Hotline 24/7
08983-08983

8 nỗi đau khổ của bệnh nhân ung thư vào cuối đời

Công tác chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp vơi bớt những đau khổ của bệnh nhân ung thư vào cuối đời. Tuy nhiên hiện nay việc chuyển bệnh nhân ung thư qua chăm sóc giảm nhẹ còn quá trễ, cần lồng ghép sớm vào quá trình điều trị ung thư.

Tại phiên phiên Chăm sóc giảm nhẹ thuộc Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư TPHCM lần thứ 22, diễn ra ngày 6/12/2019, nhiều vấn đề được các bác sĩ trình bày và thảo luận như: phương thức tiếp cận toàn diện nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư, các thủ thuật xâm lấn giảm đau trong ung thư, ứng dụng thang điểm báo động sớm News trong đánh giá bệnh nhân nội trú, mối tương quan giữa stress tâm lý của cha mẹ bệnh nhân nhi bị ung thư…

3 báo cáo viên (từ phải qua) đến từ Mỹ đóng góp 3 đề tài: “Tối ưu hóa điều trị duy trì sự sống: Nguyên tắc thực hành y khoa và đạo đức” - GS. Eric Lewis Krakauer; “Phương thức tiếp cận toàn diện nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư thông qua các chương trình hỗ trợ” - Carolyn Taylor; “Các thủ thuật xâm lấn giảm đau trong ung thư” - Elizabeth Rickerson

Báo cáo “Kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TPHCM trong một năm (7/2017 - 8/2018)” - TS.BS Phan Vương Khắc Thái - Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

TS.BS Phan Vương Khắc Thái cho biết vào cuối cuộc đời, bệnh nhân ung thư gánh chịu 8 nỗi đau khở: những triệu chứng thực thể từ ung thư và các tác dụng phụ khác từ điều trị (đau, ho, khó thở, mất ngủ, chán ăn, buồn nôn…); chức năng thực thể (mệt mỏi, khó di chuyển, các hoạt động hằng ngày, khả năng tự chăm sóc); lo âu về tài chính (chi phí điều trị); vấn đề liên quan tới xã hội (sự giúp đỡ từ người chăm sóc, mối quan hệ gia đình); vấn đề tâm lý (lo âu, trầm cảm, suy giảm nhận thức, sảng…); vấn đề tâm linh (hi vọng, sợ hãi, suy nghĩ về sự tồn tại); vấn đề di sản và mất mát (sự chuẩn bị của gia đình); và chăm sóc khi cái chết sắp xảy đến (nơi chết, kéo dài sự sống).

BS Thái cho biết trong 75 ca được chẩn đoán là ung thư và được điều trị tại đơn vị Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, kết quả cuối cùng có 52 ca (69,3%) được xuất viện với tình trạng lâm sàng ổn định. Tuy nhiên chỉ có 11 ca (21,2%) tiếp tục theo dõi tại phòng khám, những người còn lại có thể đã tìm đến phương pháp điều trị khác như thuốc nam, thuốc bắc. Có 17 ca (22,7%) bệnh nặng xin về. 6 ca (8%) chuyển sang đơn vị khác tiếp tục điều trị hóa trị, xạ trị.

ThS.BS.CK2 Quách Thanh Khánh - Bệnh viện Ung bướu TPHCM trình bày đề tài “Lồng ghép chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư”

Chăm sóc giảm nhẹ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm triệu chứng và tăng sự hài lòng. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ còn quá trễ, trung bình khoảng 30-60 ngày trước khi chết.

Một trong những rào cản trong việc chuyển bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ là hiểu lầm cho rằng việc này chỉ dành cho giai đoạn cận tử, khi bệnh nhân không còn đáp ứng với điều trị. Có những bác sĩ lo ngại việc chuyển bệnh nhân sang chăm sóc giảm nhẹ sẽ làm mất đi hi vọng của họ và gia đình. Do đó, việc chăm sóc giảm nhẹ nên được lồng ghép từ sớm, bệnh nhân không cần chọn lựa giữa điều trị ung thư và điều trị nâng đỡ/ chăm sóc giảm nhẹ, điều này sẽ giúp tối ưu hóa về chất lượng và kéo dài thời gian sống dưới một mô hình chăm sóc đồng thời.


“Ứng dụng thang điểm báo động sớm News trong đánh giá bệnh nhân nội trú” - CNĐD. Dương Thị Ngọc Nhung - Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Đối với bệnh nhân nội trú, việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn là rất cần thiết để phát hiện sớm các thay đổi sinh lý, bệnh lý. Việc này mang lại cơ hội được điều trị sớm và đúng mức cho bệnh nhân, cải thiện các nguyên nhân tử vong không do ung thư. Thang điểm NEWS được giới thiệu vào năm 2012, sử dụng việc tính điểm và màu sắc để ghi nhận cảnh báo 7 dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân: nhịp thở, SpO2, huyết áp tâm thu, mạch, tri giác, nhiệt độ, bệnh nhân cần thở oxy.

Trong thời gian áp dụng thang điểm NEWS từ tháng 3 đến tháng 8/2019 tại khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, kết quả có 80% trường hợp theo dõi cần có sự can thiệp xử trí của bác sĩ, và hơn 50% can thiệp đạt hiệu quả.

Thang điểm NEWS cho phép đánh giá tình trạng bệnh nhân nội viện một cách rõ ràng, khách quan, hạn chế bỏ sót trường hợp cần xử trí sớm hoặc khẩn cấp. Thang điểm này có tính khả thi cao khi ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên còn có một số khó khăn như: cần mở lớp hướng dẫn nhân viên y tế, cơ sở cần trang bị đầy đủ các phương tiện theo dõi bệnh nhân và cả máy in màu.

Hồng Nhung
Ảnh: Trung Úy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X