Hotline 24/7
08983-08983

'Ăn thừa đường, thiếu fluor - tiềm ẩn nguy cơ sâu răng'

Khi thiếu hụt fluor trong các nguồn thức ăn của cộng đồng, được giới nha khoa cho là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ sâu răng.

Để răng khỏe phải khám định kỳ, hạn chế ăn đường, dùng kem đánh răng có fluor...

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn

Hơn 1.500 câu hỏi được độc giả gửi đến Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam và Tiến sĩ Ngô Đồng Khanh, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP HCM, sáng 3/5 trong chương trình tư vấn trực tuyến phòng ngừa các bệnh răng miệng. Hai tiến sĩ đều khuyên bố mẹ nên hướng dẫn con chải răng đúng phương pháp ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có fluor, trong đó có một lần vào buổi tối trước khi ngủ; chọn lựa những thức ăn, thức uống tốt cho sức khỏe chung và sức khỏe răng miệng; khám răng định kỳ...

- Bác sĩ cho em hỏi cách chăm sóc răng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi như thế nào ạ? Cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Thị Lan, 27 tuổi, TP HCM)

- Tiến sĩ Ngô Đồng Khanh, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP HCM: Đối với nhóm trẻ từ 3 đến 5 tuổi thì cha mẹ, thấy cô giáo hoặc người chăm sóc trẻ phải hết sức chú ý chăm sóc về vệ sinh răng miệng cho trẻ. Chăm sóc ngay từ chiếc răng sữa đầu tiên mọc lên. Khi trẻ chưa có thể cầm bàn chải để thực hiện động tác chải răng, thì cha mẹ có thể dùng gạc để lấy sạch thức ăn hoặc chải giúp cho trẻ thực hiện việc vệ sinh răng miệng sau khi ăn và tối trước khi ngủ. Nên chải răng với kem có fluor càng sớm càng tốt.

Chăm sóc dinh dưỡng với những thức ăn tốt cho răng và nướu (lợi). Hạn chế ăn đường, ăn đường vào bữa ăn chính, hạn chế ăn quà vặt có nhiều đường. Cha mẹ cũng nên lưu ý đến những thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến bất hài hòa răng hàm: mút ngón tay, nằm ngủ nghiêng 1 bên, thở bằng miệng, khi phát hiện nên hướng dẫn cho trẻ loại bỏ dần những thói quen xấu này.

Nên đưa trẻ đến khám răng định kỳ để khám phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng trên hệ răng sữa. Khi trẻ đến trường thầy cô giáo nên tích cực hướng dẫn và tập cho trẻ có thói quen đánh răng sau khi ăn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Đình Hải. Ảnh: Hà Mai

- Miệng tôi hay bị hôi mặt dù đã vệ sinh răng miệng tốt, cạo vôi, đánh bóng răng định kỳ 3 tháng một lần. Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân và cách điều trị. 2. Con gái tôi năm nay 7 tuổi răng mọc tương đối đều, nay muốn nhổ hết răng sữa để khi trưởng thành răng phát triển tốt đẹp. Xin hỏi thời điểm nào nhổ được chi phí, ăn uống sau khi nhổ răng. 3. Vợ tôi có 2 răng khôn hàm trên mọc ổn định không lệch có đều cao hơn các răng còn lại. Theo bác sĩ có nên nhổ bỏ không. (Lê Vũ, 36 tuổi, TP HCM)

- Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam: Chào Vũ, hôi miệng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên nhân từ các bệnh toàn thân, trong đó có các bệnh về dạ dày, phổi... nhưng hay gặp nhất là các bệnh răng miệng như: sâu răng, viêm lợi, viêm quanh răng (viêm nha chu). Nếu có tổn thương sâu răng thì mặc dù bạn đánh răng kỹ vẫn không thể làm sạch được xoang răng sâu và không loại được hôi miệng. Trong trường hợp này, bạn cần được điều trị sâu răng. Nếu viêm quanh răng, có túi lợi bệnh lý quanh răng thì việc đánh răng và lấy cao răng cũng không giải quyết được hôi miệng, mà phải được điều trị loại bỏ túi lợi bệnh lý quanh răng tại cơ sở răng hàm mặt.

Con bạn mới 7 tuổi, răng mọc đều không nên nhổ tất cả các răng sữa vào thời điểm này, mà các răng sữa phải được nhổ đúng tuổi thay răng. Răng sữa được thay bởi răng vĩnh viễn trong khoảng thời gian 7-12 tuổi. Các răng cửa thay trước và các răng nanh, hàm thì thay sau. Nếu nhổ hết răng sữa lúc con bạn 7 tuổi, không những cháu sẽ không có răng để nhai, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm trở ngại trong việc hòa nhập và sẽ ảnh hưởng đến hàm răng vĩnh viễn sau này. Hàm răng vĩnh viễn có nguy cơ lệch lạc do răng sữa bị nhổ sớm, không thực hiện được chức năng giữ khoảng tới thời điểm răng vĩnh viễn mọc.

Vợ bạn có hai răng khôn hàm trên mọc ổ định, nhưng cao hơn các răng còn lại: Trường hợp này có thể không có răng đối diện mọc đúng vị trí do hai răng khôn hàm dưới đã nhổ, hoặc bị kẹt không mọc lên được. Trường hợp này bạn cần đưa vợ bạn tới khám bác sĩ nha khoa để kiểm tra hai răng khôn dưới và cân nhắc hai răng khôn hàm trên có chức năng ăn nhai không.

