Hotline 24/7
08983-08983

AstraZeneca hợp tác thực hiện chương trình “Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam”

Sáng 18/10/2017, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y Tế Việt Nam và AstraZeneca chính thức ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe tại Việt Nam 2017-2020”.

Buổi lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Viết Tiến và Phó Chủ Tịch AstraZeneca phụ trách Khu Vực Châu Á - Ông Joris Silon.

Đây là lễ ký kết quan trọng, đánh dấu bước phát triển hợp tác trong công tác phòng, chống bệnh tật, chính thức ghi nhận cam kết đồng hành của AstraZeneca cùng ngành y tế Việt Nam trong quá trình nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT).

Đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y Tế Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ là PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cục quản lý chuyên ngành, thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trong cả nước.

Trong thời gian qua, những nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế Việt Nam cũng như của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời tăng cường triển khai các chương trình phòng, kiểm soát bệnh mạn tính không lây như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư...

Đại diện AstraZeneca ký Biên bản ghi nhớ là ông Jones Nicholas Rees, Trưởng Văn Phòng Đại Diện AstraZeneca tại Việt Nam. AstraZeneca là tập đoàn dược phẩm dựa trên phát minh, chuyên nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thuốc điều trị chuyên biệt mới trong các lĩnh vực chính bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, hô hấp, và ung thư. Tập đoàn cũng hoạt động trong một số lĩnh vực khác như miễn dịch, khoa học thần kinh và truyền nhiễm. AstraZeneca là một tập đoàn toàn cầu hiện đang hoạt động tại hơn 100 quốc gia và sở hữu các loại thuốc tiên tiến được hàng triệu bệnh nhân trên thế giới tin dùng.

Buổi lễ ký kết diễn ra trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Viết Tiến và Phó Chủ Tịch AstraZeneca phụ trách Khu Vực Châu Á - Ông Joris Silon

Đầu tư 1 triệu USD triển khai chương trình "Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020”

Chương trình “Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020” là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và BPTNMT tại 9 quốc gia Châu Á, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình này.

Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp với AstraZeneca, cùng các Hội chuyên ngành: Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (VATLD); Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TPHCM để cùng thực hiện chương trình “Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020” với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong ba năm.

Chương trình hướng đến ba mục tiêu chính:

Hợp tác và nhận thức: Các đối tác ngành y tế tại Việt Nam, AstraZeneca hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này. Thông qua hỗ trợ tổ chức các câu lạc bộ bệnh nhân và hoạt động khám tầm soát, hỗ trợ gia tăng nhận thức đúng về bệnh trong cộng đồng, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân hen và BPTNMT về các triệu chứng, cải thiện chẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Hạ tầng và khả năng tiếp cận: Với tài trợ thành lập 150 phòng quản lý ngoại trú hen và BPTNMT với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước. Chương trình hướng đến cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh hen và BPTNMT. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh hen & BPTNMT ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân.

Năng lực và kỹ năng: Thông qua phối hợp cùng các đối tác để tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục (CME), hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý cho cán bộ y tế tuyến tỉnh thành phố, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh Hen và BPTNMT. Mục tiêu là 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý Hen và BPTNMT.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại buổi ký kết: “Phát hiện sớm bệnh và quản lý duy trì người bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là giải pháp bền vững trong công tác kiểm soát bệnh. Để giải pháp này được thực thi hiệu quả, việc cung cấp kiến thức cho cộng đồng về bệnh để người dân biết cách dự phòng, tự phát hiện sớm, tuân thủ hướng dẫn của người thầy thuốc, cùng với đào tạo cho cán bộ y tế có đủ năng lực chuyên môn và đầu tư, phát triển các đơn vị quản lý chuyên nghiệp về bệnh là những hoạt động quan trọng để bảo đảm người bệnh được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị chuyên nghiệp tại các tuyến y tế”.

Để các nội dung trong Biên bản ghi nhớ được thực hiện theo đúng mục tiêu, đạt hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng AstraZeneca và các đối tác thực hiện là Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam (VATLD); Hội Hô Hấp Việt Nam (VNRS) và Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai chương trình. Trong quá trình triển khai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và AstraZeneca sẽ tiến hành theo dõi, đánh giá hiệu quả của chương trình.

Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp với AstraZeneca, cùng các Hội chuyên ngành để cùng thực hiện chương trình “Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020” với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong ba năm

Gánh nặng bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Hen và BPTNMT là hai căn bệnh mạn tính về đường hô hấp gây ra những gánh nặng lớn về y tế, kinh tế, và xã hội trên toàn cầu, với tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong không có dấu hiệu suy giảm mặc cho những phát triển không ngừng về điều trị.

