Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi ơi, em là tài xế mà đầu óc cứ hay choáng váng

Là tài xế mà đầu óc cứ hay choáng váng, không đi cầu được sau khi uống thuốc xổ giun, tự nói chuyện một mình, rối loạn sinh tủy, cường giáp... là nội dung tư vấn của BS Lan Hương.

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Lê Ph. L. - cong…98@yahoo.com

Em rất hay nói chuyện một mình, vì em nghĩ không ai hiểu em cả. Em nói chuyện một mình mọi lúc mọi nơi. Em tâm sự một mình, như thể mà có người nghe em tâm sự vậy. Điều đó làm em thoải mái.

Nhưng em vẫn luôn thấy kì lạ vì điều đó. Tâm trạng em khá nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhẹ, lập tức em sẽ nghĩ về chiều hướng tiêu cực. Em luôn trong tâm thế đưa bản thân mình vào buồn bã, chán nản, bế tắc, luôn thấy bản thân rất tệ.

Cuộc sống trong mắt em như một màu đen, lúc nào em cũng thấy như vậy. Em bị mất ngủ, dù có buồn ngủ rất nhiều nhưng không thể nào ngủ được thì lúc đó em lại tự nói chuyện một mình.

Em không biết phải cải thiện từ đâu, BS ơi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hành vi tự đối thoại một mình có thể gặp ở người bình thường, với nhiều mục đích khác nhau, như để giải tỏa căng thẳng, ức chế, bực dọc, buồn vui; để phân tích một vấn đề gì đó, độc thoại với nội tâm...cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần, như tâm thần phân liệt chẳng hạn.

Vấn đề nói chuyện 1 mình của em, tôi ít nghĩ là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, bởi vì em vẫn còn nhận thức rõ là em “tâm sự một mình, vì em nghĩ không ai hiểu em cả”. Tuy nhiên, cũng không phải là hoàn toàn bình thường, vì cái gốc ở vấn đề là em luôn “buồn bã, chán nản, bế tắc, luôn thấy bản thân rất tệ”, “Cuộc sống trong mắt em như một màu đen, lúc nào em cũng thấy như vậy. Em bị mất ngủ, dù có buồn ngủ rất nhiều nhưng không thể nào ngủ được”; đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. bởi vì nếu chỉ đơn thuần là những bức bách trong cuộc sống thì em sẽ có thể tự điều tiết bản thân mình cho phù hợp hơn và có thể cố gắng suy nghĩ tích cực hơn, ngược lại, em “chỉ cần một tác động nhẹ, lập tức em sẽ nghĩ về chiều hướng tiêu cực”.

Người có bệnh trầm cảm sẽ không thể giải quyết các vấn đề khó khăn về mặt tình cảm trong cuộc sống. Nếu không nhận biết sớm thì bệnh sẽ càng nặng, càng khó trị và xấu nhất là dẫn đến việc tự tử vì những lý do vốn dĩ không đáng.

Vì thế, tôi khuyên em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Song song đó, em nên sắp xếp thời khóa biểu làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn, có thể nghe nhạc giao hưởng để giải stress, hạn chế cafe bia rượu, không hút thuốc lá, tập thể dục để giải tỏa năng lượng xấu, có lịch nghỉ phép du lịch ngắn hạn, đi chùa, ngồi thiền, yoga... chọn cái nào phù hợp với bản thân em nhất và áp dụng, kiên trì.

Chỉ có thuốc điều trị kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống, em nhé.


- Thái Thị X. - thaithi…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Hiện tại em mới bị tai nạn gãy xương và phải tạo da ở chân và em lại đang đến tháng. Mọi lần đến tháng em đều phải uống thuốc sắt để bổ sung. Vậy giờ em có uống được không ạ? Em cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em vẫn có thể uống thuốc bổ sắt ở thời điểm này, thuốc bổ sắt không ảnh hưởng gì xấu đến việc lành vết thương cả, em nhé.