- Bác sĩ ơi cho em hỏi con trai em được 31 tháng, cháu đã mọc đủ 20 răng sữa. Nhưng hiện nay răng cửa và răng hàm của cháu bị vàng và có những chỗ bị vỡ lớp men răng ở bên ngoài. Vậy xin bác sĩ cho em biết là tại sao cháu lại bị như vậy không ạ, mặc dù em đánh răng cho cháu vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ đầy đủ. Em xin cảm ơn (Dương Hương Giang, 30 tuổi, Hà Nội).

- TS.Khanh: Trên hệ răng sữa khi nhiều răng có sự thay đổi về màu sắc, khuyết, vỡ lớp men bên ngoài thì có thể do rối loạn cấu trúc tổ chức men ngà (nhiễm sắc Tetracycline, nhiễm Fluor trên răng, sinh men bất toàn...). Trong trường hợp này chị có thể đưa cháu đến khoa Răng Hàm Mặt của các bệnh viện để Bác sĩ khám và hàn răng thẩm mỹ cho cháu. Điều quan trọng là chị nên tiếp tục theo dõi các răng vĩnh viễn sau này của cháu.

- Thưa bác sĩ, cháu nhà tôi 19 tháng tuổi. Cháu mọc 2 răng sơ sinh ở hàm dưới khi được 1 tuần tuổi. Hiện nay cháu đã mọc được 14 răng sữa nhưng hai chiếc răng sơ sinh vẫn chưa rụng để mọc răng sữa. Vậy cháu có bị sao không ạ? Răng hàm dưới cháu mọc rất thưa và nghiêng có phải là do thiếu canxi? Cám ơn bác sĩ. (Trần Thu Hà, 46 tuổi, Hà Nội)

- TS.Khanh: Theo mô tả về tình trạng răng của cháu, chúng tôi nghĩ đây là giai đoạn hoàn chỉnh hệ răng sữa cho cháu. Vì vậy 2 chiếc răng sữa đầu tiên chưa rụng và các răng sữa hàm dưới còn mọc thưa và nghiêng là bình thường không phải do thiếu canxi hay lý do nào khác. Điều quan trọng là chị nên theo dõi lịch rụng răng sữa sinh lý để có thể theo dõi việc mọc các răng vĩnh viễn đúng hạn.

- Tôi có 2 răng cửa số R11, R21 bị gãy trong một tai nạn giao thông. Sau đó, tôi có đến phòng khám răng - hàm - mặt để điều trị. Các nha sĩ ở đây đã lấy hết tủy răng và bọc sứ kim loại cho 2 răng này. Bác sĩ cho tôi hỏi: Sau bao lâu thì tôi có phải điều trị lại 2 răng này hoặc phải bọc lại răng này không ạ? Xin bác sĩ tư vấn cách chăm sóc răng miệng trong trường hợp này. Xin cảm ơn! (Sơn, 26 tuổi, TP HCM)

- PGS.TS Hải: Sơn thân mến, nếu hai răng của bạn (R11, R21) được điều trị tủy tốt và bọc sứ kim loại đúng quy cách thì các bọc răng này sẽ giữ được lâu không phải làm lại, trừ các trường hợp sau:

- Do sang chấn làm tổn thương hai bọc răng sứ (chụp sứ) hoặc mạnh hơn là làm tổn thương tới hai chân răng 11 và 21.

- Mô quanh răng (xương ổ răng và lợi) bị teo sau nhiều năm (teo có thể do sinh lý tuổi tác nhưng nếu có các yếu tố kích thích như sang chấn, viêm... sẽ làm quá trình teo nhanh hơn). Khi đó sẽ hở bờ chụp răng và hở chân răng làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ hoặc gây sâu chân răng. Khi đó, có thể phải làm lại chụp răng mới hoặc điều trị theo phương pháp khác.

- Tôi chăm sóc răng rất cẩn thận nên không hề bị sâu một chiếc nào. Tuy nhiên thời gian gần đây tôi thấy có dấu hiệu bị tụt lợi. Bây giờ thì tôi chưa bị đau hay buốt (kể cả khi ăn nóng hay lạnh) và từ nhiều năm nay tôi dùng bàn chải máy để đánh răng hàng ngày. Theo bác sĩ tôi phải làm gì để có hàm răng khỏe mạnh và đẹp? (Hoàng Lan, 37 tuổi, Thành Công - Ba Đình - Hà Nội)

- PGS.TS Hải: Bạn Hoàng Lan thân mến! Dấu hiệu tụt lợi là dấu hiệu khá thường gặp ở người từ lứa tuổi của bạn trở lên. Tụt lợi có thể do teo mô quanh răng (bao gồm cả xương ổ răng) sinh lý theo tuổi. Nhưng các yếu tố sang chấn như chải răng không đúng phương pháp cũng có thể gây ra tụt lợi. Vì vậy bạn cần lưu ý trong khi sử dụng bàn chải máy sao cho làm sạch được tất cả các mặt răng mà không gây sang chấn tới răng và mô quanh răng.

Tiến sĩ Ngô Đồng Khanh. Ảnh: Hà Mai

- BS cho em hỏi bé nhà em mới 32 tháng tuổi nhưng đã bị ăn cụt hết 4 răng cửa hàm trên và răng hàm cũng bị sâu nhiều. Hiện giờ cháu vẫn đánh răng nhưng do răng của bị ăn sát lợi nên cháu đau khi đánh răng. Khi em đi khám thì bác sĩ có tư vấn do men răng của bé nhà em kém. Vậy em phải làm như thế nào để khi bé lớn có hàm răng khỏe? Mong bác sĩ giải đáp cho em. (Lê Anh, 39 tuổi, TP HCM)

- TS.Khanh: Theo như tình trạng của cháu thì cháu có sún răng và đa sâu răng. Đối với trường hợp này chị nên đem cháu đến phòng khám Răng Hàm Mặt. Bác sĩ sẽ trám (hàn) các răng sâu, bôi chất phòng ngừa sâu răng trên những răng bị cắt cụt. Chúng ta cố giữ những răng sữa này đến thời gian rụng răng sinh lý để phòng hộ cho việc các răng vĩnh viễn sau này mọc lên được đều đặn.

