Hotline 24/7
08983-08983

Ăn bao nhiêu thực phẩm lên men tự nhiên là tốt?

Câu hỏi

Thưa bác sĩ, ăn bao nhiêu thực phẩm lên men tự nhiên là tốt?

Trả lời

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Giảng viên đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Thực phẩm lên men. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Chào bạn Hải Hoa,
Thực sự đến nay cũng chưa có thống kê cụ thể. Một bữa ăn chúng ta cần đảm bảo các nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, chất đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất… Đây không chỉ cung cấp đủ chất mà còn mang đến cảm giác ngon miệng.

Chẳng hạn như Tết có bánh chưng mà thiếu dưa hành, củ kiệu hay thịt kho tàu thì rất “buồn miệng”. Đây là sự kết hợp tuyệt vời của thực phẩm.

Đối với người bình thường, mỗi bữa ăn sử dụng một ít dưa chua, dưa kiệu với các loại thực phẩm khác đầy đủ các nhóm chất ở trên hoặc sau mỗi bữa ăn dùng thêm một hũ yagout cũng rất tốt.

Còn với những người bị rối loạn tiêu hóa, phải dùng nhiều thuốc kháng sinh (do bệnh tật)... thì chúng ta nên sử dụng nhiều thực phẩm lên men như yagout, dưa giá, củ kiệu... sẽ tránh loạn khuẩn ở đường tiêu hóa hay tránh những tác dụng phụ của thuốc nhiều hơn.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Lợi ích của thực phẩm lên men

Thực phẩm lên men rất đa dạng, bao gồm các món ăn thông dụng như cải muối, kim chi, giấm, rượu, sữa chua,… Với hương vị món ăn được pha trộn giữa vị chua với chút ngọt, đắng khiến thực phẩm lên men không gây ngán mà còn giúp bữa ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh khả năng kích thích ăn uống, thực phẩm lên men còn được xem là một bài thuốc trong y học cổ truyền.

Tốt cho đường ruột

Trong thực phẩm lên men chứa không nhỏ hàm lượng chất probiotics giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại tại dạ dày và đại tràng. Bên cạnh đó, thực phẩm lên men còn giúp cân bằng các hoạt động đường ruột giúp người thường xuyên sử dụng thực phẩm lên men phòng ngừa các triệu chứng táo bón, tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch thường yếu đi vào những ngày giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Vì đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển và tấn công cơ thể. Đây là lý do khiến chúng ta thường có các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Thực phẩm lên men sinh ra vi khuẩn lactic sẽ giúp bạn tiêu diệt các vi khuẩn có hại cho hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Sản sinh enzim thiết yếu

Thực phẩm lên men chứa nhiều enzim giúp tiêu thụ thức ăn hiệu quả và nhanh hơn. Ngoài ra, nhờ các vi sinh vật trong thực phẩm góp phần kích thích sản sinh thêm vitamin hoặc tổng hợp thành các vitamin khác. Ví dụ như sữa sau khi lên men thành sữa chua sẽ có hàm lượng vitamin cao hơn.

Phòng chống ung thư

Các loại thực phẩm lên men cũng được khoa học công nhận là một trong những phương thức điều trị ung thư chính thức. Những thực phẩm có lợi trong thực phẩm lên men có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư gan… Cụ thể, butyrate - một axit béo chuỗi ngắn được tạo ra khi các vi khuẩn lên men chất xơ trong ruột, có khả năng bất hoạt các tế bào ung thư đại trực tràng và các sản phẩm lên men sữa quen thuộc cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư đại tràng khoảng 29%.

Giúp cơ thể cân bằng

Ăn thực phẩm lên men thường xuyên sẽ giúp bạn cân bằng lượng vi khuẩn có lợi và có hại trong cơ thể, từ đó giúp bạn sống khỏe mạnh hơn. Các nhà khoa học khuyến cáo, cho dù bạn là một người ăn chay hay đang thực hiện theo một chế độ giảm cân nào đó thì sử dụng các thực phẩm lên men cũng vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo.

Tác hại của thực phẩm lên men

Bên cạnh những lợi ích thú vị thì thực phẩm lên men vẫn có những tác hại không ngờ đến. Những loại rau củ quả dùng làm dưa muối thường có nhiều loại vi khuẩn, có vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Khi muối dưa, vi khuẩn gây bệnh sống được khoảng 9 giờ, các ký sinh trùng không sống được quá 10 ngày, nếu như chúng ta muối dưa, cà không đủ thời gian thời thì môi trường lên men không đủ độ axit dẫn đến không thể kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Mặt khác khi ăn dưa muối, dịch vị trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitric tác động vào các thực phẩm có chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, mắm… để tạo thành một hợp chất có thể gây ung thư. Để hạn chế quá trình hình thành chất gây ung thư, chúng ta không nên ăn dưa muối khi còn màu xanh, vị cay hăng.

Người có bệnh tim, cao huyết áp, suy thận, suy gan, viêm loét dạ dày thì không nên ăn dưa muối chua vì chứa hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi.

Những loại dưa muối chứa chất bảo quản hoặc được làm không hợp vệ sinh cũng gây ra những tác hại rất xấu, tốt nhất là mỗi gia đình nên tự muối dưa, cải hoặc tự làm những thực phẩm lên men bằng những nguyên liệu sạch và ngon nhất.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X