Tuy nhiên, nếu cứ đến chu kỳ kinh mà em phải uống thuốc bổ sung sắt mới thấy khỏe được, thì em cũng nên khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm công thức máu, sắt huyết thanh, ferritin xem có bị thiếu máu không, mức độ ra sao, thiếu sắt nhiều không để có hướng điều trị chuẩn xác.


- Hưng Lê - hungle…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 28 tuổi, cao 170cm nặng 88kg vòng eo 110cm. Em có đi khám BS ngoài đo huyết áp em lên tới 160/100, 150/100 (đo bằng máy điện tử) lúc đó em đang rất lo lắng vì chuẩn bị nội soi.

Nhưng khi em về nhà đo lại huyết áp (bằng máy điện tử) trong vòng 2 tuần mỗi sáng, chiều thì huyết áp em giao động từ 115/75 đến 130/80 (huyết áp 130/80 rất ít xuất hiện rất ít) ạ.

Như vậy em có bị cao huyết áp không ạ, và có cần dùng thuốc điều trị không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hưng thân mến,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào BV, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở... nhìn chung là các stress đối với cơ thể.

Như vậy, huyết áp ghi nhận ở những lúc cơ thể đang lo lắng, bồn chồn sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp dao động bình thường của người bệnh.

Huyết áp của em đo lúc trước khi nội soi thì dù có cao, cũng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán tăng huyết áp.

Huyết áp được đo khi người bệnh nằm nghỉ 3-5 phút, nếu ở phòng khám mà huyết áp tâm thu có 2 lần trên 140 mmHg và / hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg là có tăng huyết áp.

Còn nếu ở nhà, cũng đo tương tự như vậy, nếu có 2 lần trên 130/80 là có tăng huyết áp (dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp của hội tim mạch châu Âu), còn theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Mỹ thì cũng là tiền tăng huyết áp rồi.

Để quyết định có điều trị hay không thì em cần khám chuyên khoa tim mạch, tốt nhất là đo huyết áp 24 giờ xem mức huyết áp cao nhất bao nhiêu, thấp nhất bao nhiêu, xét nghiệm tầm soát tất cả các cơ quan đích hay bị ảnh hưởng của tăng huyết áp xem có vấn đề gì không (như tim, thận…).

Và một điều chắc chắn là em cần giảm cân, bằng chế độ ăn giảm calo và tập thể dục, bởi vì thừa cân - béo phì - béo bụng là yếu tố nguy cơ chính của tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch.


- Nguyen Van Thanh - Tiền Giang

AloBacsi ơi,

BS chẩn đoán tôi bị rối loạn sinh tủy, xét nghiệm tủy FISH khảo sát bất thường 5p31 và 7p31 phân tích 200 tế bào bình thường. Vậy xin hỏi tôi có mắc bệnh rối loạn sinh tủy không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Thanh,

Hội chứng rối loạn sinh tủy là một nhóm bệnh lý ác tính của các dòng tế bào tạo máu trong tuỷ xương, đặc trưng bởi tình trạng sinh máu không hiệu lực, gây ra giảm sản hoặc loạn sản các dòng tế bào máu và có nguy cơ cao tiến triển thành lekeumia cấp dòng tuỷ (ung thư máu, bệnh máu trắng).

Mặc dù được coi là một tình trạng bệnh lý tiền ung thư máu với sự hình thành của các dòng tế bào gốc ác tính trong tuỷ xương, nhưng không phải tất cả các trường hợp rối loạn sinh tủy đều tiến triển thành ung thư máu cấp.

Hội chứng rối loạn sinh tủy được chẩn đoán chủ yếu dựa vào công thức máu, hình thái tế bào máu. nhưng những phân tích về gen tế bào học tuỷ xương cũng có vai trò hết sức quan trọng, giúp cho việc tiên lượng bệnh và điều trị.

