Hotline 24/7
08983-08983

Ăn gì giúp ngủ ngon, AloBacsi?

Nhiều câu hỏi như: ăn gì giúp ngủ ngon, bị chó cắn uống thuốc bổ được không, có nên kết hợp thuốc nam với thuốc tây trị tiểu đường, sỏi túi mật… đã được gửi đến BS Hương ngày 30/6.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Bạn đọc có email dailythinh…@gmail.com

Chào BS ạ, BS cho em hỏi,

Mẹ em đi khám ở BV Đại học Y có bị sỏi mật, kết quả: túi mật căng. Thanh mỏng. Có nhiều sỏi đúc đặc túi mật kích thước 23mm. Có chỉ định mổ nhưng khi về khám ở BV tỉnh có thạc sĩ ở Hà Nội lại bảo chưa cần thiết mổ, có chỉ định dùng thuốc.

Mẹ em ăn uống bình thường chỉ thỉnh thoảng có cơn đau nhói ở bụng.

BS cho em xin lời khuyên với trường hợp như vậy có nên mổ không hay dùng thuốc vẫn có thể tan được ạ? Và khi dùng thuốc tây mình có nên uông thêm thuốc lá mát không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi. Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật.

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị, bất kể kích thước và số lượng sỏi.

Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng.

Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…

Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:

- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.

- Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.

- Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.

- Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ.

Như vậy, hiện mẹ em không có triệu chứng rõ ràng của sỏi túi mật, “thỉnh thoảng đau nhói ở bụng” có thể chỉ là do đau cơ bụng.

Tuy nhiên, với khảo sát siêu âm cho thấy túi mật của mẹ em đã căng mỏng, sỏi túi mật nhiều thì nên mổ sớm sẽ tốt hơn, uống thuốc tan sỏi trong trường hợp này có hiệu quả kém.


- Phương Linh - thanh…@gmail.com

Ba em vừa mổ thận và BS hẹn tuần sau vào để phẫu thuật rút ống gì á em cũng không rõ. Cho em hỏi có cần gây mê rồi nằm lại viện không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Phương Linh,

Đối với bệnh nhân vừa mổ thận, BS hẹn vào rút “ống” có thể là ống dẫn lưu, sonde JJ; thường là 1 thủ thuật nhỏ.

Với ống dẫn lưu đơn giản thì có thể rút tại phòng tiểu phẫu, không cần nằm viện và không cần gây mê.

Với các ống dẫn lưu phức tạp hơn, sonde JJ thì cần nhập viện, rút tại phòng mổ, nhưng không cần gây mê và có thể xuất viện trong 1-2 ngày.

Em hoàn toàn có thể gọi điện lên tổng đài BV em đang điều trị để được tư vấn rõ hơn.


- Tuấn Ngọc - Hà Nội

Cháu bị tai nạn và gãy 1/3 xương quay, đã mổ và nẹp đinh, đến giờ được gần 1 tháng. BS cho cháu hỏi uống rượu bia có ảnh hưởng gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chàm em Ngọc,

Đối với gãy xương nói chung, trong vấn đề ăn uống không có kiêng cữ gì, ngoại trừ không nên hút thuốc lá vì thuốc lá làm chậm lành xương, hạn chế uống rượu để tránh té ngã do say xỉn.

Nếu em uống 1-2 lon bia thì không ảnh hưởng gì, nhưng nếu uống nhiều thì không tốt cho gan thận, hệ tiêu hóa, gây thiếu máu và không tốt cho việc lành xương. Do đó, tốt hơn hết em nên hạn chế rượu bia trong vòng 6 tháng - 1 năm, em nhé.


