Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi ơi, tóc bạc sớm có phải do máu xấu?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp các vấn đề: nước tiểu có bọt lâu tan, trầm cảm có tự chữa được không, tóc bạc sớm có phải do máu xấu, rốn chảy dịch, sỏi túi mật, polyp túi mật…

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Ho Van Quang - quangphuong...@gmail.com

Chào BS cho em hỏi,

Em đi khám vài lần rồi nhưng BS nói không có gì. Sáng nào ngủ dậy họng em cũng có đờm. Em cần tư vấn giúp nên làm gi đê giảm bớt đờm, xin cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Quang,

Triệu chứng ứ đọng đàm trong cổ vào buổi tối, sáng dậy phải khạc đàm thường gặp ở người hút thuốc lá, hội chứng chảy dịch mũi sau, viêm amidan mạn, viêm VA mạn, trào ngược dạ dày thực quản, thiếu nước khô họng, bệnh lý răng lợi…

Tôi không rõ em đã khám vài lần là khám ở đâu, BS chuyên khoa nào. Với triệu chứng trên thì em nên khám chuyên khoa tai mũi họng và nha khoa là tốt nhất.

Bên cạnh đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Lê Thị Toan - letoan…@gmail.com

Em chào BS,

Em 25 tuổi, mới sinh thường bé được 3 tháng, đi siêu âm BS kết luận gan nhiễm mỡ, túi mật có đám sỏi 6x40mm. Em vẫn đang cho bé bú mẹ.

Xin hỏi BS bệnh có nguy hiểm, và em nên làm gì ạ? Em vẫn như bình thường không đau ăn uống tốt ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Sỏi túi mật là bệnh rất phổ biến hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi. Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật.

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi.

Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng.

Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…

Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng.

Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:

- Viêm túi mật cấp do sỏi kẹt ở cổ hoặc ống túi mật cần phải điều trị phẫu thuật cấp cứu.

- Viêm đường mật do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật dẫn đến viêm đường mật. Đây là biến chứng nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi cấp cứu.

- Viêm tụy cấp do sỏi túi mật rớt vào ống mật chủ và kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ làm tắc nghẽn cả ống mật và ống tụy. Đây là biến chứng rất nặng, cần phải can thiệp lấy sỏi kịp thời.

- Ung thư túi mật liên quan với sỏi túi mật to (trên 25 mm), sỏi kèm với polyp túi mật, túi mật sứ.

Như vậy, hiện em không có triệu chứng của sỏi túi mật thì việc mổ nội soi cắt túi mật là không bắt buộc, nếu em muốn phẫu thuật để ngừa những biến chứng sau này cũng được, hay muốn chờ đến khi có triệu chứng mới mổ cũng được.

Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong thời gian cho con bú là không nên, kể cả thuốc tây hay đông y cũng vậy, vì hiệu quả tan sỏi của thuốc uống không cao (do sỏi của em lớn) mà có thể sẽ ảnh hưởng lên bé.

Vì em có kèm gan nhiễm mỡ, do đó em nên điều chỉnh lại chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp. Em cần ăn uống hạn chế dầu mỡ và các chất nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng gà, phủ tạng động vật, da mỡ động vật, các món chiên xào... Tăng cường chất xơ, rau xanh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá, nên tập thể dục 30-45 phút mỗi ngày, tùy theo khả năng.


- Tô Chính Quy - TPHCM

Nhờ BS tư vấn giúp em,

Gần đây em thường xuyên bị hắt hơi và sổ mũi, nước mũi tự chảy ra không kiểm soát được. Cổ họng thì cảm giác như bị vướng, ăn uống rất khó nuốt, mỗi lần ho thì thấy có mùi tanh, cho đến hôm nay là khoảng 1 tuần rồi, em vẫn còn ho, ho có đàm và có máu.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Nguyên nhân gây ho khạc đàm ra máu có thể do viêm nhiễm/ tổn thương mạch máu ở vùng hầu họng (thành sau họng) thường gặp trong viêm họng cấp và mạn, tổn thương trong đường dẫn khí, nhu mô phổi (lao phổi, u phổi, áp xe phổi), hay do rối loạn đông cầm máu...

Như vậy ho khạc ra máu không chỉ gặp trong ung thư phổi, có thể do tình trạng viêm sung huyết vùng mũi họng gây xuất huyết ít lẫn trong đàm, nhất là khi khạc mạnh, tuy nhiên vẫn phải cảnh giác, đặc biệt ở người có tiền căn hút thuốc lá nhiều, lớn tuổi.

