Hotline 24/7
08983-08983

6 lưu ý cần nhớ khi chăm sóc vết thương cho người bệnh đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) cần biết cách chăm sóc vết thương để hạn chế nguy cơ loét, nhiễm trùng và giúp vết thương nhanh lành hơn.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2030, ước tính sẽ có hơn 550 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh đái tháo đường. Trong số đó, khoảng 25% người bệnh sẽ có nguy cơ bị loét chân mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa biết cách chăm sóc bàn chân và vết thương đúng cách.

Để có thể ngăn ngừa biến chứng loét chân và giúp vết thương nhanh lành hơn, người bệnh đái tháo đường cần chú ý tới 6 điều dưới đây khi chăm sóc vết thương:

Đánh giá vết thương


Với người bệnh đái tháo đường, các vết thương sẽ được chia làm nhiều loại khác nhau tùy theo độ sâu và mức độ nhiễm trùng. Việc biết được các đặc điểm riêng biệt của từng loại vết thương sẽ giúp người bệnh đái tháo đường xác định được cách chăm sóc phù hợp giúp vết thương chóng lành… Nếu không xác định đúng loại vết thương, có khả năng bạn sẽ điều trị vết thương không hiệu quả, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới biến chứng đoạn chi.
Người bệnh đái tháo đường nên đánh giá vết thương để có cách chăm sóc phù hợp

Thông thường, những vết xước da, vết thương nông, không có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ), bạn có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, với các vết thương đã nghi ngờ bị nhiễm trùng, bạn cần phải tới các cơ sở y tế để được bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc cũng như dùng thêm thuốc kháng sinh để tránh/giảm nhiễm trùng.

Làm sạch vết thương

Việc làm sạch vết thương, hay loại bỏ các tế bào hoại tử trên vết thương có vai trò rất quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm lượng vi khuẩn có hại trên bề mặt vết thương, giảm áp lực và kích thích vết thương chóng lành hơn.

Với các vết thương nhỏ, bạn có thể làm sạch bằng cách rửa dưới vòi nước chảy, sau đó vệ sinh lại bằng nước muối sinh lý. Nhưng với các vết thương nghiêm trọng, bạn sẽ cần tới sự can thiệp của bác sỹ để loại bỏ các tế bào chết mà không ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh.

Kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng


Một số loại băng gạc đặc biệt có thể hỗ trợ giảm nguy cơ nhiễm trùng vết thương

Nhiễm trùng là mối quan tâm hàng đầu khi người bệnh đái tháo đường có các vết thương hở. Do nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng các vết thương hở ở người bệnh đái tháo đường khá cao nên việc chủ động kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng là rất cần thiết.

Tốt hơn hết, bạn nên trao đổi với bác sỹ để sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bôi khi có các vết thương hở, tránh tự ý sử dụng hoặc rắc kháng sinh lên vết thương. Các loại thuốc này nếu dùng đúng cách có thể giúp kháng khuẩn, ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng, nhưng khi dùng sai cách sẽ khiến vết loét ăn sâu, tạo hốc mủ và khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Người bệnh đái tháo đường cũng có thể cần sử dụng các loại băng vết thương chuyên biệt. Thông thường, các loại băng này sẽ được tẩm một số chất kháng khuẩn (có iod, polyhexamylene biguanide - PHMB) để chống nhiễm trùng, dưỡng ẩm cho da.

Cân bằng độ ẩm

Độ ẩm cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lành của vết thương. Nếu vết thương được băng đúng cách có thể giúp duy trì cân bằng độ ẩm (không quá ẩm hay quá khô), từ đó giúp vết thương mau lành hơn. Tùy vào vị trí vết thương, các bác sỹ sẽ chọn cho bạn loại băng phù hợp, ví dụ như băng gạc thông thường, băng/gạc từ hydrocoloid hay alginate.

Giảm áp lực cho vết thương

Với những vết thương hở ở chân, nếu áp lực dồn lên vết thương lớn có thể ngăn ngừa lưu thông máu và cản trở việc tự chữa lành của cơ thể. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý tránh tạo áp lực lên vết thương bằng cách hạn chế di chuyển quá nhiều, không đi giày dép quá bó vào vết thương, không băng quá chặt, kê cao chân khi nằm, ngồi…

Một vài yếu tố khác cần chú ý


Vết thương ở người bệnh đái tháo đường khó lành là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp: Tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu và sự suy giảm miễn dịch. Vì vậy, ngoài việc chú ý chăm sóc vết thương, người bệnh cần kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá… và kết hợp các giải pháp hỗ trợ bảo vệ thần kinh, mạch máu.

Theo Vi Bùi - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X