- N.T.T. Ngân - ngan…@gmail.com

Em bị trĩ nhưng không đau rát, ngứa hay có triệu chứng gì cả, như vậy thì có cần phải điều trị không và để lâu thì có thể gây ra biến chứng gì không ạ? Em rất ngại khi đến BV nhưng giờ thì lại rất lo vì có người bảo để lâu sẽ bị ung thư hậu môn ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngân thân mến,

Bệnh trĩ là bệnh phổ biến hiện nay. Trĩ mức độ nhẹ thì thường gây khó khăn khi đại tiện, do búi trĩ phồng lên cản trở đường thoát của phân, nặng hơn thì gây chảy máu khi đi tiêu. Đối với búi trĩ lớn, nếu bị tắc nghẹt búi trĩ sẽ gây đau nhức, viêm nhiễm và hoại tử. Thế nhưng, trĩ không phải là yếu tố nguy cơ cao của ung thư hậu môn.

Mức độ trĩ gồm 4 độ: trĩ độ 1 thì đi tiêu không rặn ra búi trĩ, độ 2 thì sau đi tiêu, đứng dậy búi trĩ tự thụt vào; độ 3 thì phải lấy tay đẩy búi trĩ vào và độ 4 thì không thể lấy tay đẩy búi trĩ vào.

Trong điều trị trĩ, thông thường, BS sẽ kê toa thuốc cho em uống trong một thời gian để giảm nhỏ kích thích búi trĩ và giảm chảy máu, nặng thì mới mổ.

Quan trọng là em cần thay đổi lối sống của mình, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều gia vị, cay và chất kích thích như rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá, tăng cường vận động, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh.


- Tuyết Trinh - ngoclan…@yahoo.com

Em năm nay 28, là nhân viên văn phòng, hằng này làm việc vs mấy tính, mấy tháng trở lại đây, cổ tay và các ngón tay của bàn tay trái bị trê, cứng không có lực, co duỗi khó khăn.

Rồi mấy ngày gần đây thì cả cánh tay trở nên đau nhức, nhất là chỗ khớp khuỷu tay, cảm giác nhức vào trong xương, đau muốn xây xẩm khi co duỗi, nhất là khớp chỗ khuỷu tay, cảm giác khi co vào như sưng lên ấy, đau nhức vô cùng. Đụng vào ngay cái dây (nghĩ chắc gân hay sao ấy) thì thấy đau lắm.

Mong BS coi dùm em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em đang có hiện tượng viêm đa khớp nhỏ, ngoại biên. Nguyên nhân có thể do viêm khớp tinh thể, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa...

Với tình trạng này, tốt hơn hết em nên khám ở chuyên khoa Cơ xương khớp, như BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai... để BS thăm khám + chụp phim, xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng.

Trong thời gian này, em có thể giảm đau bằng cách nghỉ ngơi, mát xa, ấn huyệt, châm cứu, nếu đau quá thì có thể uống thuốc giảm đau thông thường là paracetamol, panadol với liều lượng an toàn của paracetamol là 3-4 viên 500mg trong 1 ngày, cách nhau mỗi 6-8 tiếng.


- Nguyễn Minh Tân - tanda…@gmail.com

Chào BS,

Ông của của tôi năm nay 67 tuổi, sau khi khám ở tỉnh, BS bảo ông bị suy tim rất nặng. Trước đó ông có bị hở van tim 3 lá từ hồi khoảng hơn 20 năm trước.

Hiện tại ông cũng hơi khó thở, không đau ngực, ăn uống, nói chuyện được, đi lại trong cự li 3-4m được.

BS cho tôi hỏi bệnh của ông phải điều trị như thế nào, ở đâu, thời gian điều trị bảo lâu? Mọi điều kiện về tiền bạc gia đình sẽ cố gắng lo được cho ông. Rất mong BS phản hồi sớm nhất có thể, xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Tân,

Theo thông tin em cung cấp thì quả thật ông của em đang có triệu chứng của suy tim độ III-IV, tức là suy tim nặng.

Với tình trạng này, bệnh nhân cần được kiểm tra tim mạch toàn diện, siêu âm tim, đo điện tim... đánh giá chức năng tim còn lại bao nhiêu, các van tim bị ảnh hưởng ra sao, có phải mổ không, nếu phải mổ thì còn mổ được không, các bệnh đi kèm khác... và chắc chắn là phải uống thuốc trị suy tim để giảm triệu chứng và ngừa biến chứng cho bệnh nhân.

