Hotline 24/7
08983-08983

6 suy nghĩ sai lầm về căn bệnh giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh phức tạp từ các triệu chứng và biểu hiện của bệnh cho đến giải pháp điều trị và ăn uống như thế nào cho thật hiệu quả. Chính vì vậy, việc người bệnh thường hay lầm tưởng và có những suy nghĩ sai lầm về căn bệnh này là điều không thể tránh khỏi.

1. Không nổi gân xanh là không bị bệnh giãn tĩnh mạch chân
 
Có nhiều người vẫn thường hay lầm tưởng những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chân phổ biến là: đau chân, nặng chân, rát chân, các vết gân xanh nổi lên nhiều ở chân chính là báo hiệu rằng bạn đã mắc giãn tĩnh mạch chân. Và ngược lại nếu như không có những triệu chứng như trên thì cũng đồng nghĩa rằng đôi chân của bạn vẫn đang khỏe mạnh và không hề mắc giãn tĩnh mạch chân.

Giãn tĩnh mạch sâu sẽ không xuất hiện gân xanh
Giãn tĩnh mạch sâu sẽ không xuất hiện gân xanh

Thế nhưng, sự thật thì đó lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Quả thực những dấu hiệu như: nặng chân, đau chân, nổi nhiều gân xanh là đặc trưng của chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nhưng cần phải hiểu rõ rằng suy giãn tĩnh mạch chân được chia làm 2 loại là: giãn tĩnh mạch nông và giãn tĩnh mạch sâu. Nếu người bệnh mắc chứng giãn tĩnh mạch nông thì các dấu hiệu như trên sẽ xuất hiện, và trường hợp còn lại là nếu mắc chứng giãn tĩnh mạch sâu thì các vết gân xanh sẽ không nổi lên. Cần phải phân biệt rõ ràng những dấu hiệu này để có thể nắm bắt được tình trạng bệnh sớm nhất.

2. Gân xanh càng nhiều bệnh càng nặng

Thường thì khi mắc giãn tĩnh mạch nông, các dấu gân xanh sẽ nổi lên và ngày một nhiều hơn, chính vì thế nó khiến cho người bệnh mang tâm lý hoang mang, sợ là bệnh đang nặng lên dần. Thế nhưng sự thật thì mức độ nặng nhẹ của chứng bệnh giãn tĩnh mạch chân lại không thể đánh giá qua các vết gân xanh nổi lên.

Thực tế đã có không ít các trường hợp, mặc dù nổi rất nhiều gân xanh nhưng các triệu chứng đi kèm khác lại rất ít, thậm chí là không có nên vẫn có thể sinh hoạt và đi lại một cách bình thường. Còn những bệnh nhân tuy các vết gân xanh nổi lên không nhiều nhưng lại kéo theo các triệu chứng đi kèm như: nặng chân, đau chân, nhức chân, loét chân...làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe. Thậm chí làm mất đi khả năng đi lại sinh hoạt của người bệnh.

3. Chỉ cần điều trị giãn tĩnh mạch chân cho đến khi hết triệu chứng

Một điều mà các bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch chân cần phải hiểu rõ rằng, giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh mãn tính, chính vì vậy mà các giải pháp điều trị căn bệnh này sẽ không thể dứt điểm hoàn toàn. Quá trình phát triển của bệnh diễn tiến theo thời gian, do đó các phương pháp điều trị chỉ làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh, ngăn ngừa nguy cơ bệnh xảy ra các biến chứng nặng nề, từ đó giúp người bệnh lấy lại dần khả năng sinh hoạt như bình thường và cải thiện cuộc sống của người bệnh.

Giãn tĩnh mạch chân cần điều trị lâu dài và liên tục
Giãn tĩnh mạch chân cần điều trị lâu dài và liên tục

Do đó khi điều trị căn bệnh này cần phải kiên trì, nếu có sử dụng các loại thuốc thì phải duy trì đều đặn trong một thời gian dài, tuyệt đối không nên dừng thuốc khi thấy các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm. Bên cạnh đó cũng cần thực hiện các chế độ ăn uống khoa học và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ một cách nghiêm ngặt.

4. Phẫu thuật, chích xơ, đốt laser...sẽ làm khỏi bệnh hoàn toàn

Những biện pháp điều trị như: phẫu thuật, chích xơ, đốt laser...có thể cải thiện tình trạng bên ngoài của bệnh và làm cho các vết gân xanh biến mất, giúp cải thiện vấn đề về thẩm mỹ. Nhưng như đã nói, giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh mãn tính, thế nên bệnh sẽ không được điều trị dứt điểm hoàn toàn bằng những phương pháp trên. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bệnh tái phát trở lại và còn nặng hơn lúc chưa phẫu thuật. Do đó, người bệnh vẫn cần phải thực hiện theo đúng các lời khuyên của chuyên gia sau khi phẫu thuật để đề phòng chứng bệnh này có thể quay lại bất cứ lúc nào.

5. Không nên đi bộ khi bị giãn tĩnh mạch chân
 
Nhiều người vì các triệu chứng do bệnh gây ra như: đau chân, nặng chân, rát chân...mỗi khi di chuyển đi lại mà nghĩ rằng giãn tĩnh mạch chân cần kiêng cử và hạn chế việc đi lại để bệnh không nặng hơn. Đây chính là một trong những suy nghĩ rất sai lầm mà có không ít người mắc phải. Quả thật sự bất tiện và khó chịu là không thể tránh khỏi, thế nhưng không tập thể dục hay đi bộ sẽ làm cho bệnh lý nặng lên. Khi không tập luyện cơ vùng cẳng chân sẽ nhão và yếu làm hệ tĩnh mạch sâu mất đi khung đở sẽ suy nhiều hơn.

Đi bộ giúp hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chân rất tốt
Đi bộ giúp hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chân rất tốt

Các chuyên gia vẫn luôn khuyên bệnh nhân của mình hãy tích cực vận động, đi bộ ít nhất từ 15-30 phút mỗi ngày để việc lưu thông máu được cải thiện tốt hơn góp phẩn ảnh hưởng tích cực đến quá trình điều trị chứng bệnh này. Nếu đang đau hay phù chân nhiều chúng ta nên giảm vận động một thời gian để điều nhanh đạt hiệu quả điều trị, nhưng sau đó nên vận động trở lại.

6. Lạm dụng vớ ép y khoa 
 
Vớ ép y khoa, giúp tạo một áp lực cao ở phần thấp của chi như vậy sẽ giảm được một phần nào máu tĩnh mạch ứ đọng ở phần chân (ở người bị suy giãn tĩnh mạch sẽ có một máu tĩnh mạch chảy ngược xuống chân). Muốn đạt được kết quả này áp lực do vớ tạo ra phải đủ cao, lúc này có một phần động mạch bị ép theo. Điều này làm lượng máu động mạch nuôi dưỡng chân sẽ giảm, có thể làm teo cơ nếu mang quá thường xuyên và lâu dài.

Để tránh hiện tượng này nên mang vớ khoảng 2-3 giờ cởi ra nghỉ 2-3 giờ rồi mang lại. Người bị đái tháo đường không nên mang vớ ép y khoa vì lượng máu động mạch nuôi dưỡng chân ở những bệnh nhân này thường kém do xơ vữa động mạch.

Theo giantinhmachchan.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X