Hotline 24/7
08983-08983

Ăn chuối và uống sữa chung có sao không AloBacsi?

Bạn đọc AloBacsi hỏi về việc ăn chuối và uống sữa, vết thương chảy nước vàng, nấm bẹn lâu khỏi, viêm rò nẹp xương mác, tầm soát ung thư gan, hạch vẫn sưng sau khi hết quai bị...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- N. Đ. - nhan…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 24 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhưng đôi lúc em luôn cảm thấy không hứng thú với công việc, luôn suy nghĩ vu vơ có lúc buồn chán, rất ít giao tiếp với mọi người.

Trong công việc luôn chậm chạp và ít có được sự tập trung. Khi ngủ em cũng khó ngủ được ngay và luôn suy nghĩ lo âu.

Biểu hiện của em có phải dấu hiệu trầm cảm không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em có ý thức và cảnh giác về bệnh trầm cảm là tốt. Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm: người bệnh có biểu hiện ≥ 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần.

Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

- Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thânh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).

- Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.

- Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.

- Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.

- Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.

- Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.

- Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.

- Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.

- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Khi bản thân em nghi ngờ mình có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, em cần được khám BS chuyên khoa tâm thần.

Vì để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, BS chuyên khoa tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.

Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được.

Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự. Và sau khi chẩn bệnh, tùy bệnh lý và tùy mức độ mà BS sẽ kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em, em nhé!


- Nguyen Thuy - thuyn…@gmail.com

Em chào BS,

BS cho em hỏi, em đi xét nghiệm thì cho kết quả HBSAG dương tính và Anti HBS cũng dương tính. Như vây em có bị nhiễm viêm gan B không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Virus viêm gan B là một virus có kích thước cực kỳ nhỏ, có vỏ bọc, bên trong chứa chuỗi đôi AND. HBSAg - Hepatitis B surface antigen, là một kháng nguyên ở bề mặt virus.

Do đó, nếu kết quả xét bệnh HBSag dương tính đồng nghĩa với việc chứng minh sự hiện diện của virus viêm gan B (HBV) trong máu, nói cách khác cơ thể đã bị nhiễm HBV. HBSAg xuất hiện trong máu từ 1 đến 8 tuần sau khi cơ thể tiếp xúc với HBV.

Anti HBS chính là kháng thể của HBSAg, chỉ số này dương tính nghĩa là cơ thể đã có kháng thể với viêm gan B.

Kháng thể viêm gan B được hình thành với 2 trường hợp chính đó là được tiêm phòng vaccine viêm gan B. Hoặc là khi cơ thể mắc bệnh viêm gan B, nhưng tự đào thải được virus - đối với những trường hợp này cơ thể có thể miễn nhiễm với bệnh viêm gan B.

Anti HBS là kháng thể của HBSAg, vì thế có HBS Ag dương tính thì không thể có Anti HBS dương tính. Khi cả 2 xét nghiệm này dương tính, em cần xem lại xem mình có đọc nhầm hay không (như Anti HBc, anti HBe) dương tính.

Hoặc là xét nghiệm bị sai lệch. Như vậy, tốt hơn hết em nên yêu cầu BS đã ra y lệnh xét nghiệm này cho em hoặc phòng khám làm xét nghiệm này giải thích về kết quả, cân nhắc kiểm tra lại.


- Truong Thi - thi…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 28 tuổi, em bị quai bị được 4 ngày thì vào BV tiêm và uống thuốc.

Sau 4 ngày thì em hết sưng, hết đau em về nhà nghỉ 3 ngày thì thấy dưới hàm trái hơi sưng, dưới hai bên tai cũng hơi sưng và cứng.

Sau 5 ngày thì bớt sưng, nhưng em sờ bên dưới hàm trái vẫn thấy hạch nhưng không thấy đau.

Như vậy có phải em bị tái phát quai bị không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trương Thi thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì hiện tại BS nghĩ đây là hạch viêm dưới hàm và sau tai nhiều hơn là bệnh quai bị tái phát.

Bệnh quai bị là bệnh viêm tuyến mang tai do virus quai bị gây nên.

