Hotline 24/7
08983-08983

Ai dễ mắc ung thư máu?

Trong bệnh ung thư máu, tủy xương sản sinh ra bạch cầu với tốc độ nhanh và vượt ra khỏi sự kiểm soát.

Bệnh "máu trắng" hay bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu, có nguồn gốc từ tế bào bạch cầu trong máu.

Ung thư máu bao gồm rất nhiều khái niệm và phân loại phức tạp, nhưng chủ yếu bao gồm 3 dạng chính là bệnh bạch cầu, lymphoma (sự phát triển quá mức của tế bào lympho, tác động đến hệ thống bạch huyết của cơ thể) và đau tủy (sự tăng sinh quá mức của tế bào plasma - tế bào có chức năng sinh ra kháng thể bảo vệ cơ thể).

Dựa theo nguồn gốc, người ta chia ra làm 2 loại là bệnh bạch cầu cấp dòng tủy và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Dựa theo tốc độ phát triển bệnh, bao gồm 2 loại là cấp tính và mãn tính. Do đó, bệnh bạch cầu bao gồm 4 loại chính là bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp dòng lympho, bạch cầu mạn dòng tủy và bạch cầu mạn dòng lympho.

Tần suất? Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em thường gặp bạch cầu cấp dòng lympho, ở người lớn từ 40 - 60 tuổi thường gặp bạch cầu cấp dòng tủy/ bạch cầu mạn dòng tủy và ở người trên 60 tuổi thường gặp bạch cầu mạn dòng lympho.

Nguyên nhân của ung thư máu?

Nguyên nhân chính xác vẫn còn chưa được tìm ra, nhưng có sự thúc đẩy của các yếu tố nguy cơ như: tiếp xúc với hóa chất, tia xạ, nhiễm trùng virút EBV, mắc các hội chứng di truyền như Down…

Các triệu chứng của ung thư máu?

Ban đầu, bệnh ít gây biểu hiện thành triệu chứng, nên bệnh nhân rất khó nhận biết. Các triệu chứng dần về sau sẽ xuất hiện, bao gồm: cảm giác mệt mỏi kéo dài; khi có va chạm thì vết thương chảy máu khó cầm hơn bình thường, có thể tự bầm, tự nổi chấm xuất huyết trên da, phụ nữ thì hay rong kinh, rong huyết kéo dài mà không thấy nguyên nhân thực thể; thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng, thời gian hồi phục kéo dài lâu cũng như mức độ bệnh trầm trọng hơn.

Bệnh nhân có thể thấy nổi hạch, bụng to ra phía dưới sườn trái (vị trí của lách - có nghĩa là lách to ra). Lưu ý rằng các triệu chứng này không đặc hiệu cho ung thư máu, mà cũng có thể có nguồn gốc từ các bệnh lý không phải ung thư. Do đó, khi phát hiện, chúng ta cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Các xét nghiệm để chẩn đoán?

Bao gồm xét nghiệm máu (thường là xem công thức tế bào máu) và thủ thuật chọc hút tủy xương (thủ thuật gây tê, thường thực hiện ở vùng xương chậu phía sau, thời gian thực hiện nhanh khoảng 5 - 10 phút, mục đích để tìm các tế bào ung thư máu trong tủy dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi).

Điều trị ung thư máu như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư máu, tùy thuộc vào loại ung thư máu, tuổi tác, các biến chứng và các tình trạng bệnh lý đi kèm của bệnh nhân. Thứ nhất, có thể điều trị bằng hóa trị, tức là sử dụng thước để diệt tế bào ung thư. Thứ hai, có thể sử dụng xạ trị, tức là sủ dụng tia xạ để diệt tế bào ung thư. Các phương pháp trên vẫn có khả năng làm bệnh tái phát, nên trong một số trường hợp, ghép tủy hay ghép tế bào gốc ngoại vi vẫn là biện pháp tối ưu, tuy nhiên chi phí sẽ rất đắt.

Bệnh bạch cầu nói riêng hay bệnh ung thư máu nói chung là một căn bệnh ác tính, để lại nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, cần phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn đầu để có phương án điều trị thích hợp và hiệu quả.

Theo BS Phan Anh Tú - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X