng ngực.

BS cho cháu hỏi, cháu có nên đi khám lại không? BS có thể chỉ cho cháu khám ở khoa nào cho thích hợp không ạ? Cháu cảm ơn BS rất nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Huyền,

Bệnh viêm xoang mạn có thể gây ra các khó chịu bao gồm chảy nước mũi thường xuyên, nặng đầu, đau đầu. Tuy nhiên triệu chứng tức ngực, thở khò khè cũng có thể gặp ở người bị viêm xoang mạn mức độ nặng, nhưng trước hết cần phải loại trừ được bệnh lý ở tim, ở phổi, bằng cách khám BS chuyên khoa hô hấp - tim mạch để BS thăm khám, làm xét nghiệm kiểm tra như đo điện tim, siêu âm tim, đo chức năng hô hấp, chụp Xquang tim phổi... Em nên khám lại ở chuyên khoa này, em nhé.

Ngoài ra, việc viêm xoang nặng cứ tái phát nhiều lần 2 năm nay thì em cần phải coi lại các yếu tố như môi trường làm việc - sinh sống bị ô nhiễm nặng, tiếp xúc với khói thuốc lá, ăn uống thiếu chất, sinh hoạt không lành mạnh (thức khuya, bia rượu, thức ăn cay nóng dầu mỡ, ít tập thể dục...) để cải thiện và phòng ngừa.


- Bạn đọc Huyen - Tây Ninh

Em thường xuyên dùng cồn 90 để vệ sinh ống tai. Vậy có hại gì không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thực tế, các BS khuyến cáo không nên ngoáy tai, kể cả ráy tai khô và ráy tai ướt, trừ khi thấy ráy đã tương đối đầy trong tai.

Ráy tai được hình thành do tế bào da chết. Các tuyến nhỏ xíu trong các kênh ở tai ngoài liên tục tiết ra chất nước vì vậy ráy tai thường là ướt, dính có khả năng tự làm sạch với đặc tính kháng khuẩn, bôi trơn và bảo vệ tai. Ráy tai tạo tính acid trong ống tai giúp cơ thể tiêu diệt vi khuẩn.

Ráy tai và những sợi lông nơi lỗ tai là cái bẫy để bụi và các hạt nước bên ngoài không vào được bên trong của tai. Vì vậy, ráy tai là là tốt, chứ không phải sẽ là nơi tạo vi khuẩn.

Người có thói quen ráy tai quá thường xuyên, đặc biệt là lấy ráy tai ở ngoài tiệm hớt tóc, sẽ ngứa tai nhiều hơn do ống tai bị kích thích, khi có ráy tai là sẽ ngứa nhiều và khó chịu, lại càng phải lấy ráy tai ngay, tạo thành vòng luẩn quẩn, và còn tăng nguy cơ nhiễm trùng ống tai ở mỗi lần lấy ráy tai.

Lấy rái tai bằng cồn thường xuyên giúp đã ngứa nhưng có thể kích thích làm sinh nấm mụn nhọt trong ống tai. Cách giải quyết là giảm tần suất lấy ráy tai lại, tốt nhất là vài tuần lấy ráy tai 1 lần.


- Hoàng Văn Quang - quanghoang…@gmail.com

Em bị gãy xương vát chéo 3 ngón ở đoạn mu bàn tay, bó bột được 1 tháng 5 ngày rồi, giờ bị bóc hết da các ngón tay, tay không bị nhức nữa, có thể vung tay mà không nhức nữa. Cho em hỏi giờ em đã có thể tháo bột chưa ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Quang thân mến,

Thời gian trung bình lành xương là 1 tháng, tùy mức độ gãy xương, có nhiễm trùng hay không, có béo phì, bệnh tiểu đường, lớn tuổi, hút thuốc lá hay không... mà xương sẽ lành nhanh hơn hay chậm hơn. Người trẻ khỏe mạnh thì xương lành nhanh hơn người lớn tuổi.

Nay tay em không bị nhức khi cử động nữa và cũng đã 1 tháng kể từ ngày bó bột thì có khả năng xương đã lành tốt, cách tốt nhất hiện nay là đến khám lại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nơi đã bó bột cho em, chụp lại phim Xquang xem xương lành thế nào, nếu lành tốt rồi thì tháo bột.


