Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi ơi, xét nghiệm máu có phát hiện đang uống thuốc tránh thai?

Chiều 23/5, BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương tư vấn trực tiếp từ 16g30-18g30. Trong khung thời gian này bạn đọc có thể gọi 08. 6686 5474 để gặp trực tiếp BS Lan Hương.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Thùy Linh - TPHCM

2 tuần trước em đi biển, em có uống 2 ly vodka và ăn hải sản. Sau khi đi biển về thì em đau bụng và sôi liên tục cả ngày, rồi em đi nặng thì ra bắn ra dạng nước và dạng hạt. Một ngày đi ngoài hơn 10 lần. Không ăn uống được gì cả. Ăn vào bụng càng sôi hơn.

Hiện giờ vẫn đau âm ỉ mấy ngày liền. Mà em cũng chưa có thời gian đi khám nữa. Chịu đựng 2 tuần nay rồi ạ, em phải làm sao?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thùy Linh,

Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy xuất hiện sau khi uống rượu + hải sản có thể do viêm dạ dày cấp, viêm ruột bởi các thành phần trong thức ăn, do nhiễm virus đường ruột... nhìn chung là những nguyên nhân nhẹ, lành tính, thường kéo dài 2-3 ngày sẽ hết.

Thế nhưng các triệu chứng này vẫn kéo dài đến 2 tuần, bụng đau âm ỉ liên tục thì em cần đến BV để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa, sau khi thăm khám + xét nghiệm kiểm tra, BS sẽ xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp cho em.

Trong thời gian này, em nên nghỉ ngơi, ăn chín uống sạch, ăn thực phẩm dễ tiêu ít dầu mỡ, uống đầy đủ nước trong ngày.


- Thuc Do - dothuc…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 26 tuổi, cách đây 2 tháng em thấy người mệt mỏi kém ăn, xuống ký, em có đến phòng khám làm xét nghiệm máu thì kết quả là men gan cao tgp/alt 305 0... 40U/L, BS nói em bị men gan cao dẫn đến kém ăn và sút ký.

BS đưa ra trị liệu cho em là truyền dịch nhưng hiện tại em đang làm việc tại nước ngoài cũng không hiểu biết nhiều. Em muốn AloBacsi tư vấn có nên truyền dịch hay uống thuốc ạ? Rất mong sự giúp đỡ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Men gan của em tăng cao, chứng tỏ tế bào gan đang bị tổn thương, hay nói cách khác là viêm gan.

Nguyên nhân gây viêm gan có thể do viêm gan siêu vi, do rượu, hóa chất... Bệnh lý làm tổn thương tế bào gan, tăng men gan có thể là nguyên nhân làm bệnh nhân ăn kém, sút ký.

Tùy vào nguyên nhân gây viêm gan mà sẽ có hướng điều trị khác nhau. Chứ “men gan cao dẫn đến kém ăn và cần truyền dịch” là không hợp lý. Thông tin này tôi chỉ nghe 1 phía từ em, cũng có thể do khả năng truyền đạt thông tin của BS điều trị đến em không được rõ ràng. Nói chung là tôi không đánh giá về thông tin này và cũng không thể đưa ra phương pháp điều trị bởi vì tôi không khám trực tiếp cho em.

Nếu em còn băn khoăn chưa biết theo hướng nào, thì em có thể đến BV đa khoa, đăng ký khám lại chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để được kiểm tra toàn diện và điều trị thích hợp.


- Trần Thị Thu Hằng - Thừa Thiên Huế

Cháu bị thủy đậu đã được 5 ngày, lúc đầu cháu bị ngứa mà nổi những nốt thủy đậu trong nhưng sang ngày thứ 3 những nốt thủy đậu chuyển sang màu vàng đục, vậy có bị sao không ạ? Làm sao để những nốt thủy đậu đó nhanh hết? Cháu xin cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thời gian nổi trung bình của thủy đậu là đến 7-10 ngày nếu không có biến chứng (như bội nhiễm vi trùng). Nếu dịch của bóng nước có màu vàng, trong, không có mủ máu, da xung quanh không đỏ, đau, thì không sao cả, không phải nhiễm trùng.

Với các tổn thương mụn - bóng nước (đã vỡ, chưa vỡ) thì dùng các thuốc bôi màu như Milian, Eosin 2%... có tác dụng kháng khuẩn và giúp khô tổn thương. Khi tổn thương đã khô thì có thể dùng các thuốc giúp liền sẹo như: Hirudoid®, Hiruscar®, Curiosin®, Cicaplast®…

Về chế độ ăn thì em cần ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung đầy đủ các vitamin và yếu tố vi lượng cho da với các viên multvitamin. Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, thoáng. Thay quần áo 2 lần mỗi ngày và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió. Nếu khó chịu nhiều thì cần khám BS chuyên khoa da liễu để được xử trí thích hợp.


