Hotline 24/7
08983-08983

7 bước dạy con có tính trách nhiệm

Bà Phan Lan Hương - Chuyên viên tư vấn - Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chia sẻ với các phụ huynh về 7 bước dạy con có tính trách nhiệm, để giúp trẻ biết quan tâm đến người thân, cộng đồng, biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm và cuộc đời của chính mình.

Nhiều lần, kể cả nửa đêm hay sáng sớm cũng nhận được ib của phụ huynh về nội dung: “Con nhà chị nó ích kỷ quá, nó cho rằng mình có quyền với tất cả mọi người xung quanh kể cả với bố mẹ hay ông bà, nhưng mọi người không được phép làm trái ý nó. Ai làm nó phật ý 1 chút thôi là nó nhảy lên đành đạch gào hét rất quan trọng. Giờ chị biết cần phải chỉnh sửa nó nhưng không biết phải làm gì”…

Việc một đứa trẻ không biết chia sẻ, không biết thông cảm cho những người xung quanh là hiện tượng phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay. Cứ bảo gia đình có 1 con, đứa trẻ đó sẽ dễ trở nên ích kỷ, không biết quan tâm, không có tính trách nhiệm và chia sẻ nhưng không phải vậy, kể cả ở những gia đình có nhiều hơn một đứa con cũng rơi vào tình trạng đó.

Vậy nguyên nhân từ đâu?

Phần lớn đều bắt nguồn từ mối quan hệ gia đình và giáo dục của gia đình.

Hàng xóm kế bên nhà tôi khó khăn trong việc sinh nở. Sau 3 năm lấy chồng không có con, gia đình nhà chồng gây khó dễ và cô đã ly dị chồng. 43 tuổi cô ấy “xin” được đứa con trai (cả làng xì xào này nọ, đến nỗi mẹ chồng cũ cũng lôi cô ấy ra chửi vì cô ấy làm mất mặt nhà bà ấy, mặc dù lúc này chẳng còn liên quan).

Làm mẹ đơn thân nên cô rất vất vả làm nhiều công việc để nuôi con. Khi 5, 6 tuổi thằng bé ấy phải làm rất nhiều việc trong gia đình và cho bản thân nó: tự tắm gội, tự quét dọn nhà cửa, nấu ăn. Lớn lên tí nữa nó làm hết việc lớn đến việc nhỏ cũng chả kêu ca gì, cũng chả đòi hỏi gì cứ sắp xếp công việc trong nhà tỷ mỷ, đầy đủ. Giờ thằng bé ấy nó giống như một người chồng quốc dân. Bà vợ hàng xóm nào cũng thèm về sự chu đáo và quan tâm, chăm sóc đến gia đình vợ con.

Kế bên nhà tôi cũng có một nhà cô ấy đẻ sòn sòn 5 đứa con gái, mãi mới tòi ra được một cái mẩu thuốc lá. Cô ấy chiều cái mẩu thuốc lá này lắm. Cả nhà lao vào phục vụ không để nó thiếu thốn điều gì. Con chị 10 tuổi, 8 tuổi... phải chui vào bếp thổi lửa nấu cơm toét mắt, trông lũ em lóc nhóc bế vẹo xương sườn, vừa nấu cơm vừa cắp em 1 bên nách và chăm cả mấy con lợn, gà, chó má các kiểu...

Khi lớn lên, mấy con chị kia sống rất trách nhiệm. Có của ngon vật lạ là nghĩ đến việc chia sẻ liền. Còn thằng em giờ đã nhiều tuổi rồi, đã có gia đình rồi nhưng vẫn nằm trên ghế sofa và gọi bà mẹ gần 70 tuổi: “Mẹ, lấy cho con cốc nước!”. Ý kiến của anh ta là số 1 không được ai góp ý, anh ta nói gì phải nghe vậy… Nghe nói đâu, anh ta cũng chuyển nhiều cơ quan lắm rồi vì “chỗ nào cũng không hợp, toàn bọn không thể nói chuyện được”.

Ai cũng sẽ thấy hình ảnh của “mẩu thuốc lá” kia trong gia đình thời buổi “ăn no ngủ kỹ nắng không đến đầu, mưa không dính chân” của “con vàng con bạc” hiện nay.

“Tôi cho đi tập tu cả mấy khóa trên chùa, đi học kỳ quân đội cả mấy chục triệu, tôi cho đi học kỹ năng sống ở những trung tâm xịn sò” nhưng ... biết đâu rằng chính cách giáo dục, ứng xử trong gia đình lại đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính trách nhiệm của một đứa trẻ.
Nếu trên lớp cô giáo dạy học sinh: ra đường thấy đèn đỏ là phải dừng lại nhớ chưa các con?

