Hotline 24/7
08983-08983

Ăn cơm xong bị sưng môi là bệnh gì, AloBacsi ơi?

Bạn đọc hỏi BS Tố Uyên: ăn cơm xong bị sưng môi là bệnh gì, gãy mâm chày, ngứa tai có phải do ấu trùng ký sinh, ráy tai ra nhanh và nhiều, chi phí phẫu thuật vỡ xương bánh chè, tê đầu ngón tay...

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương

Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi:

Thư Từ - thutu…@gmail.com

Chào BS,

Em bị vỡ lún mâm chày trái kín đã phẫu thuật được 2 tháng, đi khám BS bảo xương vẫn lún. Vậy cho em hỏi có ảnh hưởng gì tới vận động sau này không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Mâm chày là phần xương xốp nên khi gãy dễ lành. Tuy nhiên vì là xương xốp nên khi bị gãy mâm chày hay bị lún mất xương.

Mặt khác mâm chày mang mặt sụn khớp gối nên khi gãy dễ gây ra tình trạng cấp kênh mặt khớp tức là mặt khớp không bằng phẳng, do đó nếu không nắn lại chính xác dễ gây ra tình trạng thoái hóa hư mặt sụn khớp sau này.

Thường những trường hợp gãy tổn thương nặng, có di lệch nhiều, ảnh hưởng mặt khớp sẽ có chỉ định phẫu thuật cố định bằng dụng cụ. Trong quá trình phẫu thuật, mâm chày lún sẽ được nâng lên và cố định lại bằng đinh vít.

Trong gãy mâm chày, thường bệnh nhân sẽ được khuyên không nên đi chống chân bị gãy, do mâm chày sẽ bị bung ra dưới sức nặng của cơ thể cho đến khi xương tạm lành.

Trường hợp này do BS không trực tiếp điều trị nên chưa rõ tình trạng hiện tại ra sao. Nếu được bạn vui lòng cung cấp thêm hình ảnh phim Xquang và mức độ vận động hiện tại để được tư vấn thêm bạn nhé!


Anh Thiên - Hà Nội

Thưa BS,

Em bị gãy xương ngón thứ 2 bàn tay trái vào hôm Trung thu, đến giờ là gần 3 tháng rồi ạ. Lúc bị gãy em đến bệnh viện khám luôn và bó bột được 2 tuần, sau đó em có đi bó lá và tay nó lành lại rồi ạ.

Nhưng ngón tay em không gập lại được và nổi gân ở chỗ bị gãy xương. Vậy em phải làm gì để tay em được bình thường và gập lại được ạ? Em bị vậy có chữa lành được như bình thường không ạ? Em xin cảm ơn ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Bất động kéo dài do gãy xương có thể dẫn tới hạn chế vận động do cứng khớp, teo cơ. Do đó em cần phải có kế hoạch tập luyện sớm, đúng lúc để phục hồi khả năng vận động. Ban đầu có thể khởi động với bài tập gồng cơ, vận động thụ động, tăng dần cường độ.

Em có thể đến khám tại bệnh viện và nhờ BS vật lý trị liệu hướng dẫn cho những động tác tập luyện ban đầu em nhé!


Hoàng Văn Ba - TP Vũng Tàu

Xin hỏi BS,

Em chơi thể thao (môn bóng chuyền), vào tuần trước em bị lật sơ mi cổ bàn chân phải, sưng và tím bầm. Em có dùng 1 số loại thuốc bóp chân nhưng không hiệu quả. Em nghe một người bạn nói lấy gừng tươi đập dập ra và muối hạt cho vào nước nóng vừa đủ để ngâm chân, một ngày ngâm 2 lần, mỗi lần 30 phút.

Vậy em xin hỏi BS phương pháp điều trị có đúng không ạ? Em xin cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Trật cổ chân có nhiều mức độ, tuy nhiên nguyên tắc chung là hạn chế vận động, băng cố định cổ chân cho tới khi lành lại.

Để giảm sưng, việc em nên làm là chườm đá, nằm kê chân cao, việc sử dụng các loại dầu nóng, thuốc lá có thể làm cho cổ chân sưng nặng hơn. Các phương pháp mẹo vặt hay truyền miệng thường không có giá trị trong các trường hợp trật khớp, bong gân…

Tốt nhất, em nên tới bệnh viện để BS kiểm tra tổn thương, chụp phim xem xét có gãy xương hay không và có biện pháp điều trị thích hợp em nhé!


Bạn đọc có số điện thoại 0924…

Kính chào BS,

Em bị khó thở nhẹ tầm 10, 15 phút mỗi khi suy nghĩ, khóc, hay mệt mỏi. Cho em hỏi như vậy có phải bị tim sao không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Khó thở là một triệu chứng chủ quan, có thể do bệnh lý nhiều hệ cơ quan như tim, phổi, thần kinh, cơ xương… nhưng cũng có thể do tâm lý.