Hiện tại theo thông tin em cung cấp thì BS hướng nhiều đến tình trạng viêm mũi họng cấp nhiều hơn là bệnh lý nguy hiểm.

Hướng xử trí tốt nhất hiện nay là em nên khám BS chuyên khoa tai mũi họng để BS soi kỹ vùng mũi - hầu họng cho em, chụp Xquang phổi... để loại trừ bệnh lý nguy hiểm, chẩn đoán bệnh, xác định mức độ nặng và điều trị thuốc thích hợp tương ứng.

Trong thời gian đó, em chú ý hạn chế ăn đồ ăn lạnh, đồ ăn chua cay, sinh nhiệt, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thêm rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không rượu bia, uống đủ nước và giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm.


- Nguyễn Bảo - baonguyen…@gmail.com

Vì sao siêu âm polyp túi mật có khi có một polyp, có khi có vài polyp, có khi không có cái nào? Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bảo thân mến,

Kết quả siêu âm phụ thuộc vào BS siêu âm (người siêu âm kỹ, người siêu âm giỏi sẽ khác với người siêu âm sơ sài, ngay cả cùng 1 người siêu âm thì có thể 2 lần siêu âm cho kết quả khác nhau đặc biệt là những trường hợp khó như polyp nhỏ).

Hơn nữa, kết quả siêu âm thay đổi liên tục theo diễn biến của bệnh, riêng đối với siêu âm quan sát túi mật thì siêu âm lúc bụng đói và lúc bụng no sẽ cho kết quả khác nhau.

Vì thế, việc bạn siêu âm polyp túi mật có khi có một polyp, có khi có vài polyp, có khi không có cái nào là chuyện có thể hiểu và lý giải được.


- Nguyễn Bảo - TPHCM

Tôi bị polyp túi mật và sỏi thận. Theo tôi biết siêu âm túi mật phải nhịn ăn, nhịn uống. Còn siêu âm sỏi thận phải uống nhiều nước.

Xin BS cho tôi lời khuyên để một lần siêu âm có thể kiểm tra hai bệnh cùng lúc. Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trong trường hợp này, để kết quả siêu âm tốt nhất trong mức độ cho phép thì bạn nên nhịn ăn và uống nước bình thường (để có cầu bàng quang khảo sát phần phụ ở nữ và tiền liệt tuyến ở nam nữa).

Tất nhiên là 1 xét nghiệm không thể nào “ôm trọn hết mọi trách nhiệm” được, ví dụ như vai trò của siêu âm trong khảo sát sỏi thận, nếu sỏi nhỏ và ở vị trí khó khảo sát như vùng chậu, bụng nhiều hơi thì siêu âm có thể bỏ sót, vì thế mà nên cần phối hợp thêm các xét nghiệm khác khi cần (BS sẽ lo phần này cho bạn).


- Kiều Thị Ngọc Quý - ngocquy…@gmail.com

Em đi xét nghiệm huyết học, trong đó PCT: khối tiểu cầu của em là 1,6 mà bình thường là 0,1=>0,5% vậy em có bị bệnh gì không ạ?

Và cho em cách để giảm khối tiểu cầu để đạt được mức bình thường. Em xin cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngọc Quý thân mến,

Trong công thức máu, những chỉ số biểu thị cho tiểu cầu là:

PDW = Platelet distribution width = Dải phân bố kích thước tiểu cầu. PLT = Platelet = Số lượng tiểu cầu

MPV = Mean platelet volume = Thể tích trung bình tiểu cầu

PCT = Plateletcrit = Thể tích khối tiểu cầu

Trong đó, quan trọng nhất là số lượng tiểu cầu, nếu tất cả các chỉ số PLT, MPV, PDW đều bình thường, chỉ duy nhất PCT tăng thì không có ý nghĩa đáng kể, không nói lên được là có bệnh hay bệnh gì nếu chỉ dựa vào PDW.

Hơn nữa, theo ngưỡng giá trị bình thường của thể tích khối tiểu cầu theo tiêu chuẩn chung là từ 1,6 -3,6 %, thì em đâu có tăng PCT.


- Nguyễn Bảo - TPHCM

Tôi đi tiểu có bọt lâu tan. Đi xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu bình thường. Xin hỏi tôi bệnh gì? Xin chân thành cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bảo thân mến,

Nước tiểu có nhiều bọt có thể do nhiều nguyên nhân, như tia nước tiểu bắn mạnh, cơ thể bị thiếu nước nhẹ, có đạm trong nước tiểu, tăng bilirubin trong nước tiểu...