Khoảng 40-70% các trường hợp rối loạn sinh tủy tiên phát có bất thường về nhiễm sắc thể được phát hiện qua kỹ thuật phân tích nhiễm sắc thể thông thường (FISH). Do đó, FISH bình thường không có nghĩa là không có rối loạn sinh tủy.


- Thanh Thêm - Ninh Thuận

Dạ em xin chào BS,

Mấy tháng trước em có đi khám BS thì được chẩn đoán là bị nhiễm độc tuyến giáp (cường giáp) với nồng độ TSH là 5.

Cho em hỏi là bệnh của em có phải là bị thừa iod không ạ và nó có nguy hiểm không? Cách điều trị ra sao ạ? Em cảm ơn!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thêm,

Nhiễm độc giáp hay thường gọi là cường giáp, là biểu hiện lâm sàng của tình trạng thừa hormon tuyến giáp lưu hành trong máu. Nguyên nhân gây cường giáp thì có thể do thừa iod, có thể không liên quan đến dư thừa iod; cụ thể, nguyên nhân gây cường giáp bao gồm:

Cường chức năng tuyến giáp tiên phát

+ Bệnh Basedow - Grave .

+ Bướu đơn nhân độc, bướu đa nhân độc tuyến giáp: các nhân hoạt động tự chủ trong tuyến giáp.

+ Bệnh Job-Basedow : do thừa iod.

+ Các nhân di căn của carcinom tuyến giáp có hoạt động chức năng.

+ Bệnh ung thư tế bào nguyên bào nuôi (Chorio-carcinoma); U quái buồng trứng

Không do cường chức năng tuyến giáp

+ Viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp im lặng, viêm tuyến giáp do chiếu xạ, …

+ Do dùng thuốc: dùng hormon tuyến giáp liều quá cao, các thuốc có chứa nhiều iod (amiodarone).

Cường chức năng tuyến giápthứ phát

+ U tuyến yên tiết TSH

+ Hội chứng kháng hormone giáp

+ U tiết hCG

+ Nhiễm độc giáp thai kỳ

Bệnh cường giáp không phải ung thư, nhưng cũng nguy hiểm vì ảnh hưởng đến tất cả cơ quan trong cơ thể và cũng có những biến chứng nặng nếu không điều trị.

Điều trị bệnh cường giáp thì đầu tiên phải xác định nguyên nhân gây bệnh, có bướu giáp không, lượng hormon trong máu ra sao (FT4, FT3), có kháng thể kháng giáp không…

Do đó, em nên khám tại chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán xác định bệnh rõ ràng và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé


- Hoài Nam - hoainam…@gmail.com

BS ơi,

Sao con uống Fugacar 3 ngày rồi mà không đi cầu ạ? Liệu có tác dụng phụ gì không ạ? Con 18 tuổi. Cám ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hoài Nam thân mến,

Fugacar là thuốc tẩy giun, Thành phần thuốc: Mebendazole. Hàm lượng: 500 mg.

Đây không phải là thuốc giúp đi cầu được và cũng không có tác dụng phụ gây táo bón, ngược lại tác dụng phụ của Fugacar có thể gặp là đau bụng tiêu chảy thoáng qua khi nhiễm nhiều giun.

Trước mắt em có thể xử lý bằng các cách thông dụng như dùng thuốc bơm hậu môn, uống nhiều nước, ăn chuối, đu đủ, ngồi chồm hổm trên bồn cầu để tạo tư thế dễ đi, uống thuốc xổ (mua tại nhà thuốc).

Nếu vẫn mà vẫn không được thì em cần khám BS chuyên khoa tiêu hóa để BS kiểm tra và kê thuốc phù hợp.


