Hotline 24/7
08983-08983

5 nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2

Bệnh đái tháo đường typ 2 xảy ra khi cơ thể mất khả năng sử dụng insulin để chuyển hóa glucose huyết thành năng lượng cho tế bào.

Lượng glucose huyết tích tụ trong cơ thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, đột quỵ, tăng huyết áp…Bệnh thường không có biểu hiện, triệu chứng rõ rệt cho đến khi đã chuyển biến nặng. Thế nên, bạn cần thận trọng, thường xuyên kiểm tra mức glucose huyết nếu thuộc một trong năm nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2.

Người thừa cân và ít vận động

Người thừa cân và béo phì là nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường typ 2
Người thừa cân và béo phì là nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường typ 2

Người thừa cân và béo phì là nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường typ 2. Cơ thể bạn càng có nhiều mô mỡ thì các tế bào càng trở nên kháng insulin. Tình trạng này dẫn đến dung nạp glucose kém, một triệu chứng của bệnh tiền đái tháo đường. Nếu bị thừa cân, béo phì, bạn nên lập một chế độ ăn hợp lý, hạn chế chất bột, đường, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như hoa quả, rau xanh, thực phẩm nguyên hạt. 

Ít vận động cũng khiến bạn trở thành đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2. Hoạt động thể chất điều độ vừa giúp bạn giảm cân nặng, vừa chuyển hóa glucose huyết thành năng lượng hoạt động, tăng sự nhạy cảm của tế bào với insulin. Bạn nên dành khoảng 30-45 phút mỗi ngày cho việc thể dục như đi bộ, đạp xe, bơi, yoga…

Tiền sử gia đình và tuổi tác

Ít ai nghĩ tuổi tác và tiền sử bệnh trong gia đình cũng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh người từ 40 tuổi trở lên dễ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Đặc biệt, độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa, một phần do lối sống ít vận động, ăn uống không lành mạnh, một phần do di truyền từ gia đình. Nếu người thân trong gia đình đã từng bị đái tháo đường typ 2 thì bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này. Do đó, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi mức glucose huyết để chủ động phòng ngừa và chẩn đoán bệnh.

Người bệnh tăng huyết áp hoặc có huyết áp cao

Từ lâu, giới y học đã ghi nhận mối liên hệ giữa bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, nhất là đái tháo đường typ 2. Theo số liệu từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ (ADA), khoảng 60% người bệnh đái tháo đường được chẩn đoán tăng huyết áp, hoặc phải dùng thuốc giúp ổn định huyết áp. Mức glucose huyết tăng cao (một biểu hiện thường thấy ở người bị đái tháo đường) được cho là nguyên nhân làm giảm dưỡng chất nitric oxide (NO) trong hệ động mạch, về lâu về dài sẽ gây xơ vữa thành động mạch và dẫn đến tăng huyết áp. Ở chiều hướng ngược lại, bệnh tăng huyết áp cản trở luồng máu lưu thông đến thận, làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Cách tốt nhất là bạn nên đi tầm soát tăng huyết áp, kết hợp kiểm tra glucose huyết để sớm chẩn đoán, điều trị bệnh.  

Lượng Cholesterol và triglycerides bất thường

Nếu cơ thể thiếu cholesterol HDL (loại cholesterol tốt, vận chuyển cholesterol về gan để đào thải ra ngoài), hoặc có hàm lượng triglycerides (một loại chất béo trong máu) cao thì bạn cũng thuộc nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2. Bằng phương pháp xét nghiệm máu, bác sĩ có thể dễ dàng xác định nồng độ cholesterol HDL và triglycerides trong máu, từ đó nhanh chóng chẩn đoán bệnh và can thiệp kịp thời.  

Phụ nữ bị đái tháo đường đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ khá phổ biến và đôi khi chiếm 3% - 20% số trường hợp mang thai (theo số liệu từ Hiệp hội Đái tháo đường Canada). Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường và sinh con khỏe mạnh. Thai phụ được khuyên nên đi khám thai đúng hẹn, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tập thói quen sống lành mạnh trong giai đoạn mang thai.

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X