Hotline 24/7
08983-08983

7 điều cần biết về bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường là các tổn thương tại thận do đái tháo đường. Cứ 4 người bệnh đái tháo đường lại có 1 người mắc bệnh thận.

Tại sao đái tháo đường có thể dẫn tới bệnh thận?

Đường huyết tăng cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong thận. Ban đầu, những tổn thương này sẽ làm các lỗ lọc của thận to lên, gây lọt protein ra nước tiểu (đạm niệu). Lâu dần sẽ gây phù, ngứa, tăng huyết áp… cuối cùng gây suy thận nặng. 

Bệnh thận đái tháo đường nguy hiểm thế nào?

Công việc chính của thận là lọc, thải bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi máu thông qua nước tiểu. Ngoài ra, thận cũng giúp kiểm soát huyết áp và tạo ra các hormone cần thiết để cơ thể có thể hoạt động một cách ổn định.

Khi thận bị tổn thương, chúng sẽ không thể lọc máu hiệu quả. Điều này khiến các chất thải tích tụ trong cơ thể, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Mắc bệnh thận đái tháo đường khiến người bệnh không thể lọc máu hiệu quả


Điều trị bệnh thận đái tháo đường rất khó khăn. Người bệnh có nguy cơ bị suy thận sau 5 năm kể từ khi phát hiện biến chứng. Khi này buộc phải lọc thận nhân tạo hoặc thay thận.

Ai có nguy cơ cao mắc bệnh thận?

Tất cả người bệnh đái tháo đường lâu năm đều có nguy cơ mắc bệnh thận. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu người bệnh có một trong các yếu tố sau: Tăng huyết áp, mỡ máu, hút thuốc lá, ăn nhiều muối, lười vận động, thừa cân, béo phì, có bệnh tim hoặc có người nhà bị suy thận.

Dấu hiệu nhận biết bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi thận bị tổn thương nhiều. Một số người bệnh có thể có biểu hiện: Mệt mỏi; Huyết áp tăng bất thường; Nước tiểu sủi bọt, có mùi hoặc có máu; Phù chân; Ngứa da…

Bệnh thận đái tháo đường có thể gây mệt mỏi, tăng huyết áp...


Vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện sớm biến chứng thận là đi khám sức khỏe thường xuyên.

Làm thế nào phát hiện được bệnh thận?

Bệnh thận đái tháo đường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm albumin niệu 3 lần liên tiếp trong vòng 3 - 6 tháng. Nếu 2/3 mẫu nước tiểu đều dương tính với microalbumin niệu (từ 30 - 300µg/mg) thì bạn đã bị bệnh thận đái tháo đường.

Bệnh thận đái tháo đường có nặng lên theo thời gian?

Tổn thương thận do đái tháo đường có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian và dẫn tới suy thận - tình trạng thận mất hầu hết khả năng hoạt động, chỉ còn dưới 15% chức năng thận thông thường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phòng ngừa suy thận nếu có thể kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường.

Làm sao để phòng ngừa bệnh thận do đái tháo đường?

Ổn định đường huyết:

Kiểm tra đường huyết thường xuyên và thực hiện những thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết sẽ giúp bạn ngăn ngừa biến chứng thận. Tốt hơn hết, người bệnh đái tháo đường nên cố giữ chỉ số HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng) dưới 7%.

Kiểm soát huyết áp, mỡ máu:

Hầu hết người bệnh đái tháo đường nên giữ huyết áp dưới 130/80mmHg, chỉ số cholesterol “xấu” LDL dưới 2,6mmol/L, chỉ số cholesterol “tốt” HDL lớn hơn 1mmol/L, tryglicerid nhỏ hơn 1,7mmol/L. Bạn có thể trao đổi với bác sỹ để dùng thêm thuốc hạ huyết áp, giúp giảm tổn thương cho thận.

Duy trì lối sống lành mạnh:

Người bệnh đái tháo đường nên bỏ thuốc lá, hạn chế muối ăn (natri), tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng ổn định, ngủ đủ 7 - 8 tiếng/đêm để ổn định đường huyết, huyết áp, giúp phòng ngừa biến chứng thận đái tháo đường.

Kiểm tra microalbumin niệu định kỳ:

Người bệnh đái tháo đường type 2 nên xét nghiệm microalbumin niệu ngay khi phát hiện bệnh, còn người bệnh type 1 nên kiểm tra sau 5 năm mắc bệnh, sau đó đo lại hàng năm.

Theo Vi Bùi - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X