- Nguyen Gia - leonguyen…@ymail.com

Em năm nay 28 tuổi. Sau một thời gian sử dụng men tiêu hóa Ybio khoảng 3 tháng liên tục (ngày 1 gói) thì em bị rối loạn tiêu hóa với triệu chứng xì hơi nhiều lần sau khi ăn (thường sau khi ăn trưa) và kèm theo ợ hơi nhiều lần.

Em đã có đi khám và uống thuốc hỗ trợ dạ dày, chống đầy hơi, men tiêu hóa nhưng sau 10 tháng triệu chứng vẫn còn.

Cho em hỏi phải làm sao để điều trị dứt điểm hoặc có thuốc nào chuyên trị. em có nội soi đại tràng cuối năm 2013 và nội soi dạ dày năm 2016 kết quả bình thường ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Thực tế, ai cũng phải “xì hơi” vì nó chứng tỏ đường tiêu hóa hoạt động tốt. Về bản chất thì “xì hơi” nhiều không phải là bệnh. Tuy nhiên, với một số người thì “xì hơi” nhiều, liên tục lại là biểu hiện của một số bệnh về đường ruột.

Các nguyên nhân lành tính của xì hơi nhiều gồm viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, nhiễm giun sán... và phần lớn là do nguyên nhân từ thực phẩm ăn vào, gồm chế độ ăn nhiều tinh bột, khoai, đậu, mì gói, nước có gas, trứng, rượu, đường nhân tạo...

Sau 1 đợt em sử dụng men tiêu hóa mà bị xì hơi nhiều, ợ hơi chứng tỏ men tiêu hóa này làm tăng sinh hơi trong đường ruột. Em đã ngưng dùng thuốc này 1 thời gian dài mà triệu chứng vẫn còn, các xét nghiệm nội soi dạ dày và đại tràng cách đây đã nhiều tháng, thì tốt nhất em nên đến BV đa khoa để kiểm tra lại, đăng ký khám chuyên khoa tiêu hóa.

Sau khi BS thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra lại (như xét nghiệm giun sán, nội soi lại...) sẽ xác định bệnh và điều trị thích hợp.


- Bạn đọc Sơn - doichan…@yahoo.com

1 tuần nay em ợ rất nhiều, sau khi ăn, sau khi uống nước, em có khám rồi BS chẩn bệnh em là bị viêm dạ dày, trào ngược thực quản dạ dày, cho thuốc uống trong 1 tuần xem sao, nếu không hết phải nội soi...

Em thì nghe nói nội soi đau và dể để lại di chứng, không biết còn biện pháp nào để kiểm tra dạ dày không ạ? Rất mong AloBacsi tư vấn cho em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Sơn thân mến,

Hiện nay nội soi dạ dày thực quản vẫn là ưu tiên một trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày - thực quản, và có những cải tiến mạnh mẽ để cuộc soi ngày càng dễ chịu hơn, đb có nội soi dạ dày dưới gây mê nhẹ.

Nội soi dạ dày thực quản nhìn thấy trực tiếp niêm mạc dạ dày (xem có viêm sung huyết, loét 1 ổ, loét nhiều ổ, loét nông loét sâu...), có thể lấy các mẫu mô để làm các xét nghiệm (tìm Hp, nghi ngờ ung thư), và có thể dùng để điều trị (như kẹp cầm máu, cột thắt trong xuất huyết tiêu hóa trên).

Nếu em không muốn nội soi thì BS có thể điều trị thử bệnh dạ dày và tầm soát nhiễm Hp bằng xét nghiệm khác như test hơi thở, xét nghiệm máu tùy trường hợp, nhưng nếu sau điều trị mà bệnh tái lại hay có những dấu hiệu nguy hiểm (như thiếu máu, nuốt nghẹn...) thì cần thiết phải nội soi dạ dày thực quản.


- Công Huynh - conghuynh…@gmail.com

Chào AloBacsi.vn,

Ngày 3/5 cháu có bị tai nạn giao thông và khi ngã thì bị xe máy đè lên chân trái và mặt trước cổ chân trái bị một vết thương hở dài khoảng 3cm sâu. Lúc sơ cứu tuyến huyện có báo là bị đứt gân gập bàn chân khi được chuyển lên BV 103 các y BS ở đó khám và kiểm tra (chỉ kiểm tra bên ngoài) kết luận không sao và chỉ bó bột cố định bàn chân và cho xuất viện ạ.

Nhưng mấy hôm nay thỉnh thoảng cháu thấy buốt ở vết thương và khu vực da trên mu bàn chân quanh ngón chân cái bị tê. Nhiều đêm cảm giác bị gật gật ở chỗ vết thương nữa ạ.