Do đó, gia đình nên đưa ông đến BV, đăng ký khám chuyên khoa Tim mạch, sau khi khám BS sẽ tư vấn chi phí điều trị tiếp theo tùy mức độ nặng của bệnh.


- Lương Thị Điệp - diepluong…@gmail.com

BS cho em hỏi: bệnh tiểu đường uống thuốc nam hỗ trợ thêm với thuốc tây được không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Điệp,

Đông y hay tây y đều có cái hay riêng, trong thuốc nam vẫn có bài thuốc trị tiểu đường.

Tuy nhiên, trước hết, em cần theo điều trị tại BS y học cổ truyền có bằng cấp, đừng nghe theo lời truyền miệng, “thầy lang”, “thầy vườn” vì có thể tiền mất tật mang, có thể làm nặng hơn bệnh đái tháo đường hoặc gây ra biến chứng ở cơ quan khác.

Thứ hai em không nên tự ý phối hợp song song vừa tây y lẫn đông y có thể sẽ bị tương tác thuốc, trong đó sợ nhất là biến chứng tụt đường huyết có thể gây hôn mê, tử vong trong đêm.

Do đó, để dùng thuốc an toàn, người bệnh tiểu đường cần báo với BS đang điều trị về ý định về thuốc muốn dùng thêm và tốt nhất nên điều trị theo BS am hiểu cả đông - tây y.


- Ngô Võ Thùy Trang - Định Quán

Cháu chào BS,

2 tháng trước cháu đi khám và nội soi thì phát hiện ra bị viêm xoang mũi và viêm amidam. Dạo gần đây sau một cơn sốt thì cháu bị khó nuốt, có đờm trong cổ họng và người hay mệt mỏi, ù tai. Cháu có nguy cơ bị ung thư vòm họng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trang thân mến,

Ung thư vòm họng là một bệnh lý ác tính, hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt ở người không có tiền căn hút thuốc lá hay gia đình bị ung thư vòm họng. Hơn nữa, bệnh ung thư thường diễn tiến kéo dài, nặng dần lên nếu không điều trị.

Bệnh cảnh của em là mới xuất hiện gần đây, có triệu chứng của bệnh viêm amidan và viêm mũi xoang cấp thì ít nghĩ đến ung thư vòm họng.

Mặc dù viêm amidan và viêm mũi xoang đã qua giai đoạn cấp, không còn hành sốt nhưng bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn thì cũng có thể gây khó nuốt, đàm trong họng.

Triệu chứng ù tai của em có thể do thành sau họng bị viêm nhiều gây tắc ống tai vòi (ống ở thành sau họng thông thương với tai giữa) chứ chưa hẳn là do ung thư.

Để phân biệt với ung thư họng miệng thì BS cần nội soi vùng hầu họng, xét nghiệm tìm tế bào ung thư. Em nên đến BV tai mũi họng để kiểm tra và điều trị thích hợp.

Song song đó, em chú ý vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn nhiều rau xanh hoa quả, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Bui Thi Kim Cuong - buithikim…@gmail.com

Em bị chó cắn, em uống thuốc bổ Patmaton được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Việc bị chó cắn và thuốc bổ Pharmaton không có liên quan đến nhau. Bởi vì khi em bị chó nghi ngờ dại hoặc không chắc được chó có bị dại hay không (chó rong ngoài đường), thì em cần được tiêm ngừa dại và xử lý vết thương đúng.

Bị chó cắn không có chỉ định dùng thuốc Pharmaton và thuốc Pharmaton không có tác dụng điều trị vết thương hay ngừa dại trong trường hợp bị chó cắn.