Trên cơ địa của những trẻ bị đa sâu răng, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng hết sức quan trọng. Chải răng ngay sau khi ăn và trước khi ngủ với kem có Fluor. Nếu không có điều kiện thì chải răng tối thiểu 2 lần trong ngày: sáng sau khi ăn sáng và tối trước khi ngủ. Hạn chế ăn quà vặt: thức ăn thức uống có nhiều đường. Hết sức lưu ý về việc trẻ còn bú bình ban đêm và cho chất ngọt vào sữa. Khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các răng bị sâu.

- Bé nhà em gần 3 tuổi, bé không chịu đánh răng có kem đánh răng vì luôn có cảm giác muốn ói, do vậy em cho bé chải răng chỉ bằng nước muối thì có tác dụng ngăn ngừa sâu răng không? (Nguyen Thi Hong Loan, 34 tuổi, Đường số 10, Phường 15, Quận Gò Vấp)

- TS.Khanh: Chải răng với nước muối chỉ có tác dụng làm sạch mà không có chất để tăng sức đề kháng của men răng đối với sâu răng. Fluor trong kem đánh răng là rất quan trọng trong việc giúp khoáng hóa men răng, từ đó làm cho men răng cứng chắc hơn. Nên chải răng với kem có Fluor. Nếu cháu khó chịu, buồn nôn khi chải răng thỉ chị nên tập cho cháu từ từ, chọn lựa bàn chải thích hợp không quá to so với miệng của trẻ, chọn kem đánh răng có mùi thơm (mùi dâu, dứa,..) hơn là kem có mùi cay (bạc hà,..). Chải nhẹ nhàng từng vùng. Đặc biệt là tránh dụng chạm trên lưng lưỡi hoặc đưa bàn chải sâu vào sâu trong khoang miệng sẽ tạo cảm giác buồn nôn cho trẻ.

- Chào bác sĩ, cháu hay bị chảy máu răng, nhất là khi đánh răng, bao giờ cũng bị chảy máu, dù nhẹ nhàng. Nhiều khi đang bình thường cháu vẫn bị chảy ít máu. Cháu vẫn đi lấy cao răng 4-6 tháng một lần. Đánh răng ngày 2 lần. Vậy bác sĩ tư vấn giúp cháu với ạ. Cháu cảm ơn! (Thu Trang, 27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

- PGS.TS Hải: Thu Trang thân mến, chảy máu răng nhưng thực chất là chảy máu từ lợi khi bị kích thích như chải răng hoặc có khi chảy máu tự nhiên. Chảy máu răng là biểu hiện của viêm lợi. Viêm lợi thường do vi khuẩn ở mảng bám răng. Một số bệnh toàn thân hoặc thay đổi nội tiết (phụ nữ có thai, hoặc đang trong thời kỳ cho con bú...) thường làm tăng mức độ chảy máu khi lợi bị viêm.

Mảng bám răng được hình thành do các men của vi khuẩn tác động lên thành phần của nước bọt lắng đọng lên bề mặt răng. Sau đó đây nơi để các chủng vi khuẩn trong khoang miệng định cư, phát triển và gây ra các bệnh như sâu răng, viêm lợi. Mảng bám răng được hình thành hàng giờ và sau 24 giờ đã trở thành mảng bám răng hoàn chỉnh. Bạn đi lấy cao răng 4-6 tháng một lần là tạo điều kiện cho việc chải răng làm sạch mảng bám răng. Mặc dù mới lấy cao răng xong, nhưng chải răng không đúng phương pháp (không làm sạch tất cả các bề mặt răng, nhất là mặt bên của răng) thì cũng không thể loại hết được mảng bám răng. Vì vậy, lợi của bạn vẫn có thể viêm và chảy máu. Bạn nên đến cơ sở răng hàm mặt để được khám và tư vấn cụ thể hơn.

- Bé nhà tôi được 4 tuổi. Tôi được biết là trong một năm cần khám răng định kỳ 2 lần một năm. Nhưng tôi nghĩ mình vệ sinh răng miệng cho con gái rất sạch (đánh răng xong thì súc miệng bằng nước muối) và răng con tôi trắng đẹp nên không cần phải đi khám định kỳ. Xin cho tôi hỏi: Khám định kỳ để phòng ngừa những bệnh nào về răng miệng và ở tuổi nào thì bé sẽ thay răng? (Lê Hồng Điệp, 27 tuổi, TP HCM)

- TS.Khanh: Chúng tôi hoan nghênh chị đã tích cực trong việc hướng dẫn và vệ sinh răng miệng cho con gái. Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt đa phần sẽ giúp phòng ngừa được các bệnh phổ biến (sâu răng, nha chu, ...). Tuy nhiên còn một số các vấn đề khác trong lĩnh vực răng miệng cần có sự cố vấn của Bác sĩ chuyên ngành. Ví dụ như: răng mọc lệch lạc, bất hài hòa về màu sắc trên răng của trẻ,... Việc khám răng định kỳ là một cơ hội rất tốt để được các bác sĩ chuyên khoa thông báo về tình trạng, tật và bệnh răng miệng cho cha mẹ, không chỉ là bệnh sâu răng hay nha chu. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị và đây là một cơ hội để ta có thể điều trị sớm những bệnh lý vùng răng hàm mặt. Ngoài ra, khi đi khám răng định kỳ trẻ và ngay cả cha mẹ sẽ được tư vấn về nhiều biện pháp phòng bệnh cũng như được tư vấn về nhiều cách điều trị khác nhau.

