Hotline 24/7
08983-08983

Áp xe răng ở trẻ nhỏ

Răng bị áp xe là một trong số những vấn đề về sức khỏe răng miệng thường gặp nhất ở trẻ em và cần phải được chăm sóc ngay lập tức.

Áp xe răng là một tình trạng nhiễm khuẩn gây đau đớn tại răng và có thể lan rộng nếu không được điều trị sớm. Tuy nhiên, áp xe răng có thể điều trị được và thậm chí có thể dự phòng được nếu trẻ có thói quen vệ sinh răng miệng tốt.

Dưới đây là những gì bạn cần biết về nguyên nhân gây áp xe răng và những điều bạn nên làm nếu trẻ mắc phải tình trạng này.

Áp xe răng là gì?

Áp xe là tình trạng sưng phồng, giống như những nốt phồng rộp hình thành khi mủ được tích tụ lại, dẫn đến nhiễm vi khuẩn ở một vị trí nào đó trên cơ thể. Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng ở chân răng hoặc nhiễm trùng giữa răng và lợi. Chỗ sưng có thể sẽ rất đau đớn và khiến trẻ nhỏ không chịu được.

Một ổ áp xe có thể sẽ lan tới các phần khác trong miệng, ví dụ như lợi hoặc hàm, thậm chí là rất nhiều phần khác trên cơ thể nếu không được điều trị kịp thời. Rất hiếm khi một ổ áp xe răng không điều trị có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Nhận ra và điều trị tình trạng áp xe răng và lợi ở trẻ nhỏ trong giai đoạn sớm có thể dự phòng được tình trạng nhiễm trùng lan sang lợi và những răng bên cạnh.

Nguyên nhân áp xe răng ở trẻ nhỏ

Biết được nguyên nhân gây áp xe răng ở trẻ sẽ giúp bạn dự phòng tình trạng này dễ dàng hơn. Nhiễm vi khuẩn trong khoang miệng là nguyên nhân chính dẫn đến một ổ áp xe - tình trạng mà răng có một hoặc nhiều túi mủ ở xung quanh. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng áp xe răng ở trẻ nhỏ bao gồm:

  • Sâu răng: nguyên nhân chính dẫn đến áp xe răng ở trẻ nhỏ
  • Tổn thương răng do chấn thương hoặc vấp ngã, dẫn đến gãy vỡ răng. Tình trạng này khiến răng có những khoảng trống, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ lại.
  • Tăng áp lực lên răng do trẻ có thói quen nghiến răng

Mặc dù bất kỳ loại răng nào cũng có thể bị áp xe nhưng răng hàm thứ 3 thường là loại răng dễ bị áp xe nhất vì đây là răng khó làm sạch nhất và dễ bị sâu răng nhất nếu không chú ý.

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng dễ nhận biết nhất của tình trạng áp xe là sưng đỏ ở bên trong miệng, gần một hoặc 2 chiếc răng. Nếu trẻ bị áp xe răng, trẻ sẽ có thêm các dấu hiệu sau:

  • Phồng rộp đỏ hình thành gần răng
  • Răng có thể sẽ chuyển sang màu tối hơn
  • Ổ áp xe có thể sẽ chảy ra mủ
  • Rất đau khi nhai
  • Có cảm giác về vị giác khó chịu trong miệng
  • Sưng lợi và má, cứng má
  • Sốt cao

Khu vực quanh ổ áp xe sẽ trở nên rất nhạy cảm, khiến trẻ sẽ rất đau khi khu vực này tiếp xúc với những thứ khác (ví dụ như thức ăn). Trong một vài trường hợp hiếm gặp, ổ áp xe có thể không gây đau đớn vì đã mất đi phản xạ với cơn đau.

Chẩn đoán áp xe răng

Áp xe răng có thể rất nghiêm trọng và nên được điều trị ngay lập tức sau khi được chẩn đoán. Nếu bạn thấy trẻ có các dấu hiệu ở trên, hãy đưa trẻ đến gặp nha sỹ ngay lập tức.

