Hotline 24/7
08983-08983

Ai dễ bị ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm không chừa một ai cả. Nhưng có những người rất dễ bị ngộ độc. Rủi ro cao bị ngộ độc đã đành, mà rủi ro bệnh còn kéo dài dây dưa, nhập viện cũng cao, thậm chí tử vong.

Trứng sống, tái hoặc các thực phẩm làm từ trứng để sống hoặc tái là một trong những thực phẩm dễ gây ngộ độc

Cơ quan An toàn thực  phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chỉ ra bốn nhóm người “nhạy cảm” này, và đưa ra lời khuyên về ăn uống cho họ.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường xảy ra từ 12 - 72 giờ sau khi đồ ăn bị nhiễm khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xảy ra chỉ sau 30 phút, và cũng có trường hợp cả bốn tuần sau mới xuất hiện triệu chứng.

Triệu chứng ngộ độc thường là: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy (có thể có máu) và đau bụng. Cũng bao gồm cả triệu chứng giống như bị cúm, như sốt, nhức đầu và nhức mỏi toàn thân.

Những người dễ bị ngộ độc

Phụ nữ có thai: trong thời gian mang thai, hệ miễn nhiễm của bà bầu có nhiều thay đổi, nên dễ bị rủi ro cao ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn có hại có thể xâm nhập qua nhau thai, và ảnh hưởng đến thai nhi. Hệ miễn nhiễm (khả năng phòng vệ) của thai nhi lại chưa phát triển, nên không có khả năng chống lại sự nhiễm khuẩn. Do đó, ngộ độc thực phẩm trong thời gian có thai là nghiêm trọng, có thể dẫn đến hư thai, sinh non, thai chết lưu, hoặc trẻ mắc bệnh hoặc chết ngay khi sanh.

Trẻ em: trẻ em dưới 4 - 5 tuổi dễ bị ngộ độc thực phẩm do hệ miễn nhiễm chưa phát triển hoàn chỉnh.

Người già: hệ miễn nhiễm và những cơ phận khác ở người già không còn nhạy bén để nhận diện, và trừ khử các vi khuẩn có hại và các mầm bệnh khác, nên dễ bị ngộ độc thực phẩm (nhiễm khuẩn). Nhiều người lớn tuổi mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp, ung thư, bệnh tim mạch, nên thường phải uống thuốc. Diễn biến của bệnh, và tác dụng phụ của vài loại thuốc làm suy yếu hệ miễn nhiễm. Ngoài ra, acid dạ dày (*) cũng bị suy giảm theo tuổi tác. Acid dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm đi lượng vi khuẩn ở đường ruột, và giảm rủi ro mắc bệnh.

Người có hệ miễn nhiễm yếu: hệ miễn nhiễm là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân bên ngoài. Ở người khoẻ mạnh, hệ miễn nhiễm hoạt động hiệu quả chống lại vi khuẩn có hại hoặc tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân cấy ghép (ghép thận, ghép gan chẳng hạn), hoặc bệnh nhân bị HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường, thì hệ miễn nhiễm của họ bị suy yếu, do diễn biến của bệnh hoặc tác dụng phụ do điều trị. Hậu quả là họ rất dễ bị nhiễm khuẩn.Một trong những cách gây nhiễm khuẩn đó là ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, bệnh tiểu đường có thể làm giảm tốc độ di chuyển thức ăn trong đường tiêu hoá (bao tử và ruột), làm vi khuẩn có hại có cơ hội sinh sôi nảy nở nhiều hơn (trong hệ tiêu hoá).

Nên tránh nhưng loại thực phẩm nào?

Cơ quan FDA khuyên những người dễ bị ngộ độc thực phẩm nên tránh ăn những loại thực phẩm sau:

- Các loại thịt sống, hoặc nấu chưa kỹ. Cá sống (gỏi cá), hoặc hải sản (tôm cua) nấu chưa kỹ, hoặc hải sản xông khói làm lạnh. Cũng tránh các loại nghêu sò ốc hến ăn sống tái.

- Sữa chưa thanh trùng, hoặc các sản phầm làm từ sữa loại này như yogurt và phó mát.

- Trứng sống, tái hoặc các thực phẩm làm từ trứng để sống hoặc tái.

- Các loại rau quả chưa rửa sạch kỹ. Nước ép rau quả chưa thanh trùng.

- Xúc xích, thịt bằm ép (luncheon meat), xúc xích lên men.

- Các loại rau trộn với thịt mà không sử dụng chất bảo quản.

- Các loại paté, thịt nghiền để trét bánh mì chưa qua thanh trùng.


(*)Acid dạ dày (stomach acid) là chất dịch cho dạ dày tiết ra gồm acid clohydric (HCl), muối potassium chloride và muối ăn. Lượng HCl nhiều hay ít hơn mức cần thiết đều gây bệnh. Nhiều HCl gây bệnh ợ chua, viêm loét dạ dày. Ít HCl gây bệnh khó tiêu, vi khuẩn ở đường ruột dễ phát triển gây bệnh - (VTT).

Theo Khương An - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X