- Cho tôi hỏi nơi nào uy tín cho việc cấy implant ở TP HCM. Có phải ai cũng có thể cấy implant hay cũng có người không thể cấy được. Nếu không cấy thì do những nguyên nhân gì? Có cách nào khắc phục hay thay thế không? Tôi làm răng sứ nhưng hay bị hở gây hôi miệng, để lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Làm cách nào để khắc phục. Rất mong nhận được sư tư vấn của tiến sĩ. (Hồng Thanh, 36 tuổi, Hà Nội)

- TS.Khanh: Tại TP HCM có nhiều cơ sở răng hàm mặt của nhà nước cũng như tư nhân có thực hiện việc cấy ghép nha khoa (Implant). Việc thực hiện cấy Implant đòi hỏi những chỉ định thích hợp. Không phải trường hợp nào cũng thực hiện được việc cấy Implant, ví dụ: trên người cao tuổi, trên người có cơ địa bị tiểu đường, tim mạch,... Khi một mão (chụp) sứ bị hở có nghĩa là mão sứ đã không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp này phải làm lại cho đúng những quy chuẩn về kỹ thuật phục hình. Mão sứ bị hở trên miệng, lâu ngày có thể đưa đến sâu răng, nha chu, hôi miệng,... Nên đến cơ sở răng hàm mặt để làm lại phục hình này.

- Tôi bị đứt chân răng đã được 7 năm, đã đi hàn để thuận tiện cho việc ăn uống và vệ sinh răng. Có cách nào để chữa khỏi không vì tôi lại thấy dấu hiệu đó lại bị trên một số răng khác? (Kim Thang, 29 tuổi, Dien Bien)

- PGS.TS Hải: Chào Thắng, bạn hay bị đứt chân răng, nếu đúng như bạn nói thì có thể là do mòn cổ răng. Mòn cổ răng thường do sang chấn, nhất là ở những người chải răng với lực khá mạnh và chải răng nhiều theo chiều ngang. Nếu có thêm yếu tố khác như bạn hay ăn đồ chua thì sẽ làm tăng nhanh mòn cổ răng. Trên lâm sàng, chúng tôi thường hay gặp mòn cổ răng ở các răng số 3, 4, 5 ở cả hai bên và cả hàm trên, dưới; nhưng cũng có thể gặp ở tất cả các răng.

Khi mòn răng thì có thể gây ê buốt khi ăn nóng, lạnh, chua, ngọt... Nếu mòn nhiều sát tủy răng thì có thể gây viêm tủy. Vì vậy bạn nên đến cơ sở nha khoa để được điều trị trám các tổn thương mất mô cứng ở cổ răng.

Để dự phòng, bạn cần lưu ý cách chải răng hàng ngày: nên chải răng theo chiều dọc của răng (hướng lên xuống) thay vì chải theo chiều ngang.

- Tôi năm nay 23 tuổi cách đây 5 năm tôi có trám một chiếc răng bị sâu. Cho tôi hỏi bao lâu thì đi khám lại chiếc răng trám đó và một chiếc răng trám rồi thì thời gian bao lâu sẽ đi trám lại. Nếu tôi muốn nhổ chiếc răng đó đi có ảnh hưởng gì không. Mến chào Bác sĩ. (Lê Thế, 23 tuổi, Hà Nội)

- TS.Khanh: Một răng sâu khi được sửa soạn theo đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn và được trám (hàn) với vật liệu tốt (đạt chuẩn) thì có thể tồn tại từ 5 đến 10 năm. Để biết chất lượng miếng trám còn tốt hay không nên khám răng định kỳ mỗi năm một lần. Một chiếc răng còn giữ được chức năng và thẩm mỹ không "dại" gì phải nhổ bỏ. Răng thật bao giờ cũng tốt hơn răng giả.

- Kính gửi các bác sĩ, cháu nhà tôi năm nay 12 tuổi, đang học lớp 6 bậc THPT. Từ nhỏ gia đình tôi đã có ý thức giữ gìn răng miệng cho cháu nhưng không hiểu sao đến nay bộ răng của cháu rất kém, khi nhai các đồ ăn cứng và miệng luôn có mùi hôi rất khó chịu. Đi khám bác sĩ bảo cháu bị sâu răng nhiều dẫn đến hôi miệng. Răng của cháu quả thật có bị sâu răng, từ khi mọc đến nay cứ bị sâu dần đến khi mọc chiếc khác sang bên cạnh mà không rụng một cách tự nhiên. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Trân trọng cảm ơn! (Nguyễn Quốc Định, 34 tuổi, thành phố Hà Giang)

- PGS.TS Hải: Anh Định thân mến, cháu bị sâu nhiều răng như vậy cần lưu ý tới hai vấn đề dưới đây:

- Cháu có thể hay ăn quà vặt, nhất là các đồ ngọt như bánh kẹo, chocolate... nhất là ăn và ngậm bánh kẹo vào buổi tối, trước lúc đi ngủ. Các thức ăn có đường nếu còn sót lại trên bề mặt răng sẽ được lên men, chuyển hóa để sinh ra axit. Khi môi trường trong miệng có pH nhỏ hơn hoặc bằng 5 sẽ hòa tan chất khoáng ở men răng để tạo thành lỗ sâu ở răng. Trong miệng có nhiều răng sâu thì thường có mùi hôi khó chịu.

