Hotline 24/7
08983-08983

5 năm đau đớn của cậu bé ‘người cóc’

Mắc bệnh lạ từ ngày 2 tháng tuổi, cậu bé Chung Ngọc Thuyên ( 5 tuổi, ở Pác Táng, Hồng Sỹ, Hà Quảng, Cao Bằng) lúc nào cũng sần sùi, mọc mủ.

Sinh ra được 2 tháng, cậu bé Thuyên xuất hiện nhiều mụn đỏ rồi mưng mủ. Dần dà, Thuyên cứ lớn, mụn mọc càng nhiều, toàn thân lở loét, đóng vảy.

Cứ hết đợt này bóc đi, đợt mủ sau đã ập tới. Cứ mỗi lần mẹ bôi thuốc, cậu bé lại khóc tức tưởi vì đau đớn. 

5 năm đau đớn của cậu bé ‘người cóc’
5 năm đau đớn của cậu bé ‘người cóc’

Xót con, mẹ Thuyên đưa con đến bệnh viện huyện để chữa bệnh, nhà nghèo khó, khoản tiền gần 100 triệu đồng lo cho Thuyên cũng là đi vay lãi ngân hàng. 

Mỗi lần lấy thuốc, chữa trị, Thuyên đỡ hẳn nhưng dứt đợt thuốc, bệnh lại tái phát. Thế rồi nghe người ta mách, mẹ Thuyên tìm đến ông lang mua thuốc lá về cho con uống, tắm cho con. Mỗi tháng, tiền thuốc lá cũng phải hơn 1 triệu đồng, nhưng bệnh đâu vẫn hoàn đấy.

Gia cảnh cậu bé lại đặc biệt, bố bị thiểu năng trí tuệ, mẹ không sành sõi tiếng Kinh nên chỉ biết bám nương mà sống, bây giờ, khoản nợ ập đầu, nghèo khó cứ vướng lấy gia đình cậu bé người Nùng.

Vì vậy, dù muốn đưa con đi bệnh viện lớn điều trị nhưng tiền không có, mẹ Thuyên chỉ biết ôm đứa con da bong tróc, cứ khóc vì đau đớn, bị người làng gọi bằng cái tên “người Cóc”. 

Chị Nông Thị Ốn (38 tuổi)- mẹ cháu Chung Ngọc Thuyên tâm sự bằng tiếng Nùng: "Muốn đưa con đi chữa bệnh nhưng không có đồng tiền nào. Nhà cũng không có gì để bán. Tiền thì vay nhà nước về mua trâu bò để làm nương làm rẫy mới có ít ngô mang đi bán mới có tiền mua gạo về ăn”. 

“Một mình tôi nuôi 4 đứa con, chồng thì bảo gì mới làm. Vay mấy chục triệu về chữa bệnh cho con, chữa hết tiền nhưng lại bị. Bây giờ tôi cũng không biết làm gì", chị Thuyên kể. 

Trước hoàn cảnh đặc biệt của Thuyên, Bệnh viện Da liễu Trung Ương đã hỗ trợ khám chữa bệnh cho bé. Ngày 16/10, hai mẹ con dắt díu nhau xuống Hà Nội, tìm đến các bác sĩ Bệnh viện. 

Khi tiếp nhận trường hợp bé Thuyên, PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định bé Thuyên có thể mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân ở trẻ em.

Qua thăm khám có thể thấy, da toàn thân cháu bé ửng đỏ, bề mặt da có mủ lông trắng, bong nhiều vẩy. Đặc biệt, phần móng tay dầy móng, có mủ móng, hiện chưa rõ phần khớp của trẻ có bị tổn thương hay không, cái này cần khám, xét nghiệm kỹ hơn. 

“Em sẽ được nhập viện, sau đó tiến hành xét nghiệm xem trẻ có bị ảnh hưởng chức năng gan, thận hay không. Với bệnh này, liên quan chẩn đoán, bệnh nhân cần phải sinh thiết ngoài da, để có kết quả phải mất khoảng 5 ngày, trong thời gian đó, các bác sĩ sẽ điều trị triệu chứng bên ngoài, phục hồi sức khoẻ cho trẻ”, PGS. TS Lê Hữu Doanh cho biết.

PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định bé Thuyên có thể mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định bé Thuyên có thể mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân

Theo PGS. BS Doanh, hiện cháu bé có BHYT nên chi phí nằm viện, thuốc men nằm trong danh mục BHYT chi trả sẽ được BHYT hỗ trợ. Còn với tiền ăn, bệnh viện sẽ hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân. 

Ngoài ra, vẩy nến chảy mủ để điều trị thường là nhóm thuốc khá đắt tiền, nếu bệnh nhân không đáp ứng thuốc sẽ cần điều trị bằng thuốc sinh học thì chi phí có thể rất lớn. Với các xét nghiệm, thuốc nằm ngoài danh mục BHYT, sau này nếu được, bệnh viện sẽ có sự hỗ trợ.

Bác sĩ cũng cho biết, hiện nay chưa có thống kê tổng thể số bệnh nhân bị bệnh vẩy nến nhưng ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới thì có khoảng 2 - 3% dân số mắc bệnh. Bệnh vẩy nến nói chung liên quan sự mất cân bằng gen, dễ mẫn cảm và đã được chứng minh không lây, không có sự di truyền. Vẩy nến có nhiều thể, thể nhẹ không ảnh hưởng nhiều, thể nặng chiếm 5 - 10% trong số bệnh nhân mắc.

Hiện bé được nhập viện và đợi điều trị
Hiện bé được nhập viện và đợi điều trị

Đối trường hợp vẩy nến, nếu có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán thể mắc bệnh.

Đặc biệt, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn. Hiện có nhiều phương pháp khống chế, quản lý bệnh này, bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn. 

Đối vẩy nến thể mủ đã có chứng minh thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh, chưa kể, nó có thể làm kích ứng khiến trẻ khó chịu.

Đến nay vẩy nến được gọi là bệnh mãn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời, với trẻ em cần điều trị dài hơn.

Theo Gia đình mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X