Hotline 24/7
08983-08983

AloBacsi giao lưu trực tuyến “1001 thắc mắc về bệnh thận và ghép thận”

Vào 14g30, ngày 8/8, BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 lần đầu tiên tư vấn trên AloBacsi xung quanh các vấn đề về hiến thận, ghép thận.

BS.CK2 Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 ân cần kiểm tra cho người bệnh

Tuần qua, khối Thận - Niệu đã có hai ngày hội nghị khoa học hết sức quý giá (1 và 2/8) tại BV Nhân dân 115.

Các chuyên gia Thận Niệu hàng đầu trong và ngoài nước đã tham gia 17 báo cáo khoa học hết sức giá trị.

Trong vai trò chủ nhà, đơn vị đứng ra tổ chức, BS.CK2 Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 đánh giá hội thảo đã đem đến cho hơn 150 bác sĩ chuyên ngành Thận - Niệu những chia sẻ hết sức giá trị.

Hội thảo đã giúp các bác sĩ lâm sàng thêm kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh thận, ghép thận cho bệnh nhân bị viêm gan B,C. Cập nhật những thông tin mới nhất về điều trị sau ghép thận.

Để chia sẻ cùng bạn đọc - người bệnh thận, BS.CK2 Tạ Phương Dung nhận lời tư vấn cùng AloBacsi, giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về bệnh thận, nhất là những ca suy thận mạn, chạy thận nhân tạo, muốn ghép thận hay hiến thận cho người nhà. Đồng thời, BS Dung cũng muốn chia sẻ rộng rãi những thông tin mới nhất về điều trị bệnh Thận - Niệu của thế giới trong năm 2017.

Thời gian giao lưu trực tuyến chủ đề “1001 thắc mắc về bệnh thận và ghép thận” vào lúc 14g30 ngày 8/8.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh lý này, mời bạn hãy gửi ngay câu hỏi ngay cho chúng tôi TẠI ĐÂY.

Nội dung buổi tư vấn của BS.CK2 Tạ Phương Dung với bạn đọc AloBacsi

- Nguyễn Hoàng Gia Thịnh - Chợ Lách, Bến Tre

Trường hợp bệnh thận nào cần phải ghép thận, thưa bác sĩ? Có phải 100% các ca suy thận mãn đều có chỉ định ghép thận?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Gia Thịnh,

Khi nào bệnh nhân bị suy thận ở gia đoạn cuối (giai đoạn 5) thì cần ghép thận. Khi đã trong giai đoạn này thì tất cả bệnh nhân đều có chỉ định ghép thận. Tuy nhiên, để được ghép được thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ là sức khỏe bệnh nhân có cho phép không? Bệnh nhân có bị các bệnh khác như viêm gan, lao… hay không? Bệnh nhân có người cho thận phù hợp hay không; kinh phí…


- Trần Kiều Vân - vanbid…@gmail.com

Điều kiện sức khỏe, tuổi tác, kinh phí dành cho 1 ca ghép thận? 1 ca ghép thận thường kéo dài bao lâu và bệnh nhân phải nằm bệnh viện bao nhiêu ngày?

Nguồn thận, bệnh nhân tự tìm hoặc được bệnh viện tìm giúp ạ?


BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Kiều Vân,

Ở Việt Nam, hiện người ghép cao tuổi nhất là 71 tuổi.

Trước khi ghép, bệnh nhân cần được kiểm tra kĩ về sức khỏe để dảm bảo là chịu đựng được ca phẫu thuật hay không. Một ca ghép thận, trung bình vào khoảng 2-4 tiếng. Ca kéo dài thường là do vừa kết hợp ghép thận, vừa rút bỏ Catheter lọc màng bụng trước đây.

Bệnh nhân trung bình nằm viện 2 tuần sau khi ghép.

Cho tới giờ, nguồn thận từ người cho sống là do bệnh nhân tự tìm trong gia đình, bạn bè, người thân. Trừ khi, có nguồn thận từ người chết não thì Trung tâm điều phối Ghép tạng sẽ phân bổ.