- Cháu có thể không chải răng đúng phương pháp.

Nếu đúng như vậy, anh cần hướng dẫn cháu không ăn quà vặt. Sau khi ăn, nên chải răng. Mỗi ngày nên chải răng ít nhất hai lần, trong đó có 1 lần chải răng vào buổi tối trước lúc đi ngủ. Con anh 12 tuổi có thể đã thay hết răng sữa. Nếu các răng vĩnh viễn mới thay không bị sâu mà được chăm sóc tốt thì con anh vẫn có thể giữ được hàm răng tốt suốt đời.

Các bác sĩ đang tư vấn trực tuyến về phòng tránh bệnh răng miệng, tại tòa soạn VnExpress.net. Ảnh: Hà Mai

- Cháu bé nhà tôi năm nay được 5,5 tuổi. Cháu bắt đầu thay răng sữa. Nhưng hiện có dấu hiệu của răng mới mọc sai vị trí (răng cửa - mọc nghiêng - là răng thay mơi thứ 2). Vậy xin hỏi tôi phải làm gì để cải thiện răng cho cháu, và việc này làm ở trung tâm (bệnh viện) nào ở TP HCM là tốt nhất. Xin cảm ơn! (Tạ Quang Sớm, 35 tuổi, Hương Lộ 2, Bình Trị Đông A, Bình Tân, TP HCM)

- TS.Khanh: Những răng vĩnh viễn mới mọc trong thời kỳ răng hỗn hợp thường không đúng vị trí ( răng thưa, răng lệch ra ngoài, răng lệch vào trong,..) là bình thường. Thường đến 10 đến 12 tuổi, nếu các răng vĩnh viễn này không tự điều chỉnh vị trí thì anh có thể đưa cháu đến các cơ sở răng hàm mặt ( bệnh viện có khoa chỉnh hình răng mặt ) để được điều trị sớm. Tại TP HCM có 3 đơn vị có khoa chỉnh hình răng mặt: Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP HCM, Khoa Răng Hàm Mặt Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM.

- Thưa bác sĩ, răng hàm của tôi mọc thấp (ngắn) hơn so với răng cửa, do vậy nên khi nhai, nghiền thức ăn răng cửa hàm dưới thường chạm vào phần lợi ở gốc răng phía trong của hàm trên nên gây khó chịu và đau. Xin bác sĩ tư vấn giúp xem cách nào khắc phục được tình trạng trên. Tôi có nghe qua về mài răng, tôi đang có ý định mài một số răng cửa hàm dưới cho ngắn đi. Nhưng tôi không hiểu liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và hậu quả lâu dài không. Mong Bác sĩ cho tôi vài lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn (Nguyễn Văn Huấn, 48 tuổi, TP HCM)

- TS.Khanh: Răng khôn mọc lệch, răng khôn ngầm có thể gây ra tai biến: viêm nướu (lợi), viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn các tổ chức lân cận, nhiễm khuẫn máu,...Khi có răng khôn mọc lệch hay răng khôn ngầm nên nhổ để phòng ngừa những tai biến tại chỗ và toàn thân. Anh Huấn nên đến cơ sở răng hàm mặt để nhổ răng khôn. Việc nhổ răng hết sức nhẹ nhàng, nhanh chóng, không đau. Không nên mài các răng hàm dưới khi chẳng có lý do chính đáng nào. Việc mài các răng như vậy có thể ảnh hưởng đến tủy răng, khớp cắn, thẩm mỹ. Rối loạn cắn khớp do mài điều chỉnh răng không đúng lâu dài có thể đưa đến loạn năng khớp thái dương hàm.

- Nếu răng không đều, đẹp thì nên niềng răng từ lúc mấy tuổi là phù hợp? (Phan Anh, 37 tuổi, Nguyễn Thái Học)

- PGS.TS Hải: Nếu răng không đều thì nên đưa con bạn tới cơ sở nha khoa để được điều trị nắn chỉnh răng (bạn gọi là niềng răng). Nên điều trị sớm khi mới thay hết hàm răng sữa lúc 12 tuổi hoặc sớm hơn khi thay hầu hết các răng sữa.

Trong một số trường hợp, nên can thiệp điều trị sớm hơn nữa:

- Trẻ em có khớp cắn ngược (các răng cửa hàm trên ở phía sau các răng cửa dưới) thì nắn chỉnh ngay khi mới có biểu hiện khớp cắn ngược (thường từ 7 tuổi). Như vậy, việc điều trị sẽ nhanh và đơn giản hơn.

- Các trường hợp răng lệch lạc quá mức cũng nên được can thiệp điều trị sớm hơn, trước khi thay hết hàm răng sữa.

- Kính thưa các diễn giả, khoảng 3 năm trước tôi có đến khoa Răng hàm mặt của ĐH Y Dược TP HCM để khám răng, bao gồm cả chụp X-Quang, kết luận tôi bị lỗ dò (xin lỗi nếu tôi có viết sai). Nhưng do có chuyện đột xuất nên tôi không có thời gian để hỏi như thế có ảnh hưởng gì cho sức khỏe không. Xin các diễn giả vui lòng cho biết rõ hơn về trường hợp lỗ dò. Xin cám ơn! (Trần Cảnh Giác, 32 tuổi, Cần Thơ)

- PGS.TS Hải: Răng đã được chẩn đoán là bị lỗ dò như bạn nói thì thường gặp là có viêm quanh cuống răng (viêm quanh chóp răng). Viêm quanh cuống răng thường do biến chứng của sâu răng không được điều trị kịp thời dẫn tới viêm tủy răng và lan ra tới vùng cuốn răng. Cũng có trường hợp viêm quanh cuống răng do nguyên nhân khác như sang chấn...