Đứa bé dạ vâng học rất thuộc bài.

Bố đón đi học về, thấy đèn đỏ bấm còi ầm ĩ phóng vèo qua. Thử hỏi, mấy cái kỹ năng tốt đẹp kia còn đọng lại chút gì trong hành vi ứng xử của chúng?

Đứa trẻ học tính trách nhiệm đôi khi từ những hành vi ứng xử rất nhỏ trong gia đình, giữa bố mẹ với nhau, giữa bố mẹ với con cái và giữa bố mẹ với những người lớn tuổi khác trong gia đình, thậm chí đối với cả những người xung quanh trong xã hội …

1. Hãy cho tụi trẻ biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình. Từ việc tắm gội, tự đi ngủ, học hành, giờ giấc ...

Một đứa trẻ không biết tự chăm sóc cho bản thân mình, nó còn biết chăm sóc, lo lắng cho ai? Một đứa trẻ biết chăm sóc cho bản thân mình đồng thời cũng sẽ biết lo cho người khác xung quanh, bởi vì nó đã có sẵn tính tự giác và sự chia sẻ, có tính trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày, nó biết cái gì tốt và cái gì là không tốt, nó biết làm điều gì sẽ tốt cho bản thân và cả những người khác.

Nhiều đứa trẻ 9, 10 tuổi không biết tự tắm giặt phải để ông bà, bố mẹ tắm. Nhiều đứa trẻ học lớp 2, 3 không tự giác ăn uống phải người khác xúc, bón. Nhiều đứa trẻ lớn đùng học lớp 10, 11 không biết nấu nổi cơm ăn khi bố mẹ vắng nhà rồi ngay cả việc chăm sóc sức khỏe bản thân như thức khuya, ăn uống không điều độ…

Vì vậy, giúp con biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình từ những việc rất nhỏ, từ khi còn nhỏ là điều nên làm, đừng để con lớn rồi mới bắt đầu cằn nhằn và mệt mỏi vì những việc đáng lẽ nó tự lo cho bản thân thì bố mẹ mọi người xung quanh phải làm hoặc phải nhắc nhở liên hồi kỳ trận: con đi tắm đi, con đi ăn cơm đi, con đi ngủ đi… khiến cả đứa trẻ và mọi người xung quanh đều cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Lúc ấy đã muộn rồi.

2. Biết chăm sóc và quan tâm cho bố mẹ và những anh chị em từ khi còn nhỏ

Một anh bạn của tôi kể: Hai đứa trẻ nhà anh một đứa 17 tuổi và một đứa 7 tuổi. Nghĩ đẻ xa xa ra chắc sẽ nhàn vì đứa lớn sẽ biết trông đứa bé, giúp được một số việc, nó độc lập hơn nên mình sẽ được nhàn. Nhưng mong muốn ấy của anh không thành hiện thực. Chị lớn giờ kèn cựa với em từng miếng ăn, tị nạnh và soi xét những lỗi lầm của em từng tí một, so sánh sự cư xử của bố mẹ với em và nó. Hầu như nó không quan tâm tới mọi người, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Chị đi học về sớm tự lấy đồ ăn ra ăn trước, em đi học về sau mặc kệ em... không phải hồi mang bầu bì bố mẹ không chuẩn bị tinh thần cho con, cũng không phải bố mẹ cư xử chênh lệch chị em, mà từ khi còn nhỏ tới giờ nó quá được nuông chiều và không phải lo lắng cho bất cứ ai. Tất cả mọi thứ nó chỉ cần liếc mắt là đã có trong tầm tay.

Con gái chị bạn thân học lớp 6. Mẹ và bố đi công tác suốt. Bạn ấy bé như vậy nhưng chiều đi học về rẽ qua trường mẫu giáo đón em 3 tuổi, cho em ăn, tắm cho em, tự giặt quần áo và cho em ngủ không cần đến bà phải giúp. Thậm chí khi mẹ ốm đau, những việc cơ bản chăm sóc cho người ốm bạn ấy cũng biết làm: đo nhiệt độ, phân biệt thuốc giảm sốt, biết ở nhiệt độ nào thì chỉ cần chườm khăn hạ nhiệt... chị cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Biết quan tâm, chăm sóc mọi người trong gia đình từ khi đứa trẻ còn nhỏ là một phần giá trị quan trọng trong việc giáo dục trẻ có tính trách nhiệm với các thành viên trong gia đình khi đứa trẻ lớn lên. Một đứa trẻ không biết quan tâm đến mọi người xung quanh, khi lớn lên nó sẽ luôn tự cho rằng mình là cái rốn của vũ trụ, mọi người phải quay xung quanh và đáp ứng nhu cầu của mình, một đứa trẻ ích kỷ chỉ biết nhận mà không cho.