- Nguyễn Thành Hưng - 36 tuổi, TPHCM

Bác sĩ ơi, sau khi ghép, cuộc sống của người ghép thận có thể bằng bao nhiêu % người bình thường? Có thể đi làm được không ạ? Có thể lập gia đình và có thể vẫn làm cha, mẹ như người bình thường? Em nghe nói, ghép xong còn phải uống thuốc cả đời. Thuốc nào có mắc không bác sĩ ơi. Bảo hiểm y tế có phụ chi trả tiền thuốc này?


Em cảm ơn BS Dung thật nhiều.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Thành Hưng,

Sau khi ghép, cuộc sống của người ghép thận gần như bình thường, có thể đi làm, có thể lập gia đình. Người nữ ghép thận vẫn có khả năng lấy chồng và sinh con như bình thường, không ảnh hưởng gì cả. Sau khi ghép thận, bệnh nhân cần được uống thuốc cả đời là đúng lắm.

Chi phí ghép thận nằm trong khoảng 300-400 triệu đồng (ngoài BHYT) và được BHYT chi trả cho hầu hết các loại thuốc đối với bệnh nhân ghép thận. Tùy từng đối tượng mà có mức chi trả khác nhau, từ khoảng 50 - 100% chi phí ghép thận.



- Trần Hoài Phong - SĐT: 0976458…

BS Dung ơi, bảo hiểm y tế có chi trả cho các ca ghép thận? Nếu có bảo hiểm y tế trên 5 năm, thì bệnh nhân phải chuẩn bị thêm bao nhiêu tiền nữa cho ca ghép này, thưa bác sĩ? Sau khi ghép, khả năng thải loại thận mới - thất bại là bao nhiêu phần trăm ạ? Nếu cơ thể không chấp nhận quả thận mới thì người bệnh sẽ làm sao ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Hoài Phong,

Tùy vào từng trường hợp của mỗi bệnh nhân mà có mức phí khác nhau. Sự khác nhau nằm ở các xét nghiệm chẩn đoán, sự tương thích giữa nguồn thận với cơ thể và thuốc sẽ được chỉ định… sẽ quyết định tổng chi phí mà bệnh nhân phải trả.

Thông thường, chúng tôi luôn tư vấn cho bệnh nhân của mình phải chuẩn bị khoảng từ 300-400 triệu đồng/ ca ghép thận (ngoài BHYT). Chúng ta cũng cần phải đề phòng sau mổ có những biến chứng mà phải sử dụng thuốc thêm hoặc dị ứng thuốc này phải thay bằng thuốc khác… do đó, việc chuẩn bị mức tiền trên là cả dùng cho phương án dự trù này.

Nếu nguồn thận ở người cho đang còn sống, khỏe mạnh thì bác sĩ sẽ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nên việc đào thải trên người được ghép thận rất thấp. Tuy nhiên, nếu ghép ở người chết não thì do không có nhiều thời gian chuẩn bị nên tỉ lệ này cao hơn. Về sau này, do có những loại thuốc mới ra đời cho phép việc tự khắc phục được sự đào thải này.

Một số trường hợp cơ thể không chấp nhận quả thận mới thì bác sĩ buộc phải lấy quả thận đó ra. Việc dùng thuốc trong giai đoạn này sẽ nhằm hạn chế và thích nghi dần. Các trường hợp nặng hơn thì bác sĩ buộc phải loại bỏ quả thận ghép. Tuy nhiên, trường hợp này được cho là khá hiếm gặp.



- Đặng Chấn Vũ - đường Trần Phú, Đà Lạt, Lâm Đồng

Suy tim có được ghép thận không thưa bác sĩ? Khả năng thành công trong ghép thận của người suy tim là bao nhiêu %? Có thể vừa ghép tim và ghép thận? Nếu cả 2 bộ phận trên cùng bị suy thì nên làm sao bác sĩ ơi?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Chấn Vũ,

Trường hợp bệnh nhân bị suy tim nặng thì không nên ghép thận bởi vì bệnh nhân sẽ phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật tương đối lớn, sau đó vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc để điều trị bệnh. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này, nếu điều trị suy tim ổn định thì vẫn có thể ghép thận được.

