Hotline 24/7
08983-08983

Ai cho tôi 'lương thiện'?

Tôi vừa mở một cửa hàng nhỏ. Đây là quyết định đã khiến tôi phải đắn đo. Bởi nó ẩn chứa nhiều may rủi. Vốn thì hầu hết đi vay, tôi cũng chẳng có kinh nghiệm gì.

Nhưng rốt cuộc, sau nhiều cân nhắc, tôi vẫn quyết định làm. Vì nếu không tìm được một nguồn thu nhập khác, thì trong tương lai tôi sẽ không thể đảm bảo cuộc sống của bản thân.

Trong nhiều năm gần đây, kể từ khi vào làm tại cơ quan nhà nước, tôi luôn phải thường trực duy trì cường độ làm việc 14-16 tiếng mỗi ngày. Thời gian làm thêm ngoài giờ gần tương đương với thời gian dành cho công việc chính thức. Lao động với cường độ như vậy cũng chỉ giúp tôi đáp ứng được nhu cầu cuộc sống ở mức độ vừa phải, gần như chưa có tích lũy hay tài sản gì đáng kể. Nếu không làm thêm thì với mức lương từ ngân sách, tôi hoàn toàn không đủ sống. Tôi lo ngại, vài năm nữa tôi sẽ không thể duy trì sức làm việc như vậy. Do đó, tôi đã phải mạo hiểm chọn phương án kinh doanh một cái gì đó. 

Tôi tin rằng số đông đang lĩnh lương từ ngân sách cũng rơi vào tình trạng như tôi: nhọc nhằn mưu sinh để tồn tại. Một anh bạn tôi quen đã chia sẻ thông tin cơ quan anh ấy (khá danh tiếng và quyền lực) tuyển biên chế, kèm theo lời nhắn đại ý: “phù hợp với ai được vợ hay bố mẹ nuôi”. Đấy tất nhiên chỉ là một lời nói đùa. Nhưng nó vẫn ẩn chứa một thông điệp: Nếu không có một hậu phương vững chắc nào đó kiểu như vậy, thì lựa chọn trở thành một công chức nhà nước sẽ rất khó để đảm bảo cuộc sống.

Họ chỉ có 2 lựa chọn: bươn chải làm thêm hoặc buộc phải sống bằng “lậu”. Đơn giản là khi cuộc sống phải chịu quá nhiều áp lực tiền bạc (và thậm chí có thể bị nhìn nhận là kém cỏi vì không kiếm được tiền), thì người ta rất dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, đòi hỏi; rồi xa hơn nữa là tham ô, tham nhũng... Đôi khi tôi vẫn tự hỏi nếu được đặt vào một vị trí có thể phát sinh “lậu”, không hiểu tôi có còn chấp nhận “cày cuốc” như hiện nay hay cũng sẽ “tặc lưỡi”? Thành thật mà nói, tôi không dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Khi mà chính bản thân tôi đôi khi cũng cảm giác nản và mệt mỏi với cường độ làm việc ấy. Chưa kể việc phải làm ngoài giờ còn khiến tôi mất đi khoảng thời gian để dành cho những thứ khác như gia đình, bạn bè, giải trí, học tập…

Đang diễn ra một nghịch lý là thu nhập của người giúp việc trong gia đình, hay một loại hình lao động phổ thông nào đó cũng cao hơn hẳn lương một công chức trẻ. Hẳn nhiều người sẽ vặn vẹo: đã biết lương thấp sao vẫn còn làm nhà nước? Vì muốn tìm một nơi trú ẩn an toàn: một công việc an nhàn, nhiều bổng lộc? Tất nhiên, đúng là cũng tồn tại những tư tưởng như vậy. Song nó không phải là tất cả. Vẫn có rất nhiều người có lý tưởng được cống hiến hay chỉ đơn giản là theo đuổi đam mê. Nhưng tôi cho rằng dù có đam mê hay lý tưởng đến đâu, thì để cải cách nền công vụ, yêu cầu bắt buộc vẫn phải là cần đảm bảo lương đủ cho nhu cầu sống thiết yếu của họ. 

Chính phủ đang có định hướng “tính đúng, tính đủ” giá của các ngành dịch vụ vốn được bao cấp như điện lực, y tế… Theo quan điểm của tôi, định hướng ấy cũng cần phải được áp dụng vào hệ thống lương của công chức. Tính đủ ở đây là lương đủ để bảo đảm cuộc sống, còn tính đúng là trả lương đúng theo năng lực và thành quả làm việc.

Trên thực tế, nguyên nhân khiến bất cập trong mức lương của công chức, viên chức chưa thể giải quyết là do nguồn lực nhà nước có hạn, không thể đáp ứng được nhu cầu tăng lương cho cả bộ máy cồng kềnh. Mô hình lương cào bằng, theo ngạch bậc, niên hạn hiện nay (tức là người làm nhiều, thu nhập cũng như người đến ngồi chơi, uống chè) vừa không động viên được người lao động cống hiến, lại vừa dễ dẫn đến tiêu cực.

Nói một cách khác, cần tinh giản biên chế, loại bỏ những con người đang “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, để lấy nguồn lực phục vụ tăng lương, trả công xứng đáng cho những người đang làm việc thực sự. Vấn đề nằm ở chỗ nhận thức ấy không  hề mới, đã rất nhiều lần được đưa ra, thậm chí còn đã có vài chiến dịch tinh giản biên chế được thực hiện trong quá khứ, nhưng cuối cùng thì bộ máy chẳng những không giảm mà còn càng ngày càng phình to.

Tại sao lại như vậy?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhận xét: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta”. Theo tôi, ở đây, chuyện tinh giản biên chế cũng tương tự vậy. Sở dĩ nó không thu được hiệu quả mong muốn cũng là vì "ta đánh ta". Với văn hóa Việt Nam, chúng ta thường có tâm lý nể nang, không nỡ đẩy người khác vào cảnh phải mất việc. Chưa kể tinh giản biên chế là đánh thẳng vào những mối quan hệ, những nhóm lợi ích chằng chịt, phức tạp trong môi trường nhà nước; động đến đâu cũng có thể là con cháu ông A, bà B. 

Mới đây, Chính phủ đã quyết định tăng lương khoảng 7% trong năm 2017 cho tất cả đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nhưng mức tăng nhỏ giọt ấy theo tôi không phải là giải pháp. Nó vừa tạo ra gánh nặng không nhỏ cho ngân sách, vừa không giúp cải thiện đời sống của những người thực sự cần đến lương (do giá trị tăng không cao, trong khi nguy cơ giá tiêu dùng bị đẩy lên). Tôi cho rằng sau tất cả tinh giản biên chế vẫn là điều bắt buộc phải làm. Ở khía cạnh nào đó, nó giống như cắt bỏ một khối u ác tính. Đau đớn nhưng cần thiết, nếu không muốn cả những phần cơ thể khỏe mạnh rồi cũng bị tàn phá, hủy hoại.

Bằng không, tự chúng ta đã tạo ra một môi trường dung dưỡng sự tiêu cực. Và sẽ lại rất nhiều người tiếp tục đau đáu với câu hỏi, như tôi: “Làm sao để sống lương thiện bằng lương”?

Theo Phan Tất Đức - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X