3. Giúp bố mẹ làm việc nhà

Giúp bố mẹ làm việc nhà là một phần hoạt động làm tăng mối liên kết, tính trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Đương nhiên, các thành viên khác cũng cần tham gia vào công việc này một cách công bằng chứ không có hình ảnh mẹ cặm cụi làm việc nhà còn bố và các con ngồi xem tivi trên phòng khách. Hoặc đứa trẻ làm việc còn bố mẹ ngồi chơi…

Hãy để tất cả các thành viên trong gia đình cùng nhau làm việc nhà một cách tự giác và vui vẻ, đó là sự thể hiện tính trách nhiệm, chia sẻ và sự quan tâm với nhau. Đứa trẻ khi tham gia vào việc nhà nó cũng sẽ thấy được sự vất vả của người mẹ, sự chán ngắt của những công việc như rửa bát hay phơi quần áo… và con sẽ thấy được giá trị lao động của những người lớn trong gia đình mà con cần phải chia sẻ với họ.

Muốn làm được như vậy, mọi người trong gia đình cần phải có sự phân công công việc rõ ràng, dần rồi trở thành tính tự giác và tính trách nhiệm đối với công việc được giao… “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình” đúng như lời Bác Hồ dạy. Đừng bao giờ làm hết việc trong gia đình và hãy bỏ qua quan điểm: làm cố một tí cho xong, ôi trời nó nhiều bài tập lắm, nó còn phải học bài…

4. Người lớn trong gia đình cũng cần phải có sự quan tâm với nhau

Sự quan tâm ở đây không chỉ thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động mà còn là không khí yêu thương trong gia đình.

Anh bạn tôi kể: Anh đi nhậu say xỉn và mò được về đến nhà là cả một kỳ tích. Dựng được xe là lao vào nhà vệ sinh như một cơn gió. Con trai và con gái anh chạy theo nhìn bố và phá lên cười như bố đang diễn một trò vui vậy. Rồi chúng bỏ đi không một hành động hỗ trợ trong khi bố mềm nhũn người vì mệt. Sau tối đó anh suy nghĩ rất nhiều và quyết định đón bọn trẻ từ bên nhà vợ về nuôi dưỡng.

Hai vợ chồng anh li hôn và 2 con ở cùng vợ. Vợ anh là người sống vô trách nhiệm với mọi người xung quanh. Khi còn chung sống, trong lần anh bị ốm nằm nhà cô ấy đã bỏ đi du lịch cùng bạn bè 1 tuần để bọn trẻ ở nhà với bố. Mặc dù cái tủ lạnh cô ấy mua đầy ắp thức ăn nhưng không thể nào bù đắp được sự quan tâm, yêu thương và trách nhiệm với với cả 3 bố con.

Trẻ con cảm nhận và học được từ người lớn rất nhiều. Đôi khi học từ một cái nhíu mày, một ánh mắt nhìn hằn học, một cái nắm tay đầy sự an toàn và yêu thương...

5. Sự chia sẻ với những người xung quanh...

Những tập nhiễm ngoài xã hội không có nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của một đứa trẻ nếu gia đình của nó có một nền tảng vững chắc giống như một cái khiên bảo vệ con khỏi những bão giông bên ngoài cuộc sống. Sự chia sẻ cần phải xuất phát từ trái tim, sự chân thành chứ không phải là sự khoe mẽ hay vì một mục đích nào khác.

Hôm trước tôi ngang qua một ngã tư giữa trưa nắng một bà cụ ăn xin ngồi bên vỉa hè. Một chị chở con dừng đèn đỏ thấy bà cụ ngồi sát cạnh chỗ xe dừng. Chị ái ngại rút trong túi ra 10k đưa cho con. Đứa trẻ cầm tiền ngồi trên xe với tay ra ném vào cái nón của bà cụ, chẳng may đồng 10k bay vèo xuống đất. Con bé ngoái nhìn đồng tiền rồi định tụt xuống xe nhặt tiền lên nhưng mẹ nó lắc xe mạnh một cái khiến đứa bé giật mình sợ ngồi im trở lại. Tiếng mẹ nó càu nhàu: “Bà ấy nhặt được, con xuống nhỡ ngã 1 cái thì chết à? Ngồi im đi!”, rồi chả hiểu sao rồ ga vượt đèn đỏ đi luôn.

Tôi đang cảm thấy có gì đó sai sai thì nghe tiếng nhắc con nghiêm khắc của một người mẹ đỗ ngay phía sau tôi: “Con xuống xe đưa cho bà tử tế”. Nghe vậy tôi xoay gương để nhìn rõ hơn hai mẹ con ấy. Đứa trẻ khoảng 7 tuổi vất vả trượt xuống khỏi yên xe, tiến lại gần bà cụ hơi cúi đầu xuống và trân trọng để tiền vào chiếc nón đã cũ... Hai cách ứng xử sẽ cho cuộc sống thêm những con người có những giá trị nhân cách và tâm hồn khác nhau.

