Hotline 24/7
08983-08983

500 thương binh, người khuyết tật được lắp chân giả miễn phí

Hàng trăm thương bệnh binh và người khuyết tật được lắp chân giả miễn phí tại BV Hữu nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) sáng 10/7.

Trại lắp chân giả Jaipur Foot được  Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cùng tổ chức từ thiện Bhagwan Mahaveer Viklang Sahayata Samiti (BMVSS) thiết lập tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, sáng 10/7. Trại hoạt động suốt tháng 7 và 8, nhằm lắp chân giả miễn phí cho thương bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam.

7 kỹ thuật viên dẫn đầu bởi ông D.R.Mehta, người sáng lập và bảo trợ của tổ chức BMVSS có mặt tại BV Hữu Nghị Lạc Việt. Hàng trăm bệnh nhân được các chuyên gia này khám sàng lọc và chọn lắp chân giả.

Bác sĩ lắp chân giả cho một thương binh. Ảnh: N.T


Ý tưởng tổ chức Trại lắp chân giả nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Hiền, Phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng 3, Phu nhân Nguyễn Thị Hiền đã đến thăm trung tâm Jaipur Foot của BMVSS tại New Delhi và chứng kiến các hoạt động cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cũng như lắp chân giả. Phu nhân Nguyễn Thị Hiền bày tỏ nguyện vọng về chương trình giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam để họ có thể phục hồi chức năng nhờ chân giả Jaipur Foot.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên Dự án lắp chân giả Jaipur thực hiện theo hiệp định ký kết giữa Bộ Ngoại giao Ấn Độ và tổ chức BMVSS tháng 11/2017. Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish nhấn mạnh ý nghĩa tốt đẹp của Trại lắp chân giả Jaipur Foot trong việc hỗ trợ thương bệnh binh và người khuyết tật Việt Nam.

BMVSS được thành lập vào năm 1975, là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người tàn tật và giúp họ phục hồi khả năng di chuyển. Kể từ khi thành lập, tổ chức này đã hỗ trợ hơn 1,71 triệu người tàn tật tại Ấn Độ. Đây là tổ chức hỗ trợ người tàn tật lớn nhất thế giới. Tất cả dịch vụ dành cho người tàn tật do tổ chức thực hiện đều miễn phí.

Chân giả Jaipur là loại chân giả được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Loại chân giả này hỗ trợ người cụt chân từ đầu gối trở xuống có thể đi, chạy, trèo cây, lái xe và ngồi xổm. Những người bị cụt chân từ đầu gối trở lên đều cũng có thể thực hiện hầu hết các động tác này.

Chương trình phát triển sản phẩm đầu gối giả Jaipur có sự tham gia của trường đại học Stanford, Mỹ. Báo TheTime đã bình chọn loại chân giả này là một trong 50 phát minh tốt nhất vào năm 2009. Trong dự án này, cả hai loại chân giả Jaipur và đầu gối Jaipur sẽ được sử dụng.

Theo Lê Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X