Hotline 24/7
08983-08983

Ăn nhiều đồ ngọt dẫn đến bệnh tiểu đường?

Đây là thắc mắc của nhiều người khi nghĩ đến bệnh tiểu đường. Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên uống đồ uống có đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tysp 2 cao hơn khoảng 25%. Tuy nhiên, lượng đường nạp vào cơ thể chỉ là một phần dẫn đến căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và các rối loạn chuyển hóa, điển hình là bệnh đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, gây ra 229.000 người chết mỗi năm, tương đương 80 ca tử vong mỗi ngày. Con số thống kê năm 2017 của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, Việt Nam hiện có 3,5 triệu người đang chung sống với đái tháo đường, tương đương 6% tổng số cả nước. Dự kiến đến năm 2045 sẽ có 6,3 triệu người mắc phải căn bệnh này.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là có đến 70% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán và chỉ có 30% là đang được điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Điều nguy hiểm hơn là bệnh đái tháo đường không chỉ tăng theo cấp số nhân mà còn có xu hướng ngày càng trẻ hóa, thậm chí có người mắc khi ở ngưỡng 20 - 30 tuổi.


Bệnh tiểu đường là gì?


Tiểu đường hay đái tháo đường, là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm bạn ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường như: khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, buồn nôn, mờ mắt, khô miệng, nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ, ngứa da, vết cắt hoặc vết loét chậm lành.

Hiện nay, bệnh tiểu đường được phân loại thành 2 nhóm chính:

Tiểu đường týp 1 là bệnh tự miễn dịch, thường được chẩn đoán ở trẻ em. Nó xảy ra bởi hệ miễn dịch phá hủy nhầm các tế bào trong tuyến tụy, có trách nhiệm sản xuất insulin cho cơ thể. Khi insulin không được sinh ra, cơ thể không có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu dẫn đến tiểu đường.

Tiểu đường týp 2 xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin được giải phóng, hoặc không tạo đủ insulin. Do đó, đường sẽ tích tụ trong máu, thay vì được sử dụng làm năng lượng. Ít nhất 90% người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thuộc loại này. Bệnh tiểu đường týp 2 thường xảy ra ở người lớn.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Thụy Điển và Phần Lan, bệnh tiểu đường có thể được chia thành 5 loại, thay vì chỉ có tiểu đường týp 1 và týp 2 như đã nói ở trên.

Trong so sánh với phân loại tiểu đường hiện tại, nhóm tiểu đường týp 1 được giữ nguyên, trong khi đó, tiểu đường týp 2 được chia thành 4 nhóm. Cụ thể:

Nhóm 1: Bệnh tiểu đường dạng tự miễn dịch nặng (SAID), ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh từ khi còn trẻ. Cơ thể họ không thể sản xuất ra insulin.

Nhóm 2: Bệnh tiểu đường dạng thiếu insulin nặng (SIDD), tương tự như SAID về những mặt đối tượng ảnh hưởng (những người trẻ khỏe mạnh), nhưng không phải do hệ miễn dịch.

Nhóm 3: Bệnh tiểu đường dạng kháng insulin nặng (SIRD), ảnh hưởng đến những người thừa cân, những người đã kháng insulin nặng.

Nhóm 4: Bệnh tiểu đường nhẹ liên quan đến béo phì (MOD), cũng ảnh hưởng đến người béo phì nhưng có xu hướng phát triển sớm hơn trong cuộc đời. Nó có thể được kiểm soát nếu thay đổi lối sống và sử dụng thuốc metformin.

Nhóm 5: Bệnh tiểu đường nhẹ liên quan đến tuổi tác (MARD), bênh này ảnh hưởng đến người cao tuổi và cũng có thể được quản lý bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng metformin. Đây là bệnh tiểu đường hay gặp nhất trong tất cả 5 loại nói trên.

Khám phá này được đánh giá là có giá trị, và sẽ ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị tiểu đường trong tương lai. Chẳng hạn, người bệnh tiểu đường thuộc nhóm 3 và 4 có nguy cơ bị biến chứng ở thận và mắt cao hơn những nhóm khác. Họ có thể nên được bảo vệ sớm hơn.

Trong khi đó, độ tuổi mắc các nhóm tiểu đường cũng khác nhau, có 3 nhóm tiểu đường nặng và 2 nhóm tiểu đường nhẹ, có thể dẫn đến các phương pháp phòng ngừa và chữa trị khác nhau cho từng nhóm.

Theo các nhà nghiên cứu, các nhóm bệnh không có điểm chung di truyền. Nghĩa là chúng thực sự là 5 bệnh tiểu đường tách biệt, vì vậy, có thể nên được điều trị theo các phác đồ khác nhau.

Nguyên nhân bệnh tiểu đường là gì?


Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đái tháo đường týp 1 có thể kể đến như: di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì...