Pharmaton có thành phần gồm: Nhân sâm tiêu chuẩn hóa Ginseng G115 40 mg, vitamin E 10 mg, Nicotinamide 15 mg, Ca pantothenate 10 mg, Rutin 20 mg, Fe 10 mg, Ca 90.3 mg, Phosphorus 70 mg, Fluoride 0.2 mg, Copper 1 mg, Zn 1 mg, Lecithin 66 mg, Mg 10 mg, Manganese 1 mg, K 8 mg, Dimethylaminoethanol bitartrate 26 mg, vitamin A 4000 IU, vitamin B1 2 mg, vitamin B2 2 mg, vitamin B6 1 mg, vitamin B12 1 mcg, vitamin C 60 mg, vitamin D 400 IU. Đây là 1 dạng thuốc bổ dùng cho người lớn tuổi, suy kiệt; người trẻ tuổi không nên tự ý dùng.


- Bạn đọc Ly - le…@gmail.com

Cho tôi hỏi thuốc viêm mũi - xoang Rhinasin-OPC và thuốc cảm cúm - f Fito Pharma có ảnh hưởng gì với người bị cao huyết áp và tim mạch không? Chờ câu trả lời của BS, xin cám ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Thuốc Rhinassin - OPC có thành phần chủ yếu là thảo dược (thương nhĩ tử, tân di hoa, phòng phong, bạch truật, hoàng kỳ, bạc hà, bạch chỉ), trong khuyến cáo sử dụng thuốc không có ghi nhận tương tác hay chống chỉ định với các thuốc tim mạch và người bị tăng huyết áp.

Thuốc f Fito Pharma cũng tương tự, là thuốc thảo dược.

Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, khoa học thì hiện chưa có nghiên cứu lớn nào về 2 loại thuốc này trên bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp nên chúng tôi chưa thể trả lời câu hỏi của bạn. Nếu bạn dùng thuốc thấy có bất cứ khó chịu gì thì cần đến khám BS sớm.


- Minh Hào - minhhao…@gmail.com

Em là Hào, sinh viên năm 1. Em hay bị đau đầu bên phải thái dương, em uống thuốc mua ở ngoài thì thấy bớt. Nhưng khi bị lại thì mỗi lần em khom xuống hoặc lắc đầu là cơn đau lại tới.

Em đi khám thì BS nói em bị đau đầu căng cơ. Khoảng 2 tuần sau, em vừa thức dậy thì bị đau ở trên đỉnh đầu bên trái dữ hơn, kèm theo buồn nôn, em có ăn cháo thì nôn hết ra ngoài.

BS có thể tư vấn cho em biết em bệnh gì và cách chữa trị không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Minh Hào,

Triệu chứng của em không phù hợp lắm với bệnh cảnh đau đầu căng cơ, vì thường xảy ra khi căng thẳng đầu óc kéo dài, cảm nhiễm cúm mùa, đau đầu thường về chiều tối, thường là nặng toàn đầu hoặc vùng nhiều ở vùng trán.

Em thì có cơn đau đầu ngay khi vừa ngủ dậy, đau nửa đầu, mức độ đau nặng gây buồn nôn - nôn. đau đầu ở mức độ này có thể gặp trong đau nửa đầu Migraine, bệnh lý ở não...

Tốt nhất, em nên đến khám tại chuyên khoa nội thần kinh, BS sẽ cần khai thác thêm nhiều thông tin xoay quanh triệu chứng đau đầu của em, kết hợp với thăm khám mới quyết định xét nghiệm gì tiếp theo để định bệnh chính xác và điều trị thích hợp.

Song song đó em cần nghỉ ngơi, hạn chế ánh đèn và màu sắc, hạn chế âm thanh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.


- Lê Thị Mỹ Duyên - Cần Thơ

Xin chào BS ạ,

Em năm nay 24 tuổi, tình cờ vừa rồi em có đo huyết áp thử thì thấy huyết áp của em là 14/10. Và sau đó thì tiếp tục vậy. Dao động từ 13/9 đến 14/10 là thường xuyên.

