Hotline 24/7
08983-08983

8 thói quen vô tình làm bạn mắc bệnh

Để đảm bảo sức khỏe tốt không chỉ hạn chế bị lây nhiễm mầm bệnh từ những người xung quanh, mà thói quen hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng bảo vệ sức khỏe của bạn.

Những thói quen hàng ngày có thể gây hại cho hệ miễn dịch và làm bạn mắc bệnh. Ảnh minh họa: internet

Hãy kiểm tra bạn có mắc phải những thói quen xấu dưới đây không.

1. Ngại giao tiếp. Tình bạn có thể mang lại điều thần kỳ cho hệ miễn dịch.

Một nghiên cứu cho thấy nếu một người ít có mối quan hệ với những người khác sẽ dễ mắc bệnh, căng thẳng và "tổn thọ" so với những người có tính hòa đồng. Nghiên cứu này được thực hiện với sự tham gia của hơn 276 người có độ tuổi từ 18 - 55. Kết quả cho thấy những người có hơn 6 mối quan hệ trong cộng đồng thì khả năng "kháng" virus cúm cao gấp 4 lần so với những người có ít bạn.

Giải pháp: Bạn không nên mãi chú tâm đến công việc. Hãy sắp xếp thời gian để gặp bạn bè, tranh thủ chuyện trò cùng đồng nghiệp. Bạn cũng nên giữ liên lạc với những người bạn ở xa thông qua email, điện thoại hoặc các trang mạng các nhân.

2. Ngủ không đủ giấc. Điều này sẽ gây tác hại lớn đối với hệ miễn dịch.

Suy giảm hệ miễn dịch là điều thường thấy ở những người ít ngủ. Một khi hệ miễn dịch bị suy yếu, số lượng tế bào kháng bệnh cũng sẽ giảm theo. Các nhà nghiên cứu của trường đại học Chicago (Mỹ) chỉ ra rằng những người chỉ ngủ 4h mỗi đêm, trong một tuần lượng kháng thể chống virus cúm trong máu được cơ thể sản sinh sẽ giảm đi một nửa so với những người ngủ từ 7-8 tiếng.

Giải pháp: bạn nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, bạn sẽ thấy mình khỏe mạnh và dồi dào năng lượng hơn. Việc cảm thấy mệt mỗi khi thức dậy vào buổi sang, đồng nghĩa bạn ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ không đảm bảo cho sức khỏe.

3. Bi quan. Những người bi quan thường không sống lâu.

Nếu những người bi quan biết đặt niềm tin và những suy nghĩ tốt đẹp vào cuộc sống, họ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và sức khỏe tốt hơn.

Theo một nghiên cứu của trường đại học UCLA (Mỹ), những sinh viên bắt đầu học kỳ với tâm trạng tự tin và lạc quan về năng lực học của mình, đến giữa học kỳ cơ thể họ sẽ sản sinh nhiều tế bào T - loại tế bào hỗ trợ đắc lực cho hệ miễn dịch so với những sinh viên có tâm trạng bi quan bởi những người lạc quan thường chăm sóc tốt sức khỏe của thân. Chính sự lạc quan giúp họ giảm bớt căng thẳng.

Giải pháp: Tìm ra lý do, động lực để giúp bạn luôn cảm thất mình may mắn. Thường xuyên chuyện trò và chia sẻ những niềm vui của bản thân với người thân qua những bữa ăn hàng ngày.

4. Tranh cãi, bực tức với chồng/vợ. Những tranh luận "mang tính xây dựng" giữa vợ và chồng sẽ giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch.

Đây là nhận định của các nhà khoa học trường đại học UCLA (Mỹ) sau khi thực hiện nghiên cứu trên 41 cặp vợ chồng. Những người tham gia nghiên cứu "tranh luận tích cực" về những vấn đề trong hôn nhân trong 15 phút.

Kết quả cho thấy, lợi ích từ những cuộc tranh luận này tương đương với một bài tập thể dục bình thường, đồng thời lượng hormones gây stress giảm hẳn.

Ngược lại, đối với những cặp vợ chồng thường xuyên tranh cãi, cơ thể của họ sẽ sản sinh một lượng ít tế bào chống virus hơn, lượng hormones gây căng thẳng ở những người này cao hơn 40% so với các cặp vợ chồng ở nhóm một.

Giải pháp: Đừng để bản thân bị lôi cuốn bởi những cuộc tranh cãi dễ gây căng thẳng và bực tức.

5. Không mang theo viết. Luôn mang theo một cây viết bên mình có thể giúp bạn phần nào loại bỏ nhiều virus.

Các tác nhân gây cảm lạnh thường tiếp xúc với cơ thể người qua bàn tay. Do đó việc bạn dùng viết "công cộng" như ở ngân hàng, sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Việc sử dụng viết riêng sẽ hạn chế sự tấn công của virus gây bệnh.

Giải pháp: Mỗi sáng thức dậy, trước khi rời khỏi nhà và đến nơi làm việc bạn cần nhớ mang theo viết và mang nó theo bên mình khi bạn đi bất cứ nơi nào, đồng thời hạn chế sử dụng bút của người khác.

6. Ít vận động. Ít vận động cũng là một trong những tác nhân "nhanh nhất" làm bạn thường xuyên đau ốm. Đây là kết quả từ những người ít vận động và những người thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Giải pháp: Các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta nên dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao. Vận động sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu đồng thời tăng cường hệ miễn dịch.

7. Hút thuốc thụ động. Không ai có thể phủ nhận việc hút thuốc lá gây tổn hại lớn đến sức khỏe của người hút thuốc. Không những thế, người không hút thuốc nhưng lại thường xuyên hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Theo ước tính tại Mỹ, mỗi năm có 3000 người hút thuốc thụ động chết do bị ung thư phổi và 300.000 trẻ em bị các bên liên quan đến đường hô hấp.

Giải pháp: Bạn nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người hút thuốc, đồng thời động viên khuyến khích những người hút thuốc từ bỏ thuốc lá.

8. Lạm dụng thuốc kháng sinh. Việc thường xuyên dùng thuốc kháng sinh cho dù bạn chỉ có dấu hiệu cảm nhẹ sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc hoặc các trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân thường xuyên uống thuốc kháng sinh sẽ bị giảm lượng cytokine trong cơ thể, một chất tăng khả năng kháng bệnh của hệ thống miễn dịch. Khi hoạt động của hệ miễn dịch bị ngưng trệ, cơ thể sẽ dễ phát bệnh.

Giải pháp: Chỉ nên dùng kháng sinh khi nào bạn thực sự bị các bệnh do nhiễm khuẩn và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Theo Cẩm Nhung - Phụ nữ Online/ Prevention

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X