Tỉ lệ thành công của ca ghép tim và thận phụ thuộc vào nguyên nhân của suy tim là gì: suy tim do hẹp van tim hay xung huyết thì nếu điều trị tạm ổn thì vẫn có thể ghép tốt. Còn đối với bệnh suy tim do tim giãn nở thì tỉ lệ thành công rất là thấp.

Ở nước ta, việc kết hợp ghép tim và thận chưa được thực hiện do yêu cầu kĩ thuật cao và nhiều sự đòi hỏi nghiêm ngặt đặc biệt.

Nếu bị suy cả hai bộ phận trên thì có thể ưu tiên điều trị nội khoa bệnh suy tim trước để tiến hành ghép thận. Nhiều khi, ghép thận xong thì chứng suy tim cũng tự động khỏi.



- Đỗ Hoài Nam - namdo72…@yahoo.com

Chú tôi cùng lúc vừa viêm gan C vừa suy thận. Vậy chú tôi có cơ hội được ghép thận không, thưa bác sĩ ? Phải điều trị viêm gan hết mới được ghép thận phải không ạ? Có cơ hội cho chú ấy không bác sĩ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Bạn Đỗ Hoài Nam thân mến,

Trước đây, trong điều trị bệnh viêm gan C thì người ta thường sử dụng thuốc chích, mà trong việc chích thuốc này mang lại nhiều tác dụng phụ, dẫn đến tỉ lệ ghép thận thành công không cao. Ngày nay, việc ra đời rất thuận tiện, rút ngắn thời gian điều trị xuống còn khoảng 3 tháng thôi nên bệnh nhân vẫn có cơ hội được ghép thận. Thực tế, tại khoa Nội thận chúng tôi có những bệnh nhân bị viêm gan B, C vẫn ghép được thận như thường.



- Võ Trần Huyền Trang - Bình Thuận

Một người chỉ được ghép thận 1 lần hay có thể ghép lại lần 2 ạ?

Chi phí của ghép lần 2 là bao nhiêu? Tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn lần một phải không ạ? Có bao giờ bác sĩ ghép lần 2 cho ai chưa? Kết quả thế nào?


BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn,

Một người có thể được ghép thận lần 2 nếu lần đầu thất bại hoặc sau nhiều năm thận đã được ghép trước đó bắt đầu suy trở lại.

Ở Khoa Nội thận - Miễn dịch ghép - BV Nhân dân 115 chúng tôi đã có 9 ca ghép thận lần 2 rồi. Qua theo dõi thì chúng tôi thấy tiến triển bệnh nhân khá tốt và đương nhiên thời gian “gắn bó” của trái thận đó sẽ thấp hơn so với lần đầu. Tuy nhiên, trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ghép thận lần 2, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm.

Chi phí cho một ca ghép thận lần 2 cũng giống như lần 1 là khoảng 300-400 triệu đồng (ngoài BHYT).



- Nguyễn Thị Bé Sáu - Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Anh em ruột có thể cho nhau 1 quả thận, hay bố mẹ cho con có được không bác sĩ ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn,

Nếu sức khỏe của người cho ổn định và hai trái thận độc lập với nhau thì có thể cho nhau bình thường.

Vẫn có trường hợp anh em ruột hoặc cha mẹ không thể cho con cái nếu bệnh thận đó là bệnh di truyền. Bởi rất có thể người cho cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng chưa ở thời gian bùng phát mà thôi. Cho nên, đối với bệnh nhân bị bệnh thận thì chúng tôi mời luôn cả người nhà đến, không chỉ để tư vấn mà nhân tiện tầm soát, theo dõi và phát hiện sớm bệnh để điều trị.

Người bị nghiện rượu hoặc đang bị viêm gan… cũng không thể cho thận.