6. Chịu trách nhiệm từ lời nói, hành vi và ứng xử của mình

Một đứa trẻ khóc và kể với tôi như thế này: “Bố con rất điêu. Bố rõ là làm vỡ cái bình của ông vậy mà khi ông hỏi, bố bảo luôn là do con mèo nhảy vào làm vỡ. Mấy lần như thế nên sau lần này ông đã bán con mèo của con rồi”. Con hỏi bố: “Sao bố lại nói điêu như thế?” Bố chối lại còn bảo: “Con muốn bố bị ông chửi hay con mèo bị chửi? Bố là bố của con đấy, con không thương bố hay sao?”

Khi bạn dạy con bạn về tính chịu trách nhiệm với bản thân và người khác thì bạn cũng phải giữ được đúng giá trị đó với con bạn, với những thành viên khác trong gia đình, điều đó sẽ giúp con bạn hiểu và học được về sự công bằng, sự chịu trách nhiệm trước lời nói, hành vi của mình với bản thân và mọi người xung quanh.

Một đứa trẻ không dám nhận trách nhiệm, sẽ luôn trốn tránh sự gánh vác và những khó khăn, nó sẽ biết nói dối và phủ nhận những việc làm, lời nói đem lại những bất lợi cho nó, sự cam kết của đứa trẻ sẽ không bền vững. Điều này sẽ đem lại những khó khăn cho chính cuộc sống và giao tiếp của đứa trẻ về sau này và bạn sẽ cảm thấy buồn khi đứa trẻ khi lớn lên ứng xử với bạn như vậy.

Một đứa trẻ không có trách nhiệm thì bất cứ việc gì cũng sẽ thành kiểu làm cho người khác: học cho bố mẹ, làm cho bố mẹ... Ví dụ như: kêu gọi như hò đò về việc đi học đi, nhưng cứ đủng đỉnh từ từ đã. Cứ phải nhắc mỏi miệng mới ngồi vào bàn học, cảm giác này bố mẹ nào gặp phải sẽ hiểu luôn thôi, khác với việc tự giác học (có trách nhiệm) bố mẹ thật nhẹ lòng.

7. Quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình

Sự quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình cũng là một bài học cho con bạn có tính trách nhiệm với mọi người xung quanh. Giờ đây, các bố mẹ hay than vãn rằng: tụi trẻ giờ sống thật vô cảm. Nó không quan tâm đến bố mẹ nghĩ gì, xã hội nghĩ gì và cảm thấy như thế nào, nó thích là nó làm. Bố mẹ đau ốm nó cũng chẳng quan tâm, mẹ đi làm rồi về nhà làm đủ thứ việc nó cũng mặc kệ không quan tâm mẹ có mệt không? Bố có mệt không?

Một đứa trẻ từ nhỏ không được quan tâm đến cảm xúc, đó là sự thiệt thòi rất lớn. Sợ áp đặt của người lớn đối với con trẻ trên mọi phương diện cũng khiến chúng bị sang chân tâm lý.

Cách đây một thời gian, tôi nhận được tin nhắn của một em nhỏ trong lúc tôi không online: “Cô ơi…” . Khi tôi đọc được tin nhắn của em, tôi trả lời: “Cô nghe con nói đây” tôi thấy em đọc tin nhắn của tôi nhưng không trả lời. Tôi nhắc lại câu nói của mình: “Cô giúp được gì cho con không?” lại một hồi lâu sau im lặng em mới trả lời tôi: “Con cảm thấy đủ rồi, vậy là đủ cho con rồi, cuối cùng con cũng có người chịu nghe con”.

Sự cô đơn trong chính gia đình mình đã khiến nhiều đứa trẻ chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm và có ý định tự sát. Đó chỉ là một vấn đề nhưng bên cạnh đó, sự không quan tâm đến cảm xúc của mọi người trong gia đình khiến không khí gia đình trở nên nhạt nhoà và dần trở nên không có sự gắn kết và sự vô trách nhiệm cũng từ đó xuất hiện.

- Con hôm nay cảm thấy thế nào? Dường như mẹ thấy con mệt mỏi?

- Con ngã có đau không?

- Con cảm thấy thế nào khi cuối tuần này nhà mình cùng đi ăn bên ngoài?

- Mẹ thấy món ăn này con nấu rất ngon, mẹ rất thích và rất vui.

Không ngại ngần chia sẻ cảm xúc của mình và quan tâm đến cảm xúc của các thành viên trong gia đình nhé các bố mẹ…

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X