Đặc điểm của bệnh quai bị là tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Trong bệnh quai bị, hạch ở quanh tuyến mang tai có thể viêm.

Đây là các hạch viêm lành tính. Khi hết quai bị thì hạch sẽ giảm viêm đau, thu nhỏ lại kích thước và lặn dần, có thể ngay khi hết bệnh quai bị cũng có thể chậm hơn vài tuần.

Hiện tại nếu hạch không gây khó chịu gì (như sung, nóng, đỏ, đau) thì em chỉ cần theo dõi thêm.

Nếu sau 3 tháng nữa mà hạch vẫn chưa lặn hay có biểu hiện phát triển to lên nữa, mọc thêm hạch mới thì phải khám lại tại chuyên khoa ung bướu để kiểm tra kỹ hơn các hạch này xem có bất thường gì không.


- Thái Khá - Bến Tre

Thưa BS,

Em đi xét nghiệm máu bị viêm gan B, chỉ số HBV DNA Taqman ghi là <=250 copies/mL (tham chiếu cũng <=250 copies/ml) và <= 2.4 Log10 (tham chiếu <= 2.4 Log10).

Kiểm tra FibroScan kết quả: 5.0. Men gan bình thường.

Vậy có nguy hiểm gì không? Em có cần điều trị dài hạn không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các xét nghiệm mà em nêu trên đều cho kết quả rất khả quan.

Gan còn tốt, không viêm, không xơ hóa, lượng virus viêm gan B trong máu thấp hơn ngưỡng (không đồng nghĩa là không có virus HBV nào trong máu đâu nhé em!).

Nếu thật sự em có “bị viêm gan B” thì theo xét nghiệm này, chúng ta có 3 tình huống.

- Một là, em bị nhiễm virus viêm gan B thể không hoạt động: Tế bào gan không bị tổn thương, men gan không tăng, vì virus và cơ thể em (chủ yếu là lá gan) đang chung sống hòa bình với nhau.

- Hai là, em bị viêm gan B cấp tính: Ban đầu thì có tổn thương tế bào gan cấp do nhiễm HBV, nhưng cơ thể có thể chống lại và thải trừ virus gây bệnh (trong vòng 6 tháng), nồng độ virus trong máu giảm dần và mất đi hẳn, men gan về bình thường.

- Ba là em bị viêm gan B mạn tính nhưng điều trị khỏi (đa số là nhờ thuốc, có rất ít trường hợp là tự khỏi), thì nồng độ virus trong máu cũng giảm dần và men gan về bình thường.

Vì thế, hiện với thông tin em cung cấp thì BS không biết em thuộc tình huống nào, em nên đem kết quả này trao đổi với BS gan mật đang điều trị cho em để nắm rõ tình hình và hướng điều trị tiếp theo tùy vào dạng nào, em nhé


- Trịnh Cẩm Tân - tanke…@gmail.com

Em chào BS,

BS cho em hỏi, hiện người nhà em đang điều trị viêm gan B, C và đang được chỉ định ngưng thuốc và hẹn 6 tháng sau tái khám.

Nhưng người nhà em muốn làm xét nghiệm tầm soát ung thư gan thì làm thêm các chỉ số nào?

Trong quá trình điều trị không thấy BS chỉ định tầm soát ung thư. Vì hiện nay bệnh nhân phát bệnh ung thư gan rất nhiều và khi phát hiện điều không can thiệp được vì đều ở giai đoạn cuối, em rất lo lắng xin BS tư vấn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Cẩm Tân thân mến,

Em quan tâm và cảnh giác với bệnh ung thư gan là điều rất tốt. Vì ung thư gan phát triển với các dấu hiệu và triệu chứng khá mơ hồ, các bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính cần thực hiện tầm soát ung thư gan như một phần trong chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Hiệp hội nghiên cứu các bệnh về gan ở Mỹ (American Association for the Study of Liver Diseases) khuyến cáo rằng nam giới bị nhiễm virus viêm gan B nên thực hiện tầm soát ung thư gan từ năm 40 tuổi, trong khi đó ở phụ nữ là từ 50 tuổi.