- Bùi Hữu Trung, 63 tuổi - Đồng Nai

Trước đây tôi đi khám bệnh tiểu đường BS cho toa 30 ngày thuốc, song ngày 7/2/2017 tôi đi khám bệnh thì BS chỉ cho toa thuốc dùng trong 15 ngày. Xin hỏi là làm sao để BS cho toa 30 ngày để giảm thời gian đi lại? Xin cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Kính chào bác Trung,

Nếu bác khám theo diện bảo hiểm y tế thì đây là quy định của phía bảo hiểm y tế, không có cách nào thay đổi được hết, bác ạ.

Trước Tết thì BS có thể kê toa dài nhất là 30 ngày để thuận tiện cho dịp nghỉ lễ của người bệnh và cả cơ sở y tế, nhưng sau tết thì mỗi lần chỉ được kê tối đa 15 ngày thôi.

Nếu bác không khám theo diện bảo hiểm y tế, thì việc kê thuốc ngắn ngày có khả năng là do BS có điều chỉnh thuốc hay bệnh có diễn biến gì đặc biệt cần theo dõi sát. Bác nên trao đổi với BS điều trị để được tư vấn và cùng đưa ra giải pháp phù hợp hơn.


- Bạn đọc Vỹ - doanle…@gmail.com

Em chào BS tư vấn,

Em có câu hỏi thắc mắc muốn hỏi như sau. Mẹ em bị hen suyễn mãn tính, hiện tại đang sử dụng thuốc hen ph xong đợt 1. Vậy muốn sử dụng tiếp đợt điều trị phải nghĩ trong thời gian bao lâu ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vỹ,

Đối với bệnh nhân có bệnh hen mạn tính, khi hết thuốc thì cần khám lại BS chuyên khoa hô hấp, để BS đánh giá mức độ đáp ứng của bệnh với toa thuốc đang dùng (qua số cơn trong ngày, trong tuần, về đêm, đo chức năng hô hấp) và chọn lựa thuốc để ngừa cơn an toàn, có thể giữ nguyên hoặc tăng hay giảm liều. Tôi không khám trực tiếp cho người bệnh thì không thể kê toa được.

Ngoài ra, mẹ em cần loại bỏ đến mức tối đa những tác nhân có thể gây ra dị ứng. Ví dụ như hút bụi sạch sẽ, vệ sinh drap, mền, chiếu, nệm, thay áo gối thường xuyên. Tránh tiếp xúc với thú nuôi.

Chú ý đến thời tiết, tránh ra vào phòng lạnh, tránh bụi bặm, che chắn mũi cẩn thận khi ở nơi ô nhiễm. Tùy cơ địa mỗi người mà bệnh nhân nên kiêng những thức ăn có thể gây dị ứng.

Cần dùng nhiều thức ăn có chứa vitamin C, ma-giê và những a-xít béo omega-3. Tránh ăn đêm trước khi ngủ và phải điều trị bệnh viêm dạ dày, trào ngược dạ dày cho tốt.


- Ban đọc V. Ph. - vi…@gmail.com

Em xét nghiệm lậu và Chlamydia kết quả âm tính hết. Nhưng do dưới quê em được BS tiêm Cefrtiaxone và cho uống thuốc Ciprofloxacin 500 7 ngày. Hôm sau em lên BV Đại học Y Dược làm xét nghiệm PCR liền. Vậy két quả âm tính đó có chính xác không BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kết quả xét nghiệm lậu và Chlamydia em làm tại BV Đại học Y Dược mà âm tính sau khi em đã điều trị kháng sinh như trên là bình thường, không phải là không chính xác mà là do em đã điều trị tiệt trừ vi khuẩn lậu và Chlamydia với các thuốc kháng sinh mà BS dưới tỉnh đã kê rồi.

Có khả năng là BS ở BV tỉnh đã thấy nhiều dấu hiệu nghi ngờ 2 bệnh này nên cho kháng sinh điều trị luôn trước khi làm xét nghiệm, điều này là hợp lý.

Nếu trước khi được điều trị ở BV tỉnh mà em có quan hệ với ai thì nhiều khả năng lây bệnh cho người đó.