Về điều trị, bạn nên đến cơ sở nha khoa để được kiểm tra lại. Nếu tổn thương vùng quanh cuống nhỏ, thì chỉ cần điều trị nội nha tốt là có thể hết được lỗ dò. Nếu tổn thương vùng quanh cuống răng lớn hơn, thì sau điều trị nội nha cần phối hợp với phẫu thuật nạo cuống và cắt cuống răng.

- Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem đánh răng. Xin các bác sĩ tư vấn loại kem đánh răng nào thì thích hợp, nhất là dành cho bé gái 5 tuổi lười đánh răng nhà tôi. Xin cảm ơn! (Hà Mai, 32 tuổi, TP HCM)

- TS.Khanh: Người ta phân ra làm 2 loại: kem đánh răng và thuốc đánh răng. Kem đánh răng là sản phẩm vệ sinh răng miệng thông thường, thường chứa chất Fluor với nồng độ dưới 1.500 ppm. Kem đánh răng có thể mua tự do ở các siêu thị, đại lý... Thuốc đánh răng là sản phẩm vệ sinh răng miệng đặc biệt thường chứa Fluor với nồng độ lớn hơn 1.500 ppm hoặc trong thuốc đánh răng có chứa chất kháng viêm, kháng sinh...

Thuốc đánh răng cần phải được ghi toa từ bác sĩ. Khi chọn mua 1 loại kem đánh răng, chúng ta nên đọc hướng dẫn trên bao bì: loại Fluor, hàm lượng Fluor, loại chất mài mòn, chất tạo bọt... Trong đó quan trọng nhất là loại và hàm lượng Fluor.

Đối với trẻ dưới 3 tuổi nên chọn kem đánh răng trẻ em (hàm lượng từ 250 đến 450 ppm). Trẻ trên 3 tuổi có thể dùng kem đánh răng người lớn (hàm lượng từ 1.000 đến 1.500 ppm). Tuy nhiên, cha mẹ hoặc thầy cô giáo nên giám sát kỹ việc lấy kem đánh răng: bôi 1 lớp mỏng (như hạt đậu xanh) trên bề mặt lông bàn chải đối với trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Trên 6 tuổi sử dụng kem như người lớn.

- Bác sĩ cho tôi hỏi, tuyến nước bọt của tôi có mùi rất hôi, mỗi khi hắt xì hơi là có mùi hôi khăm khẳm, đó là biểu hiện của bệnh gì? Và cách chữa trị như thế nào ah, chân thành cảm ơn bác sĩ (Hoàng Thanh Phúc, 30 tuổi, Phan Văn Trị, Phường 12, Quận Bình Thạnh, TP HCM)

- PGS.TS Hải: Theo như bạn nói, tôi nghĩ có thể bạn có một nhóm răng có tổn thương viêm quanh răng. Khi bị viêm quanh răng thì có túi lợi bệnh lý quanh răng hoặc túi quanh răng. Trong túi lợi bệnh lý có thể có dịch dị viêm và các thành phần khác gây nên mùi khó chịu như bạn nói. Bạn nên đến cơ sở nha khoa để được khám và điều trị triệt để.

- Con tôi mới 21 tháng tuổi, tôi nên vệ sinh răng miệng cho con bằng cách nào? Có nên đánh răng cho con không? (Thanh Khuê, 28 tuổi, Xa La - Hà Đông)

- TS.Khanh: Chị Thanh Khuê thân mến, cháu nhà được 21 tháng tuổi là đã có một số răng sữa mọc trên cùng hàm. Khi xuất hiện chiếc răng sữa đầu tiên (6 đến 7 tháng tuổi) là phải quan tâm chải răng cho con.

Ở lứa tuổi này cháu không tự chải răng được chị nên giúp cháu chải răng ngay sau khi ăn và trước khi ngủ. Chọn lựa 1 bàn chải trẻ con thích hợp, một loại kem đánh răng có mùi thích hợp (tránh các kem đánh răng có vị cay như bạc hà sẽ làm trẻ khó chịu) để thực hiện việc vệ sinh răng miệng này. Việc thực hiện tốt vệ sinh răng miệng cho trẻ ngay từ khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên sẽ có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sâu răng và viêm nướu cho trẻ.

- Tôi từ bé răng đã khấp khểnh và men có màu xỉn. Tôi thấy hiện nay có nhiều người đi niềng cho răng thẳng và tẩy răng trắng. Nhưng nhiều người đã niềng thì nói làm vậy răng sẽ yếu đi và rất phiền toái, nói chung là lợi bất cập hại nên chỉ nên niềng răng khi có ảnh hưởng tới sức khỏe thôi chứ chỉ vì xấu đẹp thì không nên. Còn những người đã tẩy răng thì nói một thời gian sau thuốc tẩy hết tác dụng răng lại xỉn thì lại phải tẩy, như vậy sẽ phụ thuộc mãi. Xin các bác sĩ cho tôi lời khuyên. (Hoàng Như Lan, 30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

- PGS.TS Hải: Răng bị khấp khểnh tức là có hàm răng không đẹp như mong muốn. Bạn nên đến bác sĩ nha khoa để được điều trị, nắn chỉnh răng. Việc điều trị sẽ mang lại kết quả rất tốt về thẩm mỹ. Nếu điều trị đúng phương pháp sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, và nếu được hướng dẫn chăm sóc răng miệng trong quá trình niềng răng cũng sẽ không có nhiều phiền toái như bạn nghĩ.