Với các đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ cao phát triển bệnh ung thư gan, việc tầm soát có thể thực hiện sớm hơn và thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện và điều trị.

Các xét nghiệm và kiểm tra tầm soát bao gồm: Xét nghiệm máu để kiểm tra chất đạm trong gan alpha - fetoprotein (AFP) và siêu âm gan.

Trước hết, em nên khuyên gia đình kiểm tra lại các xét nghiệm đã làm xem có làm 2 xét nghiệm trên chưa, nếu không giữ toàn bộ hồ sơ thì hỏi BS đang điều trị xem đã làm 2 xét nghiệm này chưa.

Nếu chưa làm thì đề nghị BS kiểm tra cho, bởi vì nhiều trường hợp là BS đã tầm soát ung thư gan rồi nhưng gia đình không biết và cứ nghĩ là chưa làm đó em.


- Nguyễn Toàn - Ninh Bình

Thưa BS,

Em bị gãy chân cách đây 2 tháng, đã được mổ kết hợp xương mác bằng 2 nẹp cố định. Em bị vết loét ở chỗ xương nẹp khoảng 2 cm vuông.

BS nói em bị viêm rò nẹp xương mác và cho thuốc về uống, nếu không đỡ thì phải mổ lấy nẹp. Em lo lắng quá, BS tư vấn giùm em, em cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Toàn,

Hướng dẫn của BS đang điều trị cho em là hợp lý.

Bởi vì nếu em uống thuốc trị viêm rò nẹp xương mác mà không cải thiện, nghĩa là thuốc không xử lý nổi ổ viêm đó thì BS sẽ phải mổ lấy nẹp ra, chứ không sẽ tạo thành viêm xương tủy xương mạn, rất nguy hiểm.

Khi lấy nẹp ra thì BS sẽ có cách cố định xương khác cho em.

Trước mắt em nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của BS, em nhé!


- Nguyễn Mậu Tuấn - maut…@gmail.com

Cháu chào BS,

BS ơi, cháu bị viêm họng gần 3 tuần nay rồi, cháu có uống thuốc viêm họng tại BV cũng như nhà thuốc nhưng không đỡ.

Gần đây cháu lâu lâu bị khó chịu, hơi đau trong bao tử nên cháu không uống thuốc kháng sinh, kháng viêm nữa.

Ra nhà thuốc thì họ cho cháu uống omeprazole, cháu uống vào thì 2 ngày sau hết bị rát họng, nhưng vẫn bị ho.

Tối qua cháu quên uống omeprazol thế là sáng dậy bị rát họng lại. Nhưng đường thânh quản thì lại không bị nóng rát.

Vậy là cháu bị sao đó ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Tuấn thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì BS nhận thấy em có tình trạng viêm dạ dày kèm trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản và viêm họng là 2 nhóm bệnh khác nhau nhưng là yếu tố thúc đẩy của nhau tạo thành 1 vòng tròn bệnh lý.

Trào ngược dạ dày thực quản vừa là hậu quả của các thuốc điều trị viêm họng, vừa là nguyên nhân gây viêm họng.

Dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây kích thích ho, gây loạn cảm họng. Ngược lại thuốc trị viêm họng thì có thể làm nặng hơn tình trạng trào ngược dạ dày.

Cả 2 bệnh đều không phải bệnh nan y, tuy nhiên việc điều trị cần trị song song cả 2 bệnh và cần kiên trì, vì không phải ngày 1 ngày 2 là hết.

Mà phải khám BS chuyên khoa tiêu hóa, BS chuyên khoa tai mũi họng nhiều kinh nghiệm và chỉnh thuốc vài lần mới phù hợp với cơ địa được.

Như vậy, em nên khám lại tại BS chuyên khoa tiêu hóa hoặc BS chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị thích hợp, bài bản.

Ngoài ra, em cần chú ý là lối sống ảnh hưởng rất nhiều lên hiệu quả điều trị bệnh, chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc của BS.

Nếu em càng lo lắng nhiều thì cả 2 bệnh này càng khó trị và kéo dài, do việc lo lắng làm tăng trào ngược dạ dày thực quản.