Nếu cha mẹ bị đái tháo đường thì con của họ sẽ dễ bị bệnh hơn; hoặc lối sống bao gồm chế độ ăn và tập luyện không điều độ cũng dễ gây ra đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường type 2 diễn ra ở người thừa cân cao hơn những người bình thường.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố chủ quan khác trong đời sống hằng ngày như lối sống, bao gồm chế độ ăn uống, luyện tập, thói quen sinh hoạt...

Đây là 2 yếu tố chính dẫn đến sinh hoạt không hiệu quả. Bình thường tuyến tụy tiết ra rất nhiều Insulin để bù lại tình trạng enzim kém hoạt động, trong trường hợp tuyến tụy kém, không bù đủ tiết insulin không vượt qua kháng sinh đó, khi đó đái tháo đường xuất hiện.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xác định được một số yếu tố, trong đó ngủ không đủ thời gian theo lịch sinh học được xác định là một nguy cơ gây bệnh tiểu đường.

Các giai đoạn của bệnh tiểu đường


Tiểu đường týp 1 không được chia giai đoạn. Ngược lại, bệnh tiểu đường týp 2 diễn tiến được chia thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn tiền tiểu đường: Bắt đầu với sự đề kháng insulin.

Đề kháng insulin xảy ra khi các tế bào ngăn chặn sự hoạt động của insulin, khiến insulin không hoạt động hiệu quả. Từ đó gây ra tình trạng giảm hấp thu glucose vào tế bào. Khi đó, cơ thể sẽ cố gắng tăng sản xuất insulin. Đường trong máu lúc này tăng cao hơn bình thường nhưng vẫn có thể kiểm soát được.

Dấu hiệu nhận biết tiền tiểu đường thường không rõ ràng nhưng một số người vẫn có những trường hợp như: khát nước, ăn nhiều nhưng chóng đói, mất ngủ, da xuất hiện những vùng tối,...

Giai đoạn 2: Tăng đường huyết lúc đói, xảy ra khi tình trạng đề kháng insulin diễn ra trong một thời gian dài, đến lúc tế bào trong tuyến tụy không thể theo kịp được nữa. Lúc này, lượng đường trong máu tăng cao hơn, đường huyết lúc đói tăng hơn 7mmol/l.

Đến giai đoạn này, người bệnh bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đặc trưng như: ăn nhiều, uống nhiều, đi vệ sinh nhiều, mờ mắt, mệt mỏi,.... Khi đó, người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc để kiểm soát bệnh, không để bệnh tiến triển nặng hơn.

Giai đoạn 3: Đường huyết khó kiểm soát

Giai đoạn đường huyết khó kiểm soát xảy ra khi tình trạng đề kháng insulin sẽ tiếp tục tăng cao, tuyến tụy hoạt động quá mức trong thời gian dài gây suy giảm chức năng sản xuất insulin. Bệnh nhân đã bắt đầu cảm nhận được những biến chứng của tiểu đường như biến chứng thần kinh, nhiễm trùng, tim, thận mãn tính,...

Để điều trị tiểu đường khi đã đến giai đoạn 3 đã trở nên khó khăn hơn, các thuốc điều trị đã bắt đầu không có nhiều tác dụng nữa. Lúc này, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc trị tiểu đường, kết hợp với tiêm insulin liều cao.

Giai đoạn 4: Tiểu đường giai đoạn cuối đánh dấu sự phát triển của bệnh đã trở nên nghiêm trọng hơn. Các biến chứng ở thần kinh, nhiễm trùng, tim mạch, mắt, thận… đã xuất hiện nhiều và cùng lúc.

Bệnh tiểu đường chế độ ăn uống


Ăn nhiều đường cũng có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bằng cách góp phần tăng cân và tăng mỡ cơ thể - đó là những yếu tố nguy cơ riêng biệt cho bệnh tiểu đường đang phát triển.

Điều trị bệnh tiểu đường hết sức khó khăn vì phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn của bệnh nhân. Bệnh nhân bị tiểu đường cần hạn chế những thực phẩm chứa nhiều đường và khó tiêu như: bánh kẹo, nước ngọt có ga, cơm, phở, bún, thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ sữa, trái cây sấy khô, rượu, bia và đồ uống có cồn.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ, khẩu phần ăn trong ngày của người đái tháo đường nên có 3 thành phần chính là: tinh bột (bún, mì, gạo, phở, miến, hủ tiếu, khoai, bắp) chiếm khoảng 45-65% tổng năng lượng; đạm (các loại thịt, cá, đạm thực vật) khoảng 15-20%; và chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật) chiếm từ 25-35%. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung vitamin, ăn nhiều rau, củ, quả và trái cây ít ngọt (táo, ổi, bưởi). Bên cạnh đó, cần cung cấp khoảng 1,5-2 lít nước/ngày.

Đình Trọng (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X