Nha sỹ thường sẽ dùng các cách sau để phát hiện ra tình trạng áp xe răng ở trẻ:

  • Gõ nhẹ vào răng để xem mức độ nhạy cảm của răng như thế nào
  • Chụp X quang răng trong trường hợp ổ áp xe răng không rõ ràng
  • Chụp CT trong trường hợp nhiễm trùng đã lan rộng hoặc nghi ngờ ổ áp xe đã lan sang các phần khác của mặt và cổ.

Điều trị áp xe răng ở trẻ nhỏ

Điều trị áp xe răng ở trẻ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí bị áp xe.

Trong trường hợp áp xe đươc phát hiện trong giai đoạn sớm, nha sỹ có thể sẽ hút mủ ra bằng việc cắt ổ áp xe và làm sạch bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nước muối.

Nếu răng đã hoàn toàn bị tổn thương, nha sỹ có thể sẽ nhổ răng ra để ngăn tình trạng nhiễm trùng không lan rộng

Trong một số trường hợp, nha sỹ có thể sẽ tiến hành rút tủy răng để điều trị răng bị nhiễm trùng và giúp răng không bị tổn thương thêm.

Trong suốt quá trình này, nha sỹ sẽ tạo ra một môi trường chân không tại răng và sẽ rút mủ ra trước khi bịt lại. Ngoài ra, nha sỹ cũng có thể sẽ kê đơn kháng sinh nếu tình trạng nhiễm trùng này lan tới các phần khác hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Giảm đau do áp xe răng tại nhà

Mặc dù không có cách điều trị áp xe răng tại nhà, nhưng bạn có thể làm được một số việc để giúp trẻ làm giảm đau do ổ áp xe gây ra. Dưới đây là một số phương pháp giảm đau bạn có thể áp dụng tại nhà:

  • Chườm lạnh tại vùng bị đau trong khoảng 12-20 phút hoặc theo thời gian chỉ định của bác sỹ.
  • Tỏi có tác dụng chống viêm có thể chống nhiễm trùng. Nếu trẻ không muốn nhai tỏi, bạn có thể nghiền nhỏ tỏi và thoa phần nước tỏi lên vùng bị nhiễm trùng
  • Tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạc hà và tinh dầu rau oregano có thể kháng khuẩn và kháng nấm, giúp chống viêm và loại bỏ tình trạng nhiễm trùng. Cho trẻ chải răng với tinh dầu đinh hương có thể sẽ có ích.
  • Súc miệng với nước muối ấm cũng có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng không lan rộng
  • Súc miệng bằng một thìa giấm táo pha trong một cốc nước ấm, và đảm bảo rằng trẻ không nuốt dung dịch này
  • Dầu ôliu có chứa eugenol, một chất hóa học có thể tiêu diệu vi khuẩn và loại bỏ tình trạng nhiễm trùng.

Chăm sóc trẻ bị áp xe răng

Có một vài điều bạn phải nhớ để giúp trẻ hồi phục sau khi bị áp xe răng sớm hơn:

  • Đảm bảo rằng trẻ uống các loại thuốc được kê đơn đúng giờ và đúng liều
  • Không thay đổi hoặc lỡ hẹn với nha sỹ, vì quá trình điều trị là một quá trình đặc biệt, bất cứ sai lệch nào cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian hồi phục.
  • Nếu trẻ không được kê đơn thuốc, hãy kiểm tra lại với bác sỹ và hỏi ý kiến bác sỹ xem trẻ có thể sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn hay không.

Dự phòng áp xe răng ở trẻ nhỏ

Dưới đây là một số điều mà mọi cha mẹ nên nhớ để giúp làm giảm nguy cơ áp xe răng ở trẻ nhỏ.

  • Chìa khóa trong việc dự phòng các vấn đề liên quan đến răng hoặc lợi là duy trì vệ sinh răng miệng tốt. Đảm bảo rằng trẻ chải răng ít nhất 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày.
  • Cắt giảm lượng thực phẩm có đường mà trẻ ăn, ví dụ như bánh, kẹo và soda.
  • Cho trẻ sử dụng kem đánh răng có chứa flo ít nhất một lần một ngày.
  • Nếu trẻ bị bất cứ tổn thương nào tại răng, hãy đưa trẻ tới gặp nha sỹ ngay lập tức.
  • Thường xuyên đưa trẻ đi khám răng.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam/Momjunctio

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X