Do vậy em cần tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, café, bia, rượu,…

Không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý.

Không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao, giữ ấm vùng hầu họng đặc biệt là khi trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu, mặt, cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh.


- Bạn đọc H. C. T. - Lạng Sơn

Chào BS,

Cháu bị nấm bẹn. Cháu bôi thuốc thường xuyên nhưng vẫn tái phát, rồi lại khỏi, cứ thế cũng lâu rồi. Lúc đầu vùng nấm là vùng có biên quanh 2 bẹn, nhưng bây giờ lại mọc thành nhiều vùng nhỏ, đỏ và ngứa.

Mong BS giải đáp giúp cháu ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nấm bẹn là tình trạng ở vùng bẹn, đùi bị nhiễm vi nấm sợi tơ. Nấm bẹn thường kéo dài, khó điều trị và khả năng tái phát bệnh rất cao.

Đối tượng lây nhiễm của bệnh rất đa dạng, có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Khi xuất hiện những yếu tố thuận lợi như môi trường nóng ẩm, mặc quần áo chật hoặc dùng thuốc bôi tại chỗ kéo dài thường phát sinh bệnh nấm bẹn.

Ngoài ra, các trường hợp của bạn, việc sử dụng thuốc bôi không đúng chỉ định là nguyên nhân gây nên bệnh nấm bẹn.

Thực tế, nhiều bạn (đặc biệt là các bạn trẻ) thường ngại đi khám mà chỉ ra hiệu thuốc tự mua thuốc về điều trị khi bị mắc các bệnh da liễu. Tuy nhiên, chỉ có dược sĩ ở hiệu thuốc, không có BS nên không thể khám bệnh được mà chỉ bán thuốc qua lời kể.

Do đó mà không thể cho thuốc chính xác để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh đang gặp phải. Kết quả, bệnh thường không khỏi, có thể nặng thêm lên nếu không dùng thuốc đúng bệnh.

Trường hợp của em nên đến chuyên khoa Da liễu để được BS khám cho là cách tốt nhất.

Trước khi tiến hành điều trị em cần phải được xét nghiệm bệnh phẩm (lẫy mẫu ở ngay vết ngứa của em) để điều trị “trúng đích”.

Ngoài ra, em cần chú ý nên mặc quần áo rộng rãi, sử dụng chất liệu thấm mồ hôi vào mùa hè, nên dội nước sôi hoặc phơi quần chip ở chỗ nắng to để diệt bào tử nấm.

Đồng thời cần kết hợp với vệ sinh sạch sẽ, ăn uống tăng cường sức đề kháng, dùng thuốc đúng chỉ định, bệnh sẽ khỏi.

Tốt nhất là em không dùng chung quần áo, không cho ai mặc quần áo của mình và cũng không mượn quần áo của ai để mặc vì bệnh có thể lây từ người này sang người khác.

Ngoài ra còn phải nhớ rửa tay sạch sẽ sau khi gãi, bôi thuốc hoặc tiếp xúc với vết thương để tránh lây sang người khác. An toàn nhất là dùng găng tay khi tiếp xúc vết thương rồi bỏ đi.


- Nguyễn Văn Linh - Bình Dương

Chào BS,

Con tôi bị nứt xương mắt cá chân trái. Sau khi tháo bột cháu đi hơi vênh chân trái.

Xin hỏi BS, liệu có cách nào phục hồi cho cháu được không?Xin BS cho tôi lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Linh,

Trường hợp bị khớp xấu sau nứt/gãy xương thì bạn cần đưa cháu đến gặp BS chấn thương chỉnh hình để đánh giá mức độ và điều trị thích hợp sớm.

Vì trẻ em thì dễ trị hơn người lớn do xương còn mềm, dễ nắn. Hơn nữa không điều trị sớm thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ sau này.

Bạn có thể đưa cháu đến BV chấn thương chỉnh hình có chuyên khoa nhi (dành cho trẻ dưới 15 tuổi), hay BV nhi đồng.

Trường hợp cháu lớn trên 15 tuổi thì đến BV chấn thương chỉnh hình, khoa chi dưới, là phù hợp nhất.