- Phạm Văn Tùng - Q.6, TPHCM

Thưa bác sĩ, chúng tôi biết đến BV Nhân dân 115 như 1 trung tâm ghép thận hết sức uy tín. Được biết, sau 13 năm, bệnh viện mình đã có kinh nghiệm ghép thận cho 159 ca. Theo đánh giá của BS Dung, khả năng ghép thận của VN ta so với thế giới đang ở mức nào.

Tôi đang cân nhắc cho người nhà đi nước ngoài hoặc ghép thận trong nước, nên rất mong BS Dung đánh giá khách quan giúp, để chúng tôi có quyết định chính xác hơn khi lựa chọn nơi điều trị. Bởi nếu phải đi nước ngoài thì chi phí phát sinh rất lớn sẽ kèm theo khoản tiền vay mượn khổng lồ...

Chúng tôi tha thiết muốn biết, tỷ lệ ghép thận thành công trong nước là bao nhiêu %? So với thế giới, chúng ta đang ở mức nào trong phẫu thuật ghép thận?

Trân trọng cảm ơn và kính chúc bác sĩ dồi dào sức khỏe để tiếp tục cứu người.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Tùng thân mến,

Hiện nay, trình độ ghép thận của Việt Nam phát triển ngang tầm với các nước trên thế giới, kể cả về kỹ thuật hay các loại thuốc cũng đã có hầu hết. Người dân có thể yên tâm để người nhà cho chúng tôi chăm sóc.

Thực chất việc ra nước ngoài ghép thận cũng giống như thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí thì cao hơn rất nhiều lần, có thể nhắc đến tỷ đồng chứ không phải hàng trăm triệu như tại Việt Nam. Chẳng hạn như có trường hợp người bệnh sau khi ghép thận ở nước ngoài về bị thải ghép, sau đó gia đình muốn lấy thận ra phải chi trả thêm 1 tỷ đồng, trong khi nếu thực hiện tại Việt Nam thì chỉ khoảng vài triệu đồng.

Quan trọng là theo dõi sau ghép phải có sự hợp tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một tỷ lệ thất bại sau ghép chính là sự tuân thủ kém từ phía bệnh nhân. Vì thế hãy đặt niềm tin vào bác sĩ Việt Nam, không chỉ là BV Nhân dân 115 mà là bất cứ trung tâm ghép nào của Việt Nam cũng đều có thể hoàn thành được việc này. 

Ghép thận ở Việt Nam có thể thực hiện tại:

Miền Nam: Ngoài BV Nhân dân 115 thì còn BV Chợ Rẫy là một trung tâm lớn bắt đầu ghép từ năm 1992, đến thời điểm hiện tại BV đã thực hiện 600 ca ghép thận và BV Nhi đồng 2 thực hiện ghép cho trẻ em.

Miền Bắc: Tại Hà Nội có rất nhiều bệnh viện có thể ghép thận như: BV Việt đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện 198, BV Xanh Pôn, BV Bạch Mai và mới đây là Bệnh viện 108.

Miền Trung có các bệnh viện: BVĐK Trung ương Huế, BVĐK Đà Nẵng.


- Trịnh Thị Mười - Q.Bình Tân, TPHCM

Bác sĩ ơi, nếu muốn ghép thận ở BV 115 thì làm sao để được ghép. Thủ tục thế nào ạ? Làm sao để được chính bác sĩ ghép ạ. Thời gian chờ thường là bao lâu mới có thận? Tuổi thọ sau ghép sẽ kéo dài thêm bao nhiêu năm, BS ơi? Em cảm ơn bác sĩ thật nhiều.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Mười,

Để ghép thận tại BV Nhân dân 115 thì người bệnh cần đến bệnh viện cùng với người hiến, chúng tôi sẽ tư vấn những điều cần phải làm, khám sức khỏe cho bệnh nhân để xem có đủ điều kiện để chịu đựng cuộc phẫu thuật hay chưa?