Muốn xác định nguyên nhân khó thở cần phải xem xét nhiều đặc tính của triệu chứng như có khó thở lúc vận động gắng sức hay không, có khó thở lúc nghỉ không, yếu tố tăng giảm khó thở, khó thở lúc hít vào hay thở ra…

Nếu mọi hoạt động công việc của em vẫn thực hiện bình thường, gắng sức tốt, khó thở chỉ xảy ra khi em suy nghĩ nhiều, khóc… thì ít khi do nguyên nhân tim mạch. Nếu lo lắng có bệnh, em nên tới khám BS để làm các xét nghiệm tầm soát nguyên nhân gây khó thở và có hướng điều trị thích hợp em nhé!


Bạn đọc Phương - phuong…@gmail.com

Xin chào AloBacsi,

Em có băn khoăn như sau: nếu nghi ngờ có ấu trùng ký sinh ở trong tai hoặc sâu hơn (có thể đi đến não) thì nội soi tai có đủ để phát hiện ấu trùng giòi/ký sinh trùng không ạ?

Hiện giờ tai em bị lùng bùng, thi thoảng ngứa, hơi đau và cảm giác hơi nặng tai. Em rất lo lắng vì có đọc được một số thông tin ấu trùng trong tai người. Rất mong BS tư vấn cho em làm thế nào để phát hiện kịp thời và điều trị? Em xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Phương thân mến,

Em nên tới khám tại BV Tai mũi họng, BS sẽ có dụng cụ chuyên dụng để quan sát bên trong lỗ tai và phát hiện ký sinh trùng nếu có. Các trường hợp ký sinh trùng đi vào được não người thường là theo đường máu.

Do cơ thể người có cơ chế bảo vệ riêng, bao gồm khá nhiều lớp màng, do đó ấu trùng/ký sinh trùng từ tai ngoài không dễ dàng tiếp cận được bên trong do bị ngăn cản bởi lớp màng nhĩ và đương nhiên là rất khó để tiếp cận với bộ não được bảo vệ kiên cố bởi hộp sọ, em nhé!


Trọng Nghĩa - nghia…@gmail.com

Chào BS,

Không hiểu lý do tại sao dạo gần đây ráy tai của em ra rất nhanh và nhiều, vừa lấy xong 1 tuần sau lại ra gần kín tai. Ráy tai khô và cứng, bám chặt trong tai.

Mong BS giải đáp nguyên nhân và đưa ra cách khắc phục. Cám ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Thông thường ráy tai có chức năng bảo vệ ống tai khỏi các thương tổn và nhiễm trùng. Khi tai mất khả năng tự làm sạch, ráy bị dính chặt lại trên da ống tai, ráy tích tụ rất nhanh và nhiều ở trong ống tai gây các triệu chứng khó chịu thường thấy là: đau tai, ngứa tai, ù tai khó chịu và nghe kém.

Ráy tai có thể nhiều do cơ địa, do tình trạng bệnh lý da nhưng cũng có thể do viêm nhiễm ống tai ngoài. Do ống tai ngoài dễ ẩm ướt, nên là môi trường tốt để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, da lót lòng ống tai rất mỏng dễ tổn thương.

Trường hợp của em, không nên tự ý đi lấy ráy tai vì có thể gây tổn thương cho ống tai, em nên khám BS Tai mũi họng để tìm nguyên nhân và điều trị nếu nút ráy tai xuất hiện thường xuyên gây khó chịu em nhé!


Huỳnh Diệu - dieu…@gmail.com

BS ơi,

Em bị vỡ xương bánh chè, vỡ sụn. Vậy phải điều trị bao lâu và tốn bao nhiêu tiền?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Gãy xương bánh chè tuỳ vào mức độ tổn thương, mức độ di lệch mà ổ gãy được điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.

Chi phí cho cuộc phẫu thuật vào khoảng trên dưới 5 triệu đồng tuỳ cơ sở thực hiện. Thời gian hồi phục khoảng 2 tháng.


Tùng Lâm - lam…@gmail.com

Mấy bữa nay đầu ngón trỏ tay trái của em tự nhiên bị tê, mất cảm giác. BS cho em hỏi đó là bệnh gì ạ? Có cần đi khám BS không? Em cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Những tổn thương trực tiếp lên đầu ngón tay có thể ảnh hưởng các đầu mút thần kinh cảm giác, gây mất cảm giác, tê bì.

Triệu chứng sẽ giảm dần và khỏi hẳn nếu em cho ngón tay được nghỉ ngơi vài ngày. Nếu tình trạng vẫn còn kéo dài thì nên khám BS để tìm nguyên nhân khác em nhé!


Bạn đọc Nguyễn Tâm

BS ơi,

Em ăn cơm xong cỡ mấy tiếng sau môi bị sưng lên ạ. Như vậy là bị sao thưa BS? Có mắc bệnh gì không ạ?