BS cho cháu hỏi là liệu cháu có phải bị đứt gân không và biểu hiện của đứt gân gập bàn chân như thế nào ạ? Nếu đứt gân không được mổ nối ngay có ảnh hường gì không ạ?

Cháu cảm ơn BS đã check mail ạ, mong sớm có phản hồi từ BS ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Gân là phần chuyển tiếp của cơ, từ đó bám vào các mấu xương, các vị trí để khi cơ co - dãn sẽ hình thành động tác cụ thể cho từ vị trí. Đứt gân là một tổn thương thường gặp ở cổ tay, chân, bàn tay, chân. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương.

Gân ở vùng mu bàn chân là các gân duỗi. đứt gân mu chân thì thường có các triệu chứng chính: đau, cử động khó khăn, bàn chân/ ngón chân không duỗi được và sưng ở vùng bị ảnh hưởng. Chẩn đoán thường rõ ràng từ các triệu chứng và từ việc khám vùng bị ảnh hưởng.

Các triệu chứng hiện tại của em không đặc trưng cho đứt gân mu bàn chân, mà hướng đến tổn thương thần kinh ở khu vực này nhiều hơn. Nếu triệu chứng này khiến em khó chịu nhiều, em nên tái khám lại tại chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, em nhé.


- Điệp Hoàng - hoanghong…@gmail.com

Dạ chào BS,

Con tôi năm nay 21 tuổi, bị đau dạ dày đang điều trị. Không hiểu sao thời gian mấy tháng gần đây con tôi không được khỏe, ăn không thấy ngon.

Tôi không biết nên cho con tôi khám gì để con tôi cải thiện được sức khỏe của mình. Xin BS chỉ giúp tôi nên cho cháu khám ở khoa nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào anh chị,

Cháu đang bị đau dạ dày, nay có thêm triệu chứng không khỏe, ăn không ngon, có thể do bệnh dạ dày chưa kiểm soát được, có thể do thiếu chất, thiếu vi khoáng, căng thẳng đầu óc do áp lực học tập - công việc, do huyết áp thấp, rối loạn nội tiết...

Với tình trạng này, anh chị có thể đưa cháu đến tái khám BS đang điều trị hoặc đến BV đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa nội tổng quát hoặc chuyên khoa tiêu hóa đều được.

Song song đó, cháu cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng trong ngày (thịt cá, trứng sữa, rau xanh, củ quả, trái cây), uống đủ nước, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe, và tập thể dục, có thể bổ sung thêm thuốc bổ multivitamin.


- Hung Tang - tangsinh…@gmail.com

Em hay tê tay và vùng mặt cũng bị tê tê như kim chích. Xin hỏi BS em bị bệnh gì, nếu bị bệnh em nên khám ở đâu thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng mà em miêu tả có khả năng là có chèn ép thần kinh, có thể do nằm sai tư thế gây chèn ép thần kinh mạch máu, có thể do thiếu vitamin và khoáng chất, do bệnh lý thực thể của thần kinh - cơ...

Với tình trạng này, em cần sắp xếp khám chuyên khoa nội thần kinh. BS cần phải hỏi kỹ hơn về bệnh sử, tiền căn bệnh lý, thăm khám và làm xét nghiệm kiểm tra ban đầu, từ đó mới xác định rõ mặt bệnh, nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Vy Le - vyle…@gmail.com

Chào BS,

Vừa rồi em đi khám sức khỏe có xét nghiệm máu và nước tiểu. Kết quả gửi về thì máu là bình thường, còn nước tiểu bị bạch cầu cao 3+ nhưng BS không nói rõ là bệnh gì mà chỉ dặn dò là theo dõi đường tiết niệu và vệ sinh kĩ vùng kín.

Theo em được biết bạch cầu cao chỉ xảy ra với những trường hợp: có thai, uống ít nước hay nhịn tiểu, nhưng em không nằm trong 3 trường hợp trên.

Vậy cho em hỏi là bạch cầu cao có nguy hiểm không và BS có thể chẩn đoán được là tại sao em lại bị bạch cầu cao? Nếu đi khám thì khám chuyên khoa phụ khoa hay chuyên khoa thận? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vy,

Bình thường, trong nước tiểu chứa rất ít hoặc không có bạch cầu. Nếu nước tiểu của em chứa một lượng lớn các bạch cầu thì bạn có thể đang gặp phải nhiễm trùng hay vấn đề sức khỏe khác, như làm việc quá sức, mang thai, nhiễm trùng tiểu, sỏi thận, cách lấy nước tiểu sai.