Đối với người hiến thận: Kiểm tra sức khỏe, nếu ổn định và quan trọng là hai trái thận độc lập với nhau để khi cho 1 trái thận đi thì trái còn lại vẫn có thể hoạt động tốt. Và như đã nói ở trên, người phụ nữ sau khi ghép thận vẫn có thể lấy chồng sinh con được.

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp khi xét nghiệm bình thường nhưng khi tính từng riêng trái thận thì sẽ có vấn đề xảy ra là một trong 2 trái thận chức năng không được tốt, nếu lấy thận đó cho bệnh nhân thì cũng không sử dụng được lâu. Vì thế, cho dù sức khỏe người cho tốt thì cũng không lấy được trái thận đó.

Khi ghép thận chúng tôi có cả một ê-kíp, mỗi người sẽ nhận 1 nhiệm vụ khác nhau. Thực sự, cũng không ai có thể nói rằng một mình tôi có thể ghép được thận cả, vì thế rất cần các phụ tá.

Tôi là người phụ trách chung còn bác sĩ ngoại khoa sẽ là người ghép chính, tức là tuyển ghép sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ ghép và ngay sau khi ghép thì chúng tôi sẽ nhận và điều trị đến hết đời.

Thông thường, từ khi làm thủ tục đến khi ghép bệnh nhân phải chờ khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp kéo dài 2-3 tháng, tùy theo sức khỏe do người nhận họ có thể có một số bệnh, ví dụ như viêm gan, viêm dạ dày phải điều trị. Trong một số trường hợp, người cho có mỡ máu cao nhưng không có bệnh lý nào khác thì bác sĩ sẽ cho điều trị khoảng 1 tháng, sau đó đánh giá lại là có thể cho được. Chứ không phải cứ bị bệnh là không cho thận được.

Tuổi thọ trung bình sau khi ghép thận là 15 năm nhưng cũng có những trường hợp ở quốc tế thận vẫn tồn tại được trên 20-30 năm. Nếu bệnh nhân không có những biến chứng, không có cơn thải ghép thì thận sẽ tồn tại lâu hơn.


- Thạch Thị Sang - Q.Từ Liêm, Hà Nội

Bác sĩ ơi, bị suy thận do biến chứng của bệnh tiểu đường có thể ghép thận được không ạ? Việc ghép thận có chống chỉ định ghép với bệnh nhân có thêm bệnh khác không ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Bạn Sang thân mến,

Bị suy thận do biến chứng của bệnh tiểu đường vẫn có thể ghép thận được. Tốt nhất là ghép cả thận và tụy, tuy nhiên tại Việt Nam hiện chưa phối hợp được ghép cùng lúc, thường chỉ ghép thận thôi, sau khi ghép xong vẫn tiếp tục điều trị đái tháo đường ở bệnh nhân.

Việc chống chỉ định ghép với bệnh nhân có thêm các bệnh khác chỉ là tương đối. Chống chỉ định tuyệt đối là với bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối lan tỏa bởi bệnh nhân cũng không sống được lâu với tình trạng ung thư đó.


- Trương Thị Tuyết Ngân - 28 tuổi, đang làm việc tại Ngân hàng Ag…, TPHCM

BS Dung ơi, em đọc những câu chuyện về hiến tạng thấy xúc động lắm. Vì thế, em cũng muốn được hiến tạng, hy vọng sẽ mang lại cuộc sống cho những người khác. Nếu bây giờ em muốn đăng ký hiến tạng thì có thể đến đâu? BV Nhân dân 115 có cho đăng ký hiến tạng không ạ? Điều kiện để được hiến tạng là gì ạ? Giả sử như đến lúc già em mới “ra đi” thì tạng của em còn có giá trị sử dụng cho người bệnh khác không ạ? Em cảm ơn BS đã giải đáp.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Em Tuyết Ngân thân mến,

Đầu tiên tôi muốn gửi lời cảm ơn vì tấm lòng của em.