- Nguyễn Hoàng Oanh - nguyenh…@gmail.com

Ngày hôm qua em té xe bị thương ở đầu gối, tay và mông. Em có mua oxy già rửa vết thương nhưng không xức thuốc.

Sáng nay em thấy có nước vàng chảy ra nhưng chưa khô lại. Vậy cho em hỏi khoảng bao nhiêu ngày nước vàng mới khô lại vậy BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Oanh thân mến,

Nước vàng trong rỉ ra từ vết bỏng chính là huyết tương, là dịch vô trùng có tác dụng làm mát, ẩm và che chắn vết thương.

Tuy nhiên dịch này là môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập, do đó phải rửa vết thương hằng ngày bằng nước muối sinh lý, có thể pha loãng với povidine, sau đó dùng gạc mềm chấm khô và đắp Urgotul, sau đó có thể quấn/ băng lại bằng gạc, không quấn quá chặt vì chủ yếu để tránh va đập thêm, từ từ sẽ hết.

Thời gian lành vết thương tùy vào cơ địa mỗi người, mức độ nặng của vết thương, cách chăm sóc nên không thể nói chính xác bao nhiêu ngày được, thường dao động 7-10 ngày, em nhé!

Vết thương rộng quá thì dịch cũng tạo ra nhiều hơn, cần thời gian chăm sóc lâu hơn.

Nếu vết thương rỉ dịch mủ, lẫn máu kèm sưng nóng đỏ đau nhiều hơn là đã nhiễm trùng, phải vào viện để BS xem lại ngay.

Nếu trên 10 ngày mà vết thương còn rỉ dịch, chưa lành thì cũng phải vào BV để kiểm tra lại.


- Bạn đọc N. B. - Đồng Nai

Xin chào BS,

Em bị kim tiêm đâm vào tay của 1 người tiêm thuốc mới xong khoảng 30 phút vậy em có nguy cơ bị nhiễm HIV không thưa BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Trường hợp này em có nguy cơ bị nhiễm HIV nếu người kia là người nhiễm HIV. Bởi vì HIV có thể tồn tại trong các giọt máu khô từ 2 đến 7 ngày.

Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm HIV của em không phải 100%, theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, nguy cơ lây nhiễm cho một lần tiếp xúc với nguồn HIV do kim đâm xuyên da vào khoảng 0,3%.

Nếu em liên lạc được với người đó thì có thể bàn bạc với họ, kiểm tra xem họ có nhiễm HIV, viêm gan B, C hay không.

Nếu không làm được việc này thì em cần khám chuyên khoa Nhiễm để điều trị phơi nhiễm sớm và làm các xét nghiệm kiểm tra cho em.


- Lê Ngọc Hương - hl…@gmail.com

Thưa BS,

Xin BS giải đáp giúp cháu là ăn chuối và uống sữa chung có được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Hương,

Sữa có chứa các protein, vitamin và khoáng chất như riboflavin, canxi và vitamin B 12. Mỗi 100 gram sữa chứa 42 calo.

Tuy nhiên, trong sữa lại thiếu vitamin C, chất xơ và có chứa ít carbohydrate. Chuối chứa nhiều vitamin B6, mangan, vitamin C, chất xơ, kali và biotin. Mỗi 100 gram trái cây ngọt này có chứa 89 calo, nhiều carbohydrat.

Như vậy, chuối và sữa bổ sung lẫn nhau những thành phần thiếu hụt.

Nhưng việc hấp thụ dinh dưỡng thì khác nhau ở mỗi người, vì mỗi người có hệ tiêu hóa khác nhau và còn liên quan đến các yếu tố khác (như loại sữa, loại chuối, người thì giảm cân, người thì ít vận động sau ăn, người thì ăn nhẹ để tập luyện…). Do đó, quan trọng là cơ thể em nói sao về việc phối hợp này.

Nếu em dùng 2 món đó với nhau mà không bị rối loạn tiêu hóa thì dùng tiếp, nếu dùng mà khó chịu thì cần tách 2 món này ra.

Thân mến,

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X