Em có đi khám thì BS siêu âm tim thận, nhịp tim thì mọi thứ đều rất bình thường ạ. Em cũng thấy cơ thể bình thường, nhưng em dễ lo lắng lắm. Khi có chuyện đều suy nghĩ nhiều.

Cho em hỏi em có mắc bệnh gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Duyên thân mến,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào BV, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở... nhìn chung là các stress đối với cơ thể.

Như vậy, huyết áp ghi nhận ở những lúc cơ thể đang lo lắng, bồn chồn sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp dao động bình thường của người bệnh.

Huyết áp được đo khi người bệnh nằm nghỉ 3-5 phút, nếu ở phòng khám mà có 2 lần trên 140/90 mmHg là có tăng huyết áp (THA), còn nếu ở nhà, cũng đo tương tự như vậy, nếu có 2 lần trên 130/80 là có THA (Dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán THA của hội tim mạch Châu Âu).

Nếu thật sự em bị tăng huyết áp ở tuổi này, thì là tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, thường là tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân bệnh lý gây tăng huyết áp), khác với tăng huyết áp ở độ tuổi trung niên là tăng huyết áp vô căn (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát).

THA vô căn thì phải uống thuốc suốt đời. còn THA thứ phát thì nếu trị được nguyên nhân gốc (ví dụ như cắt bỏ u tuyến thượng thận trong THA do u tuyến thượng thận) thì không cần phải uống thuốc suốt đời vì THA sẽ hết sau khi nguyên nhân bị loại trừ.

Có THA thì nhất định phải điều trị để ngừa các biến chứng của THA, trong đó sợ nhất là đột quỵ, nhồi máu cơ tim (hay xảy ra vào buổi sáng sớm khi huyết áp lên cao nhất), suy tim, suy thận...

Mặc dù siêu âm và điện tim của em bình thường, cho thấy em chưa có biến chứng THA trên tim mạch và 2 cơ quan này cũng không phải là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Chứ việc siêu âm và điện tim của em bình thường không có nghĩa là em không thể bị THA!

Do vậy, em nên đến kiểm tra toàn diện thêm ở chuyên khoa tim mạch như đo huyết áp 24 giờ để được chẩn đoán xác định và điều trị bệnh thích hợp, em nhé.


- Bạn đọc Trang - trantrang…@gmail.com

Em bị khô họng, nuốt vào đau. Lưỡi trắng rát. Đêm ngủ buồn nôn. Đi khám BS bảo viêm họng, trào ngược dạ dày. Em uống kháng sinh 10 ngày không đỡ. Lưỡi và còn miệng khô bị ợ hơi (không phải ợ chua liên tục). Em muốn hỏi em bị bệnh gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Trang,

Các triệu chứng em cung cấp phù hợp với chẩn đoán viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản. đặc điểm của trào ngược dạ dày thực quản là tối nằm đầu thấp sẽ khó chịu nhiều hơn.

Dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây viêm họng, viêm lưỡi. Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh chữa được nhưng cần kiên trì.

Em đã từng làm nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng bao giờ chưa, có soi họng không, có kiểm tra nhiễm Hp chưa? Nếu chưa làm thì em nên làm các xét nghiệm trên. Em nên tái khám lại BS đã trị hoặc khám BS chuyên khoa Tai mũi họng/ chuyên khoa Tiêu hóa để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Song song đó, em nên hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.


- Bạn đọc Khanh - jack…@gmail.com

Mình có thể ăn những loại thực phẩm nào dể giúp ngủ ngon, thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Có nhiều loại đồ ăn có thể giúp chúng ta ngủ ngon hơn. Cần lưu ý một điều là không nên nạp thêm năng lượng trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ để cơ thể tiêu hóa lượng thức ăn trước đó.

Các loại thực phẩm hỗ trợ giấc ngủ bao gồm: hạt sen, củ sen, tim sen, đậu xanh, rau nhút, đọt nhãn lồng, hạnh nhân, trà thảo mộc không chứa caffein (như trà hoa cúc), sữa...


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X