Để đăng ký hiến tạng em có thể đăng ký qua website của Trung tâm điều phối quốc gia hoặc đăng ký ghép tạng tại Trung tâm điều phối của BV Chợ Rẫy. Tại BV Nhân dân 115 cũng có tiếp nhận. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi sẽ chuyển danh sách này cho Trung tâm điều phối quốc gia.

Điều kiện để được hiến tạng đầu tiên đương nhiên là tự nguyện và người hiến tạng phải trải qua 1 sơ khảo về sức khỏe. Ngoài ra, theo quy định phải có xét nghiệm máu, ví dụ nhóm máu gì, không có bệnh truyền nhiễm, bệnh di truyền. Sau đó, cứ định kỳ 3-6 tháng em phải làm thêm các xét nghiệm.

Tuổi cho thận theo khuyến cáo nên dưới 55 tuổi. Tuy nhiên, một số trường hợp trên 50, 60 tuổi chức năng thận còn tương đối tốt thì vẫn có thể cho được. Trước đó các bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá lại chức năng thận và đưa ra lời khuyên chính xác nhất. Nếu ngoài 70, 80 tuổi thì không nên cho thận em nhé!


- La Quảng Long - Nha Trang

Xin hỏi BS, mỗi người có 2 quả thận, vậy nếu phải ghép thận thì có cần cắt bỏ thận hư trong cơ thể hay không? Việc cho và nhận thận ghép đòi hỏi những điều kiện gì, thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Quảng Long thân mến,

Thông thường thì không cần cắt bỏ thận hư trong cơ thể. Nhưng một số trường hợp, chẳng hạn như người bệnh có hiện tượng trào ngược, tức là nước tiểu trào ngược bàng quang lên thận thì bác sĩ sẽ cắt đi, bởi vì nếu không sau này lại trào ngược gây nhiễm trùng. Nói tóm lại, nếu thận cũ hay nhiễm trùng hoặc chảy máu thì sẽ phải cắt bỏ thận đó. Thông thường, chúng tôi sẽ cắt bỏ thận trong khi ghép hoặc trước khi ghép.

Điều kiện cho và nhận thận ghép:

Đối với người bệnh thì không cần điều kiện gì, chỉ cần sức khỏe đảm bảo chịu đựng cuộc mổ.

Đối với người cho thì điều đầu tiên phải là tự nguyện, dù đó là người thân hay bạn bè. Thứ 2 là phải qua kiểm tra sức khỏe có tốt hay không, có phù hợp hay không.


- Trương Tam Yu - Q.5, TPHCM

Tuổi tác, chủng tộc và giới tính có ảnh hưởng đến kết quả ghép thận không AloBacsi ơi? Có quy định độ tuổi hiến - ghép thận không ạ? Sau ghép thận có thể xảy ra biến chứng gì? Mong được AloBacsi giải đáp thắc mắc.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào bạn Trương Tam Yu,

Tuổi tác, chủng tộc và giới tính không ảnh hưởng đến kết quả ghép thận. Tại BV Nhân dân 115, đã từng thực hiện ghép thận cho người trên 70 tuổi. Còn đối với người hiến thận thì tốt nhất là dưới 55 tuổi bởi theo sinh lý thì sức khỏe mỗi người đỉnh cao nhất là khoảng 40-45 tuổi, sau độ tuổi này dù không bị bệnh gì thì chức năng thận cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, người cho thận lớn tuổi thì chức năng của thận sẽ bị giảm đi. Thận của nam vẫn có thể ghép cho nữ và ngược lại.

Sau khi ghép thận bệnh nhân có thể phải đối diện với các biến chứng:

1. Phản ứng phụ của thuốc rất sẽ xảy ra. Vì thuốc chống thải ghép bản thân là loại thuốc chống thải ghép cho thận nhưng lại rất độc cho thận, thiếu một chút thì không đủ điều kiện để giữ cho thận, thừa một chút lại gây độc cho thận. Chính vì vậy, bác sĩ cần phải theo dõi sát bệnh nhân để điều chỉnh liều thuốc cho hợp lý.