Bạn xét nghiệm máu và nước tiểu (không rõ là làm các xét nghiệm gì) thì tất cả đều “bình thường”, như vậy hiện tại BS mà bạn đăng ký khám chưa ghi nhận những bất thường bệnh lý gây ra hiện tượng nước tiểu có bọt, có khả năng là do các nguyên nhân lành tính.

Vì thế bạn nên theo dõi thêm, uống nhiều nước trong ngày, kiêng bia rượu, nếu vẫn còn bất thường thì khám lại tại chuyên khoa thận tiết niệu.


- Nguyễn Ngọc Nghĩa - nghia0963…@email.com

Em bị tóc bạc sớm và sức khoẻ không bằng người cùng tuổi. Cho em hỏi có phải do máu có vấn đề không và khả năng là bị vấn đề gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Nghĩa,

Thông thường, bạc tóc là do sự lão hóa của cơ thể khiến các melanocytes sản xuất ngày càng ít sắc tố melanin.

Tuy nhiên, người trẻ bị bạc tóc sớm là có vấn đề. Bệnh tóc bạc sớm thường do khiếm khuyết di truyền trong cấu tạo melanin nhưng cũng có thể vì căng thẳng, mất ngủ, suy nhược cơ thể, rối loạn nội tiết (ví dụ như bệnh suy giáp), thiếu vitamin nhóm B...

Nếu gia đình em có những người trực hệ (cha mẹ ruột, ông bà, anh chị em ruột) cùng bị tóc bạc sớm thì hướng nhiều đến bệnh lý di truyền, gọi là bệnh poliosis (bạc lông, tóc), do sự thiếu hoặc giảm melanin (hắc tố) trong thân của lông, tóc.

Nếu tóc của em bạc nhanh, đột ngột thì em cần đến BV Da Liễu TPHCM để BS khám, tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp, em nhé.


- N.T.M.L. - li…@gmail.com

BS ơi cho cháu hỏi,

Cháu bị trầm cảm 3 năm rồi nhưng cháu không biết cháu bị nhẹ hay nặng. Hiện tại thì thỉnh thoảng cháu không kiểm soát được suy nghĩ của mình.thiếu tự tin vào bản thân hay nghĩ tiêu cực, hay tự đổ lỗi cho mình, cũng hay bị đau đầu, hay quên, trí nhớ giảm, khó tập trung vào 1 cái gì đó.

BS cho cháu hỏi cháu có bị nặng lắm không? Có phải đến BV khám không? Nếu có thể tự chữa được thì BS tư vấn cho cháu với ạ. Nếu đến BV thì gia đình cháu sẽ biết mất ạ. Cháu không muốn gia đình phải lo lắng. Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Em đang có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, những rối loạn về mặt tinh thần nếu chất chứa lâu ngày sẽ gây ra rối loạn thể chất, mà nếu không sớm cắt đứt tình trạng này thì lâu dài sẽ đẩy em đến những hành vi có hại cho bản thân, song song đó là ảnh hưởng lên công việc, giao tiếp xã hội, tương lai của em.

Bệnh trầm cảm là một trong những bệnh thuộc về bệnh lý tâm thần và rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, có phải trầm cảm thật không, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác mới định bệnh được.

Các bảng câu hỏi, các tiêu chuẩn chẩn đoán được đăng tải trên mạng nhầm mục đích giúp người dân có khái niệm về bệnh tâm thần, cảnh giác với bệnh tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán được. Bởi vì với kinh nghiệm chuyên môn của BS tâm thần mới nhận định được đâu là bất thường thật sự.

Do đó, em nên khám chuyên khoa tâm thần là tốt nhất, BS sẽ tư vấn tâm lý + thuốc hỗ trợ sẽ giúp được em mau lấy lại cân bằng.

Em cũng nên chia sẻ với người thân của mình theo cách nào em thấy phù hợp nhất, vì bệnh trầm cảm mà giấu thì rất khó điều trị thành công.

Song song đó, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, đi chùa, ngồi thiền, yoga... chọn cái nào phù hợp với bản thân em nhất và áp dụng, kiên trì.