- Bích Ngọc - Bình Định

Thưa BS,

Tôi cắt amidan 7 tháng rồi và hiện giờ tôi vẫn bị viêm họng và họ nhiều. Một bên amidan bị cắt giờ có vết loét nhỏ uống thuốc nhưng không bớt, tôi phải làm sao?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bích Ngọc thân mến,

Sau khi cắt amiđan người bệnh vẫn có thể bị viêm họng lại, vì hệ bạch huyết thành sau họng rất nhiều và amidan chỉ là 2 tuyến lớn nhất nằm ở 2 bên. Thậm chí, người bệnh có thể viêm họng tái đi tái lại nếu giữ không kỹ, như hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường và nói to, nói nhiều, ăn đồ chua cay nóng, uống nước đá lạnh, viêm mũi xoang mạn không chữa tận gốc, trào ngược dạ dày thực quản...

Với tình trạng này, bạn cần khám chuyên khoa tai mũi họng để BS kiểm tra và kê thuốc thích hợp, chú ý nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản vì bệnh này hay gặp hiện nay.

Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, có thể bổ sung thêm vitamin C (nếu không đau dạ dày) để tăng sức đề kháng cho cơ thể.


- Le Hoai Duc - Lâm Đồng

Em cứ bị choáng váng, mất thăng bằng hoài. Liệu chạy xe được không vì công việc em làm tài xế? Em không biết làm sao cho hết bệnh, đầu óc lúc nào cũng như ở trên mây ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Người có triệu chứng choáng váng, mất thăng bằng thường xuyên thì không nên lái xe, bởi vì khả năng gây tai nạn rất cao, tai nạn xảy ra sẽ gây nhiều hệ lụy cho bản thân, công việc và cả người khác.

Trước hết là bạn cần đến BV kiểm tra sức khỏe, tìm nguyên nhân gây choáng váng, mất thăng bằng (như rối loạn tiền đình, thiếu máu não, bệnh lý tim mạch-huyết áp…) để điều trị thích hợp, bạn nên khám chuyên khoa nội thần kinh, bạn nhé. Trong thời gian đó, bạn nên

- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, lượng muối cao.

- Tránh cafe, rượu, bia.

- Uống nhiều đủ nước mỗi ngày chừng 1, 5 lít nước để bù lại lượng nước mà cơ thể bị mất.

- Nên tiêu thụ nhiều thực phẩm như: rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc để bổ sung lượng vitamin, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

- Ngủ đủ giấc.


- Nguyễn Xuân Doanh - Hà Nội

Thưa BS,

Dạo gần đây em hay bị đau bụng ở phía bên phải của rốn, nó hơi hơi khó chịu ạ. Em nên mạng đọc thì có vài bệnh liên quan như dạ dày, sỏi thận,... nhưng em không biết sao. Mong BS có thể giải đáp giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Doanh thân mến,

Có nhiều cơ quan ở vùng bụng phải cạnh rốn đều có thể gây đau, gồm thận - niệu quản, gan mật, ruột (dạ dày, tá tràng, ruột non), cơ thành bụng...

Để chẩn đoán được nguyên nhân thì BS cần có nhiều thông tin hơn nữa, như thời gian đau, đau quặn hay liên tục âm ỉ hay đau nhói, đau bụng khi đang làm gì, có liên quan bữa ăn hay không, tiêu tiểu ra sao… và có thể cần thêm xét nghiệm hỗ trợ (như siêu âm bụng, chụp Xquang bụng không sửa soạn…).

Vì thế, em nên đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, khai thác kỹ hơn bệnh sử, tiền căn, làm xét nghiệm kiểm tra, từ đó BS sẽ chẩn đoán xác định bệnh và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.

Trong thời gian này em nên ăn thức ăn dễ tiêu, ăn chín uống sạch, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày.


- Tran Thi Hoai - Hà Tĩnh

Em bị tim đập chậm, đã đi khám và BS kê cho em loại thuốc này tên thuốc là Medi - Levozulpirid. Vậy thuốc này uống có tăng nhịp thêm được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Levosulpirid thuộc nhóm thuốc an thần kinh, giải ức chế, không có tác dụng trực tiếp lên nhịp tim (không phải là thuốc làm tăng nhịp tim).