Mong BS tư vấn. Em xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Qua thông tin cung cấp, BS không thấy bạn mô tả cụ thể môi sưng ở vùng nào, sưng bao lâu thì khỏi, tự khỏi hay phải uống thuốc, lúc sưng có cảm giác tê, đỏ, đau hay không, bạn bị mới lần đầu hay bao nhiêu lần rồi…?

Thông thường, sau ăn các loại thức ăn gây dị ứng, môi có thể sưng, ngứa, nổi mụn nước li ti… Đây là triệu chứng của viêm môi dị ứng.

Bạn nên xem lại yếu tố nào có thể gây dị ứng và tránh xa, nếu khó chịu nhiều có thể dùng thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng, bạn nhé!


Tuyet Thi - nhan…@gmail.com

Chào AloBacsi,

Tôi đang bị bệnh ho suyễn, giờ đang cho em bé bú, uống thuốc tây với thuốc nam nhưng không khỏi bệnh.

Mong AloBacsi tư vấn dùm em để sớm được khỏi bệnh ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Việc bạn tự ý uống các loại thuốc Tây, thuốc Nam có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của em bé nếu đang trong quá trình cho con bú bằng sữa mẹ. Bệnh suyễn hiện nay đã có nhiều loại thuốc điều trị đường phun xịt khá an toàn, không ảnh hưởng đến em bé.

Do đó, bạn nên tới bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp để BS thăm khám, tìm nguyên nhân vì sao hen suyễn dai dẳng (ví dụ như nhiễm trùng, bị lao, điều trị không đúng…) và can thiệp điều trị bạn nhé!


Đình Thắng - Nghệ An

Khoảng 3 tuần nay vùng yết hầu em đau, dùng tay bóp dưới da cổ thấy dày, đau như nổi hạch. Vậy em bị bệnh gì ạ, có nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Qua mô tả có khả năng bạn đang có tình trạng viêm họng cấp tính, có thể có dấu hiệu viêm hạch phản ứng hoặc viêm tuyến nước bọt. Tuy nhiên, đây chỉ là phỏng đoán do BS không trực tiếp thăm khám.

Vì triệu chứng đã kéo dài 3 tuần, bạn nên tới BS chuyên khoa Tai mũi họng để thăm khám và tìm nguyên nhân, loại trừ các trường hợp ác tính bạn nhé!

Thân mến.


Hoàng Yến - khanh…@gmail.com

Chào BS,

Em bị bệnh lao kháng thuốc và hiện nay đã uống thuốc theo phác đồ của BS được 2 tháng (em điều trị theo phác đồ 20 tháng).

Không biết hiện tại em còn khả năng lây nhiễm cho người khác không và em có thể ăn uống, sinh hoạt, gặp gỡ người khác bình thường chưa ạ? Cám ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào Hoàng Yến,

Qua thông tin em cung cấp, BS chưa rõ em bị lao ở cơ quan nào (phổi, ruột, não, cột sống, hạch…).

Lao phổi rất dễ lây lan qua tiếp xúc, do vi khuẩn có trong các hạt khí dung thoát ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện… Đối với lao phổi nhạy thuốc, thời gian cách ly để hạn chế lây lan là ít nhất 2 tháng đầu điều trị tấn công.

Tuy nhiên, đối với lao kháng thuốc, thời gian cách ly khó xác định, bệnh nhân cần phải được kiểm tra đàm thường xuyên và ít nhất 2 lần cấy âm tính cách nhau 1 tháng hoặc 3 mẫu đàm trong 2 tuần âm tính thì mới được xem là an toàn. Có những trường hợp bệnh nhân phải cách ly tới 6 tháng.

Do đó, em nên hạn chế tiếp xúc với người xung và chờ cho tới khi BS điều trị xác nhận bệnh lao của em có khả năng lây lan thấp thì mới có thể sinh hoạt bình thường trở lại em nhé!

Chúc em chóng khỏe.


Bạn đọc Long - long…@gmail.com

Xin chào BS,

Em chơi đá banh bị trật cầu vai đã lâu. Nay thỉnh thoảng bị lại và mỗi lần bị cảm giác đau nhức rất nhiều. Nằm ngủ hay mặc áo thun đều rất đau.

BS có thể tư vấn em cách trị dứt bệnh này, cũng như các bài tập tốt cho vai được không? Xin cám ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trật khớp vai là bệnh lý thường gặp do chấn thương ở người trẻ tuổi. Chấn thương thường xảy ra trong sinh hoạt hoặc thể thao, tai nạn giao thông do ngã chống tay hoặc chống khuỷu, cánh tay dạng, đưa ra sau và xoay ngoài.

Sau lần trật khớp vai đầu tiên, nếu nghỉ ngơi và cố định không tốt, khớp vai không hồi phục hoàn toàn thì rất dễ bị tái lại nhiều lần ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tay của người bệnh.

Bạn nên tới khám chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để BS đánh giá mức độ tổn thương và xem xét chỉ định phẫu thuật.

Thân mến,
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X