2. Biến chứng về nhiễm trùng: Người bệnh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nên dễ bị nhiễm trùng hơn người khác. Khi nhiễm trùng rồi thì việc điều trị sẽ khó và kéo dài hơn những người bình thường.

3. Tác dụng phụ của thuốc về sau có thể gây ung thư.


- Huỳnh Minh Hậu - hmhau127…@gmail.com

Em nay 33 tuổi giới tính nam, bị suy thận độ 4 và phải chạy thận nhân tạo từ giữa năm 2013. Hiện nay, bố em sinh năm 1948, bị chết não từ cuối năm ngoái nên gia đình muốn ghép thận của bố em cho em. Bác sĩ cho hỏi ở độ tuổi của bố em thì còn phù hợp cho thận nữa không ạ? Và thủ tục như thế nào? Xin bác sĩ vui lòng tư vấn giúp. Cảm ơn BS nhiều ạ.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào em,

Em không nói rõ bố em chết não trong trường hợp nào. Nhưng nếu chết não do tai biến thì thông thường sẽ có gốc của bệnh lý tim mạch, huyết áp thì có thể không lấy được thận. Ngoài ra, bố em sinh năm 1948 thì cũng đã gần 70 tuổi. Độ tuổi này cũng không thích hợp để cho thận nữa. Tuy nhiên, để chắc chắn em có thể đến bệnh viện để được tư vấn kỹ hơn em nhé!


- Lê Ngọc Nga - Bạn đọc hỏi qua Fanpage Hỏi - AloBacsi trả lời

Chồng em bị suy thận mạn, bác sĩ có nói phải ghép thận. Gia đình em đang đợi kết quả xét nghiệm mức độ tương thích giữa các anh chị em trong nhà. Em có tìm hiểu thì thấy có nhiều bài báo nói rằng bệnh nhân sau ghép thận có nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường. Xin hỏi BS điều này có đúng không ạ? Vì sao lại dẫn đến tình trạng ung thư sau ghép thận thưa BS?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Ngọc Nga thân mến,

Đúng là những bệnh nhân sau ghép thận sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường. Khi người bệnh dùng thuốc chống thải ghép sẽ có một số nguy cơ, ví dụ như ung thư da, ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, sau này có một số loại thuốc khi sử dụng sẽ giảm đi nguy cơ bị ung thư.


- Bùi Lương Cẩm Trúc - Bà Rịa Vũng Tàu

Ghép thận khác nhóm máu được không? Có phải những người kháng nguyên HLA giống nhau mới ghép thận cho nhau được? Người cho một thận có nguy hiểm đến sức khỏe không ạ? Sau khi cho thận cần có chế độ dinh dưỡng, tập luyện thế nào mới tốt ạ?

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào em Cẩm Trúc,

Trên thế giới việc ghép thận khác nhóm máu hoàn toàn có thể được nhưng việc này rất tốn kém. Tại Việt Nam mới chỉ ghép khác nhóm máu nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của truyền máu. Nghĩa là nhóm máu O thì cho được tất cả các nhóm còn lại, B cho B và AB, A thì cho A và AB.

Những người kháng nguyên HLA giống nhau thì mức độ thải ghép sẽ ít hơn. Tuy nhiên, nếu không giống nhau vẫn có thể ghép được, lúc đó bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cho phù hợp.

Trước khi cho thận chúng tôi đã làm các xét nghiệm cụ thể, vì thế sau khi hiến thận vẫn có thể sống và làm việc như bình thường nhưng với điều kiện là người cho thận phải có cuộc sống lành mạnh, tránh xa rượu bia thuốc lá, làm việc và chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Thường chỉ sau 25 năm mới xuất hiện những triệu chứng “phiền phức” của người hiến thận.