Một số trường hợp bệnh nhân có bất thường nhịp timdo lo âu, căng thẳng thì BS có thể kê thêm thuốc này giúp bình tâm lại, từ đó gián tiếp giúp nhịp tim bình thường.

Quan trọng là em uống thuốc vô thấy sao, thấy nhịp tim có cải thiện không, nếu không cải thiện hay còn khó chịu gì thì em cần khám lại BS chuyên khoa tim mạch để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, em nhé.


- Ngọc Thơ - Khánh Hòa

Dạ thưa BS,

Nay con 29 tuổi, tự nhiên 2 tháng nay huyết áp tăng và con đã đi khám ở phòng khám Hoà Hảo, đã chụp CT và siêu âm thận và tim, MRI bụng và CT ngực bụng, kết quả là tốt không bị sao hết.

BS bên đó kết luận là tăng huyết áp người trẻ, tăng acid uric, tăng metannephrine nhiều và cho toa uống 1 viên Adalat la 30mg, Concor 5mg sáng 1 chiều 1, Lopo plus 1 sáng.

2 tháng nay uống vậy mà huyết áp vẫn không cải thiện. Cho con hỏi con nên làm thế nào và ở TPHCM có BV nào khám chính xác không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Ngọc Thơ,

Tăng huyết áp (THA) ở người trẻ tuổi thường là tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân bệnh lý gây tăng huyết áp), khác với tăng huyết áp ở độ tuổi trung niên là tăng huyết áp vô căn (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát).

THA vô căn thì phải uống thuốc suốt đời. Còn THA thứ phát thì nếu trị được nguyên nhân gốc (ví dụ như cắt bỏ u tuyến thượng thận trong THA do u tuyến thượng thận) thì không cần phải uống thuốc suốt đời vì THA sẽ hết sau khi nguyên nhân bị loại trừ. Cũng có trường hợp người trẻ tuổi bị THA vô căn.

Để tầm soát nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát ở người trẻ thì bao gồm rất nhiều xét nghiệm, nghiệm pháp, như TSH, FT4, FT3, catecholamine, renin, aldosteron, cortisol, siêu âm tim, bụng, mạch máu cổ - chủ - thận, CTscan, MRI...

Bên Hòa Hảo đã cho em làm gần như đầy đủ các xét nghiệm (như siêu âm, CT, MRI…) và chưa có phát hiện ra nguyên nhân, có khả năng em bị tăng huyết áp nguyên phát (vô căn) ở người trẻ.

Tuy nhiên, với liều thuốc huyết áp hiện tại cũng tương đối không thấp mà vẫn không kiểm soát được huyết áp của em, thì nếu có nhu cầu khám ở chuyên khoa tim mạch, em có thể đến các trung tâm chuyên về tim mạch như Viện Tim TPHCM, BV Tim Tâm Đức, BV Nhân dân 115, BV ĐH Y Dược... để kiểm tra thêm và hỗ trợ điều trị. Khi đi khám đem theo các xét nghiệm em đã làm, em nhé.


- Nguyễn Ngọc Thanh - 0989…641 - Bình Thuận

Chào BS,

Cho em hỏi em suy nghĩ nhiều, hồi hộp, sợ hãi, lo lắng… có phải như vậy dẫn đến huyết áp cao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thanh thân mến,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg. Huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào BV, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở... nhìn chung là các stress đối với cơ thể.

Như vậy, hồi hộp lo lắng có thể làm huyết áp lúc đó cao, và huyết áp ghi nhận ở những lúc cơ thể đang lo lắng, bồn chồn sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp dao động bình thường của người bệnh; nhưng khi hết lo lắng rồi thì huyết áp sẽ về bình thường (vì một người không thể lo lắng liên tục 24/7 được).

Tuy nhiên, huyết áp cao có thể gây ra hồi hộp, đánh trống ngực.

Do đó, nếu ngờ huyết áp cao, em vẫn nên khám chuyên khoa tim mạch để được khảo sát toàn diện và điều trị thích hợp.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X