Hotline 24/7
08983-08983

Ăn sạch

Tình yêu từ ấu thơ của tôi với đồ ăn Việt Nam, đã chuyển thành nỗi lo lắng.

Khi còn là một cậu bé, tôi đã đem lòng yêu món Việt. Bố mẹ thường đưa tôi đến những quán ăn nhỏ gọi là bar wietnamski ở thành phố Warszawa, nơi bán cơm, phở, các món bún và nem rán.  Các nhà hàng này xuất hiện từ đầu những năm 90, chủ quán là những người Việt sang Ba Lan lao động và sinh sống. Với tôi, món ăn Việt vừa ngon, vừa hợp túi tiền.

Lần đầu đến Việt Nam sinh sống, 7 năm trước, tôi được nhiều người cảnh báo "đừng ăn lề đường, đừng ăn ở chợ". Ban đầu điều này khiến tôi rất buồn, nó hạn chế tôi ăn uống thỏa thích các món bản địa. Nhưng tôi mau chóng nhận ra, đây đúng là một vấn đề đáng lo ngại.

Tôi đã có dịp thưởng thức món phá lấu do một người bạn ở TP HCM chế biến. Phá lấu trong mắt tôi là một sự sáng tạo ẩm thực thú vị, vị mặn ngọt đậm đà, pha chút beo béo của nước dừa cùng với hương thơm của quế, hồi và tiêu. Nó khiến tôi liên tưởng tới món súp flaki quê hương, vì nguyên liệu chính của súp này là từ lá sách, một phần nội tạng của con bò. Chỉ khác về gia vị, flaki có cần tây, mùi tây, boa-rô, lá kinh giới tây, lá nguyệt quế, tiêu và vài thứ khác nữa.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tôi thích phá lấu nhưng cũng không dám ăn ngoài đường vì độ an toàn của nó. Nếu món phá lấu kia không được nấu bởi người bạn tôi và bộ lòng được mua "rõ nguồn gốc" từ trang trại của một người quen khác, có lẽ tôi đã không dám đụng đũa. Thật khó để cảm thấy an tâm khi ăn các món từ nội tạng ở Việt Nam - nơi mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang báo động. Không ai có thể biết được nội tạng được lấy từ đâu hay việc chế biến có đảm bảo quy chuẩn. Đặc biệt sau khi tôi đọc một số bài báo cho biết Việt Nam thuộc nhóm năm quốc gia nhập khẩu nội tạng nhiều nhất thế giới

Rồi tôi nghĩ đến những khu chợ ngoài trời. Khi tự mình đi chợ mua thực phẩm, tôi đã phải đầu hàng trước những khay thịt không rõ từ đâu, bày bán trong nắng nóng oi bức, phía dưới là vũng nước bẩn tù đọng và nhiều ruồi nhặng nhảy múa. Bạn biết không, một con ruồi nhỏ bé có thể gây ra mối đe dọa dịch tễ rất lớn. Nó mang trong mình hàng triệu vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng. Thêm nữa, sơ chế những thực phẩm như nội tạng cần được đảm bảo về quy trình làm sạch và nhiệt độ đun nấu, chưa kể đến trong đó có ký sinh trùng như giun, sán, siêu vi... cho nên thực phẩm này luôn cần được nấu kỹ để đảm bảo an toàn - lưu ý là một số ít ký sinh khùng kháng nhiệt độ.

Và theo đó, món tiết canh khoái khẩu của nhiều người Việt là món ăn không an toàn chút nào. Hơn nữa, kể cả khi các món rau, thịt được nấu chín, tôi vẫn chưa hết hoài nghi rằng liệu nguyên liệu có bị nhiễm độc như thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi hay các chất phụ gia có hại cho sức khỏe trong quá trình chế biến thực phẩm hay không.

Phong cách ăn uống đường phố ở Việt Nam được khá nhiều người nước ngoài thích thú, vì thức ăn ngon, giá rẻ và được phục vụ một cách nhanh chóng. Nhưng cũng rất nhiều người bạn của tôi quan ngại việc ăn uống trong một môi trường khói bụi mù mịt, giấy ăn trắng xóa dưới chân và ruồi nhặng vo ve, cũng như việc vệ sinh cốc chén bát đĩa có nơi hình như không dùng nước và xà bông rửa chén. Đó là chưa đề cập đến việc nó có được bảo quản hay chế biến theo đúng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn thực phẩm đầu tiên phải bắt nguồn từ nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm đó. Người tiêu dùng cần được đảm bảo nguyên liệu món ăn của họ có bị nhiễm độc không từ nguồn nước, từ thức ăn cho động vật, từ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Sau khi con vật bị giết mổ, cách thức bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng.

Ở Ba Lan, kể cả khi bạn đến một quầy hàng ở chợ trời, các loại thịt động vật tươi sống phải luôn được đặt trong tủ kính và nhiệt độ phù hợp. Người dân cũng hạn chế mua bán hay ăn uống từ những hàng quán trên hè phố, nơi mà người ta không rõ xuất xứ và quan ngại về vệ sinh.

Nhà chức trách có những bộ luật, quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ví dụ như việc kiểm soát biên giới chặt chẽ. Bạn không thể mang thịt vào Ba Lan nếu không có giấy chứng nhận về nguồn gốc và độ an toàn của nó. Ngay cả người giết mổ và chế biến thịt động vật cũng phải đi khám sức khỏe thường xuyên và trình giấy này khi được yêu cầu.

Còn với Việt Nam, tôi cho rằng không dễ dàng để kiểm soát đạo đức của từng con người làm việc trong ngành công nghiệp này. Sẽ khả thi hơn, nếu nhà nước tăng cường sự quản lý của mình đối với vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhưng chính mỗi chúng ta cũng không được miễn trừ trách nhiệm trước thực phẩm bẩn. Khi tôi nêu những vấn đề này với các bạn Việt Nam, họ đều cười trừ và cho rằng "Ôi giời, đó là do khác biệt về văn hóa và trình độ phát triển". Song tôi nghĩ, bạn không thể chờ đến lúc đạt được một mức độ phát triển nào đó rồi mới quan tâm đến những điều kiện cơ bản nhất cho cuộc sống của chính mình và gia đình. Tôi cũng không nghĩ đây là khác biệt văn hóa, mà là về nhận thức.

Ba Lan giống Việt Nam, từng trải qua thời kì kinh tế bao cấp khó khăn, người dân từng phải mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không cần chứng nhận hay bất kì đảm bảo nào. Nhưng chuyện đó giờ chỉ còn trong quá khứ. Người tiêu dùng hiện nay luôn quan tâm đọc kĩ các nhãn hàng, yêu cầu người bán cung cấp các giấy chứng nhận liên quan. Trong trường hợp nghi ngờ về chất lượng và an toàn, họ không ngần ngại gọi tới cơ quan chức năng để loại bỏ người bán đáng ngờ ra khỏi thị trường.

Khi bạn tìm hiểu kỹ thông tin về thực phẩm trước khi mua thức ăn mỗi ngày, nói "không" và nêu ý kiến của mình với nhà chức trách, cộng đồng về thực phẩm bẩn, đó là cách duy nhất để chúng ta có thực phẩm sạch hơn. Một đất nước tốt hơn là nơi quyền ăn sạch luôn được đảm bảo như một quyền công dân cơ bản.

Tác giả: Jan Rybnik

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X