- Thế Anh - giodong…@yahoo.com

Chào BS,

Em đau đầu gối. Không biết em bị như thế nào nhưng khi em co dãn thì rất đau, chân kêu lớp cớp, để bình thường thì đau rất thốn. Em hỏi người lớn thì kêu khô khớp hoặc bị thiếu chất nhờn đầu gối. Mong BS giúp em ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thế Anh,

Viêm đau đầu gối là dấu hiệu của viêm khớp gối. Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp gối: viêm khớp tinh thể, viêm khớp nhiễm trùng, thoái hóa khớp, viêm gân cơ dây chằng, viêm khớp thiếu niên...

Trước mắt, em nên hạn chế đi lại, tranh thủ khám chuyên khoa cơ xương khớp càng sớm càng tốt. BS cần khám, xét nghiệm máu, siêu âm khớp gối, chụp Xquang khớp gối thẳng nghiêng... mới định ra bệnh và điều trị thuốc thích hợp.

Nếu hiện tại em đau nhiều thì có thể uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, chườm ấm để giảm đau.


- Lê Duyên - Hà Nội

BS cho cháu hỏi,

Mẹ cháu năm nay 58 tuổi bị cao huyết áp, có nhiều nang thận thì có thể dùng Tảo xoắn Spirulina Nhật Bản dạng viên nén của Nhật được không ạ? Nếu được thì nên dùng trước hay sau khi ăn và liêu lượng như thế nào là tốt nhất? Cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Lê Duyên,

Tảo xoắn Spirulina Nhật Bản là một loại thực phẩm chức năng có chứa thành phần protein cao, có bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất. Sản phẩm này không phải là thuốc không có tác dụng điều trị, chỉ như 1 dạng thuốc bổ.

Người bệnh tăng huyết áp kèm nhiều nang thận thì cần khám BS chuyên khoa tim mạch để BS đánh giá giai đoạn của bệnh, chức năng lọc cầu thận, tổng trạng và các thuốc đang dùng thì mới xem xét được bệnh nhân dùng loại này được không, liều lượng thế nào, cách dùng làm sao để an toàn nhất cho người bệnh.


- Di Elain - elaindi…@gmail.com

BS ơi,

Con mang giày hơi chật, cộng với việc đi lại nhiều nữa nên ngón chân cái của con lúc đầu nó nhức, khoảng 2 ngày sau thì không còn nữa. Nhưng sau đó con cắt móng chân vô tình trúng lớp da dưới móng và con phát hiện dưới móng chân của con có bọng nước.

Bây giờ thì một phần móng tách khỏi thịt, còn có hõm ở trong nữa. Con không biết có nên đi khám hay không? Mà con cũng chẳng biết là khám khoa nào nữa. Mong BS giúp con...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nghe mô tả của em thì có vẻ “nguy hiểm” nhưng tôi không thấy em nhắc đến triệu chứng đau nhức nhiều nên tôi nghĩ khả năng là móng chân em bị sưng phồng nhiều do đi giầy chật + đi lại nhiều, chưa đến mức viêm nhiễm nặng.

Với tình trạng này tốt nhất em nên khám chuyên khoa da liễu hoặc có thể khám ở phòng khám ngoại tổng quát BV đa khoa nào cũng được để BS đánh giá và xử trí, kê thuốc thích hợp, em nhé. Trong thời gian này em cần đi dép đế êm, lộ ngón chân cho thoải mái.


- Tú Đót - truongtu…@gmail.com

Chào BS,

Tay cháu bị trật khớp quay trụ dưới năm nay là 2 năm cộng thêm gãy cả 2 xương tay. Hiện tại đinh vẫn còn chốt và khớp cháu đã đi viện nấn lại. Chốt đinh và tái tạo dây chằng nhưng vẫn vô ích... Vậy cho cháu hỏi bây giờ cháu phải làm gì để làm lại được tay ạ? Cháu cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tú,

Tôi không rõ “vẫn vô ích” theo ý em diễn tả là như thế nào, em vẫn đau nhức nhiều hay không cử động được cánh tay, bàn tay?

Cách đây 2 năm em bị 1 chấn thương khá nặng và được điều trị tích cực tối đa thì việc phục hồi cũng cần có sự kiên trì tập vật lý trị liệu mới được.