- Nguyễn Thị Kim T. - nt…@gmail.com

Hi BS, nhờ BS tư vấn giúp tôi,

Hai lần tôi đi đại tiện xong thì đều có vài giọt máu, hậu môn không có nổi gì, chỉ mỗi lần đi là tôi phải rặn mới được. Không biết là tôi có phải bị trĩ không? Nhờ BS tư vấn giúp!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nếu bạn có tình trạng táo bón kéo dài, đi cầu thường xuyên phải rặn, nay xuất đi cầu ra máu đỏ tươi không hòa lẫn vào phân (ở mặt ngoài phân hay nhỏ giọt sau đi tiêu phân) thì nhiều khả năng đó là trĩ.

Trĩ độ 1 thì búi trĩ không lòi ra, trĩ độ 2 thì đứng dậy búi trĩ tự thụt vào; độ 3 thì phải lấy tay đẩy búi trĩ vào và độ 4 thì không thể lấy tay đẩy búi trĩ vào.

Trong điều trị trĩ, thông thường, BS sẽ kê toa thuốc cho bạn uống trong một thời gian để giảm nhỏ kích thích búi trĩ và giảm chảy máu, nặng thì mới mổ.

Quan trọng là bạn cần thay đổi lối sống của mình, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều gia vị, cay và chất kích thích như rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá, tăng cường vận động, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh, bạn nhé.

Tuy vậy, bạn cần phải khám chuyên khoa tiêu hóa để được kê thuốc thích hợp, theo luật của bộ Y tế, chúng tôi không được phép kê thuốc trên kênh truyền thông, đồng thời BS tiêu hóa sẽ tìm xem có các tổn thương nguy hiểm trong lòng ruột già gây đi cầu ra máu hay không (như polyp, u đại trực tràng...).


- Ngọc Th. - huynhngoc…@gmail.com

Chào BS,

Em muốn hỏi BS là từ lúc nhỏ tới giờ em hay bị chảy nước rốn và có mùi hôi. Mẹ em kể hồi có thai em mẹ em cũng bị vậy nhưng đã hết.

Còn em lúc nhỏ tới giờ hay bị. Hồi nhỏ nước rốn chảy nhiều phải rửa băng bông và oxy già và dùng thuốc kháng sinh viên con nhộng màu trắng rắc vào nhưng đến nay vẫn không khỏi.

Em vẫn bị vậy nhưng nước chảy ít hơn, vẫn hôi. Em đi khám BS nói do mặc quần bí và dùng tay đụng vào nên nhưng từ nhỏ tới giờ em bị hoài. Thật ra em không đụng tay vào rốn gì cả. Quần có khi mặc hở rốn.

Em không biết bị gì nữa, có nghiêm trọng hay không, hay yếu tố bẩm sinh gì không ạ? BS giải đáp giúp em với ạ, em cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tượng chảy dịch ở rốn giữa em và mẹ em là hoàn toàn khác nhau.

Mẹ em từ nhỏ không bị, chỉ khi có thai mới bị, sau đó thì không bị nữa, còn em thì ngay từ nhỏ đã bị và kéo dài liên tục thì nguyên nhân chảy dịch rốn giữa 2 người là khác nhau.

Tôi không rõ em đã khám BS chuyên khoa nào, nhưng theo tôi thì mặc quần bí và hay móc tay vào rốn có thể gây nhiễm trùng ở rốn, tuy nhiên hành động này không gây chảy nước ở rốn liên tục từ nhỏ đến lớn như trường hợp của em.

Tình trạng của em thì cần cảnh giác với bệnh lý nang rốn. Có thể là nang rốn đơn thuần, có thể là bệnh lý bẩm sinh tồn tại một ống thông thương từ bàng quang hay ruột ra đến lỗ rốn bên ngoài, bệnh này không thể tự tiêu mà nó cần được phẫu thuật mới điều trị triệt để được.

Trong trường hợp nang rốn đơn thuần thì nếu nang nhỏ thỉnh thoảng mới bị nhiễm trùng gây tiết dịch hôi thì BS có thể cho thuốc về uống để hết nhiễm trùng sẽ hết tiết dịch, nhưng cũng không triệt tiêu được cái nang này bằng thuốc, do đó điều trị phẫu thuật cắt bỏ nang này sẽ tốt hơn.

Bệnh của em là bẩm sinh, không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Em nên đến BV có chuyên khoa ngoại tổng quát để được kiểm tra kỹ hơn và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp và chi phí cần chuẩn bị (thường không quá cao), em nhé.

Thân mến,

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X