Răng có máu xỉn như bạn nói, bạn cũng nên đến cơ sở nha khoa để được tư vấn điều trị phù hợp nhất. Có nhiều biện pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

- Vợ tôi nay 28 tuổi và đang mang bầu được hơn 1 tháng. Vài ngày vợ tôi bị đau răng, đi khám bác sĩ bảo răng khôn hàm dưới bị mọc lệch gây đau nhức. Bác sĩ kết luận phải nhổ, nhưng vì đang có thai nên không nhổ được. Tôi xem thấy răng đã mọc từ trước nhưng chưa đau nhiều, nay tiếp tục mọc thì gây đau đớn, răng mọc đùn một lớp thịt trên răng gây đau đớn và hơi sưng bên hàm trái. Tôi muốn hỏi bác sĩ, trường hợp như vợ tôi phải chữa trị thế nào cho đỡ đau và không ảnh hưởng nhiều tới thai nhi? Xin cảm ơn bác sĩ! (Văn Phú, 28 tuổi, Krông Búk - Đăk Lăk)

- TS.Khanh: Anh Văn Phú thân mến, theo như anh mô tả về tình trạng răng miệng của vợ anh, chúng tôi nghĩ đây là trường hợp răng khôn hàm dưới mọc lệch và gây tai biến. Những tai biến nhiễm khuẩn trên cơ địa bà mẹ mang thai là không tốt đối với thai nhi. Cần phải loại bỏ những tổn thương nhiễm khuẩn trên miệng của người mẹ. Tôi khuyên anh nên đưa chị đến cơ sở răng hàm mặt để nhổ răng khôn gây tai biến này. Việc nhổ răng ở bà mẹ mang thai từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 là bình thường, không ảnh hưởng gì đến thai nhi, thậm chí đến tháng thứ 8 xét thấy nguy cơ nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé thì các Bác sĩ vẫn có thể can thiệp an toàn.

- Cháu bị hư 2 cái răng, khi đi khám bác sĩ nói trồng lại 4 cái. Cháu muốn hỏi răng sứ titan với răng sứ loại toàn sứ thì khác nhau chỗ nào ạ. Cháu còn đi học nên làm loại tốt thì không đủ khả năng, cháu muốn làm loại răng titan không biết có bền và ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ. (Lê Phước Thành, 25 tuổi, Gò Vấp)

- PGS.TS Hải: Răng sứ titan là loại răng giả có lớp bên trong bằng titan và phủ lớp sứ bên ngoài. Lớp sứ có màu sắc phù hợp với màu răng khác của bạn.

Răng toàn sứ (hay sứ toàn phần) là loại răng giả toàn bằng sứ. Răng toàn sứ có đặc điểm là trong nhiều năm sau nếu bị tụt lợi thì bờ răng sứ bị lộ vẫn có màu trắng như men răng của cháu. Răng toàn sứ có giá thành đắt hơn răng sứ titan.

Cháu chọn răng sứ titan cũng là loại răng sứ cao cấp rồi. Nếu được sửa soạn tốt, thì răng sẽ bền và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Cháu năm nay 26 tuổi, cách đây hơn một năm cháu có phải nhổ một cái răng số 6, hàm trên. Sau khi nhổ các bác sĩ có khuyên nên cắm implant, tuy nhiên vì khả năng kinh tế khi đó chưa cho phép nên cháu chưa thực hiện được. Gần đây, cháu được biết thông tin nếu mất răng mà không cắm implant sớm có thể bị tiêu xương, lệch hàm, vì thế cháu muốn hỏi: 14 tháng sau khi nhổ răng mới đi cắm implant có quá muộn không? Cháu bị viêm xoang tương đối nặng, liệu viêm xoang có ảnh hưởng đến việc cắm implant hay không? (Trần Đức Minh, 26 tuổi, Hà Nội)

- TS.Khanh: Mất răng sau nhổ hoặc lý do nào khác không phục hồi ngay có thể dẫn đến lệch lạc răng hàm, sâu răng, nha chu, rối loạn cắn khớp. Khi mất răng có nhiều giải pháp thực hiện phục hình khác nhau: phục hình tháo lắp, phục hình cố định, phục hình Implant,... Hiện nay cấy ghép Implant và phục hình trên Implant là giải pháp có nhiều ưu điểm nhất. 14 tháng sau khi nhổ răng mới đi làm phục hình là hơi muộn. Trong trường hợp thực hiện cấy ghép Implant đòi hỏi xương hàm còn đủ để cấy ghép. Sự tiêu xương nhiều thì cần phải ghép xương khi cấy. Nếu trường hợp bị viêm xoang nặng thì cần phải điều trị viêm xoang xong trước khi tiến hành cấy ghép.

- Tôi thường sử dụng nước súc miệng để khỏi đánh răng do bận công việc. Bác sĩ tư vấn giúp nước súc miệng có giúp bảo vệ không sâu răng không. Tôi dùng lâu dài thì có tốt không. Chân thành cám ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Mai, 31 tuổi, Hải Phòng)

- TS.Khanh: Chải răng với kem có Fluor là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh răng miệng. Các biện pháp khác (cơ học, hóa học) không thể nào thay thế cho việc chải răng sau khi ăn và trước khi ngủ. Trong điều kiện quá bận việc chúng ta có thể súc miệng với nước diệt khuẩn thay vì chải răng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Để phòng ngừa tốt các bệnh răng miệng chúng ta nên:

Thứ nhất, chải răng với kem có fluor ngay sau khi ăn và trước khi ngủ. Nếu không có điều kiện, có thể chải răng tối thiểu 2 lần trong một ngày. Lần chải răng quan trọng nhất là sáng sau khi ăn và tối trước khi ngủ. Dùng chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn vùng kẽ răng. Súc miệng với nước diệt khuẩn khi không thể chải răng.