Để đánh giá đúng cần phải rửa sạch vùng kín sau đó lấy nước tiểu giữa dòng. Nếu không rửa sạch vùng kín và lấy nước tiểu đầu dòng có thể bị lẫn huyết trắng và xét nghiệm sẽ sai...

Như vậy trong trường hợp của em chỉ có sự hiện diện bạch cầu trong nước tiểu, chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là nhiễm trùng tiểu. Em nên đến kiểm tra lại tại BV đa khoa, đăng ký khám chuyên khoa thận - tiết niệu hoặc chuyên khoa sản phụ khoa (nếu em đang có thai hay có rối loạn kinh nguyệt).


- Bạn đọc Bách - bachduong…@gmail.com

Kính chào BS,

Em tên Bách. Thưa BS em bị khó chịu phần dưới xương ức, cảm giác vướng mắc kèm theo thị lực mờ đi, hoa mắt, người luôn mệt mỏi, không muốn nói chuyện, giọng cũng không vuông tiếng.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bách thân mến,

Những biểu hiện trên báo hiệu sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa đủ để chỉ điểm ra bệnh gì, vì có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm họng mạn, viêm amidan mưng mủ mạn tính, thiếu máu, huyết áp thấp, căng thẳng lo âu nhiều, bệnh lý tim mạch, hô hấp, tâm lý, bệnh lý nội tiết tố...

Do vậy, BS phải khám trực tiếp cho em và có thể cần một số xét nghiệm hỗ trợ mới chẩn đoán được nguyên nhân. Em cần đến BV để kiểm tra sức khỏe, có thể đăng ký khám tổng quát.

Song song đó, em nên nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, ăn uống đầy đủ chất, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá.


- Nga T. - le…@gmail.com

Em chào BS ạ,

BS ơi cho em hỏi em uống thuốc tránh thai theo tháng nhưng đợt tới này, em khám sức khỏe, em ngưng uống thuốc tránh thai trước 2 ngày. Vậy em xét nghiệm nước tiểu có biết mình uống thuốc tránh thai không ạ? Xin BS tư vấn ạ. Em xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Nga thân mến,

Xét nghiệm nước tiểu thường quy trong kiểm tra sức khỏe định kỳ hay kiểm tra sức khỏe tổng quát là xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu 10 thông số. Xét nghiệm thường quy này không phát hiện được người bệnh có dùng thuốc tránh thai hay không, em nhé.


- Hanh Huynh - Khánh Hòa

Cho em xin được tư vấn,

Mẹ em bị đau cổ đau xuống vai, làm tay tê không cầm nắm được. 1 tháng trở lại đây đau càng nặng hơn. Mẹ em cứ nghĩ đau là do lớn tuổi, đi xoa bóp; rồi châm cứu nhưng khỏi, nên 2 tuần nay đã đi BS tư để tiêm thuốc nhưng càng nặng hơn!

Em nhờ BS tư vấn cách điều trị như thế nào để mẹ em hết đau.

Nếu em đưa mẹ vô BV Nhân dân 115 thì cần giấy tờ gì? Nhà em có thẻ BHYT cận nghèo. Tiền sử mẹ em bị tiểu đường type 2 đã 1 năm; và bị thoát vị đĩa đệm mổ 2 lần ở Sài Gòn; bị đau bao tử nặng.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hội chứng đau vai gáy thuộc nhóm bệnh lý cơ xương khớp ở vùng cột sống cổ, như căng mỏi cơ, căng dây chằng cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, công việc ngồi nhiều ít vận động, do thiếu vi khoáng chất (như canxi, kali, magie...)...

Nếu đau vai gáy kèm tê tay 1 bên thì phải kiểm tra xem có bị chèn ép rễ thần kinh cột sống thắt lưng hay không (thường gặp trong thoát vị đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp đốt sống...), hay có bệnh lý gì về thần kinh cơ - mạch máu phía bên đó không.

Với tình trạng này, mẹ em khám chuyên khoa cơ xương khớp để BS thăm khám + chụp phim để chẩn đoán bệnh và điều trị thích hợp. Trong thời gian này, chủ yếu người bệnh nên nghỉ ngơi, không lao động nặng, ăn uống đầy đủ chất.

Nếu em đưa mẹ em vào BV 115 để khám, em cần đem theo CMND và thẻ BHYT còn hạn sử dụng của mẹ em.

- Trường hợp mẹ em trong tình trạng cấp cứu thì được hưởng BHYT đúng tuyến,

- Trường hợp mẹ em không thuộc diện cấp cứu thì chỉ được hưởng BHYT trái tuyến;

- Nếu mẹ em không thuộc diện cấp cứu nhưng muốn được BHYT đúng tuyến khi nằm viện/ khám ở BV tuyến trên thì cần có giấy chuyển tuyến của BV tuyến dưới - nơi đăng ký khám BHYT.

Thân mến,


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X