Đối với người bệnh, trước khi ghép thận thì cần chế độ dinh dưỡng cực kỳ nghiêm ngặt nhưng sau khi ghép có thể ăn uống thoải mái hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý là phải ăn những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh đồ hâm đi hâm lại vì có thể rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, tránh ăn mặn, mỡ giống như trước khi ghép thận, tuân thủ tỷ lệ đường - đạm - mỡ cho khoa học. Sau ghép thận có thể tập luyện thể thao bình thường, nhưng cần tránh những động tác hoặc bất cứ hoàn cảnh nào gây chấn thương vùng thận.


- Trần Thị Thanh Thủy - Gò Công, Tiền Giang

AloBacsi ơi, bản thân em đang chới với vì trong một đợt điều trị viêm phổi cấp thì phát hiện bị suy thận mạn. Em suy sụp hoàn toàn, nhờ sự động viên của gia đình, mỗi tuần em lại cùng mẹ đèo nhau lên chạy thận nhân tạo. Dù được BHYT chi trả nhưng nhìn thấy sự chạy vạy, lo lắng của mẹ, lòng em thắt lại vì bệnh kéo dài gây nợ nhiều, không biết đến bao giờ mới trả hết.

AloBacsi ơi, ghép thận có phải phương pháp điều trị cuối cùng cho trường hợp của em? Em nghe nói không phải cứ ghép thận là tốt, vì sau đó còn phải uống thuốc, theo dõi cả đời phải không ạ? Em bất lực lắm! Mong AloBacsi cho em một lời khuyên.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào em,

Ghép thận không phải phương pháp điều trị cuối cùng cho người bị suy thận mạn, ngoài ra còn chạy nhận nhân tạo, lọc màng bụng.

Trường hợp của em cần trao đổi với bác sĩ điều trị để có lời khuyên chính xác hơn em nhé!


- Bác T.T.C (62 tuổi, Hóc Môn, TPHCM)

Tôi bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối đang điều trị tại một trung tâm chạy thận nhân tạo. Các bác sĩ cho điều trị nói cách hiệu quả nhất là thay thận, nhưng nghe đến ghép thận là tay chân rụng rời. Không hiểu gì hết AloBacsi ơi. Ghép hết bao nhiêu tiền, ghép sống thêm được bao năm nữa. Tuổi của tôi có còn ghép được không? Mong được AloBacsi hồi âm.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Bác C thân mến,

Để biết bác có ghép thận được không, trước hết bác cần gặp bác sĩ để được tư vấn, sau đó sẽ kiểm tra sức khỏe. Mời bác đến BV Nhân dân 115 vào các ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần từ 8g - 15g để khám bác nhé!


- Bạn đọc hỏi qua Fanpage Hỏi - AloBacsi trả lời

Chào BS,

BS cho em hỏi hiện tại em đang muốn hiến thận cho anh trai, không biết có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này? Và vấn đề vợ chồng có ảnh hưởng gì không ạ? Tại cháu mới có vợ chưa có con. Mong BS tư vấn hộ ạ. Cảm ơn BS.

BS.CK2 Tạ Phương Dung:

Chào em,

Nếu qua các bước kiểm tra, sức khỏe em tốt thì có thể hiến thận cho anh trai. Việc hiến thận không ảnh hưởng gì đến vấn đề quan hệ vợ chồng, nữ cho thận vẫn có thể lấy chồng, sinh con bình thường em nhé!

Thay mặt bạn đọc, AloBacsi xin trân trọng cảm ơn những thông tin quý báu BS.CK2 Tạ Phương Dung đã chia sẻ thông qua việc giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của bạn đọc. Kính chúc bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe để chữa trị, chăm sóc cho người bệnh.

Ước tính hiện cả nước có khoảng 8 triệu người mắc bệnh về thận, có khoảng 12.000 người bị suy thận nặng phải lọc máu, cần ghép thận. Riêng trung tâm ghép tạng BV Nhân dân 115, sau hơn 13 năm, bệnh viện ghép thận cho 159 ca. Hiện tại bệnh viện có 700 trường hợp đang chạy thận và nhiều trường hợp đang chờ ghép. Trong tuần này BV Nhân dân 115 sẽ tiến hành ghép thận cho 6 ca.

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X