Thứ hai, sử dụng fluor để phòng ngừa sâu răng như kem đánh răng có fluor, nước súc miệng có fluor, vật liệu nha khoa phóng thích fluor...

Thứ ba, chọn lựa những thức ăn, thức uống tốt cho sức khỏe chung và sức khỏe răng miệng. Hạn chế ăn đường, ăn đường vào bữa ăn chính. Hạn chế ăn vặt có nhiều đường.

Thứ tư, khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.

- Xin bác sĩ cho biết mục tiêu chương trình Bảo vệ nụ cười Việt Nam hướng đến là gì? Trong quá trình thực hiện chương trình các bác sĩ có gặp khó khăn nào hay không? (Đặng Thị Hoàng Lan, 36 tuổi, Hai Bà Trưng, Đà Lạt)

- PGS.TS Hải: Chương trình "Bảo vệ nụ cười Việt Nam" là chương trình chăm sóc răng miệng miễn phí, được nhãn hàng P/S Công ty Unilever Việt Nam khởi xướng và triển khai hợp tác với các cơ sở răng hàm mặt Việt Nam (Hội răng hàm mặt Việt Nam, Hội răng hàm mặt TP HCM, Bệnh viện răng hàm mặt trung ương Hà Nội, Bệnh viện răng hàm mặt trung ương TP HCM, Bệnh viện răng hàm mặt TP HCM, khoa răng hàm mặt Đại học Y Dược...). Trong những tháng qua, chương trình đã phối hợp với các cơ sở răng hàm mặt triển khai các hoạt động khám chữa bệnh răng miệng miễn phí cho cộng đồng tại một số địa phương như Lâm Đồng, Nha Trang, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Ngày 13/4 vừa qua, chương trình đã mời một số chuyên gia nha khoa trong nước và các nước trong khu vực tổ chức hội thảo bàn các biện pháp chăm sóc răng miệng cộng đồng và phát động mục tiêu "Bảo vệ 5 triệu nụ cười Việt Nam". Các hoạt động này đã được lãnh đạo Vụ tiểu học của Bộ Giáo dục Đào tạo và đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá cao, được Hội răng hàm mặt Việt Nam và lãnh đạo nhiều cơ sở răng hàm mặt trong nước phối hợp.

Ở nước ta, với thực trạng bệnh sâu răng ở trẻ em có tỷ lệ mắc cao (85% trẻ em 6-8 tuổi có sâu răng sữa và trung bình mỗi bé có trên 6 răng sâu) và với nhiều yếu tố nguy cơ sâu răng tiềm ẩn như: gia tăng mức độ tiêu thụ đường ở tầm quốc gia, thiếu hụt fluor trong các nguồn thức ăn của cộng đồng... thì các hoạt động chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cộng đồng là rất bổ ích và cần thiết. Chính vì vậy, Bệnh viện răng hàm mặt Hà Hội đã cử hàng chục y bác sĩ tham gia đều đặn các hoạt động này hàng tháng.

- Thưa Bác sĩ! Con gái em năm nay 7 tuổi, bị sâu răng hết cả hàm, những răng hàm bị sâu sau này có được thay thế bằng răng vĩnh viễn không (Bụi Sơn, 35 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội)

- PGS.TS Hải: Sơn thân mến, con gái bạn 7 tuổi là lứa tuổi có hầu hết các răng răng sữa. Chắc chắn toàn bộ các răng hàm số 4, 5 và các răng nanh đều là răng sữa và các răng này sẽ được thay lần lượt khi cháu 10-12 tuổi. Riêng các răng hàm số 6 là răng vĩnh viễn rồi.

Cháu gái mới 7 tuổi đã bị sâu hết hai hàm răng không phải là trường hợp hiếm gặp. Đây là một vấn đề mà ngành răng hàm mặt, Hội răng hàm mặt Việt Nam và bất kỳ người thầy thuốc nha khoa nào đều phải động lòng suy nghĩ về trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhất là với trẻ em. Ở nước ta, có nhiều yếu tố nguy cơ sâu răng cao còn tiềm ẩn như mức độ tiêu thụ đường bình quân một người mỗi năm gia tăng nhanh trong những năm vừa qua, thiếu fluor trong các nguồn thức ăn, nhận thức về chăm sóc dự phòng các bệnh răng miệng ở nhiều người, nhiều gia đình, nhiều địa phương còn chưa được quan tâm...

Vì vậy, để chăm sóc con gái của bạn sao cho các răng vĩnh viễn sau này không bị sâu, bạn cũng như các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con em mình cách chăm sóc bảo vệ hàm răng. Điều đơn giản và dễ thực hiện là hướng dẫn con bạn chải răng đúng phương pháp ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có fluor, trong đó có một lần vào buổi tối trước khi ngủ. Nếu được như vậy, con bạn cũng như các trẻ em Việt Nam ta sẽ có điều kiện để giữ được hàm răng tốt suốt đời, góp phần cải thiện sức khỏe và cải thiện giống nòi.

AloBacsi.vn (Theo VnExpress)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X