Theo dự đoán của WHO, BPTNMT sẽ trở thành nguyên nhân tử vong thứ ba trên toàn thế giới, vượt cả tỉ lệ tử vong gây ra do HIV/AIDS và ung thư phổi vào năm 2020.

Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước tại Việt Nam cho thấy, mặc dù ước tính có trên 4,2% dân số bị mắc BPTNMT nhưng đáng lo là phần lớn hiện nay vẫn chưa được chẩn đoán do thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhận thức kém từ phía người dân, cũng như giới hạn về khả năng chuyên môn của y tế cộng đồng.

Khảo sát trong khuôn khổ chương trình quốc gia cho thấy chỉ có 43,9% bác sĩ Việt Nam có thể kể ra 4 tiêu chuẩn để chấn đoán BPTNMT và chỉ 23,5% bác sĩ trả lời đúng về xếp loại BPTNMT theo GOLD 2011.

Về bệnh hen, ước tính có trên 300 triệu người mắc bệnh hen với hầu hết tử vong do hen tập trung ở những nước thu nhập thấp hay trung bình. Một nghiên cứu về việc áp dụng khuyến cáo quốc tế trong kiểm soát hen (Global Initiative for AsthmaGINA) tại TPHCM cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, chỉ có 39,7% bệnh nhân kiểm soát được hen.

Các bệnh về đường hô hấp, như bệnh hen, BPTNMT và ung thư phổi đang ngày càng gia tăng nhanh chóng trên khắp Châu Á và đặc biệt ở Việt Nam. Điều này đã đưa ra những thách thức cụ thể đối với hầu hết các hệ thống y tế, vốn chỉ tập trung vào việc chăm sóc cấp tính và ngắn hạn cho bệnh nhân. Để điều trị bệnh hô hấp hiệu quả đòi hỏi phải sự quản lý lâu dài cho bệnh nhân ở trung tâm quản lý ngoại trú. AstraZeneca đặc biệt có cơ hội hợp tác với chính phủ Việt Nam và các đối tác liên quan trong việc thực hiện chương trình Vì lá phổi khỏe với mong muốn đảm bảo rằng nhiều bệnh nhân ở Việt Nam sẽ được tiếp cận với điều trị sớm và chăm sóc thích hợp" - Ông Joris Silon, Phó chủ tịch AstraZeneca Khu vực Châu Á, cho biết.

Mặc dù hen và BPTNMT gây ra những gánh nặng lớn, với tỉ lệ chẩn đoán và tỉ lệ đạt kiểm soát kém, hiện hai căn bệnh này vẫn chưa được sự quan tâm và chú ý đúng mức như là một bệnh mạn tính cần quản lý ngoại trú lâu dài.

Theo một nghiên cứu của tác giả Lê Thị Tuyết Lan và cộng sự (2016) tại BVĐH Y Dược TPHCM, chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân COPD không được kiểm soát tốt, dẫn đến nhập viện do đợt cấp ước tính 225 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần chi phí điều trị (22 triệu đồng/năm) cho giai đoạn duy trì. Đó là chưa kể đến những chi phí gián tiếp liên quan đến đợt cấp, và những gánh nặng vô giá về tinh thần và sức khỏe của bệnh nhân qua mỗi cơn kịch phát. Quan trọng nhất, quản lý ngoại trú trong giai đoạn ổn định giúp giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân so với việc chỉ quản lý bệnh nhân trong đợt cấp.

Nhằm giải quyết tình trạng bất cập này, chương trình Vì lá phổi khỏe sẽ phối hợp với các đối tác triển khai các hoạt động để xây dựng các đơn vị quản lý ngoại trú hen và BPTNMT đạt chuẩn, cải thiện năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh Hen và BPTNMT thông qua các buổi đào tạo y khoa liên tục (CME) cho cán bộ y tế chuyên trách các đơn vị quản lý, hỗ trợ tầm soát để chẩn đoán bệnh sớm.

Các đơn vị này có vai trò giúp bệnh nhân hen và BPTNMT được tiếp cận chẩn đoán sớm, điều trị ngay tại địa phương, ngăn ngừa đợt cấp cho người dân do không phải cấp cứu nhập viện, từ đó giảm gánh nặng chi phí nhập viện và tỷ lệ tử vong, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X