Tốt nhất em nên khám lại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình xem “vẫn vô ích” là do đâu, có tổn thương thần kinh không, có cần tập vật lý trị liệu không, hướng điều trị tiếp theo ra sao, tiên lượng hồi phục bao nhiêu phần trăm... em nhé.


- Phúc Nguyễn - ngtan…@gmail.com

Chào BS,

Ba em hiện tại 52 tuổi. Năm 2016 có uống thuốc đau lưng (BV Chấn Thương Chỉnh Hình), uống được 1 tuần thì hết đau lưng nhưng dẫn đến mất ngủ.

Tình trạng mất ngủ diễn ra 2-3 tháng, sau đó có vào SG khám và uống thuốc của BS Vui, bệnh tình tiến triển tốt hơn. Ngủ được nhưng rồi thì tinh thần lại không được ổn, luôn trong tình trạng lo âu, bồn chồn.

Em có tìm hiểu và đưa ba qua BS phòng khám Tâm lý y khoa - Tâm thần kinh Q. N. ở quận Bình Thạnh, khám được 3-4 tháng thì ăn uống ngủ đã tốt hơn, nhưng trong người vẫn luôn lo lắng, lười lao động.

Ba em ngủ được ăn được nhưng trong đầu vẫn luôn cho là mình không ăn được ngủ ít. Ngại nói chuyện với mọi người, vẫn bắt chuyện được với người khác nhưng trong đầu suy diễn là mình không nói được. Mọi người có khuyên giải sao thì vẫn không thay đổi.

Em có nghe một số người chỉ là đi khoa tâm thần. Mong BS cho lời khuyên, nếu đi thì mình nên đi BV nào và gặp BS nào? Mong sớm nhận được hồi âm từ BS. Cảm ơn BS.

Trân trọng.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Phúc,

Theo thông tin em cung cấp thì tôi nhận thấy BS Vui và BS phòng khám Tâm lý y khoa - Tâm thần kinh Q. N. điều trị khá tốt. Vấn đề là gia đình hơi nôn nóng trong việc điều trị.

Thật sự với các triệu chứng về tâm lý, tâm thần cần có thời gian theo dõi, điều chỉnh thuốc không nhanh được. Khi người bệnh có cải thiện đáng kể là dấu hiệu tốt rồi, nếu “vẫn chưa về hoàn toàn bình thường” thì nên khám lại để BS tư vấn cặn kẽ hơn các dấu hiệu có thể gặp trong quá trình điều trị, tác dụng phụ và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần được kiểm tra các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng lên tâm thần như tổn thương mạch máu não, rối loạn nội tiết...

Như vậy nếu 2 nơi mà ba em đã thăm khám chưa tầm soát các vấn đề trên thì em có thể đưa ba em đến BV đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa thần kinh hoặc ngược lại thì có thể tiếp tục theo dõi bệnh thêm 1 thời gian ở nơi khám cũ.


- Kim Ngân - nganngan…@gmail.com

Chào BS,

Em bị trào ngược dạ dày lâu năm gây ra hiện tượng suy yếu cơ hoành dạ dày. Hiện tại uống thuốc tây hay đông y điều không khỏi. Gây cho em đau cuốn bao tử, ăn uống kém, tức ngực, đau ở mức độ hằng ngày.

Vậy nay em xin làm phẫu thuật Nissen để điều trị, BS có thể cho em biết nên phẩu thuật ở đâu ở TPHCM ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Kim Ngân,

Phẫu thuật mở hay nội soi cuộn đáy vị Nissen (Nissen fundoplication) giúp tăng chênh lệch áp suất giữa dạ dày và thực quản bằng cách cuộn đáy vị quanh thực quản xa, thường là giáp vòng.

Chỉ định: có bằng chứng tổn thương thực quản nặng, đáp ứng không hoàn toàn với điều trị nội, điều trị nội đã lâu và khả năng phải điều trị bằng thuốc lâu dài. Và cần loại trừ rối loạn vận động thực quản trước khi tiến hành phẫu thuật.

Cả phẫu thuật mở và nội soi đều đạt kết quả tốt ở >90% trường hợp, hiệu quả giảm triệu chứng ngang nhau, cải thiện chất lượng sống, giảm nhu cầu dùng thuốc.

