Hotline 24/7
08983-08983

Azithromycin: Công dụng và liều dùng

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Azithromycin là thuốc gì, tác dụng như thế nào?


Azithromycin là một kháng sinh mới có hoạt phổ rộng thuộc nhóm macrolid, được gọi là azalid. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn mạnh bằng cách gắn với ribosom của vi khuẩn gây bệnh, ngăn cản quá trình tổng hợp protein của chúng.

Thuốc này được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm phổi, phế quản, nhiễm trùng da, tai, mụn nhọt, áp-xe cơ, viêm tai giữa, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Ngoài ra, azithromycin đã từng được chỉ định để điều trị lỵ do nhiễm Shigella, nhiễm Helicobacter pylori trong loét dạ dày tá tràng...

Trong thực tế điều trị, azithromycin có khá nhiều dạng bào chế để chọn lựa tùy đối tượng sử dụng. Azithromycin cũng hay được sử dụng cho trẻ em với các dạng hỗn dịch uống, gói bột uống, bột pha si-ro, viên nang... và hay được kê đơn cho điều trị tại nhà.

Azithromycin không có tác dụng đối với các bệnh do nhiễm virus (như cảm lạnh, cúm thông thường). Việc sử dụng không cần thiết hoặc lạm dụng bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc.

Azithromycin là một kháng sinh tốt và dễ sử dụng cho các nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Những tác dụng phụ của thuốc azithromycin


Mặc dù tác dụng không hề nhỏ nhưng tác dụng phụ mà thuốc azithromycin gây ra cho người sử dụng cũng rất nhiều, hơn nữa là thuốc kháng sinh nên sử dụng lâu dài sẽ gây hậu quả không tốt.

Azithromycin có thể gây ra một số tác dụng phụ với các dấu hiệu như: phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng.

Các tác dụng phụ thông thường

- Đau bụng kèm tiêu chảy hoặc đi ngoài ra máu.

- Đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, tức ngực hoặc có thể bị ngất.

- Cảm giác buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, vàng da, nước tiểu sậm màu.

- Phản ứng nghiêm trọng trên da kèm các biểu hiện sốt, đau họng, sưng mặt mũi, khó thở, phát ban trên da, một số vùng da có thể bầm tím và bong tróc.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng của ít trường hợp có thể gặp phải

- Gặp các vấn đề liên quan đến gan như: có thể yếu, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng, da vàng, mắt trắng…

- Gặp các vấn đề liên quan đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn bình thường.

- Tình trạng khó thở kèm sốt cao, phát ban khắp người, sưng môi lưỡi và họng. Gây phồng rộp da, đỏ da hoặc da chết. Ngoài ra còn gặp phải tình trạng giảm cân nhanh chóng, chán ăn, nôn sau bữa ăn…

Sử dụng lâu dài ở liều cao, azithromycin có thể làm giảm sức nghe (nhưng có hồi phục) ở một số người bệnh. Đối với phản ứng dị ứng nặng cần đề phòng như phản ứng phản vệ, phù (vì đây là dị ứng thuốc nguy hiểm). Đa số các tác dụng phụ xảy ra khi dùng thuốc đều nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục sau khi ngừng thuốc. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm xảy ra, nhưng nếu xảy ra cần được xử lý kịp thời.

Do đó, khi sử dụng Azithromycin mà bạn gặp những dấu hiệu trên hoặc bất cứ bất thường nào đó trong cơ thể, bạn cũng cần ngưng thuốc và xin ý kiến của bác sĩ để xem có nên tiếp tục uống thuốc hay không.

Azithromycin không dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Ai không nên sử dụng azithromycin?


Không nên sử dụng kháng sinh này trị nhiễm khuẩn cho người đã từng có vấn đề về gan (vàng da) do dùng azithromycin, người đã bị dị ứng với thuốc này hoặc với bất kỳ kháng sinh nào thuộc nhóm macrolid (như erythromycin, clarithromycin...).

Azithromycin uống không được dùng để điều trị ngoại trú viêm phổi vừa và nặng hoặc người bệnh do bị nhiễm khuẩn tại bệnh viện, suy giảm miễn dịch (những trường hợp này phải điều trị tại bệnh viện).

Do azithromycin đào thải chủ yếu qua gan nên cần được dùng thận trọng ở người có chức năng gan bị tổn thương. Một số nghiên cứu lâm sàng gần đây còn cho thấy, azithromycin có liên quan tới nguy cơ tử vong và rối loạn nhịp tim nghiêm trọng khi sử dụng thuốc trong một thời gian dài.

Vì vậy, cần thận trọng cân nhắc khi sử dụng azithromycin, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc cho người bệnh đã có bệnh tim. Người lớn tuổi có thể có nhiều khả năng có tác dụng phụ trên nhịp tim, trong đó có tỷ lệ tim nhanh đe dọa tính mạng.

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Do đó, những đối tượng này khi sử dụng thuốc cần rất thận trọng. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Đặc biệt, azithromycin không dùng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Liều dùng của thuốc azithromycin


Khi dùng azithromycin, triệu chứng của bệnh có thể cải thiện trước khi hết liệu trình dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn phải uống thuốc đúng theo thời gian bác sĩ đã chỉ định trong đơn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Thuốc azithromycin có chỉ số thể tích phân bố khá lớn và được phân bố chủ yếu trong các mô như phổi, amidan, tiền liệt tuyến, bạch cầu hạt và đại thực bào... Điều đặc biệt là nồng độ azithromycin phân bố trong các mô cao hơn trong máu nhiều lần (khoảng 50 lần nồng độ tối đa tìm thấy trong huyết tương). Đây là loại kháng sinh có thể tích phân bố (Vd) lớn, phân bố nhiều vào mô, có tái phân bố, dùng thuốc 3 ngày nhưng nồng độ đủ cho 7 ngày. Thời gian bán thải (T1/2) tỷ lệ thuận với Vd. Vì vậy, đây là loại kháng sinh chỉ dùng 1 lần duy nhất trong ngày và nên dùng thuốc khoảng 3 ngày đối với thuốc tiêm và từ 3 - 5 ngày đối với các dạng thuốc uống.

Người lớn: Liều đơn 1g (2 viên nén) cho hiệu quả chữa bệnh trong các nhiễm Chlamydia trachomatis lây truyền qua đường tình dục. Những nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm khác: 500mg/ngày (1 viên nén/ ngày) mỗi ngày một lần, trong vòng 3 ngày (tổng liều là 1,5g (3 viên nén).

Có thể dùng theo phác đồ khác là dùng liều đơn 500mg (1 viên nén) vào ngày thứ nhất sau đó 250mg (1/2 viên nén) mỗi ngày một lần, trong 4 ngày (tổng liều trong 5 ngày là 1,5).

Trẻ em: Nên dùng dạng hỗn dịch azithromtcin cho trẻ em có cân nặng dưới 45kg (liều cho trẻ em là 10mg/kg/ngày, trong 3 này).

Liều lượng cho trẻ em trên 45kg cũng tương tự như liều dùng cho người lớn.

Liều lượng cho trẻ em dưới 45kg:

- <15kg (6 tháng - 3 tuổi): Tổng liều hằng ngày là 10mg/kg. Nên dùng mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.

- 15-25g (3-7 tuổi) 1 muỗng lường (kèm trong hộp) 5ml = 200mg, mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.

- 26-35kg (8-11 tuổi): 1,5 muỗng lường (7,5ml = 300mg) mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.

- 36-45kg (12-14 tuổi): 2 muỗng lường (10ml = 400mg), mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày.

Cách sử dụng pha hỗn dịch:

- Lắc kỹ chai bột dùng để pha hỗn dịch azithromycin.

- Xoay để mở nắp ống nhựa kèm trong hộp.

- Thêm nước cất trong ống vào chai và lắc kỹ

Hỗn dịch đã pha ổn định trong 5 ngày ở nhiệt độ phòng.

Lưu ý: Bạn cần dùng azithromycin chính xác theo chỉ định của bác s, không nên tự ý dùng với liều lớn hơn hoặc nhỏ hơn hoặc kéo dài thời gian hơn so với đơn của bác sĩ. Mặt khác, bạn cần thực hiện theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

Cần chú ý rằng: liều lượng và thời gian điều trị bằng thuốc azithromycin có thể không giống nhau cho các bệnh loại nhiễm khuẩn khác nhau.

Khi dùng azithromycin, triệu chứng của bệnh có thể cải thiện trước khi hết liệu trình dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn vẫn phải uống thuốc đúng theo thời gian bác sĩ đã chỉ định trong đơn. Nếu bạn ngưng dùng thuốc khi chưa hết liệu trình, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc, gây nguy hiểm cho chính bạn.

Azithromycin có khá nhiều dạng bào chế để chọn lựa tùy đối tượng sử dụng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Những lưu ý khi sử dụng


Bạn có thể uống azithromycin khi đói hay no đều được. Tuy nhiên, thức ăn làm giảm khả năng hấp thu azithromycin khoảng 50%, do đó, không được uống thuốc này cùng với thức ăn hoặc ngay sau khi ăn. Tốt nhất là nên uống trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ.

Khi bạn quên uống một liều nên dùng liều đó ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra gần với thời điểm uống liều tiếp theo (khoảng nửa giờ), thì bạn bỏ qua liều đã quên, mà chỉ uống liều tiếp theo. Bạn tuyệt đối không uống gộp 2 liều cùng lúc vì sẽ bị quá liều thuốc gây nguy hiểm cho bạn.

Nếu bạn đang dùng azithromycin thì không nên dùng các thuốc kháng acid có chứa nhôm hoặc magiê trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng azithromycin. Các thuốc chứa nhôm và magiê là: gelusil, genaton, maalox, magnesia, mintox, mylagen, mylanta, rulox... Những thuốc kháng acid có thể làm cho azithromycin kém hiệu quả khi dùng chung cùng một lúc.

Bên cạnh đó, có nhiều loại thuốc có tương tác bất lợi với azithromycin gồm: thuốc kháng sinh như erythrocin, levofloxacin, moxifloxacin...; thuốc chống trầm cảm như amitriptylline, clomipramine...; thuốc chống sốt rét như chloroquine, mefloquine...; thuốc hạ cholesterol như lovastatin, atorvastatin...; thuốc tim hoặc thuốc huyết áp như digoxin, diltiazem, nifedipine...; thuốc điều trị buồn nôn và nôn như dolasetron, droperidol...; thuốc điều trị rối loạn tâm thần như chlorpromazin, clozapine, haloperidol...; thuốc giảm đau hoặc an thần như: diazepam, midazolam, hoặc triazolam... và nhiều loại thuốc khác nữa. Do đó, trước khi được kê thuốc azithromycin bạn cần liệt kê những loại thuốc mình đang sử dụng để bác sĩ kiểm tra, thay đổi loại thuốc khác cho phù hợp.

Trong thời gian dùng thuốc, bạn cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vì azithromycin có thể làm cho bạn dễ bị cháy nắng do da mẫn cảm với ánh nắng. Vì vậy, bạn nên mặc quần áo dài tay để bảo vệ da và sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời nắng.

Hồng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X