Phân tích về chi phí/hiệu quả cho thấy nếu bệnh nhân cần điều trị >10 năm bằng thuốc, thì can thiệp phẫu thuật sẽ có lợi hơn. Loại phẫu thuật này rất phổ biến ở các BV đa khoa tuyến đầu của thành phố và 1 số BV tư, như BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược, BV Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115...


- Thúy Hằng - htththuy…@gmail.com

Chào BS,

Tôi đang mang thai tuần thứ 7, dịp 8/3 tôi định đi Vũng Tàu cùng cơ quan. Dự tính lúc đó thai khoảng 10-11 tuần. Vậy tuổi thai lúc đó đi biển có được không? Tôi dự định đi hóng gió và tạo điều kiện cho bé 5 tuổi đi tắm biển, nếu tôi không tắm chắc ổn chứ BS? Xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Hằng,

Việc tắm biển rất có lợi cho các mẹ đang trong giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần phải chú ý cẩn thận về cách tắm biển sao cho hiệu quả và an toàn nhất, là không nên chạy nhảy hay vận động quá mạnh, để hạn chế việc những cơn sóng đánh thẳng vào bụng khi đi biển.

Nên tắm biển vào các buổi sáng sớm hoặc những lúc chiều tà, tránh việc tắm biển sau khi ăn no hay lúc da bụng đang căng tức, ăn uống hải sản cũng cần chú ý phải tươi, chế biến sạch và chín.

Và quan trọng là trước khi đi vài ngày, bạn cần khám lại BS sản khoa để BS đánh giá lại sức khỏe mẹ và thai xem có an toàn để đi chơi hay không nhé.


- Thiện - mcyooja…@yahoo.com.vn

Cháu 16 tuổi, khi trời trở lạnh cháu bị ngứa mũi, tắc nghẹt, chảy nước mũi kèm theo đau họng cháu đi khám BS bảo bị viêm xoang cấp có mủ trong mũi và uống thuốc bệnh khỏi.

1 tuần sau cháu lại có hiện tượng tắc mũi, đau họng, đau đầu. Cháu ho có đờm, BS bảo tái phát viêm xoang có mủ, kê đơn về uống hết.

Mấy ngày sau lại ngứa mũi, thấy đỏ trong cánh mũi, không bị nghẹt mũi nhưng thở khò khè. Cháu nên làm gì đây BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thiện,

Với tình trạng này tốt nhất em nên khám chuyên khoa tai mũi họng để BS soi mũi cho em, xem có bị viêm xoang mạn không, có vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuống mũi hay không... để điều trị thích hợp triệt để cho bệnh không tái phát hoài.

Ngoài ra, để phòng bệnh em cần cần chú ý giữ ấm cơ thể, nhớ đắp chăn, hạn chế để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ, hạn chế máy lạnh, vệ sinh máy điều hòa/ quạt định kỳ. Nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, tránh nơi ô nhiễm khói bụi. Ra đường nên đeo khẩu trang, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Bạn đọc có email hangoc…@gmail.com

Em 30 tuổi, đi khám mới biết mình bị tiểu đường: hba1c 7.5%. BS cho em lời khuyên về bệnh với? Thanks.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Người bị tiểu đường cần chú ý những điều sau:

Về chế độ ăn uống: Người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên, cần hạn chế những thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn chiên rán, đồ ngọt, không ăn mặn, hạn chế rượu bia...

Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và giàu chất xơ như rau xanh, các loại họ đậu… Ăn các loại thịt nạc như thịt bò vì giàu CLA có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu. Đồng thời, bổ sung cá biển giàu acid béo có lợi giúp giảm cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.

Khi chăm sóc bệnh nhân tiểu đường, người thân cũng cần chú ý cách chế biến, càng đơn giản càng tốt như luộc, hấp… hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào và các đồ chế biến sẵn, đóng hộp.

Chế độ luyện tập phù hợp: Người bệnh nên dành ra 30 - 45 phút mỗi ngày để luyện tập như đi bộ hoặc chơi các môn thể theo phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi.

Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì, thừa cân.

Không hút thuốc lá.

Chú ý khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường: Sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liệu trình theo chỉ dẫn của BS, tuyệt đối không ngưng sử dụng thuốc đột ngột mà không có ý kiến của BS và tái khám định kỳ theo hẹn để tầm soát sớm các biến chứng của đái tháo đường.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X